An toàn thông tin

Hợp tác với các tổ chức, công ty công nghệ lớn giúp phát triển nguồn tài nguyên an ninh mạng cho trẻ em

Anh Minh 18/11/2024 08:38

Hợp tác với các tổ chức quốc tế, công ty công nghệ giúp đón đầu xu hướng, mang lại những chương trình hỗ trợ phù hợp nhất cho giáo viên và học sinh ở Việt Nam.

Tiếp cận và nắm bắt sớm nhất các xu hướng công nghệ toàn cầu

Được thành lập như một tổ chức Khoa học và Công nghệ nhằm thu hẹp khoảng cách số tại Việt Nam, Trung tâm Công nghệ thông tin – Truyền thông Vietnet (Vietnet-ICT) hướng tới thu hẹp khoảng cách số, tạo cơ hội để các tổ chức và cộng đồng có cơ hội phát triển và thành công hơn.

Đặc biệt, Vietnet-ICT đã có nhiều dự án, chương trình liên quan đến việc đào tạo, nâng cao kỹ năng số cho học sinh, giáo viên và các bậc phụ huynh, hướng tới đảm bảo an toàn cho trẻ em trên Internet, chẳng hạn như dự án Kỹ năng số cho Thanh thiếu niên (YouthSpark), Kỹ năng số cho Phụ nữ và trẻ em gái, CNTT và an toàn số cho các nhóm dễ bị tổn thương khác…

vietnet-1.jpg
Bà Ngô Minh Trang (bên phải), Giám đốc Vietnet-ICT, tham dự chương trình tập huấn giảng viên nguồn về An toàn số và Khả năng phục hồi trên không gian mạng dành cho đại diện các đối tác địa phương của UN Women, được tổ chức tại Bangkok, Thái Lan.

Theo chia sẻ của bà Ngô Minh Trang, Giám đốc Vietnet-ICT, hợp tác với các tổ chức quốc tế, các công ty công nghệ đóng vai trò quan trọng trong việc triển khai, thực thi và hiệu quả của các chương trình, dự án.

“Các hoạt động của Vietnet-ICT phần lớn được thực hiện qua sự hợp tác và hỗ trợ của các tổ chức và công ty quốc tế như Microsoft và Meta. Tôi nhận thấy rằng việc hợp tác với các tổ chức quốc tế, đặc biệt là các công ty công nghệ lớn, mang lại rất nhiều lợi ích, đặc biệt là giúp chúng tôi tiếp cận và nắm bắt sớm nhất các xu hướng công nghệ toàn cầu, đồng thời phát triển các nguồn tài nguyên phù hợp với sự thay đổi của môi trường công nghệ”.

Bên cạnh đó, cơ hội tham gia các hội thảo và sự kiện quốc tế cũng giúp mở rộng khả năng học hỏi kinh nghiệm của các quốc gia khác. Ví dụ, chương trình "Tư duy thời đại số" mà Vietnet-ICT hợp tác với Meta là một chương trình mà Meta đã triển khai tại nhiều quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Bộ tài liệu của chương trình được Meta phát triển dựa trên nghiên cứu và các vấn đề thực tiễn về an toàn Internet cho trẻ em tại nhiều quốc gia. Đặc biệt, chương trình này linh hoạt với nhiều mô-đun và mỗi năm Vietnet-ICT lại cùng Meta cập nhật thêm các mô-đun và tài liệu mới phù hợp với bối cảnh đang thay đổi.

“Tuy nhiên, các tài liệu tham khảo quốc tế khi đưa vào Việt Nam đều được chúng tôi bản địa hóa về nội dung, cách diễn đạt và ví dụ minh họa sao cho phù hợp với ngôn ngữ và bối cảnh Việt Nam”, Giám đốc Vietnet-ICT cho biết. “Mỗi khu vực, mỗi quốc gia đều có những vấn đề và giải pháp cần tập trung khác nhau. Ngay cả trong từng tỉnh thành ở Việt Nam, các vấn đề về bảo vệ trẻ em trên mạng cũng khác nhau, nên việc linh hoạt trong phát triển và sử dụng tài liệu luôn là yếu tố cần thiết”.

Theo bà Trang, trong thời gian dịch COVID-19 năm 2020, Vietnet-ICT đã phát triển thêm mô-đun về phòng chống lừa đảo trên mạng - thời điểm mà vấn đề này chưa quá phổ biến ở Việt Nam. Dự kiến cuối năm nay, Trung tâm sẽ có thêm mô-đun liên quan đến trí tuệ nhân tạo và an toàn trên mạng.

“Việc đón đầu xu hướng để mang lại những chương trình hỗ trợ phù hợp nhất cho giáo viên và học sinh ở Việt Nam là một điểm nổi bật mà tôi đánh giá cao trong các hợp tác quốc tế”, bà Ngô Minh Trang nói.

Chương trình hỗ trợ sử dụng AI an toàn và có trách nhiệm cho giáo viên, học sinh và nhà trường

Người đứng đầu Vietnet-ICT cho biết với sự phát triển không ngừng của công nghệ, việc cập nhật và bổ trợ kỹ năng cho trẻ em là điều cần thiết. Trong thời gian tới, Vietnet-ICT sẽ tập trung phát triển thêm các tài liệu mới về chủ đề AI, đặc biệt là các chương trình về sử dụng AI một cách an toàn và có trách nhiệm. AI đang phát triển bùng nổ với tốc độ nhanh chóng và có thể tiềm ẩn những rủi ro về an toàn và bảo mật trên mạng qua nhiều hình thức mới.

“Hiện nay, sự chú ý chủ yếu vẫn xoay quanh việc ứng dụng AI vào học tập và công việc sao cho hiệu quả, nhưng ít đề cập đến những rủi ro mới do AI gây ra hay cách sử dụng AI một cách có đạo đức. Bên cạnh đó, việc xử lý thông tin do AI tạo ra cũng cần lưu ý để tránh các vấn đề như đạo văn và thông tin không chính xác. Do đó, chúng tôi cho rằng các nội dung này sẽ là phần bổ trợ cần thiết cho các chương trình an toàn Internet hiện có”, bà Ngô Minh Trang cho biết.

Theo thông tin được bà Trang chia sẻ, trong thời gian tới, Vietnet-ICT sẽ hợp tác với các cơ quan để phát triển thêm tài liệu hỗ trợ về chủ đề AI cho giáo viên, học sinh và nhà trường. Cụ thể, khóa học trực tuyến "Kỹ năng số và An toàn Internet" dành cho học sinh, hợp tác với Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam - Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), dự kiến sẽ ra mắt vào tháng 12/2024. Trước đó, Vietnet-ICT đã triển khai hai khóa học trực tuyến gồm "Giảng dạy kỹ năng số và an toàn Internet" dành cho giáo viên và "Làm bạn cùng con trên môi trường số" dành cho phụ huynh.

Theo ý kiến của lãnh đạo Vietnet-ICT, để tạo ra một môi trường mạng an toàn và lành mạnh, cần sự phối hợp của nhiều thành phần trong xã hội, bao gồm nhà nước, doanh nghiệp (DN), nhà trường và các tổ chức xã hội khác. Mỗi bên đều đóng vai trò quan trọng và không thể thiếu trong công việc này.

Đối với các cơ quan chức năng, việc ban hành các hành lang pháp lý và chế tài xử phạt phù hợp đối với tội phạm mạng là cần thiết. Về phía các nhà mạng và DN liên quan, xây dựng các tiêu chuẩn cộng đồng và tăng cường công nghệ nhằm phát hiện các rủi ro trên mạng sẽ góp phần lớn trong việc bảo vệ trẻ em.

Quyết định số 830/QĐ-TTg ngày 01/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình "Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021 - 2025" của Việt Nam đang huy động sự tham gia của nhiều ngành liên quan, bao gồm các cơ quan chức năng, DN và tổ chức xã hội. Đây là lần đầu tiên Việt Nam ban hành một chương trình ở cấp quốc gia về riêng vấn đề bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.

Chương trình có tính liên ngành cao khi có sự vào cuộc của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Công an. Chương trình cũng nhận được sự phối hợp của các tổ chức chính trị - xã hội, các DN thông tin và truyền thông, các cơ quan báo chí cũng tham gia, triển khai. Bên cạnh đó, Việt Nam còn có Mạng lưới ứng cứu, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng VN-COP đã tạo ra nhiều tác động tích cực trong việc bảo vệ trẻ em trực tuyến trong thời gian qua.

“Tôi hy vọng chính phủ sẽ tiếp tục duy trì và phát triển thêm các sáng kiến như vậy trong tương lai”, bà Ngô Minh Trang nói./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • AI sẽ tác động như thế nào đến an ninh mạng vào năm 2025?
    Từ các hệ thống phòng thủ dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI) đến các chiến thuật tấn công bằng phần mềm tống tiền (ransomware) ngày càng tinh vi, năm 2025 đang đặt ra nhiều thách thức và cơ hội mới cho ngành an ninh mạng.
  • TikTok và câu chuyện cung cấp dịch vụ tại Mỹ
    TikTok thông báo rằng họ đang "trong quá trình" khôi phục dịch vụ cho người dùng tại Mỹ. Động thái diễn ra chỉ hơn 12 giờ sau khi TikTok ngừng cung cấp dịch vụ để chuẩn bị đối phó với lệnh cấm.
  • 5 startup công nghệ Việt Nam đang được chú ý
    Trong những năm qua, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể, tạo được môi trường thuận lợi, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quốc gia.
  • Hội nghị WEF lần thứ 55: Hợp tác trong kỷ nguyên thông minh
    Nhận lời mời của Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) Klaus Schwab, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 55 Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tại Davos, Thụy Sĩ và làm việc song phương tại Thụy Sĩ trong hai ngày 21 và 22/1/2025.
  • Thủ tướng làm việc với Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam tại châu Âu
    Nhân chuyến thăm chính thức Cộng hòa Séc, chiều 19/1/2025, giờ địa phương (tối cùng ngày, giờ Hà Nội), Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam tại châu Âu (VINEU).
Đừng bỏ lỡ
Hợp tác với các tổ chức, công ty công nghệ lớn giúp phát triển nguồn tài nguyên an ninh mạng cho trẻ em
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO