Bao giờ nhà mạng cung cấp dịch vụ 5G thương mại?
Để đảm bảo sử dụng hiệu quả tài nguyên tần số, doanh nghiệp (DN) viễn thông phải sớm cung cấp dịch vụ 5G thương mại ra thị trường theo quy định hiện hành.
Giải quyết điểm nghẽn về cấp tần số
Để thúc đẩy nhanh thương mại hoá việc cung cấp dịch vụ 5G, trong thời gian qua, Bộ TT&TT đã tập trung triển khai việc đấu giá tần số. Thực hiện kế hoạch đấu giá quyền sử dụng tần số VTĐ, trong tháng 3/2024, Bộ TT&TT đã tổ chức đấu giá băng tần cho 4G/5G. Kết quả là Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) trúng đấu giá khối băng tần B1 (2500 - 2600 MHz). Trong khi đó, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) trúng đấu giá khối băng tần C2 (3700 - 3800 MHz).
Ngày 8/4/2024, Bộ TT&TT đã thông báo Viettel đã hoàn thành nộp các khoản tài chính theo quy định đấu giá quyền sử dụng tần số VTĐ, VNPT hoàn thành ngày 9/4. Số tiền đấu giá thành công cho 2 khối tần số sẽ thu về cho ngân sách hơn 10.000 tỷ đồng.
Đánh giá về đấu giá tần số lần này, ông Lê Văn Tuấn, Cục trưởng Cục Tần số VTĐ nhận định: “Đấu giá 5G vừa qua là thành công, từ góc nhìn trong nước và từ góc nhìn quốc tế. Đây là lần đầu tiên đấu giá thành công sau 15 năm vấn đề đấu giá được quy định trong luật. Đấu giá thành công cho thấy Luật Tần số VTĐ sửa đổi và Nghị định 63/2023/NĐ-CP đã nhanh chóng đi vào cuộc sống”.
Đồng thời, ông Lê Văn Tuấn cũng cho biết việc đấu giá giải quyết được điểm nghẽn là DN cần tần số mà lâu nay chưa cấp được. Số lượng tần số cấp cho di động tăng 59% so với lượng tần số các DN hiện được cấp và sử dụng để cung cấp dịch vụ (Tổng số băng tần đã cấp cho IMT trong thời gian qua là 340 MHz. Trong đợt đấu giá đã bổ sung 200 MHz, tương đương bổ sung 59% lượng tần mới so với lượng băng tần đã cấp). Với tần số được cấp mới qua đấu giá lần này, chất lượng dịch vụ di động sẽ tăng.
“Việc đấu giá khối B1 trải qua 24 vòng, khối C2 qua 17 vòng cho thấy sự nghiêm túc tham gia của các DN, tính khách quan, minh bạch của cuộc đấu giá”, Cục trưởng Cục Tần số VTĐ nhấn mạnh.
Đối với việc việc đấu giá khối băng tần C3 (3800 - 3900MHz) không thực hiện được như kế hoạch vào ngày 14/3 vừa qua, ông Lê Văn Tuấn cho biết việc đấu giá thực hiện theo quy định luật đấu giá tài sản. Trong trường hợp đấu giá tài sản công chỉ có 1 người tham gia đấu giá thì cuộc đấu giá là không thành. Khối C3 không thành vì chỉ có 1 DN tham gia đấu. Trong bối cảnh có 03 khối đem ra đấu giá mà chỉ có có 03 DN tham gia đấu thì kết quả này là khách quan và pháp luật về đấu giá cũng đã lường tới tình huống này nên cũng đã có các quy định về đấu giá lại.
Ông Lê Văn Tuấn thông tin Bộ TT&TT sẽ sớm tổ chức đấu giá lại Khối C3 trong thời gian tới theo quy định của Nghị định 63/2023/NĐ-CP (phụ thuộc vào thời điểm DN trúng C2 nộp tiền cấp quyền sử dụng tần số VTĐ). Giá khởi điểm khi đấu lại C3 là giá trúng đấu giá của khối C2.
Trao đổi về biện pháp nào để quản lý hiệu quả tiến độ triển khai 5G đối với Viettel và VNPT - các DN đã sở hữu băng tần 5G, ông Lê Văn Tuấn thông tin Luật Tần số VTĐ và Nghị định số 63/2023/NĐ-CP ngày 18/08/2023 quy định chi tiết một số điều của Luật Tần số VTĐ số 42/2009/QH12, được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 09/2022/QH15 đã có các chế tài để xử lý trong trường hợp DN vi phạm cam kết triển khai mạng viễn thông. Theo đó, khi vi phạm về số lượng trạm phát sóng VTĐ phải triển khai, DN sẽ bị đình chỉ 50% độ rộng băng tần được cấp (tương đương với 50 MHz) trong 12 tháng. Nếu hết thời hạn đình chỉ mà DN không khắc phục thì bị thu hồi giấy phép.
Giải bài toán về việc đầu tư hiệu quả cho 5G như thế nào?
Bộ TT&TT đã tổ chức đấu giá quyền sử dụng tần số VTĐ đối với băng tần 5G, là điều kiện quan trọng để DN được cấp phép chính thức kinh doanh 5G và chính thức thương mại hóa 5G. Tuy nhiên, ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông cho biết việc đầu tư 5G hiệu quả phụ thuộc vào chính định hướng kinh doanh của DN và nhu cầu của thị trường.
“Để đảm bảo sử dụng hiệu quả tài nguyên tần số và thúc đẩy DN sớm cung cấp dịch vụ 5G thương mại ra thị trường, theo quy định hiện hành, các DN phải thực hiện cam kết triển khai mạng viễn thông khi trúng đấu giá quyền sử dụng tần số”, ông Nguyễn Phong Nhã lưu ý.
Theo Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, khi xây dựng điều kiện triển khai mạng cho cuộc đấu giá tần số 5G, Bộ TT&TT đã tham vấn các DN và đặt ra yêu cầu triển khai hạ tầng trong 2 năm đầu tiên sau khi được cấp phép với mục tiêu tạo điều kiện cho DN linh hoạt đầu tư hạ tầng mạng lưới theo định hướng kinh doanh của mình cũng như đảm báo ngưởi sử dụng tại các khu vực có nhu cầu được sớm tiếp cận dịch vụ của mạng 5G và đảm bảo DN phải triển khai mạng 5G sau khi được cấp tài nguyên tần số.
Luật Viễn thông 2023 và dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Viễn thông quy định đối với việc chia sẻ, sử dụng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động, hạ tầng viễn thông tích cực để tiết kiệm chi phí đầu tư hạ tầng mạng lưới khi triển khai 5G; xây dựng quy định khuyến khích triển khai mạng dùng riêng 5G tạo điều kiện cho mạng dùng riêng 5G tại các nhà máy, khu công nghiệp,…
Đối với giá dịch vụ 5G sẽ ở ngưỡng nào so với giá các dịch vụ 4G các nhà mạng đang triển khai hiện nay, ông Nguyễn Phong Nhã cho biết: “Theo quy định về quản lý giá tại Luật Viễn thông, DN viễn thông chủ động định giá dịch vụ áp dụng đối với người sử dụng dịch vụ viễn thông, đồng thời giá dịch vụ được xây dựng dựa trên cơ sở giá thành. Giá thành dịch vụ được tính toán, hình thành từ nhiều yếu tố như quy mô cung cấp, chi phí, mức độ đầu tư,…)”.
Được biết, ngày 29/3/2023, Bộ TT&TT đã ban hành theo thẩm quyền Thông tư số 02/2024/TT-BTTTT quy định Danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ. Thông tư có hiệu lực từ ngày 15/5/2024.
Theo Bộ TT&TT, việc ban hành thông tư đã góp phần đồng bộ quy chuẩn Việt Nam áp dụng cho quản lý thiết bị trạm gốc 5G phù hợp với năng lực đo kiểm; đảm bảo quản lý trong bối cảnh Việt Nam triển khai thương mại 5G diện rộng.
Thông tư cũng nhằm đồng bộ quản lý chất lượng thiết bị thông tin vô tuyến với năng lực đo kiểm thực tiễn; đảm bảo quản lý an toàn các thiết bị thông tin hàng hải, vệ tinh,...; Sửa đổi, bổ sung các quy định về áp dụng quy chuẩn Việt Nam, quy định về chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy đối với sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 để triển khai thực thi bài bản, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu./.