Bắc Ninh đạt kết quả quan trọng trong xây dựng chính quyền điện tử

Xuân Tuấn| 01/05/2020 17:33
Theo dõi ICTVietnam trên

Xác định CNTT đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội (KTXH), là nền tảng xây dựng chính quyền điện tử (CQĐT), thành phố thông minh. Vì vậy, Bắc Ninh luôn quan tâm đầu tư, triển khai đồng bộ các giải pháp CNTT nhằm xây dựng, phát triển CQĐT và đã đạt kết quả to lớn.

Theo Sở Thông tin và Truyền (TT&TT) tỉnh, năm 2019, Sở đã tham mưu cho tỉnh ban hành nhiều chương trình, kế hoạch và những nội dung chiến lược liên quan đến công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực CNTT, cụ thể là: Quy chế Quản lý, vận hành, sử dụng Trung tâm Dữ liệu thành phố thông minh; Quy chế bảo đảm an toàn thông tin (ATTT) mạng trong hoạt động ứng dụng CNTT; Quy chế tiếp nhận, xử lý, phát hành và quản lý văn bản điện tử trong các cơ quan nhà nước (CQNN), đơn vị sự nghiệp; Quy chế quản lý và sử dụng chữ ký số, chứng thư số chuyên dùng trong CQNN…

Kết quả đạt được

Đến nay, Bắc Ninh đã hoàn thành 100% các chỉ tiêu tiến độ đề ra theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 17 về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử (CPĐT) giai đoạn 2019- 2020, định hướng đến năm 2025; Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT - Vietnam ICT Index đứng thứ 6/63 tỉnh, thành phố; đứng thứ 3 toàn quốc về xếp hạng mức độ ATTT cho Cổng thông tin điện tử; đứng thứ 9 toàn quốc về tiêu chí hiện đại hóa hành chính; Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh tiếp tục duy trì thứ hạng trong nhóm địa phương đạt điểm số cao nhất cả nước.

Bắc Ninh đạt kết quả quan trọng trong xây dựng chính quyền điện tử - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh thực hiện nghi thức vận hành thí điểm Trung tâm điều hành thành phố thông minh tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: Anh Dũng.

Về xây dựng CQĐT, Sở đã hoàn thiện và đưa vào hoạt động Trung tâm dữ liệu của tỉnh, đáp ứng nhu cầu triển khai các hệ thống thông tin dùng chung và hệ thống chuyên ngành của các cơ quan, đơn vị, là cơ sở để tập trung toàn bộ hạ tầng kỹ thuật CNTT của các cơ quan, giúp bảo đảm an toàn và tránh đầu tư trùng lặp. Cùng với đó, hệ thống mạng WAN được triển khai kết nối các cơ quan cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã với Trung tâm dữ liệu tỉnh, giúp cho việc truy cập, sử dụng, truyền dữ liệu được ổn định, an toàn.

Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh LGSP được xây dựng theo hướng dẫn của Bộ TT&TT, đã kết nối với nền tảng tích hợp quốc gia NGSP để tích hợp các hệ thống của địa phương với các cơ quan trung ương. Hệ thống xác thực thông tin được xây dựng, là một bước đột phá trong cải cách hành chính (CCHC), làm cơ sở cho việc xác thực người dân thông qua vân tay và cung cấp dữ liệu chuyên ngành khi thực hiện các thủ tục hành chính, giúp giảm bớt giấy tờ.

Ngoài ra, Sở đã triển khai phần mềm phản ánh kiến nghị trên nền tảng di động, thí điểm triển khai tại một số phường trên địa bàn tỉnh, qua đó giúp người dân có thể phản ánh nhanh chóng các vụ việc tới UBND cấp phường để kịp thời xử lý.

Cổng thông tin điện tử được rà soát tổng thể, cung cấp đầy đủ thông tin theo quy định của Chính phủ và mở rộng việc tạo lập trang thông tin điện tử tới 100% các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh, góp phần cải thiện chỉ số minh bạch thông tin và tác động tích cực tới việc cải thiện các chỉ số đánh giá cấp tỉnh.

Hệ thống quản lý văn bản điều hành được kết nối với Trục liên thông văn bản quốc gia, thực hiện trao đổi văn bản điện tử ký số theo đúng chỉ đạo của Chính phủ tại Quyết định số 28 về gửi nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước.

Để tạo thuận lợi cho cán bộ, công chức tỉnh có thể làm việc mọi lúc, mọi nơi, Sở còn xây dựng ứng dụng quản lý văn bản điều hành và phối hợp với Ban Cơ yếu chính phủ triển khai tích hợp ký số văn bản điện tử trên thiết bị di động.

Cùng với đó, hệ thống một cửa điện tử tích hợp dịch vụ công (DVC) trực tuyến dùng chung toàn tỉnh đã được nâng cấp và liên thông đến Cổng dịch vụ công Quốc gia (DVCQG) qua Trục liên thông văn bản, đáp ứng các yêu cầu của Chính phủ và Bộ TT&TT.

Hiện nay, Cổng DVC trực tuyến của tỉnh cung cấp 819 DVC mức độ 3, 4 (chiếm gần 50% tổng số DVC trực tuyến toàn tỉnh). Việc triển khai DVC trực tuyến mức độ 3,4 đã giúp người dân và doanh nghiệp (DN) có thể làm việc với các cơ quan hành chính Nhà nước ở mọi nơi, mọi lúc chỉ cần có kết nối Internet. Các giao dịch trong quá trình xử lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ sẽ được thực hiện trên môi trường mạng, người dân chỉ cần đến duy nhất một lần để nhận kết quả và thanh toán lệ phí tại cơ quan cung cấp dịch vụ. Qua đó, giúp người dân, DN tiết kiệm được thời gian và chi phí đăng ký thực hiện các thủ tục hành chính (TTHC).

Bắc Ninh đạt kết quả quan trọng trong xây dựng chính quyền điện tử - Ảnh 2.

Người dân đến giải quyết TTHC tại Trung tâm Hành chính công huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: Anh Dũng.

Đối với lĩnh vực công nghiệp CNTT, trong năm 2019, Bắc Ninh có 88 dự án công nghiệp điện tử CNTT đi vào hoạt động, nâng tổng số dự án hoạt động đến nay khoảng 1.000 dự án. Tổng doanh thu năm 2019 ước đạt hơn 1,2 triệu tỷ đồng, chiếm 80% tổng doanh thu toàn khu công nghiệp (KCN); xuất khẩu đạt hơn 35.000 triệu USD, chiếm 96%. Con số này cho thấy hoạt động sản xuất kinh doanh của lĩnh vực công nghiệp điện tử, CNTT phát triển mạnh mẽ, thực sự là ngành mũi nhọn trong phát triển KTXH ở địa phương. Đây là tiền đề để Bắc Ninh phấn đấu trở thành một trong những trung tâm sản xuất công nghiệp điện tử công nghệ cao hàng đầu của khu vực và trên thế giới trong tương lại không xa.

Đẩy mạnh hơn nữa xây dựng và phát triển xây dựng CQĐT, thành phố thông minh

Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, Sở TT&TT phối hợp với các cơ quan chuyển đổi hệ thống thông tin chuyên ngành về trung tâm dữ liệu tỉnh và tổ chức vận hành, bảo đảm hoạt động ổn định, an toàn. Kết nối các hệ thống thông tin với nền tảng LGSP để tích hợp, chia sẻ dữ liệu, từng bước hình thành kho dữ liệu dùng chung phục vụ hoạt động xây dựng CQĐT và thành phố thông minh.

Tỉnh cũng tiếp tục đẩy mạnh việc ký số và sử dụng văn bản điện tử trên nền tảng thiết bị di động. Thực hiện đề án Cổng DVCQG, tích hợp 30% DVC trực tuyến mức độ 3,4 lên Cổng DVCQG; Tham mưu cấp và tập huấn sử dụng chứng thư số cá nhân cho 100% cán bộ công chức các cấp; Triển khai các dự án hợp phần của thành phố thông minh.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Bắc Ninh đạt kết quả quan trọng trong xây dựng chính quyền điện tử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO