An toàn thông tin

An ninh mạng sẽ ra sao dưới thời "Trump 2.0"?

Tuấn Trần 08:43 28/11/2024

Bất chấp lo ngại về cách chính quyền mới tại Mỹ có thể tác động đến hiện trạng an ninh mạng, các chuyên gia cho rằng bản chất phi đảng phái của chính sách an ninh mạng khiến khả năng chuyển đổi triệt để là không thể xảy ra.

Chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống năm nay hứa hẹn sẽ mang lại những thay đổi cơ bản trong cách thức hoạt động của chính phủ Mỹ.

Quan điểm của ông Donald Trump về một loạt các vấn đề đã thể hiện lập trường khác biệt đáng kể so với chính quyền Tổng Joe Biden, và được nhận định có thể là cứng rắn hơn bất kỳ chính sách nào mà ông Donald Trump đã áp dụng trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình.

Nhưng các chuyên gia cho biết, chính sách an ninh mạng (ANM) của chính quyền Trump sắp tới có nhiều khả năng sẽ vẫn giống với các chính quyền trước đây và có thể dự đoán được, chứ không phải là sự thay đổi triệt để so với quá khứ. Họ hy vọng sự nhất quán này là đúng mặc dù Trump đề cử những cá nhân không theo thông lệ và thiếu kinh nghiệm vào các vị trí trong nội các giám sát các hoạt động mạng quan trọng của chính phủ Mỹ.

Cơ quan ANM và Cơ sở Hạ tầng (CISA), có khả năng vẫn tiếp tục tồn tại, bất chấp có những động thái muốn giải thể cơ quan này của một số người.

Adam Darrah, Phó chủ tịch tại ZeroFox cho biết, "tôi không nghĩ có lý do gì để lo ngại về chính sách ANM dưới thời ông Donald Trump hơn là dưới thời chính quyền Tổng thống đương nhiệm Joe Biden, thành thật mà nói, họ đã làm tốt về ANM".

3610683-0-92103900-1732554616-the_white_house_shutterstock_119973388.jpeg
Nhà Trắng, nơi ông Donald Trump quay trở lại vào năm sau.

A ninh mạng và tính liên tục

Hầu hết các chuyên gia có kinh nghiệm về chính phủ dự đoán rằng, chính quyền Donald Trump 2.0 sẽ mang đặc trưng về tính liên tục hơn là sự gián đoạn liên quan đến ANM. Một phần niềm tin của họ bắt nguồn từ bản chất chủ yếu là lưỡng đảng của ANM.

Chris Painter, cựu quan chức ngoại giao ANM hàng đầu của Mỹ và là quan chức chính phủ cấp cao của Mỹ chia sẻ: "Tôi vẫn nghĩ rằng ANM là sáng kiến ​​của lưỡng đảng, ngay cả khi nó đã trở nên chính trị hóa hơn theo thời gian".

Ông Michael Daniel, Tổng giám đốc điều hành của Cyber ​​Threat Alliance, đồng ý. ANM “không phải là lĩnh vực có nhiều bất đồng giữa hai đảng”, ông nói. “Dựa trên thành tích của [ông Trump] từ nhiệm kỳ đầu tiên, tôi không nghĩ sẽ có sự khác biệt lớn”.

Ông Michael Daniel nói thêm: “Nếu bạn nhìn lại công việc của chính quyền ông Donald Trump đầu tiên về ANM, các chính sách mạng mà CISA theo đuổi khi đó tương tự như các chính sách mà chính quyền ông Barack Obama theo đuổi, với các chính sách tiếp nối nhưng tiến hóa hơn so với các chính sách mà chính quyền ông George W. Bush theo đuổi. Có rất nhiều sự tiếp nối ở đó".

Đầu năm nay, ông Michael Daniel và hàng chục cựu quan chức chính phủ Mỹ khác đã tham gia vào nỗ lực của Viện McCrary tại Đại học Auburn nhằm xây dựng 40 khuyến nghị về ANM, tạo thành kế hoạch hành động cho lực lượng đặc nhiệm chuyển giao quyền lực tổng thống của đảng chiến thắng.

Ông Michael Daniel cho biết, “Nếu bạn xem xét những thứ như báo cáo của Viện McCrary, thì đó là báo cáo rất lưỡng đảng và có sự tham gia của mọi người từ tôi đến [Cố vấn An ninh nội địa của ông Donald Trump và hiện là giám đốc của Trinity Cyber] Tom Bossert và [Cố vấn An ninh nội địa của George W. Bush và hiện là Giám đốc của Viện McCrary] Frank Cilluffo và [cựu trợ lý Bộ trưởng An ninh nội địa phụ trách ANM dưới thời ông Donald Trump] Matt Hayden và những người khác từ cả hai phía. Mặc dù có một số bất đồng, nhưng chúng tôi đã nhanh chóng đi đến thống nhất về những gì cần phải làm”.

Mark Montgomery, giám đốc cấp cao của Trung tâm Đổi mới Công nghệ và ANM tại Quỹ Bảo vệ Dân chủ và là một trong những người đứng đầu báo cáo của Viện McCrary, nói: “Nếu bạn có bất kỳ vấn đề nào khác, sẽ có hàng tỷ sự khác biệt. Nhưng với ANM, có rất nhiều sự đồng thuận. Không phải là bất kỳ ai cũng có thể làm được bất cứ điều gì, nhưng có sự đồng thuận về những gì cần phải làm".

CISA có thể sẽ vẫn tồn tại

Một trong những nỗi lo lớn nhất về ANM liên quan đến chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vừa qua là ông sẽ xóa bỏ Bộ An ninh Nội địa (DHS) và CISA như đã được đề cập trong "Dự án 2025" - "bản thiết kế" nhằm tư vấn cho ông Donald Trump việc ông nên điều hành Mỹ như thế nào nếu ông thắng cử do Heritage Foundation lập ra. Và mặc dù một Thượng nghị sĩ thân cận với Tổng thống đắc cử Donald Trump vẫn đang ủng hộ việc giải thể CISA, nhưng có vẻ như điều đó sẽ không xảy ra.

Một yếu tố giúp đảm bảo sự tồn tại liên tục của CISA là thách thức to lớn trong việc trục xuất hàng triệu người nhập cư trái phép, một nội dung chính trong chiến dịch tranh cử của ông Donald Trump. DHS, cơ quan quản lý CISA, gần như chắc chắn sẽ chịu trách nhiệm cho phần lớn công tác lập kế hoạch cho nhiệm vụ tốn kém và chưa từng có này.

“Với trọng tâm của chính quyền mới là hoạt động chống nhập cư, tôi ngờ rằng đó là nơi mà hầu hết các quan chức DHS sẽ tập trung vào”, Daniel nói. “Tôi sẽ quan tâm nhiều hơn đến việc họ sẽ chỉ định ai làm thứ trưởng, ai sẽ là người đứng đầu CISA, và chính sách ANM có thể đi về đâu. Tôi sẽ quan tâm nhiều hơn đến những cái tên đó vì tôi thấy khó tin rằng bộ trưởng DHS sẽ dành nhiều thời gian cho các vấn đề ANM”.

Một ý tưởng trong Dự án 2025 là chia nhỏ CISA và đưa bất kỳ bộ phận ANM còn lại nào vào Bộ Giao thông. Daniel cho biết: "Những 'calo chính trị' mà bạn phải bỏ ra để chuyển CISA sang nơi khác, thực sự không đáng. Tôi khó có thể tưởng tượng rằng đó sẽ là ưu tiên hàng đầu của bất kỳ ai".

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
An ninh mạng sẽ ra sao dưới thời "Trump 2.0"?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO