Diễn đàn

6 vấn đề về dữ liệu của bất kỳ tổ chức nào và giải pháp tránh “cát cứ dữ liệu”

Anh Minh 08/10/2023 05:55

Theo các chuyên gia, quan trọng nhất là dữ liệu có thể tổng hợp lại với nhau, chuẩn hóa, hệ thống hóa, đồng bộ hóa. Để làm được điều đó, cần có chính sách dữ liệu quốc gia cũng như xây dựng kiến trúc dữ liệu nền tảng...

6 vấn đề các tổ chức, DN thường gặp trong tiếp cận dữ liệu và CĐS

Tham luận quá trình phát triển dữ liệu trong chính phủ điện tử và những thay đổi cách tiếp cận về dữ liệu trong chuyển đổi số (CĐS) tại tọa đàm “Khai mở tiềm năng dữ liệu số - Từ tầm nhìn đến thực thi” ngày 7/10 tại Hà Nội, ông Nguyễn Trọng Khánh, Trưởng Phòng Hạ tầng và Dữ liệu số, Cục CĐS quốc gia - Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), nhấn mạnh dữ liệu số luôn là một thành phần quan trọng và cốt yếu được chú trọng xây dựng và phát triển.

bap04339.jpg
Hưởng ứng “Năm dữ liệu quốc gia”, Tọa đàm có chủ đề “Khai mở tiềm năng dữ liệu số - Từ tầm nhìn đến thực thi”

Ông Lê Nguyễn Trường Giang, Viện trưởng Viện Chiến lược CĐS (DTSI), cho rằng quan trọng nhất là làm sao dữ liệu có thể tổng hợp lại với nhau, chuẩn hóa, hệ thống hóa, đồng bộ hóa. Để làm được điều đó, chúng ta cần xây dựng một kiến trúc gọi là kiến trúc dữ liệu nền tảng cho các tổ chức và doanh nghiệp (DN), các địa phương.

Đi sâu vào kiến tạo cấu trúc dữ liệu, ông Lê Nguyễn Trường Giang đã đề cập tới 6 thách thức lớn mà các tổ chức, DN đang đối mặt trong tiến trình CĐS. Theo Viện trưởng DTSI, đây là vấn đề mà các địa phương, tổ chức dù ở ngành nào cũng thường phải đối mặt.

Thứ nhất là làm sao để tất cả mọi bộ phận, cấu trúc, mọi tiến trình và hoạt động vận hành của tổ chức có tính hệ thống, tính tổng thể, tính đồng bộ cộng hưởng. Nếu tất cả các bộ phận không cộng hưởng trong một quy trình, ví dụ như quy trình hành chính công chẳng hạn, thì sẽ có thể gặp tắc nghẽn ở bất kỳ bộ phận nào. Bởi vì khi các bộ phận không gắn kết được với nhau, không liên thông được với nhau và không hoạt động một cách tổng thể được thì sẽ gặp tắc nghẽn.

Vấn đề thứ hai là làm sao tạo ra một phương thức kết nối mọi tiến trình giao tiếp, từ ý tưởng, tư duy đến hành động thống nhất trong một dòng chảy chung.

Vấn đề thứ ba là phát huy hiệu quả vai trò mọi cấu phần trong tổ chức một cách linh hoạt, hiệu quả và tối ưu hóa.

Thứ tư là kết nối nhiệm vụ, mục tiêu trọng tâm của từng cấu phần tổ chức thành một mục tiêu tổng thể trên cơ sở cộng hưởng hiệu quả.

Thứ năm là làm thế nào để có thể ra quyết định dựa trên dữ liệu thông qua việc ứng dụng hiệu quả các công nghệ số và dữ liệu số.

Và cuối cùng là làm thế nào có thể kiến tạo lợi thế cạnh tranh trong bối cảnh kỷ nguyên số với năng lực thích ứng hiệu quả là một yêu cầu bắt buộc.

Ông Lê Nguyễn Trường Giang cho rằng đây là 6 vấn đề về dữ liệu của bất kỳ tổ chức nào, từ bộ, ban, ngành, địa phương và DN trong tiến trình CĐS hiện nay.

Khi công nghệ số và dữ liệu số trở thành động lực của một tổ chức, DN, họ sẽ phải đưa số vào cốt lõi (digital to the core). Theo Viện trưởng muốn ra quyết định dựa trên dữ liệu thì phải “dựa trên một kiến trúc dữ liệu nền tảng vận hành theo cơ chế nền tảng”.

Những khuyến nghị nhằm tránh tình trạng “cát cứ dữ liệu”

Ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và Phát triển truyền thông (IPS), cho biết nếu tìm một cái từ khóa cho công nghệ năm 2023, đó sẽ là một từ khóa liên quan đến trí tuệ nhân tạo (AI). AI đã được cả thế giới quan tâm trong thời gian qua, đặc biệt là kể từ khi OpenAI ra mắt công cụ ChatGPT. Nhưng trước khi nói đến việc phát triển AI, theo Viện trưởng IPS, sẽ phải đảm bảo 2 yếu tố. Đầu tiên là dữ liệu và thứ hai là năng lực tính toán của hệ thống máy tính.

Kỷ nguyên về AI hầu như chỉ mới bắt đầu. Nếu không có dữ liệu thì sẽ không có AI, không thể phát triển AI. Tuy vậy, vấn đề về dữ liệu mà chúng ta đang gặp phải chính là khối lượng dữ liệu của chúng ta vẫn còn khá nhỏ bé và bị phân mảnh, cát cứ. Cát cứ dữ liệu là muốn nhấn mạnh đến yếu tố dữ liệu đang nằm riêng rẽ ở nhiều nơi, mỗi nơi một ít và chỉ khi có được một kho dữ liệu tập trung, đủ lớn thì mới nói đến được chuyện dữ liệu lớn”, ông Nguyễn Quang Đồng nói.

img_9263.jpg
Ông Nguyễn Quang Đồng cho rằng một trong những điểm trọng tâm của chiến lược dữ liệu quốc gia là làm thế nào để kết nối và tạo ra bộ dữ liệu dùng chung.

Trong phần trình bày của mình, ông Nguyễn Quang Đồng đã đưa ra những khuyến nghị về chính sách dữ liệu. Cho rằng việc thiếu các đánh giá và đo lường về giá trị của dữ liệu, ít ví dụ hình mẫu là vấn đề lớn của Việt Nam hiện nay, Viện trưởng IPS khuyến nghị cần xây dựng một chiến lược quốc gia về dữ liệu, và một trong những điểm trọng tâm của chiến lược này là làm thế nào để kết nối và tạo ra bộ dữ liệu dùng chung.

Khuyến nghị thứ hai là xác định lại mô hình, vai trò cũng như chức năng của các cơ quan nhà nước (CQNN) trong tiến trình này. Tiếp theo là chính sách phân loại dữ liệu để bảo vệ dữ liệu tốt hơn. Việc phân loại dữ liệu ở cấp độ chính xác rất quan trọng trong việc đảm bảo an toàn thông tin, tiết kiệm chi phí và hoạt động hiệu quả cho các cơ quan chính phủ. Và cuối cùng là cơ chế khai thác dữ liệu, danh mục dữ liệu ưu tiên, đặc biệt cho khu vực công và khu vực tư.

Hiện nay, khả năng điều phối và thực hiện một cách ăn khớp, nhịp nhàng giữa rất nhiều các bên liên quan khác nhau là một điểm yếu trọng tâm cần tập trung giải quyết. Và để đạt hiệu quả điều phối nhịp nhàng, cần có chiến lược chung của chính phủ”, ông Nguyễn Quang Đồng nói.

Là đơn vị tư vấn và triển khai giải pháp công nghệ thông tin với hơn 20 năm kinh nghiệm, doanh thu ổn định trên 4.500 tỷ đồng mỗi năm, tại tọa đàm, ông Hoàng Trọng Tôn, Giám đốc Giải pháp và Sản phẩm, công ty SVTech, đã chia sẻ những đánh giá về xu hướng dữ liệu và phân tích dữ liệu. Dự báo đến năm 2026, 20% các DN lớn sẽ sử dụng một nền tảng (platform) cho việc hợp nhất và tự động hóa quá trình quản trị dữ liệu rời rạc; 41% lãnh đạo muốn được điều hành trên dữ liệu…

Vị chuyên gia đến từ SVTech khuyến nghị các bên nên bắt đầu với các ứng dụng nhỏ để chứng minh hiệu quả, nhưng cần thiết kế, xây dựng nền tảng dữ liệu chuẩn ngay từ đầu. “Muốn khai thác dữ liệu hiệu quả thì phải quản trị dữ liệu tốt; Muốn phân tích dữ liệu để hỗ trợ ra quyết định thì nguồn dữ liệu phải có chất lượng tốt”, ông Tôn lưu ý.

Tọa đàm “Khai mở tiềm năng dữ liệu số - Từ tầm nhìn đến thực thi” nằm trong chuỗi sự kiện của “Chương trình bình chọn, trao tặng Giải thưởng CĐS Việt Nam - Vietnam Digital Awards năm 2023 (VDA 2023) do Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) chủ trì, Bộ TT&TT bảo trợ, Tạp chí điện tử VietTimes là cơ quan tổ chức thực hiện, Trung tâm Thông tin Truyền thông số là cơ quan phối hợp đồng hành.

Tọa đàm có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm, Chủ tịch VDCA Nguyễn Minh Hồng, cùng đại diện các bộ, ban ngành Trung ương và các tỉnh/thành phố, các hội, hiệp hội, các DN.

Đây cũng là sự kiện thiết thực của VDCA để hưởng ứng Ngày CĐS quốc gia 10/10./.

Bài liên quan
  • Quá trình phát triển dữ liệu trong chính phủ điện tử
    Trong chính phủ điện tử (CPĐT), cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia không được xây dựng riêng cho một hệ thống cụ thể nào mà được xác định làm cơ sở để triển khai nhiều hoạt động, được chia sẻ trực tuyến, theo thời gian thực, chuẩn hoá về cấu trúc.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
6 vấn đề về dữ liệu của bất kỳ tổ chức nào và giải pháp tránh “cát cứ dữ liệu”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO