Áp dụng hiệu quả các dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4 cho người dân tại Quảng Nam

Hoàng Linh| 20/11/2019 09:25
Theo dõi ICTVietnam trên

Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Quảng Bình ngày 15/11/2019 đã ban hành Kế hoạch Xây dựng, hoàn thiện và triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 trên Cổng dịch vụ công của tỉnh giai đoạn 2019-2020.

Theo đó, mục đích của Kế hoạch là xây dựng và áp dụng có hiệu quả các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 nhằm đơn giản hóa, tạo thuận lợi tối đa cho cá nhân và tổ chức trong thực hiện thủ tục hành chính (TTHC); giúp cho hoạt động của cơ quan nhà nước (CQNN) được minh bạch, mang tính phục vụ cao, góp phần đẩy mạnh cải cách nền hành chính nhà nước của tỉnh.

Kế hoạch yêu cầu tuân thủ các quy định của pháp luật về triển khai các dịch vụ công trực tuyến của CQNN; Hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác, sử dụng có hiệu quả các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 áp dụng tại các cơ quan hành chính nhà nước thuộc phạm vi thẩm quyền quản lý của UBND tỉnh.

Người dân đến thực hiện thủ tục hành chính tại Trung tâm hành chính công của tỉnh Quảng Nam (Ảnh: tcnn.vn/)

Kế hoạch có các nội dung nhiệm vụ gồm:

1. Lập Danh mục TTHC triển khai dịch vụ công trực tuyến

Trên cơ sở Danh mục các TTHC dự kiến xây dựng, hoàn thiện và triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến tại Phụ lục ban hành kèm theo Kế hoạch này, các sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh theo chức năng quản lý ngành, lĩnh vực trên địa bàn, tiến hành rà soát, bổ sung thêm TTHC để lập Danh mục các TTHC xây dựng, hoàn thiện và triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 trên Cổng dịch vụ công tỉnh giai đoạn 2019-2020 (đối với cả 3 cấp: tỉnh, huyện, xã).

2. Xây dựng quy trình thực hiện chi tiết của từng dịch vụ công trực tuyến theo yêu cầu sau:

a) Trên cơ sở danh mục TTHC được lập ở Khoản 1 Mục này, các sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh theo chức năng quản lý ngành, lĩnh vực (đối với cả 3 cấp: tỉnh, huyện, xã) tổ chức xây dựng quy trình chi tiết các bước thực hiện của từng dịch vụ công trực tuyến để thực hiện tiếp nhận, giải quyết hồ sơ trên Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh.

b) Trong trường hợp để xây dựng dịch vụ công trực tuyến, cần thiết phải trình UBND tỉnh ban hành văn bản quy phạm pháp luật để sửa đổi, bổ sung một số quy định về quy trình thực hiện TTHC, cách thức nộp hồ sơ, cách thức giao dịch, luân chuyển hồ sơ trong quá trình xử lý, cung cấp dịch vụ nêu tại Điểm a Khoản này, các sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh theo chức năng quản lý ngành, lĩnh vực (đối với cả 3 cấp: tỉnh, huyện, xã) có trách nhiệm rà soát, xây dựng dự thảo văn bản quy phạm pháp luật trình UBND tỉnh theo thẩm quyền ban hành TTHC.

c) Xây dựng dự thảo Quyết định phê duyệt danh mục và quy trình thực hiện chi tiết các dịch vụ công trực tuyến, trình UBND tỉnh phê duyệt trước ngày 31/12/2020 để làm cơ sở xây dựng, hoàn thiện và triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 trên Cổng dịch vụ công tỉnh giai đoạn 2019-2020.

đ) Đối với các dịch vụ công trực tuyến liên thông nhiều cơ quan tham gia giải quyết hoặc dịch vụ công trực tuyến thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp huyện, cấp xã thì sở, ban, ngành chủ trì quản lý nhà nước về TTHC có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan và UBND cấp huyện thực hiện các nhiệm vụ quy định tại các Điểm a, b và c Khoản này để áp dụng chung trong toàn tỉnh; trình UBND tỉnh phê duyệt trước ngày 31/01/2020.

3. Xây dựng và chạy thử dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh

a) Sở TTTT tham mưu UBND tỉnh tổ chức xây dựng các dịch vụ công trực tuyến đã được UBND tỉnh phê duyệt; gắn địa chỉ email và số điện thoại liên hệ của cơ quan giải quyết TTHC trên Cổng dịch vụ công của tỉnh. Thời gian hoàn thành, báo cáo UBND tỉnh và thông báo cho sở, ban, ngành, UBND cấp huyện có dịch vụ công biết để phối hợp chạy thử, hoàn thiện trước ngày 15/3/2020.

b) Các sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh, UBND cấp huyện phối hợp với Sở TTTT tổ chức chạy thử, hoàn thiện đối với từng dịch vụ công trực tuyến. Thời gian hoàn thành, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 30/4/2020.

4. Cung cấp dịch vụ công trực tuyến:

a) Sau khi chạy thử, hoàn thiện dịch vụ công trực tuyến, các sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh, UBND cấp huyện tổ chức thực hiện: Thông báo tối thiểu 01 lần trên phương tiện thông tin đại chúng và tổ chức các hình thức công khai khác đối với các dịch vụ công trực tuyến được cơ quan, đơn vị, địa phương mình cung cấp; Tổ chức việc giải quyết TTHC thông qua dịch vụ công trực tuyến đã được thông báo công khai; Giao nhiệm vụ cho Bộ phận Một cửa các cấp hướng dẫn cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp (DN) thực hiện dịch vụ công trực tuyến.

b) Sở Nội vụ tham mưu UBND tỉnh để đề nghị Tỉnh đoàn, Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tỉnh tổ chức phát động phong trào tình nguyện trong việc hướng dẫn cá nhân, tổ chức, DN thực hiện dịch vụ công trực tuyến ngay tại Bộ phận Một cửa các cấp theo chức năng, nhiệm vụ cải cách hành chính.

Theo Kế hoạch, Các sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ  chức quán triệt, triển khai thực hiện Kế hoạch này đến các cơ quan, đơn vị, địa phương và cán bộ, công chức, viên chức trực thuộc; Phối hợp với Sở TTTT trong quá trình thiết lập cấu hình, chuẩn hóa quy trình điện tử, chạy thử và hoàn thiện dịch vụ công trực tuyến.

Các sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố nghiên cứu, phối hợp với Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh hoặc Bộ chuyên ngành (theo thẩm quyền) xem xét thực hiện chính sách giảm mức phí, lệ phí thực hiện TTHC qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 trong năm đầu thực hiện tại đơn vị, địa phương mình nhằm kích cầu người sử dụng.

Các sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố thường xuyên theo dõi, tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị và đánh giá mức độ hài lòng của tổ chức, cá  nhân để cải tiến, nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến.

Văn phòng UBND tỉnh chủ trì hướng dẫn, đôn đốc các sở, ban, ngành, địa phương thực hiện việc rà soát, lựa chọn, xây dựng  quy trình thực hiện chi tiết các dịch vụ  công trực tuyến, tham mưu UBND tỉnh đơn giản hóa,  sửa đổi, bổ  sung quy định về TTHC theo các nhiệm vụ được phân công tại Kế  hoạch này.

Sở  TTTT chủ trì, phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh và các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh nâng cấp, hoàn thiện các chức năng của Cổng dịch vụ công, Hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh và xây dựng, triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4; bảo đảm kết nối với Cổng thanh toán điện tử của Ngân hàng Công thương Việt Nam và kết nối, tích hợp với Cổng dịch vụ công quốc gia.

Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Quảng Bình, các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh và các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã  thực hiện tốt công tác truyền thông, thông tin để tuyên truyền, phổ  biến, hướng dẫn cho người dân, tổ chức và DN tiếp cận, sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Áp dụng hiệu quả các dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4 cho người dân tại Quảng Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO