Ba kịch bản giúp kinh tế số đột phá vào năm 2025

Thủy Diệu | 12/01/2022 14:53
Theo dõi ICTVietnam trên

Mặc dù mục tiêu đến năm 2025 kinh tế số chiếm 20% GDP là rất thách thức nhưng ông Nguyễn Trọng Đường, Phó vụ trưởng phụ trách Vụ Quản lý doanh nghiệp, Bộ Thông tin và Truyền thông, lại cho rằng với kịch bản đột phá, kinh tế số của Việt Nam năm 2025 có thể chiếm tới 26,2% GDP, vượt rất xa mục tiêu 20% như Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII đặt ra...

Kinh tế số mở ra không gian tăng trưởng mới, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế, là động lực cốt lõi cho tăng trưởng kinh tế quốc gia, góp phần giải các bài toán kinh tế - xã hội.

Phát triển tự phát nhưng tăng trưởng nhanh

Trên thế giới, kinh tế số đang tăng trưởng rất nhanh, trở thành chìa khóa cho không ít nền kinh tế vươn ra toàn cầu. Điều này có thể thấy được qua phân tích số liệu trong các báo cáo quốc tế, như Báo cáo kinh tế số của Diễn đàn Thương mại và Phát triển Liên hợp quốc (UNCTAD).

Ước tính kinh tế số Việt Nam năm 2020 đạt khoảng 163 tỷ USD, chiếm khoảng 8,2% GDP, trong đó cấu phần kinh tế số ICT/viễn thông đạt 126 tỷ USD, chiếm 5,5% GDP kinh tế số Internet/nền tảng đạt 14 tỷ USD, chiếm 1% GDP, và kinh tế số/lĩnh vực đạt khoảng 23 tỷ USD, chiếm 1,7% GDP.

Tại Trung Quốc, nếu năm 2008 kinh tế số nước này chỉ chiếm khoảng 15% GDP thì đến 2019 kinh tế số đã chiếm đến 37% GDP của quốc gia đông dân nhất hành tinh. Nhiều doanh nghiệp kinh tế số Trung Quốc đã trở thành những gã khổng lồ công nghệ khiến Mỹ và nhiều quốc gia phát triển ở phương Tây phải lo lắng vì năng lực phát triển và khả năng cạnh tranh toàn cầu mạnh mẽ của họ.

Trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, năm 2017 kinh tế số chiếm khoảng 6% GDP, đến 2019 đã chiếm đến 25% GDP. Trong bối cảnh Covid phức tạp hiện nay, dự đoán năm 2021 kinh tế số có thể chiếm đến hơn 60% GDP của khu vực. Việt Nam hiện chưa có số liệu chính thức, nhưng ước tính từ nhiều nguồn, kinh tế số hiện đang chiếm khoảng 8,2% GDP, với doanh thu khoảng 163 tỷ USD.

Kinh tế số của Việt Nam theo đánh giá của các tổ chức quốc tế đã có những bước phát triển nhanh, nhiều triển vọng với khu vực và thế giới. Theo Vụ Quản lý doanh nghiệp, Bộ Thông tin và Truyền thông, mặc dù chưa có số liệu chính thức, đầy đủ về kinh tế số Việt Nam nhưng qua tổng hợp sơ bộ từ các báo cáo trong và ngoài nước, có thể ước tính kinh tế số Việt Nam năm 2020 đạt khoảng 163 tỷ USD, chiếm khoảng 8,2% GDP, trong đó cấu phần kinh tế số ICT/viễn thông đạt 126 tỷ USD, chiếm 5,5% GDP kinh tế số Internet/nền tảng đạt 14 tỷ USD, chiếm 1% GDP, và kinh tế số/lĩnh vực đạt khoảng 23 tỷ USD, chiếm 1,7% GDP.

Theo báo cáo e-Conomy SEA năm 2020, chỉ tính riêng cấu phần kinh tế số Internet/nền tảng, Việt Nam đã đạt 14 tỷ USD, đứng thứ 3 ASEAN, nhưng là nước có tốc độ tăng trưởng trong lĩnh vực này cao nhất với mức tăng 16%, nước có mức tăng cao tiếp theo là Indonesia với 11%, và Thái Lan 7%. Báo cáo dự báo đến năm 2025 kinh tế số Internet/nền tảng Việt Nam sẽ đạt mức 52 tỷ USD.

Ông Nguyễn Trọng Đường, Phó vụ trưởng phụ trách Vụ Quản lý doanh nghiệp, cho rằng kinh tế số, xã hội số Việt Nam thời gian qua phát triển tự phát nhưng tăng trưởng khá nhanh, là do hạ tầng viễn thông – công nghệ thông tin khá tốt, phủ sóng rộng, mật độ người dùng cao. Thêm nữa, do người Việt Nam ham mê công nghệ, thích sử dụng công nghệ vào loại cao nhất trong khu vực, do dân số Việt Nam trẻ, được đào tạo tốt, học toán tốt, lao động chăm chỉ, và tính cách người Việt Nam thích ứng nhanh với sự thay đổi. Đây là lợi thế Việt Nam khi chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số.

Ba kịch bản kinh tế số

Mục tiêu của Việt Nam đặt ra là đến năm 2025 kinh tế số đạt 20% GDP. Đây là một mục tiêu rất thách thức, bởi theo kịch bản phát triển thông thường, đến năm 2025 kinh tế số Việt Nam chỉ đạt mức 10,5% GDP. Để đạt được mục tiêu này cần phải duy trì mức tăng trưởng kinh tế số bình quân hàng năm khoảng 20%, gấp 3 lần tăng trưởng GDP dự kiến (6,5-7%/năm). “Đây là một kịch bản không dễ dàng để thực hiện được, cùng với các mục tiêu rất cao về xã hội số”, ông Nguyễn Trọng Đường nhận định.

Với kịch bản đột phá, đến năm 2025 kinh tế số sẽ chiếm khoảng 26,2% GDP, trong đó phần Bộ Thông tin và Truyền thông chịu trách nhiệm (ICT/ viễn thông và kinh tế số Internet) chiếm khoảng 16% GDP; còn phần kinh tế số ngành khoảng 10,2% GDP.

Theo ông Đường, trên cơ sở các kết quả phân tích, đánh giá về tình hình phát triển kinh tế số hiện nay, có thể đưa ra 3 kịch bản phát triển cho kinh tế số Việt Nam đến năm 2025.

Kịch bản bình thường: Chỉ nỗ lực bình thường cho chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, thì đến năm 2025 kinh tế số sẽ chiếm khoảng 10,4% GDP, trong đó phần Bộ Thông tin và Truyền thông chịu trách nhiệm (ICT/viễn thông và kinh tế số Internet) chiếm khoảng 7,9% GDP, còn phần kinh tế số ngành khoảng 2,5% GDP.

Kịch bản nhanh: Ở kịch bản này việc chuyển đổi số và phát triển kinh tế số được thúc đẩy mạnh thì đến năm 2025 kinh tế số sẽ chiếm khoảng 19,9% GDP, trong đó phần Bộ Thông tin và Truyền thông chịu trách nhiệm (ICT/ viễn thông và kinh tế số Internet) chiếm khoảng 13,1%; còn phần kinh tế số ngành khoảng 6,8% GDP.

Kịch bản đột phá: Đối với kịch bản này, việc chuyển đổi số và phát triển kinh tế số được triển khai mạnh mẽ, kèm theo các biện pháp đảm bảo cân bằng thị trường giữa các doanh nghiệp nền tảng số Việt Nam và các doanh nghiệp nước ngoài, đồng thời có chính sách hỗ trợ các start-up công nghệ Việt Nam, thì đến năm 2025 kinh tế số sẽ chiếm khoảng 26,2% GDP, trong đó phần Bộ Thông tin và Truyền thông chịu trách nhiệm (ICT/ viễn thông và kinh tế số Internet) chiếm khoảng 16% GDP; còn phần kinh tế số ngành khoảng 10,2% GDP.

Phát triển thị trường nội địa số: Chính phủ làm gương

Theo ông Đường, thứ nhất cần nhanh chóng xây dựng, ban hành các chiến lược, chương trình quốc gia về phát triển kinh tế số, xã hội số, gồm: Chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế số và xã hội số; Chiến lược quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam; Chiến lược dữ liệu số quốc gia; Chương trình hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp; và Chương trình đào tạo kỹ năng số và phát triển nguồn nhân lực số quốc gia.

Thứ hai, khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế chính sách cho phát triển kinh tế số, xã hội số, bao gồm: sửa đổi Luật Giao dịch điện tử theo hướng bổ sung các nội dung mới về kinh tế số phù hợp với yêu cầu phát triển của lĩnh vực này; xây dựng Nghị định của Chính phủ về quản lý kinh doanh bằng nền tảng số; hoàn thiện và ban hành Nghị định về định danh và xác thực điện tử.

Đồng thời hoàn thiện và trình phê duyệt Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân; Ban hành các văn bản quy định về các quy tắc ứng xử trên môi trường số cũng như các quy định nhằm tạo lập niềm tin, đánh giá tín nhiệm trên không gian mạng.

Việc sửa đổi, bổ sung pháp luật phải trên cơ sở tư duy chuyển đổi số, tránh vẫn dùng tư duy cũ trong quản lý kinh tế số, nâng cao mức độ sẵn sàng chấp nhận cái mới, tăng cường các sandbox cho kinh tế số. Các quy định pháp luật cần tạo cơ sở thuận lợi cho các mô hình kinh doanh mới như kinh tế nền tảng, kinh tế dữ liệu, kinh tế Internet, hay các mô hình kinh tế số ngành/lĩnh vực.

Cũng theo ông Đường, các quy định pháp luật cũng cần tạo cơ sở để có thể giám sát, phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi gian lận thuế, độc quyền, cạnh tranh không lành mạnh, mua bán, sáp nhập độc hại của các nền tảng số. Cần có cơ chế để giám sát được các nền tảng số lớn, xuyên biên giới, đồng thời thiết lập được đặc khu kinh tế số trên không gian mạng nhằm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp kinh tế số nhỏ và vừa khởi nghiệp phát triển.

Thứ ba, cần đẩy mạnh triển khai chương trình chuyển đổi số quốc gia, đặc biệt là các giải pháp đào tạo kỹ năng, phát triển nguồn nhân lực số; chuyển đổi số doanh nghiệp; và phát triển thị trường số nội địa. Phát triển mạnh mẽ thị trường số nội địa bao gồm thị trường số chính phủ, thị trường số ngành, lĩnh vực, và thị trường số xã hội.

“Trước hết Chính phủ, chính quyền các cấp cần làm gương phát triển thị trường số Chính phủ: như tiên phong sử dụng các nền tảng số, các công nghệ mới, dịch vụ mới; chi tối thiểu 1% tổng chi ngân sách cho chuyển đổi số, chính phủ số và công nghệ số; ưu tiên tiên sử dụng sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam, chỉ sử dụng sản phẩm, dịch vụ của nước ngoài trong các trường hợp hãn hữu thật sự do các doanh nghiệp Việt chưa thể nghiên cứu, sản xuất ngay được, và cần có chế tài để bắt buộc các cơ quan nhà nước tuân thủ nghiêm ngặt quy định”, ông Nguyễn Trọng Đường nhấn mạnh./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Ba kịch bản giúp kinh tế số đột phá vào năm 2025
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO