Truyền thông

AI yếu tố then chốt để Việt Nam đạt được mục tiêu kinh tế số

TQ 29/08/2024 15:56

Với mục tiêu đưa trí tuệ nhân tạo trở thành lĩnh vực công nghệ quan trọng của Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030. Chiến lược đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, phát triển các giải pháp và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong khu vực ASEAN.

AI cơ hội cho Việt Nam bứt phá

Theo báo cáo Global AI Adoption của IBM thực hiện năm 2022 cho biết, 35% doanh nghiệp toàn cầu đang sử dụng và đã có kế hoạch ứng dụng AI vào các hoạt động vận hành doanh nghiệp, con số này có thể tăng lên 77% vào năm 2024.

h1ttnt.jpg
AI sẽ là yếu tố chủ chốt để Việt Nam đạt được mục tiêu kinh tế số đóng góp 30% GDP vào
năm 2030

Google cũng khẳng định trong báo cáo "Cơ hội AI cho Việt Nam - Một số khuyến nghị" Việt Nam đang đạt được những tiến bộ quan trọng trong việc khai thác sức mạnh của AI để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân. AI cũng đóng một vai trò then chốt trong việc thúc đẩy quá trình chuyển mình của Việt Nam hướng tới nền kinh tế đa dạng và cạnh tranh hơn trong khu vực và toàn cầu.

Google cũng cho biết việc đẩy mạnh thu hút đầu tư và tạo điều kiện cho đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực AI sẽ là yếu tố chủ chốt để Việt Nam đạt được mục tiêu kinh tế số đóng góp 30% GDP vào năm 2030. Với cộng đồng khởi nghiệp năng động, tỉ lệ người trẻ am hiểu công nghệ chiếm 20% tổng dân số, các chính sách hỗ trợ của Chính phủ thông qua chiến lược quốc gia về AI, Việt Nam có vị thế tốt để tận dụng cơ hội AI.

Google cũng đánh giá Việt Nam hiện đang đối mặt với một thách thức quan trọng cần sớm được giải quyết, đó là sự thiếu hụt nhân sự và chuyên gia AI. Bên cạnh đó, các start-up về công nghệ AI tại Việt Nam đối mặt những thách thức khác như thiếu cơ hội tiếp cận các chuyên gia và cố vấn hàng đầu về AI để đánh giá, thẩm định sản phẩm AI phù hợp với nhu cầu của thị trường, thiếu cơ hội tiếp cận các cơ sở hạ tầng, nền tảng và công cụ sẵn sàng cho doanh nghiệp. Đây là những yếu tố thiết yếu cho việc phát triển, thương mại hóa và mở rộng quy mô sản phẩm AI ra thị trường.

Tại Việt Nam, từ tháng 1/2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI đến năm 2030 với mục tiêu đưa công nghệ mới này trở thành lĩnh vực công nghệ quan trọng, từng bước đưa Việt Nam trở thành điểm sáng về AI trong khu vực và trên thế giới.

Thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 3 quyết định quan trọng liên quan đến chuyển đổi số đất nước, gồm Quyết định 749 phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, Quyết định 942 phê duyệt Chiến lược phát triển chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, Quyết định 411 phê duyệt Chiến lược phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025. Các quyết định này đều nhấn mạnh đến ứng dụng AI trong các lĩnh vực chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Trên cơ sở nhận thức rõ tầm quan trọng của việc phát triển AI ứng dụng, mới đây Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Chiến lược phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030 (Chiến lược AI ứng dụng). Chiến lược xác định tầm nhìn đến năm 2030 AI ứng dụng được áp dụng rộng rãi trong kinh tế số, xã hội số, chính phủ số, thông minh hóa các hoạt động kinh tế xã hội, hình thành lực lượng lãnh đạo, người lao động có tư duy AI và kỹ năng trong việc sử dụng AI để giải quyết vấn đề.

AI giúp hiện thực hoá giấc mơ, khát vọng hùng cường

Ước tính hiện nay mới có khoảng 300 chuyên gia AI trong lực lượng lao động Việt Nam. Công tác đào tạo nguồn nhân lực AI và chất lượng đi kèm đang là một thách thức không nhỏ. Vì vậy, bên cạnh nâng cao năng lực đào tạo từ các trường đại học, những chương trình, dự án đào tạo chuyên sâu với các chuyên gia, tập đoàn lớn trên thế giới được kỳ vọng sẽ giúp Việt Nam có được đội ngũ nhân lực về AI đáp ứng nhu cầu phát triển.

Mới đây, Google đã công bố chương trình "Kiến tạo tương lai AI cho Việt Nam" (hợp tác với Bộ Kế hoạch và Đầu tư), theo đó sẽ cung cấp 40.000 suất học bổng với 10 khóa học liên quan AI cho cán bộ, giảng viên và sinh viên của hơn 80 trường đại học trên cả nước. Trước đó, Tập đoàn Intel (Mỹ) cũng bắt đầu ký biên bản ghi nhớ về chuyển đổi số trong giáo dục với Bộ Giáo dục và Đào tạo. Khóa học đầu tiên của Intel dành cho 27 giảng viên đến từ 8 trường đại học trong chương trình đào tạo "Trí tuệ nhân tạo cho lực lượng lao động tương lai" do Intel phát triển.

Đứng trước tầm quan trọng của việc phát triển AI, vừa qua Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đã thành lập Khoa Trí tuệ nhân tạo (AI). Đây không chỉ là nơi đào tạo những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực AI, mà còn là trung tâm nghiên cứu và phát triển những giải pháp công nghệ tiên tiến nhất, đáp ứng nhu cầu cấp bách của xã hội với nhu cầu nhân lực trong ngành AI liên tục tăng cao để hiện thực hóa giấc mơ, khát vọng hùng cường.

3-7.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, các Thứ trưởng và lãnh đạo Học viện bấm nút ra mắt khoa AI.

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: Học viện muốn thay đổi thứ hạng thì phải đi đầu về cái mới, nhất là trong lĩnh vực công nghệ số. Đi đầu, tiên phong về công nghệ số sẽ giúp cho Học viện tiến lên trong nhóm đại học dẫn đầu ở Việt Nam. Học viện phải coi đây là sức mạnh cạnh tranh cốt lõi của mình. AI là công nghệ chính của các công nghệ số, cũng là công nghệ chính của cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Bộ trưởng cho rằng bên cạnh sự tiến hóa nhanh và nhiều thay đổi của AI, song song với đó là các chương trình đào tạo cần được cập nhật liên tục. Học viện phải theo sát tình hình quốc tế, các chương trình giảng dạy về AI của các đại học trên thế giới. Chương trình giảng dạy AI của Học viện phải sát với chương trình của các đại học hàng đầu thế giới.

Bộ trưởng nhấn mạnh Học viện cần tích cực hợp tác với các doanh nghiệp AI trong nước và quốc tế. Đào tạo nhân lực AI phải kết hợp đào tạo đại học, cao học, tiến sỹ và đào tạo lại. Các kỹ sư điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin có thể đào tạo lại để trở thành kỹ sư AI để đáp ứng nhanh nhu cầu về nhân lực AI trong ngắn hạn. Bộ trưởng cũng tin tưởng Khoa AI sẽ trở thành khoa đào tạo xuất sắc nhất cho những người xuất sắc nhất để tạo ra những giá trị xuất sắc nhất.

Thông tin về mục tiêu của Học viện, GS. TS Từ Minh Phương, Chủ tịch Hội đồng Học viện, cho biết với tầm nhìn phát triển Khoa AI giai đoạn 2024- 2025, Học viện sẽ trở thành đơn vị số 1 về đào tạo AI của cả nước cả về nghiên cứu và chất lượng đào tạo. Phấn đấu trong giai đoạn từ năm 2025- 2035 sẽ nằm trong top 400- 450 trường đại học hàng đầu thế giới về nghiên cứu AI.

Bên cạnh đó, Học viện đẩy mạnh hoạt động của các phòng Lab nghiên cứu chuyên sâu về AI theo hướng xuất sắc và chất lượng công bố ấn phẩm khoa học theo chuẩn mực quốc tế; mở rộng sự hợp tác với các nhóm nghiên cứu mạnh trên thế giới về AI trong khi tiếp tục hỗ trợ, hợp tác phát triển các sản phẩm AI với các tập đoàn công nghệ lớn.

Về chương trình đào tạo AI, PGS. TS. Phạm Văn Cường, Trưởng khoa AI, thông tin: Chương trình được xây dựng theo chuẩn mực quốc tế với 2 mảng chính: Học máy và AI ứng dụng dựa trên các chương trình đào tạo tiên tiến từ các trường đại học lớn, uy tín trên thế giới như Stanford University, Carnegie Mellon University nhằm trang bị cho sinh viên những mảng kiến thức vừa có tính chuyên sâu, hiện đại vừa mang tính thực tiễn cao, đáp ứng được nhu cầu nhân lực chuyên gia AI chất lượng cao hiện nay.

Chương trình cũng bao gồm 1 học kỳ thực tập tại doanh nghiệp hàng đầu về AI trong nước và nước ngoài. Sinh viên học ngành AI tại Học viện còn được dẫn dắt bởi các chuyên gia thỉnh giảng giàu kinh nghiệm đến từ các trường Đại học lớn trên thế giới như: Stanford, MIT, Deakin, UC David, JAIST, KAIST và các công ty công nghệ lớn như NVIDIA, Intel, Microsoft, Amazon, Meta, VinAI, FPT, Samsung, NAVER…

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
AI yếu tố then chốt để Việt Nam đạt được mục tiêu kinh tế số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO