An toàn thông tin

Phụ huynh và giáo viên cần không ngừng cập nhật kiến thức về an ninh mạng

Anh Minh 15/11/2024 14:08

Công nghệ phát triển nhanh chóng. Theo đó, các bậc cha mẹ, thầy cô cũng cần phải không ngừng học hỏi, cập nhật kiến thức mới hỗ trợ và định hướng hiệu quả cho con trẻ trên môi trường mạng.

Hai thách thức lớn khi bảo vệ trẻ trên môi trường mạng

Trao đổi với PV Tạp chí TT&TT, bà Ngô Minh Trang, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin - Truyền thông Vietnet (Vietnet-ICT), đã đề cập đến 2 thách thức lớn trong việc bảo vệ trẻ em (BVTE) trên môi trường mạng.

ngo-minh-trang-2.jpg
Vietnet-ICT đồng hành cùng UNICEF: Khám phá Công nghệ - Đổi mới và Phát triển Kỹ năng Thế kỷ 21 cho giáo viên và học sinh. (Ảnh: Vietnet-ICT)

Thứ nhất, trẻ em ngày nay sinh ra và lớn lên trong thời đại công nghệ số, với khả năng tiếp cận công nghệ sớm và sử dụng thành thạo các thiết bị công nghệ nhờ vào điều kiện học tập và nguồn tài liệu phong phú trên mạng.

Ngược lại, phụ huynh và giáo viên – những người sinh ra trong thời kỳ công nghệ chưa phổ biến – lại gặp khó khăn khi đồng hành cùng con trẻ trong môi trường số.

Thứ hai, các công nghệ mới như AI, IoT hay deepfake đang phát triển không ngừng, và đi cùng đó là các phương thức tấn công và mối đe dọa ngày càng tinh vi hơn. Chẳng hạn, AI được sử dụng ngày càng nhiều trong các nền tảng mạng xã hội, trò chơi trực tuyến và công cụ tìm kiếm.

Tuy nhiên, nếu bị lợi dụng, AI có thể phục vụ các hành vi lạm dụng như việc tạo ra các bot hoặc tài khoản ảo để thực hiện hành vi lừa đảo, lôi kéo trẻ em tham gia vào các nhóm nguy hiểm, hoặc tạo ra những quảng cáo nhắm mục tiêu không phù hợp với lứa tuổi.

Hơn nữa, AI có thể thu thập và phân tích dữ liệu cá nhân, xâm phạm quyền riêng tư và tăng nguy cơ bị lộ thông tin cá nhân.

Trong khi đó IoT (Internet vạn vật) giúp kết nối các thiết bị gia dụng, đồ chơi thông minh và thiết bị đeo thông minh vào mạng Internet để chúng giao tiếp với nhau. Tuy nhiên, các thiết bị này cũng dễ bị tin tặc tấn công, đặc biệt là khi thiếu các lớp bảo mật.

Ví dụ, camera an ninh hoặc đồ chơi thông minh có thể bị tấn công (hack), xâm phạm quyền riêng tư của trẻ em và gia đình, dẫn đến rủi ro về thông tin cá nhân bị đánh cắp hoặc bị theo dõi từ xa.

Deepfake, một hành vi sử dụng AI để tạo ra hình ảnh, video hoặc âm thanh giả mạo nhưng trông rất chân thật, có thể khiến người xem khó nhận biết thật giả. Deepfake có thể được sử dụng để tạo ra hình ảnh hoặc video giả mạo, bao gồm cả những nội dung nhạy cảm hoặc bắt nạt trẻ em.

Nếu rơi vào tay kẻ xấu, công nghệ này có thể tạo ra những video giả mạo có nội dung đe dọa, gây tổn thương hoặc đòi tiền chuộc, dẫn đến những tổn thương tâm lý và rủi ro cho trẻ em.

Do đó, theo bà Trang, những điều này khiến các rủi ro trên Internet mà trẻ em phải đối mặt ngày càng đa dạng và nghiêm trọng hơn. Việc trang bị kỹ năng số cho các em trở thành một nhu cầu cấp thiết hơn bao giờ hết, nhằm giúp các em hiểu và tự bảo vệ mình trên không gian mạng.

“Việc hướng dẫn trẻ em kỹ năng bảo vệ bản thân trên mạng là vô cùng quan trọng và cần được chú trọng ngay từ đầu”, Giám đốc Vietnet-ICT nói.

“Ngày nay, trẻ em sử dụng công nghệ tốt hơn và khả năng học tập cũng nhanh hơn thế hệ trước. Khả năng học hỏi của các em hiện nay rất lớn, tuy nhiên, nhiều rủi ro trên mạng xảy ra do các em chưa hiểu rõ nguy cơ có thể gặp phải cũng như chưa lường trước hậu quả của các hành vi trực tuyến đối với an toàn bản thân và cảm xúc của người khác. Vì vậy, bước đầu tiên là giúp các em nhận thức rõ về những rủi ro này. Khi đã hiểu, các em có thể tự tìm kiếm thông tin và tự học để nâng cao kiến thức bảo vệ bản thân”.

“Không bật mí những bí mật” là một trong những chiến dịch mà Vietnet-ICT đã từng triển khai nhằm trang bị các kỹ năng số cho các em.

Theo Vietnet-ICT, “Không bật mí những bí mật” là chiến dịch truyền thông về bảo vệ quyền riêng tư khi tham gia vào môi trường trực tuyến, do tổ chức Oxfam tại Việt Nam, Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS), Vietnet-ICT thực hiện dưới sự tài trợ của Liên minh châu Âu (EU).

Thông điệp của chiến dịch là không chia sẻ trên mạng xã hội danh tính và nhân thân, tình trạng sức khỏe của người khác vì những thông tin này thuộc về quyền riêng tư và được pháp luật bảo vệ. Việc chia sẻ thông tin khi chưa được sự cho phép của người sở hữu là xâm phạm quyền riêng tư - và có thể đang vi phạm pháp luật.

Bà Ngô Minh Trang cho biết: “Với chiến dịch này, chúng tôi nhằm mục đích nâng cao nhận thức của các em về những vấn đề liên quan đến quyền riêng tư. Đây là một trong những chiến dịch thành công của chúng tôi. Qua việc thực hiện, chúng tôi thấy rằng thực ra nhiều em đã bắt đầu ý thức được các vấn đề khi tham gia vào thế giới mạng và cũng quan tâm đến vấn đề này. Điều chúng ta cần làm đôi khi chỉ là trao quyền cho các em được lên tiếng và chia sẻ những vấn đề của mình, đồng thời trở thành đại sứ truyền cảm hứng cho những người khác”.

Tầm quan trọng của việc hướng dẫn, đào tạo an ninh mạng cho phụ huynh và giáo viên

Bà Ngô Minh Trang cũng trao đổi, nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc hướng dẫn, đào tạo cho nhà trường và giáo viên.

Bà Trang cho biết: “Chúng tôi đã nghiên cứu về chủ đề an toàn an ninh mạng từ hơn 10 năm trước, khi khái niệm này còn khá mới mẻ tại Việt Nam. Trong quá trình này, chúng tôi đã hợp tác và hỗ trợ các hệ thống giáo dục, bao gồm các trường học, giáo viên, và phụ huynh học sinh trong nhiều năm. Tôi thấy rõ sự thay đổi trong nhận thức và nỗ lực triển khai các chương trình an toàn mạng của các trường học và giáo viên. Các cơ sở giáo dục, nhà trường đã chủ động tìm kiếm các chương trình bổ trợ để cung cấp kiến thức cho giáo viên và học sinh về chủ đề này”.

ngo-minh-trang-3.jpg
Bà Ngô Minh Trang nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc hướng dẫn, đào tạo cho nhà trường và giáo viên. (Ảnh: NVCC)

“Giáo viên luôn đóng vai trò quan trọng trong việc đào tạo kiến thức và kỹ năng cho trẻ em, không chỉ riêng kỹ năng số. Như đã nói, phụ huynh và giáo viên - những người sinh ra trong thời kỳ công nghệ chưa phổ biến, sẽ gặp khó khăn khi đồng hành cùng con trẻ trong môi trường số. Chính vì vậy, bản thân các bậc cha mẹ, thầy cô cũng cần phải không ngừng học hỏi, cập nhật kiến thức mới để hiểu rõ những vấn đề mà các em có thể gặp phải, từ đó hỗ trợ và định hướng hiệu quả khi cần thiết”, bà Ngô Minh Trang nói.

Trong bối cảnh hiện nay, điều này càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Với tốc độ phát triển nhanh chóng của công nghệ, khoảng cách về khả năng sử dụng công nghệ giữa các thế hệ ngày càng lớn. Giáo viên và phụ huynh, vốn sinh ra trong thời đại mà công nghệ chưa phát triển, chưa từng được học kỹ năng số để bảo vệ bản thân trên internet. Trong khi đó, học sinh hiện nay thường giỏi sử dụng các công nghệ và ứng dụng số hơn chúng ta rất nhiều.

“Vấn đề đặt ra là: làm thế nào để giáo viên và phụ huynh có thể đồng hành và hỗ trợ các em trong các vấn đề trên mạng? Việc tăng cường kỹ năng số cho giáo viên không chỉ giúp họ có đủ kiến thức để giảng dạy kỹ năng số cho học sinh mà còn giúp họ hỗ trợ tâm lý và kỹ thuật khi các em gặp phải vấn đề trên mạng.

Bên cạnh đó, thông qua giáo viên, phụ huynh cũng có thể tiếp cận và nâng cao hiểu biết về an toàn mạng. Điều này giúp phụ huynh có thể đồng hành cùng con em mình trong môi trường gia đình, tạo nên một hệ sinh thái hỗ trợ toàn diện cho học sinh trong không gian số”, bà Ngô Minh Trang cho biết.

Lãnh đạo Vietnet-ICT cũng đã chia sẻ một số hoạt động nhằm tăng cường kỹ năng an toàn internet cho các em mà Trung tâm đã thực hiện, như hỗ trợ kỹ năng cho giáo viên để họ giảng dạy lại chủ đề này cho học sinh (thông qua xây dựng tài liệu và tập huấn), các chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức (như “Không bật mí những bí mật”, “Đề kháng trên mạng xã hội”), tổ chức các buổi trò chuyện về an toàn internet với sự tham gia của các Đại sứ thanh niên là sinh viên được tập huấn bởi Meta và Vietnet-ICT, và các khóa học trực tuyến dành cho giáo viên, phụ huynh và học sinh./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • AI sẽ tác động như thế nào đến an ninh mạng vào năm 2025?
    Từ các hệ thống phòng thủ dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI) đến các chiến thuật tấn công bằng phần mềm tống tiền (ransomware) ngày càng tinh vi, năm 2025 đang đặt ra nhiều thách thức và cơ hội mới cho ngành an ninh mạng.
  • TikTok và câu chuyện cung cấp dịch vụ tại Mỹ
    TikTok thông báo rằng họ đang "trong quá trình" khôi phục dịch vụ cho người dùng tại Mỹ. Động thái diễn ra chỉ hơn 12 giờ sau khi TikTok ngừng cung cấp dịch vụ để chuẩn bị đối phó với lệnh cấm.
  • 5 startup công nghệ Việt Nam đang được chú ý
    Trong những năm qua, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể, tạo được môi trường thuận lợi, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quốc gia.
  • Hội nghị WEF lần thứ 55: Hợp tác trong kỷ nguyên thông minh
    Nhận lời mời của Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) Klaus Schwab, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 55 Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tại Davos, Thụy Sĩ và làm việc song phương tại Thụy Sĩ trong hai ngày 21 và 22/1/2025.
  • Thủ tướng làm việc với Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam tại châu Âu
    Nhân chuyến thăm chính thức Cộng hòa Séc, chiều 19/1/2025, giờ địa phương (tối cùng ngày, giờ Hà Nội), Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam tại châu Âu (VINEU).
Đừng bỏ lỡ
Phụ huynh và giáo viên cần không ngừng cập nhật kiến thức về an ninh mạng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO