Áp dụng nền tảng, công nghệ và văn hóa số tăng hiệu suất lao động, lợi thế cạnh tranh

Đỗ Minh| 11/08/2022 11:14
Theo dõi ICTVietnam trên

"Muốn phát triển văn hoá doanh nghiệp (DN) bền vững trong thời đại số, các DN cần xây dựng các giá trị văn hoá hài hòa, tạo, hình thành nền tảng cân bằng cho sự kết nối giữa các khâu máy móc, công nghệ, con người, công việc".

Đó là quan điểm của ông Đinh Hồng Sơn, đại diện công ty công nghệ Tinh Vân Consulting tại Hội thảo "Văn hóa DN trong thời đại số" do Viện Đào tạo và Tư vấn doanh nghiệp (DN) tổ chức mới đây.

Văn hóa số thực chất không phải là cái gì đó quá khó

Cụ thể, khi phân tích, đưa ra các kinh nghiệm chia sẻ về sự cần thiết phải xây dựng, hoàn thiện văn hóa số trong DN, nhất là nhấn mạnh đến các yếu tố phù hợp với thời đại số, thời đại của cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 đang phát triển mạnh mẽ hiện nay, ông Sơn cho rằng, các DN, tổ chức khi xây dựng văn hóa số cần có lộ trình lâu dài; cần tuyển dụng nhân sự phù hợp với hệ giá trị của DN; các chính sách nhân sự khi đưa ra cần được xây dựng trên biểu đồ (mapping) và có khung chiến lược, kế hoạch thực hiện cụ thể.

Đặc biệt, DN cũng cần coi trọng yếu tố công cụ nền tảng, ứng dụng công nghệ số. Vì khi có yếu tố này, lâu dài sẽ tạo ra những động lực tích cực để hình thành nên các giá trị chuẩn mực văn hóa số và thay thế các hệ giá trị văn hóa truyền thống không còn phù hợp.

Áp dụng nền tảng, công nghệ và văn hóa số tăng hiệu suất lao động, lợi thế cạnh tranh - Ảnh 1.

Xây dựng văn hoá số không thể nóng vội, cần quá trình bền bỉ, lâu dài.

Ông Sơn còn cho rằng, gốc rễ của văn hóa hướng đến để hiểu đúng chính là làm thế nào để phát triển nguồn nhân lực có hệ thống, năng lực đội ngũ có hành vi kinh doanh hướng đến đảm bảo có trách nhiệm với cộng đồng, xã hội, thân thiện môi trường, tạo ra cuộc sống an toàn.

Vì điều này, văn hóa truyền thống phải phải được làm mới và nối tiếp với đặc điểm mới của văn hóa số, thời đại số. Nói cách khác, mục tiêu để hướng đến của văn hóa số chính là một nền tảng để tạo nên năng lực "lõi" số, lợi ích cạnh tranh lành mạnh trong không gian số, thị trường số.

Do đó, để nâng cao hiệu quả hoạt động, hiệu quả công việc sản xuất, kinh doanh, DN cần thiết kế, xây dựng hoàn thiện các kế hoạch thực hiện nhiệm vụ CĐS. Muốn làm được điều này, DN cần thông qua quá trình dịch chuyển từ các nền tảng số, phát triển các năng lực số, tự động hóa mọi quy trình vận hành, sản xuất…

Đồng thời, DN cần áp dụng thực hiện các chiến dịch CNTT để chuyển sang các công nghệ số. "Lấy nền tảng IoT, dữ liệu, … quá trình tiếp nối để tạo ra không gian, trật tự số được vận hành trơn tru trong môi trường hoạt động, phát triển của các tổ chức, DN" Ông Sơn nêu ý kiến.

Ông Sơn cũng cho rằng, văn hóa số cần được hiểu thực chất không phải là cái gì đó quá khó nếu DN muốn tạo ra, bởi hiện hữu hàng ngày trong hoạt động của DN đôi khi chỉ là cách thể hiện, biểu hiện, phản chiếu giữa thái độ của nhân viên với công việc, với hệ thống quản trị, với các cấp quản lý lãnh đạo.

Vì không khó, nhưng cũng không dễ đạt được nếu như DN không xây dựng, đề cao các hệ giá trị cho các nhân viên: Tính trung thực; lòng nhiệt huyết; sức sáng tạo. Đặc biệt, theo ông Sơn, mục tiêu chung đối với các hệ giá trị mới được tạo ra phải hướng đến tiêu chí lấy con người là "nền tảng", khách hàng là "trung tâm" để thực hiện.

Cũng theo ông Sơn, khi DN muốn xây dựng văn hóa cần tránh sự "nóng vội", nếu "nóng vội" sẽ không đạt được hiệu quả, yêu cầu, mong muốn. Giải thích cho luận điểm này, ông Sơn cho biết, trước đó công ty Tinh Vân đã xây dựng mô hình văn hóa số trong DN của mình dựa trên các yếu tố mở như: Linh động về thời gian làm việc, công việc cho nhân viên; đề cao tính dân chủ; tăng tính cạnh tranh nội bộ để tạo động lực phát triển tự nhiên…

Tuy nhiên, sau một thời gian thực hiện nhiều vấn đề hạn chế đã nẩy sinh, một phần là do sự "nóng vội", chủ quan duy ý chí khi đưa ra các tiêu chí và kết quả cuối cùng hiệu quả, hiệu suất công việc không được theo mong muốn.

"Tệ hại hơn, việc gắn kết các thành viên, các bộ phận chuyên môn không thống nhất, đoàn kết, phát huy sức mạnh tập thể", ông Sơn nhấn mạnh.

Nhận được "quả đắng" không như mong muốn cũng chỉ vì sự "nóng vội" nêu trên, ông Sơn cho rằng, các DN khi xây dựng văn hóa số cần phải thực hiện có sự chuẩn bị kỹ, gắn với lâu dài, bền bỉ, không dừng lại ở một thời điểm. Đồng thời, cần có sự tham của tất cả mọi thành viên trong công ty, tổ chức, DN (lãnh đạo, nhân sự) và cần thiết sử dụng công nghệ là công cụ để tối ưu, tiết kiệm chi phí, thời gian, giảm thiểu rủi ro trong quá trình tạo dựng nền tảng văn hóa DN.

Văn hóa số nâng hiệu quả, tăng hiệu suất lao động

Chưa dừng lại ở các quan điểm phân tích trên, ông Sơn còn nhấn mạnh đến việc khi sử dụng các nền tảng, công nghệ số thì tất cả các thói quen của nhân viên làm việc trong các DN cũng sẽ thay đổi. Chính điều này đã tạo văn hóa số trong Tinh Vân Consulting và dần hình thành quy trình số trong các khâu quản trị, sản xuất, quản lý giao tiếp trên công cụ online…

"Tinh Vân Consulting đã đong đếm, đánh giá giá trị công việc, hiệu suất lao động đều dựa trên nền tảng công nghệ và được quyết định dựa trên dữ liệu số", ông Sơn nhấn mạnh.

Áp dụng nền tảng, công nghệ và văn hóa số tăng hiệu suất lao động, lợi thế cạnh tranh - Ảnh 2.

Văn hoá số giúp tăng năng suất lao động và lợi thế cạnh tranh.

Cũng theo ông Sơn, đến nay nhờ áp dụng các nền tảng, công nghệ số và các giá trị văn hóa số đã giúp Tinh Vân Consulting: Rút ngắn thời gian triển khai dự án, tăng hiệu quả (từ 15% lên 20%); tăng chỉ số hài lòng giữa khách hàng và công ty (75% lên 90%); tăng tỷ lệ nhân viên đạt năng lực chuẩn từ 70% lên 85%; tăng hiệu suất lao động và lợi thế cạnh tranh…

Đến nay, không chỉ các giá trị văn hóa số đang tạo ra các giá trị cho Tinh Vân Consulting mà Tinh Vân Consulting còn tận dụng điều này để phát triển, trở thành DN chuyên cung cấp các giải pháp công nghệ phần mềm cho các DN Việt Nam và khách hàng nước ngoài.

Điển hình cho các giải pháp công nghệ hướng về lĩnh vực nhân sự phải kể đến của Tinh Vân Consulting hiện nay là: Giải pháp Core.vn và Histaff.vn. "Đây chính là hai sản phẩm nền tảng về giải pháp số, góp phần giúp các DN CĐS, tiếp cận đến các bài toán liên quan đến yếu tố con người, nhất là việc giúp tối ưu hóa nguồn lực, chất lượng, hiệu quả, để hiệu suất lao động trong các DN", ông Sơn cho biết./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Áp dụng nền tảng, công nghệ và văn hóa số tăng hiệu suất lao động, lợi thế cạnh tranh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO