Truyền thông

Ứng dụng AI trong sản xuất nội dung đa phương tiện trên báo điện tử Việt Nam hiện nay

Trường Thanh 15/07/2025 14:09

AI có thể định hình tương lai nội dung đa phương tiện của báo điện tử Việt Nam, mở ra cơ hội phát triển mạnh mẽ nếu được khai thác một cách chiến lược, sáng tạo và có trách nhiệm.

Ứng dụng AI vào sản xuất nội dung đa phương tiện hứa hẹn tối ưu hóa quy trình và nâng sự gắn kết với độc giả

Làn sóng AI đang cách mạng hoá ngành báo chí truyền thông toàn cầu, làm thay đổi sâu sắc từ cách phân phối cho đến việc tương tác và thấu hiểu nhu cầu công chúng.

Tại hội thảo Khoa học Quốc tế với chủ đề “Báo chí - truyền thông trong bối cảnh AI phát triển” do Học viện Báo chí và Tuyên truyền phối hợp với Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tại Việt Nam tổ chức cuối tháng 5/2025, TS. Nguyễn Cẩm Ngọc, Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: Trí tuệ nhân tạo (AI) đã vượt qua giới hạn của một đột phá công nghệ đơn thuần để kiến tạo những biến đổi sâu rộng và đa chiều lên các lĩnh vực.

Trong dòng chảy không ngừng đó, nội dung đa phương tiện - với sự hội tụ của video, audio, đồ họa tương tác, podcast, và các định dạng kể chuyện sáng tạo như longform, e-magazine - ngày càng khẳng định vai trò trung tâm, quyết định sức hút và lợi thế cạnh tranh của báo điện tử.

Với báo điện tử Việt Nam, trong bối cảnh chuyển đổi số (CĐS), ứng dụng AI vào sản xuất nội dung đa phương tiện được xem là động lực then chốt, hứa hẹn tối ưu hóa quy trình và nâng cao sự gắn kết với độc giả.

“Sự hội tụ giữa AI và năng lực sáng tạo nội dung đa phương tiện đang mở ra một tương lai đầy tiềm năng cho báo điện tử Việt Nam, kiến tạo bước ngoặt và nâng tầm báo chí số. Tuy nhiên, để khai thác hiệu quả AI, việc nhận diện rõ các ứng dụng, đánh giá khách quan tiềm năng và chủ động lường trước thách thức là vô cùng cần thiết”, TS. Nguyễn Cẩm Ngọc nhấn mạnh.

1.png

AI và tiềm năng phát triển nội dung đa phương tiện trên báo điện tử Việt Nam

Theo TS. Nguyễn Cẩm Ngọc, một trong những tiềm năng nổi bật nhất là khả năng của AI trong việc kiến tạo những đột phá về sáng tạo và chất lượng nội dung đa phương tiện. Công cụ AI, đặc biệt là AI tạo sinh, có thể hỗ trợ nhà báo sản xuất các sản phẩm đa dạng, phức tạp, giàu tính tương tác và được cá nhân hóa sâu sắc (như video tóm tắt, infographics, audio/podcast với giọng đọc tự nhiên).

Những ứng dụng này giúp tăng sức hấp dẫn, gắn kết công chúng, mở ra các định dạng nội dung mới, mang lại trải nghiệm đa giác quan cho người dùng. Ngoài ra, AI phân tích dữ liệu lớn giúp tòa soạn thấu hiểu độc giả, từ đó gợi ý chủ đề và cách khai thác đa phương tiện hiệu quả.

Song hành với đó, AI mang đến khả năng tối ưu hóa toàn diện quy trình sản xuất và phân phối nội dung đa phương tiện. Từ khâu lên ý tưởng dựa trên phân tích xu hướng, đến tự động hóa các tác vụ như chuyển đổi văn bản thành giọng nói, tạo video từ dữ liệu thô, hay biên tập cơ bản, AI giúp giảm thiểu đáng kể gánh nặng công việc.

Điều này cho phép các tòa soạn, kể cả những đơn vị có nguồn lực hạn chế, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm. Hơn nữa, AI hỗ trợ phân phối nội dung thông minh và cá nhân hóa, nâng cao hiệu quả lan tỏa thông tin và giải phóng nhà báo khỏi cho công việc sáng tạo chuyên sâu.

Việc làm chủ công nghệ AI trong sản xuất nội dung đa phương tiện cũng sẽ góp phần quan trọng nâng cao năng lực cạnh tranh và mở rộng tầm ảnh hưởng của báo điện tử Việt Nam. Các sản phẩm báo chí đặc sắc, ứng dụng công nghệ hiện đại sẽ giúp thu hút độc giả trong nước và có cơ hội tiếp cận hiệu quả hơn với công chúng quốc tế, nhất là khi AI hỗ trợ dịch thuật và tạo phụ đề đa ngôn ngữ, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước.

Hơn nữa, sự kết hợp chiến lược giữa AI và nội dung đa phương tiện chất lượng cao còn có thể thúc đẩy sự hình thành các mô hình kinh doanh mới, bền vững hơn cho báo điện tử. Các tòa soạn có thể tận dụng AI để phát triển các dịch vụ nội dung giá trị gia tăng, thu hút độc giả trả phí, hoặc xây dựng các nền tảng dữ liệu độc giả để khai thác hiệu quả hơn về mặt kinh tế, từng bước giảm sự phụ thuộc vào quảng cáo truyền thống. Thực tế từ VietnamPlus, nơi AI được ghi nhận gián tiếp đóng góp vào việc gia tăng nguồn thu, là một minh chứng cho tiềm năng này.

Ngoài ra, AI còn mở ra tiềm năng tăng cường tính tương tác và sự tham gia của công chúng qua các chatbot thông minh, các nền tảng bình luận được quản lý bởi AI, hay các công cụ cho phép người dùng tự tạo nội dung đơn giản. Từ đó, làm tăng gắn kết và tạo ra một cộng đồng độc giả trung thành. AI cũng hỗ trợ phân tích phản hồi của công chúng, giúp tòa soạn điều chỉnh chiến lược nội dung và cải thiện chất lượng phục vụ.

“Những tiềm năng này cho thấy AI có thể định hình tương lai nội dung đa phương tiện của báo điện tử Việt Nam, mở ra cơ hội phát triển mạnh mẽ nếu được khai thác một cách chiến lược, sáng tạo và có trách nhiệm”.

screenshot-7-.png
Báo Nhân Dân điện tử cũng áp dụng AI để phân tích nhu cầu công chúng và thử nghiệm robot viết tin.

Ứng dụng AI trong sản xuất nội dung đa phương tiện trên báo điện tử Việt Nam hiện nay

TS. Nguyễn Cẩm Ngọc cũng cho biết, Chính phủ Việt Nam đang thúc đẩy mạnh mẽ CĐS báo chí và ứng dụng AI, với Quyết định số 348/QĐ-TTg (ngày 06/04/2023) phê duyệt Chiến lược CĐS báo chí đến năm 2025, định hướng đến 2030, tạo ra nền tảng pháp lý và động lực quan trọng.

Thực tế, nhiều cơ quan báo chí trong nước đã bắt đầu ứng dụng AI và quá trình này vẫn đối mặt với những thách thức không nhỏ về nguồn lực, nhân lực chất lượng cao, đồng thời đòi hỏi các chiến lược ứng dụng AI bài bản, phù hợp với bối cảnh đặc thù của báo chí Việt Nam.

Cũng theo TS. Nguyễn Cẩm Ngọc, hiện nay, báo điện tử Việt Nam đang trong giai đoạn đầu tích hợp AI vào quy trình sản xuất nội dung đa phương tiện. Dù mức độ triển khai chưa đồng đều, các ứng dụng AI đã bước đầu làm phong phú thêm định dạng truyền tải thông tin và từng bước tối ưu hóa hoạt động của các tòa soạn.

Các hình thức và công cụ AI được ứng dụng

Trong lĩnh vực sản xuất nội dung âm thanh, công nghệ chuyển văn bản thành giọng nói (text-to-speech) là một trong những ứng dụng tương đối phổ biến. Công nghệ này giúp các báo điện tử nhanh chóng tạo bản tin audio, podcast từ văn bản có sẵn, đa dạng hóa hình thức tiếp cận thông tin. Đáng chú ý, Báo Thanh Niên đã giới thiệu dự án “Báo thông minh” tích hợp AI đọc tin. Tương tự, Báo điện tử VietnamPlus hợp tác với Vbee để ứng dụng công nghệ AI chuyển đổi văn bản thành giọng nói tự nhiên, đa dạng.

Đối với nội dung hình ảnh và video, AI bắt đầu hỗ trợ tạo video tự động từ văn bản hoặc hình ảnh, chỉnh sửa, sản xuất đồ họa thông tin (infographics) động, slideshow, hay các định dạng phức tạp hơn như e-magazine và longform. VietnamPlus là ví dụ tiêu biểu khi sớm khai thác các nền tảng như Wochit để sản xuất video, Infogram và Flourish để tạo infographics. Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh (HTV) cũng đã thử nghiệm AI hỗ trợ viết kịch bản phóng sự truyền hình, mở ra tiềm năng ứng dụng trong các khâu sáng tạo phức tạp hơn.

Bên cạnh đó, AI còn được khám phá trong việc tạo và quản lý sản phẩm báo chí đa phương tiện tương tác cao và cá nhân hóa. Chatbot Askonomy của Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy (phát triển cùng Actable AI) là một ví dụ về trợ lý thông tin kinh tế, có khả năng tương tác. Nhiều tòa soạn cũng đang hướng tới việc dùng AI phân tích hành vi người dùng để gợi ý nội dung đa phương tiện phù hợp.

Mô hình và mức độ ứng dụng tại một số báo điện tử tiêu biểu

Dù AI phần lớn mới ở giai đoạn thử nghiệm và ứng dụng cục bộ, một số cơ quan báo điện tử đã nổi lên như những đơn vị tiên phong. Báo điện tử VietnamPlus được đánh giá cao về nỗ lực ứng dụng AI tương đối toàn diện, từ thu thập dữ liệu, sản xuất, phân phối đến đào tạo nhân lực.

Báo Nhân Dân điện tử cũng áp dụng AI để phân tích nhu cầu công chúng và thử nghiệm robot viết tin. Nhìn chung, mô hình ứng dụng AI chủ yếu là sự kết hợp giữa công cụ AI và sự giám sát, định hướng của con người, trong đó nhà báo vẫn giữ vai trò then chốt trong kiểm duyệt và đảm bảo chất lượng nội dung.

screenshot-8-.png
Báo điện tử VietnamPlus hợp tác với Vbee để ứng dụng công nghệ AI chuyển đổi văn bản thành giọng nói tự nhiên, đa dạng.

Đánh giá ban đầu về hiệu quả và những thay đổi trong hoạt động sản xuất nội dung đa phương tiện

Những ứng dụng AI bước đầu đã mang lại hiệu quả tích cực, rõ nhất là tăng năng suất và tối ưu hóa nguồn lực. Việc tự động hóa một số công đoạn giúp giảm tải công việc thủ công, cho phép phóng viên, biên tập viên đầu tư hơn vào chất lượng nội dung đa phương tiện. Sự đa dạng của sản phẩm và khả năng phân tích dữ liệu độc giả cũng được cải thiện. Cùng với đó, việc ứng dụng AI đặt ra yêu cầu tái cấu trúc quy trình làm việc và nâng cao kỹ năng số cho đội ngũ nhân sự, hướng tới mô hình tòa soạn thông minh và linh hoạt hơn trong kỷ nguyên số.

“Cuộc cách mạng nội dung đa phương tiện trên báo điện tử Việt Nam do AI dẫn dắt vừa mở ra triển vọng lớn, vừa đối mặt không ít thách thức. Việc nhận diện và vượt qua những thách thức là yếu tố then chốt để báo điện tử Việt Nam khai thác hiệu quả AI, tạo cách mạng nội dung đa phương tiện, phục vụ công chúng tốt hơn và khẳng định vai trò dẫn dắt trong xã hội số”, TS. Nguyễn Cẩm Ngọc nhấn mạnh./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Ứng dụng AI trong sản xuất nội dung đa phương tiện trên báo điện tử Việt Nam hiện nay
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO