8 xu hướng định hình TMĐT ở Đông Nam Á (Phần 2)

Hoàng Linh| 05/03/2019 10:57
Theo dõi ICTVietnam trên

Một báo cáo của ecommerceIQ đã phỏng vấn các nhà lãnh đạo ngành thương mại điện tử (TMĐT) để dự báo các xu hướng của ngành này cho các nhà bán lẻ và thương hiệu trực tuyến ở Đông Nam Á.

5. Thu thập dữ liệu người tiêu dùng trực tiếp

89% các công ty hiện đang cạnh tranh chủ yếu trên sân chơi trải nghiệm của khách hàng và cách tiếp cận trực tiếp với người tiêu dùng (Direct-to-Consumer - DTC) đang trở nên quan trọng hơn đối với các thương hiệu vì nó cho phép họ hiểu rõ hơn về người dùng cuối và dự báo nhu cầu của họ.

Một xu hướng có thể quan sát thấy là các thương hiệu thúc đẩy DTC để đạt được lượng người dùng đăng ký thuê bao TMĐT. Từ góc độ người tiêu dùng, việc đăng ký sẽ mang lại sự thuận tiện, tính cá thể hóa và giá thường rẻ hơn để người tiêu dùng có thể mua những gì cần thiết. Đối với các thương hiệu, đây là một phương thức được tính toán kỹ lưỡng để tạo sự trung thành của khách hàng trong bối cảnh số.

Một thương hiệu chấp nhận dịch vụ đăng ký thuê bao TMĐT trong khu vực là Nescafe Dolce Gusto, tặng  máy pha cà phê miễn phí để đổi lấy đăng ký tối thiểu 12 tháng. Bên cạnh việc chứng kiến sự tăng trưởng doanh số, Nescafe Dolce Gusto cũng nhận thấy rằng người tiêu dùng tiếp tục mua hàng hóa từ thương hiệu của mình mặc dù đã bỏ đăng ký dịch vụ.

Ông Bhuree Ackarapolpanich, Giám đốc thương hiệu và Chuyên gia số tại Nescafé Dolce Gusto cho biết: Người tiêu dùng có thể đã bỏ đăng ký thuê bao TMĐT nhưng không từ bỏ thương hiệu. Họ vẫn mua sản phẩm từ các kênh khác nhau; trang web TMĐT, chợ trực tuyến và siêu thị. Chiến lược đăng ký thuê bao TMĐT không chỉ là một yếu tố hỗ trợ tiêu dùng dài hạn mà còn là kênh thu hút người tiêu dùng cho toàn bộ thương hiệu.

Giám đốc quản lý dự án khu vực của aCommerce là Mandy Arbilo khẳng định phát mẫu điện tử (e-sampling) là một chiến lược phổ biến được các thương hiệu sử dụng để đánh giá nhu cầu, đặc biệt là TMĐT.

Mặc dù các kỹ thuật phát mẫu thông thường được các nhà bán lẻ ngoại tuyến sử dụng rất tốn kém, phát mẫu điện tử giúp tiết kiệm cho các thương hiệu tới 40% cũng như cung cấp dữ liệu khách hàng cần thiết.

Mars Petcare là một trong những công ty tiên phong phát mẫu điện tử cho aCommerce. Chiến dịch đã thúc đẩy tới 25% chủ sở hữu thú cưng thử dùng Pedigree làm bữa ăn chính.

Khi DTC được áp dụng rộng rãi, người tiêu dùng sẽ thấy các thương hiệu xuất hiện những mánh lới quảng cáo hấp dẫn bằng cách sử dụng các công cụ số để hiểu rõ hơn và lôi kéo người tiêu dùng chi tiêu nhiều hơn cho thương hiệu của họ.

6. Các quy định TMĐT trong khu vực

TMĐT trong khu vực vẫn chưa được quản lý chặt chẽ. Khi ngành này phát triển, vấn đề chỉ còn là thời gian cho đến khi chính phủ thực hiện đánh thuế phân khúc đang phát triển nhanh chóng này và san bằng sân chơi cho các công ty nước ngoài cung cấp dịch vụ và hàng hóa số trong khu vực.

Các thông tin về việc thực hiện các quy định thuế TMĐT ở các nước Đông Nam Á đã xuất hiện từ đầu năm ngoái nhưng vẫn chưa có gì cụ thể.

Vài tháng trước, các Bộ trưởng Kinh tế của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã ký một thỏa thuận để tạo điều kiện cho các giao dịch TMĐT xuyên biên giới trong khu vực.

Tuy nhiên, trong khi chưa có quy định nào được đưa ra, có các dự báo liên quan đến các tác động của thuế TMĐT đối với hàng hóa nhập khẩu vào khu vực. Tại Indonesia và Thái Lan, thuế TMĐT dự kiến sẽ thúc đẩy sự tăng trưởng của thương mại xã hội (social commerce) bởi vì, không giống như các thị trường, phần lớn các thị trường trong khu vực chưa được kiểm soát.

Nếu các quy định về thuế hạn chế các nền tảng TMĐT, khiến việc bán hàng ở startup Bukalapak của Indonesia trở nên phức tạp, sẽ có một cuộc di cư của những người thích bán hàng trên Instagram và Facebook. Các nền tảng này không được kiểm soát và không bị truy đuổi vì thuế vì họ bán thông qua cửa sau, ông Muhamad Fajrin Rasyid, đồng sáng lập và là Giám đốc tài chính của Bukapapak cho biết.

Singapore cũng có thể chứng kiến sụt giảm mua sắm xuyên biên giới khi giá cả tăng khi áp dụng thuế hàng hóa và dịch vụ (GST) đối với hàng hóa và dịch vụ TMĐT từ nước ngoài. Hiện tại, 89% tất cả các giao dịch xuyên biên giới ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương được thực hiện bởi người Singapore.

Tình hình các quy định thuế TMĐT ở sáu thị trường lớn của Đông Nam Á

Nhìn vào một thị trường TMĐT tiềm năng lớn khác là Ấn Độ, nước đã đưa ra luật sàn giao dịch mới cấm các “chủ” chợ bán sản phẩm ở chính chợ của họ thông qua các nhà cung cấp mà họ có quyền cổ đông. Luật cũng ngăn chặn các chợ thực hiện giao dịch với người bán thực hiện độc quyền thị trường cho sản phẩm. Luật như vậy có thể được áp dụng ở Đông Nam Á?

Dẫu vậy, các thương hiệu sẽ có rất ít ảnh hưởng nhưng họ sẽ phải điều chỉnh chiến lược trực tuyến của mình cho phù hợp để giảm thiểu tác động của sự thay đổi trong hành vi của khách hàng. Thỏa thuận ASEAN này sẽ khuyến khích nhiều doanh nhân địa phương tạo ra các sản phẩm mới và liên doanh trực tuyến để tiếp cận một thị trường lớn hơn và đa dạng hơn.

7. Grab và Go-Jek thách thức các nhà cung cấp dịch vụ logistics TMĐT và giao thực phẩm

Kể từ khi Uber rời bỏ thị trường Đông Nam Á vào tháng 3 năm ngoái, Grab độc quyền tại các quốc gia như Thái Lan, Philippines và Malaysia đã dẫn đến khiếu nại về dịch vụ, giá cả tăng lên, kết quả là sự phản đối từ người tiêu dùng và các mức phạt của các chính phủ đã làm tốn giấy mực của báo chí Philippines cũng như các cơ quan giám sát của Singapore.

Nhưng với việc mở rộng phạm vi hoạt động trong khu vực gần đây của Go-Jek từ Indonesia, sự cạnh tranh giữa Grab và Go-Jek sẽ chỉ trở nên khốc liệt hơn. Go-Jek đã đặt chân vào Việt Nam, Singapore và Thái Lan vào năm ngoái. Ngoài ra, đối thủ cạnh tranh của Grab, tại Malaysia, Dacsee, cũng đã bày tỏ kế hoạch mở rộng sang Thái Lan.

Cả hai công ty đều không chạy đua để trở thành nhà cung cấp dịch vụ gọi xe tốt nhất, họ đã nhắm đến một thứ gì đó lớn hơn nhiều là các siêu ứng dụng (superapps). Go-Jek đã bảo đảm khoản tiền 1 tỷ USD từ Google, Tencent và JD.com trong một phần kế hoạch của họ để huy động 2 tỷ USD cho liên doanh này. Trong khi đó, Grab gần đây đã kiếm được 200 triệu USD đầu tư từ Tập đoàn Central của Thái Lan, tăng mức giá trị lên 11 tỷ USD tính tới nay.

Năm 2019 sẽ chứng kiến hai đối thủ này hướng đến cùng một mục tiêu là giao hàng thực phẩm và TMĐT. Google và Temasek báo cáo rằng kinh doanh phân phối thực phẩm trực tuyến đã tăng 73% CAGR (Tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm) trong năm 2019. Đến năm 2025, họ dự báo tăng trưởng giao hàng thực phẩm trực tuyến ở mức 36% CAGR với vận chuyển trực tuyến chỉ 23%.

Quy mô thị trường của lĩnh vực gọi xe ở Đông Nam Á

“Chúng tôi sẽ mở rộng GrabFood, kinh doanh giao hàng và tăng cường mối quan hệ với các nhà hàng và đối tác quan trọng ở một số thị trường”, ông Keith Cohen, người đứng đầu các hoạt động khu vực của Russell Cohen cho biết.

Các nhà cung cấp giao hàng trong ngày sẽ cảm thấy cạnh tranh nhiều hơn vào năm tới. Tác động của Grab và Go-Jek đối với thị trường chắc chắn sẽ nâng tầm cho lĩnh vực hậu cần và giao hàng.

8. Bán hàng đa kênh qua thương mại điện tử thuần túy

Trải nghiệm mua sắm đa kênh (omnichannel) không phải là một khái niệm mới, nhưng các công ty có những cách hiểu đa dạng về khái niệm này. Hiện có thể thấy xu hướng những người khổng lồ bán lẻ trực tuyến, như Amazon và Alibaba, đang chuyển sang bán lẻ vật lý.

Lý do chính khiến Alibaba mạo hiểm ra khỏi không gian trực tuyến phản ánh quyết tâm của họ để giải quyết các vấn đề cốt lõi của trải nghiệm mua sắm, như hoạt động phân tán và thiếu minh bạch thanh toán.

JD.com đã từng vượt qua Alibaba bằng cách mở cửa hàng tiện lợi không người bán đầu tiên trong khu vực ở Jakarta để tận dụng cơ sở dữ liệu khổng lồ bằng cách cung cấp những thông tin có lợi cho các thương hiệu như các sản phẩm tốt nhất để lưu trữ và quảng cáo. Thông qua liên doanh của họ với Central Group tại Thái Lan, JD Central cũng lên kế hoạch ra mắt tương tự ở nước này vào năm 2020.

JD.id X-Mart, cửa hàng không người bán đầu tiên mở tại Đông Nam Á, đã ra mắt tại Jakarta

Các nhà bán lẻ và thương hiệu TMĐT thuần túy đã nhận ra những hạn chế trong các kênh tiếp thị trực tuyến với cơ sở hạ tầng phân mảnh và một nhóm người mua sắm hạn chế. Họ quảng cáo ngoại tuyến như một lựa chọn hấp dẫn để thúc đẩy tăng trưởng doanh số.

Tại những nơi khác ở Đông Nam Á, các công ty chậm chạp nhưng chắc chắn áp dụng chiến lược này trên tất cả các danh mục. Những công ty thời trang TMĐT như Polemo của Thái Lan và Love của Singapore, Bonito đã mở các cửa hàng vật lý ở nước họ.

Năm 2018, Pomelo đã mở 5 cửa hàng mới, bắt đầu đi từ các khu mua sắm hàng đầu của Bangkok đến các khu thương mại trung tâm (CBD) như Asoke và khu dân cư của Bangna. Trong khi đó, Love, Bonito có 17 cửa hàng bán lẻ trải khắp Singapore, Malaysia, Indonesia và Campuchia.

Rachel Lim, Đồng sáng lập của Love, Bonito cho Tạp chí Peak biết: “Dữ liệu có thể cho bạn biết những gì đang bán ở những cửa hàng vật lý, cho bạn biết lý do tại sao một số thứ không bán được và những gì khách hàng đang tìm kiếm”.

Tham quan trung tâm mua sắm là một hoạt động xã hội phổ biến ở Đông Nam Á và xu hướng này sẽ không biến mất sớm. Các thương hiệu nên tận dụng hiện diện vật lý và trực tuyến.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
8 xu hướng định hình TMĐT ở Đông Nam Á (Phần 2)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO