Sáng nay 29/5, tại Hà Nội, Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ TT&TT) tổ chức Hội thảo "Đánh giá tình hình 07 năm thực hiện Luật Xuất bản năm 2012" khu vực phía Bắc.
Hội thảo nhằm đánh giá khách quan, toàn diện 07 năm thực hiện Luật Xuất bản, đề xuất kiến nghị tiếp tục hoàn thiện pháp luật về xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, tạo sự đồng bộ, thống nhất, khả thi trong thực hiện giai đoạn tiếp theo.
Hệ thống pháp luật về xuất bản (bao gồm các lĩnh vực xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm) đã cơ bản đồng bộ, tạo hành lang pháp lý điều chỉnh hoạt động xuất bản thời gian qua. Vị trí, vai trò của hoạt động xuất bản thuộc lĩnh vực tư tưởng, văn hóa ngày một được khẳng định trong đời sống xã hội.
Tuy nhiên, qua 07 năm thực hiện Luật Xuất bản, với sự phát triển về kinh tế, xã hội và cuộc cách mạng 4.0, quá trình thực thi hệ thống pháp luật về xuất bản không khỏi bộc lộ một số khó khăn, hạn chế, bất cập.
Cần ban hành quy định đăng ký hoạt động phát hành xuất bản phẩm và loại hình kinh doanh sách online
Về công tác quản lý nhà nước trong hoạt động xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm, đại diện Sở TT&TT Hà Nội cho biết: Với vị thế là trung tâm chính trị, hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa - khoa học - giáo dục - kinh tế - giao dịch quốc tế của cả nước, trong lĩnh vực xuất bản, Hà Nội cũng là nơi tập trung nhiều nhà xuất bản, cơ sở in, đơn vị phát hành sách và liên kết xuất bản. Hoạt động xuất bản trên địa bàn luôn diễn ra sôi động, nhưng cũng ngày càng phức tạp, đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của cơ quan chỉ đạo, cơ quan quản lý nhà nước (QLNN).
Sở TT&TT Hà Nội đề nghị Bộ TT&TT nghiên cứu, ban hành quy định cụ thể đối với việc đăng ký hoạt động phát hành xuất bản phẩm và loại hình kinh doanh sách online; hoạt động phát hành sách kèm các chương trình khác (không phải kinh doanh, phát hành sách truyền thống), nhằm đảm bảo chất lượng, nội dung sách khi đến tay bạn đọc và công bằng giữa các thành phần tham gia thị trường xuất bản, phát hành sách.
Đồng thời, xem xét, bổ sung quy định cấp lại Giấy xác nhận đăng ký hoạt động phát hành xuất bản phẩm trong trường hợp mất/hỏng. Luật Xuất bản và các văn bản hướng dẫn chưa quy định nội dung này.
Cũng cùng ý kiến về công tác quản lý nhà nước, ông Vũ Văn Vở, Sở TT&TT Hải Dương lại có ý kiến về thủ tục hành chính cấp giấy phép nhập khẩu xuất bản phẩm không kinh doanh.
Ông Vở cho biết: Sở đang vướng trong việc xác định tài liệu nào là xuất bản phẩm, tài liệu nào không phải xuất bản phẩm của nước ngoài. Và cần làm rõ Cụm từ "được xuất bản thông qua nhà xuất bản (NXB) hoặc cơ quan, tổ chức được cấp giấy phép xuất bản".
Ông Vở cũng cho rằng quy định của pháp luật hiện nay chưa rõ ràng trong việc xác định "xuất bản điện tử" và "xuất bản phẩm điện tử" gây khó khăn trong việc cấp phép xuất bản tài liệu không kinh doanh. Ví dụ: Khi các tổ chức, cá nhân muốn đưa xuất bản phẩm lên trang thông tin điện tử, mạng xã hội thì quản lý, cấp phép như thế nào?...
Quy định cụ thể tiêu chuẩn, nhiệm vụ và quyền hạn của biên tập viên NXB
Đối với hoạt động của các NXB, đại diện NXB Chính trị quốc gia Sự thật nêu rất rõ vướng mắc trong từng khâu. Đồng thời cũng chỉ ra những nguyên nhân và một số kiến nghị cho những khâu như: cách thức xác nhận đăng ký xuất bản, lưu chiểu xuất bản phẩm, liên kết trong hoạt động xuất bản, vấn nạn in lậu, quản lý và ứng dụng mã số sách tiêu chuẩn quốc tế, cách thức ký duyệt bản thảo của Giám đốc NXB và các chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho hoạt động xuất bản.
Đối với người lao động tại các NXB, cụ thể là các biên tập viên (BTV), đại diện NXB Chính trị quốc gia Sự thật cho rằng Luật xuất bản 2012 đã quy định rất cụ thể tiêu chuẩn, nhiệm vụ và quyền hạn của BTV NXB, vì đây là một khâu rất quan trọng để đảm bảo chất lượng của các xuất bản phẩm. Trên cơ sở này, cần nghiên cứu và xem xét lao động biên tập là loại lao động đặc biệt có thể xây dựng lại thang, bảng lương phù hợp đối với loại hình lao động này hoặc có mức phụ cấp phù hợp.
Còn Bà Khúc Thị Hoa Phượng, Giám đốc NXB Phụ Nữ lại nhấn mạnh vào hoạt động liên kết xuất bản. Bà Phượng cho rằng một trong những nội dung quan trọng của Luật Xuất bản 2012 là những quy định về hoạt động liên kết xuất bản. Luật đã quy định rõ về trách nhiệm, quyền hạn của NXB, đối tác liên kết trong từng công đoạn của quy trình tiến hành liên kết xuất bản: khai thác bản thảo, biên tập bản thảo, sản xuất in ấn, phát hành xuất bản phẩm.
Ngay sau khi có các hướng dẫn của Luật Xuất bản về các hoạt động liên kết xuất bản, NXB Phụ nữ Việt Nam đánh giá đây là một nội dung quan trọng, cho thấy quan điểm của Đảng, Nhà nước về việc xã hội hóa xuất bản, giúp ngành Xuất bản được "cởi trói", có thêm nguồn lực ngành Xuất bản Việt Nam phát triển phong phú, đa dạng…
"Tuy nhiên, cũng cần có các hội thảo chuyên sâu về một số nội dung quan trọng của Luật Xuất bản và các vấn đề còn bất cập của Nghị định195/2013/NĐ-CP và Thông tư 23/2014/TT-BTTTT để ngành Xuất bản Việt Nam thực sự là một ngành có đóng góp quan trọng trong sự phát triển chung của đất nước", bà Phượng đề nghị.
Linh động hơn trong việc cấp giấy phép xuất bản
Trong lĩnh vực in, Nhà máy In Viettel - Công ty TM&XNK Viettel - Tập đoàn Viettel có những đề xuất: Với các tài liệu nội bộ, tài liệu đào tạo số lượng nhỏ (dưới 200 cuốn), bộ xem xét linh động hơn trong việc xin giấy phép xuất bản.
Về công tác báo cáo định kỳ, nên có cổng thông tin điện tử cho các doanh nghiệp (DN) vào báo cáo online, tiết kiệm thời gian và chi phí cho DN. Thủ tục hồ sơ và thời gian cấp phép đối với ấn bản phẩm cần tinh giản, có thể cho phép kê khai cũng như tra cứu online về giấy phép xuất bản. Tạo điều kiện cho cơ sở in tra cứu lại thông tin và kiểm tra chéo với tài liệu khách hàng đặt in cung cấp.
Còn đại diện Công ty In Lào Cai - một đơn vị miền núi nhấn mạnh: Luật Xuất bản năm 2012 cũng đã quy định riêng Điều 35 "Trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở in xuất bản phẩm". Điều này quy định rất rõ trách nhiệm cụ thể của người đứng đầu cơ sở in trước pháp luật về hoạt động in xuất bản phẩm của mình. Luật đã tạo điều kiện thuận lợi để Công ty phát huy được những ưu điểm và khắc phục những khó khăn đặc thù của Công ty. Tuy vậy, vấn đề in liên kết với các cơ sở khác cũng cần quy định chặt chẽ hơn như đơn vị nhận in có được phép nhận in ấn phẩm đó không. Vì trên thực tế có cơ sở phô tô, hay nhà in nào đó không được phép nhận in sách nhưng họ cứ nhận in để in liên kết, dẫn đến cạnh tranh trên thị trường chung không lành mạnh.
Nên giảm/miễn tiền thuê nhà, thuê đất đối với Công ty TNHH MTV
Về lĩnh vực phát hành sách, đại diện công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu sách báo Xunhasaba kiến nghị: Đối với xuất bản phẩm nhập khẩu để kinh doanh thì đơn vị QLNN cần ghi rõ: Về kinh phí: thuê chuyên gia thẩm định nội dung…, đơn vị nào phải chi trả tiền thẩm định nội dung này… trách nhiệm của cơ quan nằm ở đâu trong vấn đề này…
Về nội dung, việc thành lập Hội đồng thẩm định nên quy định rõ là giao cho DN chủ động tự lập hội đồng thẩm định và tự chịu trách nhiệm về nội dung theo Luật Xuất bản.
Đối với xuất bản phẩm nhập khẩu không kinh doanh, đơn vị QLNN ghi rõ định mức tiền thuê chuyên gia thẩm định nội dung là bao nhiêu. Đơn vị nào phải chi trả tiền thẩm định nội dung này, trách nhiệm của cơ quan quản lý, đơn vị nhập khẩu xuất bản phẩm nằm ở đâu trong vấn đề này…
Đối với nhập khẩu báo chí in (báo chí in phát trong ngày, báo-tạp chí hàng tuần…), đặc biệt là báo chí phát hành hàng ngày giao cho DN Nhà nước thực hiện công tác này.
Xunhasaba cũng đề xuất không cấp giấy phép nhập khẩu báo in kinh doanh đối với các ấn phẩm báo chí (báo ngày), tạp chí in kinh doanh nói chung và các cơ sở dữ liệu điện tử (database, ejournal, ebooks…) từ nước ngoài đưa vào Việt Nam qua các kênh vận chuyển thông thường và trên môi trường mạng qua các kênh cá nhân, tổ chức và đặc biệt là các DN cổ phần, liên doanh có cổ phần yếu tố nước ngoài chi phối…
Việc lập "Hội đồng thẩm định nội dung" báo, tạp chí nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam phục vụ mục đích kinh doanh cũng cần quy định rõ: số lượng người thẩm định, chức năng thẩm định, chuyên gia, thù lao…
Bên cạnh đó, đại diện Công ty Xunhasaba cũng kiến nghị giảm (miễn) tiền thuê nhà, thuê đất đối với công ty này là DN 100% vốn Nhà nước.
Hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật
Với những kiến nghị tại Hội thảo, ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành đánh giá cao những đóng của các tham luận.
Thực tế trong thời gian qua, hoạt động xuất bản đã có những bước phát triển tốt, duy trì được sự ổn định. Một số lĩnh vực còn có sự bứt phá như khối lượng xuất bản phẩm tăng mạnh với chất lượng tốt trong những năm gần đây. So với các nước trong khu vực thì xuất bản Việt Nam phát triển khá nhanh.
Để đạt được những kết quả đó, ngoài những nỗ lực của các đơn vị xuất bản, các cơ quan quản lý thì có một sự đóng góp rất quan trọng, chính là các quy định của Luật xuất bản và một số luật liên quan…
Bên cạnh đó hoạt động xuất bản vẫn còn gặp nhiều khó khăn và thách thức. Một trong những nguyên nhân là từ chính các nội dung của Luật Xuất bản, đặc biệt là khâu tổ chức thực thi các quy định của pháp luật cũng có những hạn chế.
Ông Nguyên cũng khẳng định sẽ tiếp thu những ý kiến tham luận để khi triển khai Hội nghị sơ kết Luật xuất bản vào cuối năm 2020 sẽ nêu được đầy đủ hơn, để bổ sung cho Luật Xuất bản trong thời gian tới.