ASCN - Thêm một sợi dây gắn kết khối ASEAN

Minh Thiện| 23/10/2020 22:51
Theo dõi ICTVietnam trên

Mạng lưới các đô thị thông minh (ĐTTM) ASEAN (ASCN) đóng vai trò hợp tác giữa những thành phố của 10 quốc gia thành viên ASEAN nhằm hướng tới những mục tiêu chung về phát triển ĐTTM và bền vững với 26 đô thị thành viên. Việc phát triển ĐTTM phải lấy “hạnh phúc của người dân” làm tiêu chí hành động.

Hợp tác để phát triển bền vững và thịnh vượng

Chiều ngày 22/10/2020, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương và Bộ Xây dựng đã đồng chủ trì và tổ chức Diễn đàn Cấp cao về ĐTTM ASEAN 2020 (ASEAN Smart Cities Summit & Expo 2020) với chủ đề "ĐTTM - hướng tới Cộng đồng, Bản sắc và Phát triển bền vững vì một ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng".

Sự kiện được phối hợp của Văn phòng Chính phủ (VPCP), Bộ Ngoại giao, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài Nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Công an, Ban Thư ký ASEAN, UBND Hà Nội, UBND Hồ Chí Minh, UBND Đà Nẵng.

ASCN - Thêm một sợi dây gắn kết khối ASEAN - Ảnh 1.

Toàn cảnh phiên Diễn đàn Cấp cao

Đây là sự kiện quốc tế có quy mô lớn gắn với các hoạt động chính thức của Năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam với sự tham gia trực tiếp của nhiều lãnh đạo cấp cao trong nước, trong khu vực ASEAN và đại diện lãnh đạo quốc tế, gần 2.000 đại biểu lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương, các đại sứ quán, tổ chức quốc tế, các đối tác là cộng đồng doanh nghiệp (DN) trong nước và các hiệp hội DN nước ngoài. Diễn đàn còn có sự tham dự của khoảng trên 60 đại biểu quốc tế... dự trực tiếp, và gần 50 đại biểu quốc tế từ ASEAN, Singapore, Hoa Kỳ... tham gia trực tuyến tại 35 điểm cầu trên thế giới.

Phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: Phát triển ĐTTM thực sự là một "cuộc chơi lớn", trong đó cần có những "người cùng chơi" có "tầm nhìn" và "tiềm lực", hướng tới mục tiêu nhân văn là cuộc sống hạnh phúc, sự phát triển toàn diện của con người, bảo vệ môi trường và thiết lập hệ sinh thái đô thị phát triển bền vững.

Mạng lưới các ĐTTM ASEAN (ASCN) đã được thành lập tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 32 ở Singapore, xác định các mục tiêu, bao gồm nền kinh tế cạnh tranh, môi trường bền vững và chất lượng cuộc sống cao hơn. Trong đó, Việt Nam có 3 thành phố tham gia ASCN là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Diễn đàn là dịp quan trọng để cùng trao đổi sâu sắc toàn diện về các kinh nghiệm, thực tiễn tốt trong phát triển ĐTTM giữa các quốc gia, đô thị thành viên. ASCN đóng vai trò hợp tác giữa những thành phố của 10 quốc gia thành viên ASEAN nhằm hướng tới những mục tiêu chung về phát triển đô thị thông minh và bền vững với 26 đô thị thành viên. 

Mạng lưới ASCN thực sự là không gian thuận lợi để các quốc gia ASEAN phát huy nội lực, mở rộng hợp tác với các đối tác ngoài khối để thúc đẩy quá trình đô thị hóa thông minh hiệu quả để hướng đến các mục tiêu nền kinh tế cạnh tranh, môi trường bền vững và chất lượng cuộc sống cao cho người dân.

ASCN - Thêm một sợi dây gắn kết khối ASEAN - Ảnh 2.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tới dự và phát biểu chỉ đạo

Việt Nam xác định phát triển ĐTTM, bền vững là một hướng đi có tính đột phá để góp phần nâng cao tính cạnh tranh quốc gia. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: "Tôi mong muốn các thành viên ASEAN nâng cao tinh thần đoàn kết, quyết tâm, cùng chung tay thực hiện tốt 5 ưu tiên của năm ASEAN 2020, bao gồm củng cố môi trường hòa bình, kết nối thịnh vượng, phát triển cộng đồng và bản sắc ASEAN, thúc đẩy quan hệ đối tác quốc tế và đẩy mạnh năng lực thể chế ASEAN".

ĐTTM phải bắt nguồn từ lợi ích của người dân

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, sự phát triển vượt bậc của khoa học kỹ thuật và công nghệ, đặc biệt cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 đã làm sáng tỏ nhiều chân trời tri thức mới, trong đó mở rộng thêm không gian mới cho phát triển ĐTTM, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, giúp tăng trưởng kinh tế, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ tài nguyên hiệu quả. Đồng thời cuộc cách mạng này có thể định hướng, dự báo được các vấn đề rủi ro, nguy cơ một cách chính xác hơn, nhanh chóng hơn, từ đó tăng khả năng thích ứng, tự phục hồi của xã hội và đô thị.

Với vai trò là thành viên tích cực của ASCN, Việt Nam đã có nhiều chính sách và nỗ lực phát triển ĐTTM, coi xây dựng ĐTTM là một trong 3 nhiệm vụ cốt lõi trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia của CMCN 4.0. Việt Nam có chương trình phát triển ĐTTM bền vững đến 2025 và tầm nhìn 2030 trên cơ sở quy hoạch thông minh gắn với quản lý thông minh, cung cấp tiện ích thông minh, tạo thuận lợi cho các giao dịch giữa chính quyền, nhà quản lý với người dân và nhà đầu tư. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh một số yêu cầu cho quá trình phát triển: 

Thứ nhất, gắn phát triển ĐTTM với Chính phủ số, Chính quyền số.

Thứ hai, phát triển ĐTTM phải trên cơ sở cân nhắc cơ hội và rủi ro, thách thức gắn với nhu cầu và năng lực của địa phương, không thực hiện theo phong trào, cần làm từng bước, có chọn lọc, theo lộ trình.

Thứ ba, tiếp cận ĐTTM theo hướng hiệu quả, kế thừa và phát huy kinh nghiệm của 35 năm đổi mới, đồng thời phát triển những giá trị gia tăng do công nghệ, kỹ thuật mới đem lại, phát huy bản sắc văn hóa đặc trưng riêng của khối ASEAN và đặc thù của các quốc gia thành viên.

Thứ tư, các địa phương, cùng với phát triển các tiện ích thông minh, cần chú trọng xây dựng nền tảng cơ sở dữ liệu thông minh phục vụ đưa ra các quyết định thông minh; thúc đẩy quy hoạch và các giải pháp quản lý ĐTTM.

Thứ năm, thu hút sự tham gia mạnh mẽ của khối tư nhân, phát huy năng lực đổi mới, sáng tạo; tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ. ĐTTM phải là đô thị của chính người dân, DN tạo nên, là đô thị có quan hệ xã hội tốt đẹp, giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp, quan hệ con người với con người nhân văn. "ĐTTM phải là đô thị của chính người dân và DN tạo nên", Thủ tướng nhấn mạnh.

Thứ sáu, đẩy mạnh các chương trình chiến lược khoa học, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, gắn kết hài hòa các chương trình đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và định hướng phát triển ĐTTM bền vững.

Theo đó, phát triển ĐTTM sớm hơn ở các địa phương lớn. Đồng thời, phát triển ĐTTM một cách đồng bộ ở một số thành phố mới như Huế và ở các tỉnh thành phố phía Nam, phía Bắc.

Trong thế giới biến đổi khó lường, Thủ tướng mong muốn các nước thành viên ASEAN ưu tiên các nội dung phát triển bền vững vì một ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng; Yêu cầu ngành xây dựng, các bộ ngành chức năng và các địa phương, doanh nghiệp cần hợp tác chặt chẽ hỗ trợ lẫn nhau trong bước đi, tạo cách làm tiết kiệm, hiệu quả và có lợi cho người dân.

Theo đồng chí Nguyễn Văn Bình, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư TƯ Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh: Quá trình đô thị hóa và quá trình chuyển đổi số đang diễn ra nhanh chóng trên toàn thế giới. Ước tính có đến 55% dân số toàn cầu hiện đang sinh sống tại các đô thị và dự báo khoảng 70% dân số toàn cầu sẽ chọn đô thị làm nơi sinh sống vào năm 2050. Các đô thị tạo ra khoảng 80% GDP toàn cầu nhưng đồng thời cũng là tác nhân của 70% lượng cácbon điôxít (CO2) trên toàn thế giới. Cuộc CMCN 4.0 đang diễn ra và làm thay đổi mạnh mẽ bộ mặt của các đô thị.

ASCN - Thêm một sợi dây gắn kết khối ASEAN - Ảnh 3.

Toàn cảnh Diễn đàn

Tại khu vực ASEAN, hơn một nửa dân số hiện đang sinh sống tại các đô thị và quá trình đô thị hóa của khu vực đang tiếp tục diễn ra mạnh mẽ. Đô thị hóa mang đến cơ hội phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức từ việc tập trung dân cư ngày càng cao như tiêu thụ tài nguyên rất lớn, tác động tiêu cực đến môi trường và sự quá tải của hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội.

Câu hỏi lớn được đặt ra là, làm thế nào để quá trình đô thị hóa và quá trình chuyển đổi số giúp các quốc gia tận dụng được những cơ hội về phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời tăng cường hiệu quả sử dụng tài nguyên, hạn chế những tác động tiêu cực tới môi trường và giảm tải các hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà đã trình bày báo cáo về Định hướng phát triển ĐTTM bền vững trong Chiến lược phát triển đô thị Việt Nam đến năm 2030. Theo đó, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà nhấn mạnh cần chú trọng giải quyết vấn đề tăng trưởng đô thị bền vững hướng đến mục tiêu lấy con người làm trọng tâm, giải quyết mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển, củng cố bản sắc, tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, đồng thời với bảo vệ được nguồn tài nguyên và các hệ sinh thái tự nhiên.

Cần nhanh chóng hoàn thiện chính sách và khung pháp lý

Với chủ đề "Tạo lập nền tảng cho ĐTTM thành công", phiên Toạ đàm cấp cao có sự tham gia trao đổi sôi nổi của 04 nhóm đại diện cho các DN, một số tổ chức quốc tế, lãnh đạo các địa phương và lãnh đạo các cơ quan Trung ương. Các đại biểu đã tập trung trao đổi về những xu thế lớn trong phát triển các ĐTTM trên thế giới; xác định tầm nhìn chung của các quốc gia ASEAN về phát triển ĐTTM hướng tới cộng đồng, có bản sắc và bền vững; chia sẻ kinh nghiệm của các quốc gia trong xây dựng và phát triển các ĐTTM (về quy hoạch, chiến lược, hạ tầng, huy động nguồn lực, nhân lực…); đưa ra các mô hình khu ĐTTM và các giải pháp công nghệ cho phát triển các ĐTTM; đồng thời đề xuất những kiến nghị nằm tháo gỡ các rào cản, vướng mắc do địa phương và DN trong triển khai xây dựng ĐTTM gắn với chính quyền số.

ASCN - Thêm một sợi dây gắn kết khối ASEAN - Ảnh 4.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ tại Diễn đàn.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: Các cơ quan nhà nước (CQNN), các tỉnh, thành phố không thể và không nên tự làm hết mọi việc mà nên đưa ra các bài toán thực tế rồi đặt hàng DN triển khai sẽ hiệu quả hơn cả về mặt kinh tế và xã hội.

Đại diện các DN viễn thông và CNTT hàng đầu Việt Nam như VNPT, Viettel, FPT... đều khẳng định đã có sẵn công nghệ, giải pháp, hạ tầng và nguồn nhân lực để cung cấp dịch vụ triển khai chuyển đổi số và xây dựng ĐTTM cho các CQNN và DN. 

Tuy nhiên, qua thực tế triển khai tại một số tỉnh, thành phố, các DN này đều cho rằng, sự chuẩn bị của các cơ quan và địa phương đều gặp khó khăn, từ hạ tầng đô thị, công tác quy hoạch, chính sách phát triển, chuẩn bị nguồn nhân lực và tài chính. Đặc biệt, do hành lang pháp lý, khung chính sách còn thiếu khiến cho cả DN cung cấp dịch vụ lẫn các CQNN đều gặp nhiều vướng mắc trong quá trình triển khai. Do đó, việc hoàn thiện thể chế, nhanh chóng ban hành chính sách phù hợp với thực tế phát triển là việc mà Chính phủ cần gấp rút hoàn thành để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số và xây dựng ĐTTM.

ASCN - Thêm một sợi dây gắn kết khối ASEAN - Ảnh 5.

Đại diện các DN ICT trong nước và nước ngoài tham dự phiên thảo luận

Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho rằng: Những nội dung đã được đề cập, thảo luận trong Diễn đàn cấp cao và những hội thảo chuyên đề là hết sức thiết thực; các ý kiến đóng góp rất tâm huyết, nhiều ý tưởng có tầm nhìn với những luận cứ khoa học và thực tiễn cụ thể nhằm thúc đẩy phát triển ĐTTM của Việt Nam nhanh, bền vững và hiệu quả.

Từ kết quả của Diễn đàn cấp cao về ĐTTM 2020 gắn với việc đẩy mạnh triển khai thực hiện Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị, với trách nhiệm là cơ quan chủ trì thực hiện nhiệm vụ hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra và giám sát thực hiện Nghị quyết 52, Ban Kinh tế Trung ương sẽ tổng hợp đầy đủ các ý kiến trao đổi tại phiên toàn thể và các hội thảo chuyên đề, trên cơ sở đó sẽ nghiên cứu, chắt lọc để báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư những vấn đề trọng tâm cần xử lý để góp phần thúc đẩy phát triển các ĐTTM của Việt Nam, gắn kết với hệ thống ĐTTM của các nước ASEAN, góp phần thiết thực sớm đưa Nghị quyết 52 vào cuộc sống.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
ASCN - Thêm một sợi dây gắn kết khối ASEAN
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO