ASEAN đề xuất nhiều giải pháp phát triển nội dung số bản địa

Lan Phương| 23/11/2018 10:12
Theo dõi ICTVietnam trên

ASEAN số tạo ra khoảng 150 tỷ USD doanh thu hàng năm, theo nhiều nhận định của các tổ chức. Thúc đẩy nội dung số bản địa sẽ làm tăng cơ hội truy cập Internet, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở các nước ASEAN.

Viện Chiến lược TTTT, Bộ TTTT vừa tổ chức Hội thảo “Nghiên cứu đề xuất những hướng dẫn thực thi để phát triển nội dung số bản địa tại các nước ASEAN”. Tham dự Hội thảo có 40 đại biểu trong nước và quốc tế trong lĩnh vực phát triển nội dung số từ các nước thành viên ASEAN, tổ chức UNDP, Viện Phát triển CNTT quốc gia Hàn Quốc (NIPA), đại diện các Bộ, ngành Trung ương, doanh nghiệp ICT và cung cấp nội dung số.

Các đại biểu tham gia Hội thảo

Phó Viện trưởng Viện chiến lược TTTT Trần Minh Tuấn cho biết, trong khuôn khổ dự án hợp tác ASEAN, nhằm tăng cường nhận thức và thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng trong việc phát triển nội dung số bản địa, góp phần tăng thương hiệu ASEAN, đồng thời đẩy mạnh nghiên cứu –phát triển, sáng tao và chuyển giao công nghệ giữa các nước ASEAN, Viện Chiến lược TTTT được Bộ TTTT giao làm đầu mối triển khai dự án “Nghiên cứu đề xuất những hướng dẫn thực thi để phát triển nội dung số bản địa tại các nước ASEAN”.

Hội thảo được tổ chức nhằm thiết lập một diễn đàn chung cho đại diện các nước thành viên ASEAN đề xuất những kinh nghiệm, sáng kiến và xây dựng hướng dẫn phát triển nội dung số bản địa chung cho các nước ASEAN; Đưa ra các khuyến nghị về chính sách và phát triển hỗ trợ nội dung số bản địa chung cho các nước ASEAN; Đưa ra các khuyến nghị về chính sách và biện pháp phát triển, hỗ trợ nội dung số bản địa ở các nước ASEAN; Tăng cường nghiên cứu và phát triển; đổi mới và chuyển giao công nghệ trong khối ASEAN; Tạo điều kiện cho việc trao đổi ý tưởng và thúc đẩy hợp tác nhiều hơn giữa các đại diện của ASEAN; Nâng cao nhận thức của cộng đồng về ASEAN và các quốc gia thành viên; Khuyến khích sự liên kết và sự tham gia của khu vực tư nhân trong lĩnh vực phát triển nội dung số.

Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Triệu Minh Long phát biểu

Trong khi đó, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ TTTT Triệu Minh Long cho biết ở ASEAN, nhiều người dân trong khu vực vẫn chưa được kết nối mạng. Để nhiều người kết nối mạng hơn nữa rất cần các nội dung bản địa mà hiện ở khu vực còn đang rất thiếu. Chúng ta đã có nhiều sáng kiến về xây dựng, phát triển hạ tầng kết nối, nhưng chưa có nhiều ứng dụng, nội dung. Ở Việt Nam, đã có nhiều chương trình quốc gia để kết nối nhưng việc thiếu các nội dung bản địa là thách thức cho việc kết nối mạng.

Ông Triệu Minh Long tin tưởng các nước trong khu vực đã, đang và sẽ tìm ra nhiều cách thức để phát triển nội dung sáng tạo, hấp dẫn, phù hợp cho người dân. Đây là hội thảo đầu tiên về nội dung này. Kết quả của Hội thảo này là các kiến nghị có thể trình lên cuộc họp các Bộ trưởng ICT sắp tới.

Phó Viện trưởng Viện Chiến lược TTTT Trần Minh Tuấn trình bày về dự án

Báo cáo về dự án, ông Trần Minh Tuấn cho biết dự án thực hiện điều tra hiện trang và nghiên cứu xây dựng hướng dẫn thực tiễn nhất cho việc phát triển các nội dung bản địa và hỗ trợ ở các nước ASEAN. Dự án cũng sẽ khuyến nghị về chính sách và các biện pháp phát triển nội dung bản địa số và hỗ trợ ở các nước ASEAN. Những người hưởng lợi từ dự án là các công dân ASEAN, các cơ quan quản lý ASEAN, ngành ICT, người sử dụng nội dung bản địa số.

Ông Tuấn cho biết nội dung là “vua”, chúng ta sử dụng nội dung số hàng ngày. Nội dung số có nhiều tiềm năng để phát triển ở ASEAN nhưng vẫn đang ở giai đoạn đầu và phát triển rất khác nhau ở các nước. ASEAN số tạo ra khoảng 150 tỷ USD doanh thu hàng năm, theo nhiều nhận định của các tổ chức. ASEAN cũng có những điểm khác nhau rất lớn về thiết bị, mạng lưới và ứng dụng.

Theo thăm dò của dự án về nội dung bản địa số trong khu vực, tất cả các nước đều thống nhất nội dung bản địa số là quan trọng, 100% các nước ASEAN đã có nội dung bản địa được số hóa; 87% các nước ASEAN có đơn vị phụ trách phát triển và hỗ trợ nội dung bản địa số; 67% các nước ASEAN chấp nhận các chuẩn cho sáng tạo nội dung số, 80% các nước ASEAN đã triển khai các sáng kiến nội dung bản địa số.

Những kết quả của điều tra còn cho thấy có một khoảng cách lớn đối với phát triển nội dung bản địa số ở ASEAN. Các nước Malaysia, Singapore phát triển mạnh nội dung bản địa, môi trường sáng tạo, pháp lý và hiểu biết số. Các nước Thái Lan, Indonesia, Phillipines đang gặp những khó khăn về cạnh tranh thị trường, môi trường pháp lý... Việt Nam, Myanmar và Campuchia chưa đạt được các tiêu chí trừ tiêu chí môi trường pháp lý.

Để cách mạng trong lĩnh vực này, các rào cản sau cần phải giải quyết: các quy định thúc đẩy sáng tạo về các dịch vụ tài chính di động và thương mại điện tử, xây dựng mạng băng rộng, nhận thức về các dịch vụ số, chưa có thị trường số riêng. Đặc biệt, nội dung bản địa hạn chế do thiếu hệ sinh thái số bản địa.

Ông Tuấn cho biết dự án đề xuất khởi động một diễn đàn đầu tư cùng với các cơ quan, công ty và các nhà đầu tư, nhóm đầu tư để thẩm định các vấn đề đầu tư và phát triển một bản đồ khả thi cho ngành nội dung số; Xác định khung chiến lược ASEAN cho ngành công nghiệp nội dung số; Thúc đẩy việc nhận thức và các đào tạo liên quan đến nội dung số; Thiết lập các cơ chế cho ngành làm việc với các đơn vị R&D để thiết lập ưu tiên nghiên cứu phát triển nội dung số; Xác định và xây dựng các cách thức để tăng cường bảo vệ bản quyền số, đặc biệt là kết hợp các kỹ năng, quản lý và thương mại hóa vào các chương trình đào tạo; Xác định các chuẩn ngành quan trọng cho các lĩnh vực và thúc đẩy sự phổ biến các chuẩn trên phương tiện truyền thông và trong ngành di động…

Theo Viện Chiến lược TTTT, Chính phủ đóng một vai trò quan trọng trong sáng tạo nội dung thông qua việc phát triển nội dung bản địa. Hàn Quốc xác định công nghiệp nội dung số là 1 trong 9 động cơ phát triển lớn của đất nước.

Một ví dụ về phát triển nội dung số thành công của Hàn Quốc được đại diện Malaysia phân tích tại Hội thảo là trường hợp K-pop, trong đó công nghệ tiên tiến, nhân lực, sở hữu trí tuệ và mục tiêu kinh tế đã được kết hợp chiến lược để K-pop trở thành một nội dung âm nhạc bản địa và lan rộng ra toàn quốc. Chính phủ Hàn Quốc đặt ra những cam kết cao nhất trong việc ứng dụng công nghệ mới nhất trong mạng lưới kết nối, ứng dụng 5G và băng rộng tốc độ cao, cho phép nền văn hóa nhạc K-Pop phát triển, bùng nổ và trở thành xu hướng trên thế giới.

Về chính sách quản lý, tại Hàn Quốc, mô hình quản lý nhà nước “trọn gói” đã được thực thi, trong đó các chính sách quản lý nội dung đều được lập chi tiết. Ủy ban tiêu chuẩn Truyền thông Hàn Quốc (KCSC) có thể yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ internet (ISP) chặn bất kỳ nội dung nào không phù hợp hoặc có hại, và rất ít trường hợp phản đối nếu quyết định gỡ bỏ nội dung đã được cơ quan quản lý đưa ra.

Đại diện NIPA

Chia sẻ thêm về phát triển nội dung số tại Hàn Quốc, đại diện Trung tâm hợp tác CNTT Hàn Quốc (KICC), Cơ quan Xúc tiến công nghiệp CNTT Hàn Quốc (NIPA), GS. TS. Y.J. Park cho biết để phát triển nội dung số bản địa cần phát triển các hệ sinh thái bền vững. Theo đó, cần có các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo để hỗ trợ tăng trưởng, đào tạo chuyên gia, nâng cấp hệ thống và hợp tác trong và ngoài nước.

Toàn cảnh Hội thảo

Đại diện của Malaysia trao đổi tại Hội thảo cho biết chính phủ Malaysia thông qua công ty kinh tế số Malaysia (MDEC) để thực hiện các sáng kiến khác nhau như dành ngân sách cho các sản phẩm như phát triển các ứng dụng, nội dung hoạt hình, phim chuyên đề, game video; Phát triển các tài năng; Phát triển hạ tầng. Chính phủ cũng thông qua Bộ Du lịch, Nghệ thuật và Văn hóa (MOTAC) để thực hiện các sáng kiến như đầu tư về nền tảng trình diễn, cơ hội việc làm và phát triển hạ tầng. Các sản phẩm mà MOTAC triển khai là nghệ thuật âm nhạc, nghệ thuật trình diễn, hình ảnh và sản phẩm thủ công mang tính bản địa. Chính phủ thông qua Bộ Thông tin và Đa phương tiện phát triển hạ tầng hỗ trợ các nội dung số.

Viện Chiến lược TTTT nhận định nội dung số là thị trường đầy tiềm năng của Việt Nam, trong bối cảnh thiết bị và hạ tầng mạng ngày càng phát triển, dân số trẻ, số người dùng smartphone và số thuê bao 3G, 4G ngày càng tăng, hạ tầng Internet và băng rộng ngày càng phát triển. Ví dụ như riêng về mảng video trực tuyến, Việt Nam đang dẫn đầu khu vực ASEAN với 92% người xem video trực tuyến mỗi tuần, sau Việt Nam là Philippines với 85%, Indonesia với 81%. Trong vòng 4 năm, tỷ lệ xem video trực tuyến trên smartphone đã tăng từ 10% lên 64%. Có đến 97% người Việt Nam được phỏng vấn nói rằng họ dùng dịch vụ “video theo yêu cầu” để xem phim, 90% xem các chương trình giải trí, 89% xem tin tức từ các kênh địa phương, 87% xem ca nhạc, 84% xem phim nước ngoài.

Doanh thu quảng cáo di động năm 2017 đạt 78 triệu USD, dự kiến sẽ đạt hơn 200 triệu USD vào năm 2020. Tuy nhiên, Facebook và Google vẫn chiếm hơn 70% thị phần quảng cáo số tại Việt Nam.

Theo số liệu của Viện Chiến lược TTTT, số công ty nội dung số vào năm 2016 là 2.700 công ty; Số lao động làm việc trong lĩnh vực nội dung số là gần 47.000 người; Doanh thu đạt 739 triệu USD; Xuất khẩu đạt 561 triệu USD; Thu nhập bình quân/người lao động trong lĩnh vực nội dung số là 6.189 USD/năm.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
ASEAN đề xuất nhiều giải pháp phát triển nội dung số bản địa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO