Cán bộ phường Tiền An- TP Bắc Ninh hướng dẫn người dân thực hiện TTHC- Ảnh: K.V. Thắng
Một số kết quả đạt được trong ứng dụng CNTT vào cải cách hành chính công
Ứng dụng CNTT và công bố, công khai thông tin về kết quả giải quyết thủ tục hành chính
Cho đến nay, tất cả các thủ tục hành chính (TTHC) của các cơ quan, đơn vị của tỉnh Bắc Ninh đều được công khai trên môi trường mạng theo đúng quy định tại Nghị định 43/2011/NĐ-CP ngày 13/6/2011 của Chính phủ. Hầu hết các TTHC đưa vào áp dụng tiếp nhận và trả kết quả thông qua phần mềm theo đúng quy trình, cán bộ tiếp nhận tiến hành nhập hồ sơ, thực hiện số hóa toàn bộ các tài liệu đi kèm (nếu hồ sơ tài liệu có thể số hóa được) và luân chuyển xử lý theo quy trình đã ban hành.
Cung cấp dịch vụ công trực tuyến
Dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) của tỉnh được công bố công khai và được cung cấp theo mô hình tập trung tại địa chỉ https://dvc.bacninh.gov.vn được thường xuyên nâng cấp, cập nhật đáp ứng đầy đủ các chức năng và yêu cầu kỹ thuật theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông, được dùng chung cho các Sở, ban, ngành, 8/8 UBND cấp huyện, 126/126 xã, phường, thị trấn và một số cơ quan trung ương trên địa bàn có TTHC để cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Ứng dụng CNTT tại Bộ phận một cửa trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính
Toàn tỉnh sử dụng duy nhất thống nhất phần mềm một cửa điện tử tích hợp với cổng dịch vụ công trực tuyến tại địa chỉ http://dvc.bacninh.gov.vn/ để tiếp nhận và trả kết quả các thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp. Chức năng phần mềm cơ bản đã đáp ứng theo các quy định tại Nghị định 61/2019/NĐ-CP ngày 23/04/2018 của Chính phủ và các Thông tư liên quan của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Ứng dụng CNTT trong hoạt động nội bộ
Bắc Ninh đã hoàn thành 14/21 chỉ tiêu của Nghị Quyết 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025 trong đó có một số chỉ tiêu quan trọng, cụ thể: Cổng Thông tin điện tử công khai thông tin đầy đủ theo quy định tại Nghị định số 43/2011/NĐ-CP ngày 13/6/2011 của Chính phủ. 100% phần mềm quản lý văn bản và điều hành được kết nối, liên thông qua Trục liên thông văn bản quốc gia. 100% cơ quan, đơn vị từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã kết nối vào Mạng truyền số liệu chuyên dùng.
Kết quả triển khai các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu
Tính đến nay tỉnh Bắc Ninh đã xây dựng được trên 70 cơ sở dữ liệu các chuyên ngành đưa vào sử dụng, hơn 10 cơ sở dữ liệu đang trong quá trình chuẩn bị triển khai. Theo đó, một số hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đã được triển khai trong năm 2019 như: CSDL doanh nghiệp tỉnh Bắc Ninh để cung cấp bộ công cụ để các cơ quan, đơn vị quản lý doanh nghiệp (Sở KH&ĐT, Cục thuế tỉnh, BHXH tỉnh,…) có thể cập nhật thông tin về doanh nghiệp nhằm tạo một CSDL doanh nghiệp địa phương với đầy đủ thông tin một cách thường xuyên liên tục.
Cục Thuế tỉnh Bắc Ninh trả lời, hướng dẫn nộp quyết toán thuế.- Ảnh: K.V Thắng
Hạ tầng kỹ thuật
Tỷ lệ cán bộ công chức có máy tính sử dụng đạt 100% cán bộ, công chức cấp tỉnh, 100% cán bộ công chức cấp huyện, khoảng 50% cán bộ, công chức cấp xã có máy tính sử dụng trong công việc. Tuy nhiên, số máy tính đã được trang bị có cấu hình thấp còn nhiều. Các cơ quan nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện và các cơ quan cấp xã đã được kết nối mạng LAN và có kết nối Internet tốc độ cao.
Nguồn nhân lực ứng dụng công nghệ thông tin
Cho đến nay, 100% cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước cấp tỉnh, huyện, xã thường xuyên ứng dụng CNTT phục vụ công việc; tại các cơ quan nhà nước cấp xã đạt trên 90%. Toàn tỉnh có hơn 140 cán bộ chuyên trách và phụ trách công nghệ thông tin và một đội chuyên trách về ứng cứu sự cố máy tính.
Giải quyết TTHC tại Trung tâm hành chính công Thành phố Bắc Ninh. Ảnh: K.V. Thắng
Những vướng mắc, tồn tại và nguyên nhân
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước tỉnh Bắc Ninh còn có một số vướng mắc, tồn tại:
Một là: Vẫn còn một số đơn vị chưa cập nhật kịp thời những thay đổi đối với bộ thủ tục hành chính của đơn vị mình và quy trình thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh.
Hai là, một số hệ thống thông tin giữa các cơ quan nhà nước (nếu được xây dựng trước năm 2018) với nhau và thậm chí trong mỗi cơ quan nhà nước chưa được tích hợp, chia sẻ dữ liệu dẫn tới tình trạng cát cứ dữ liệu, khó khăn khi xây dựng dữ liệu lớn, việc cập nhật dữ liệu của các cơ quan chưa bảo đảm chính xác, kịp thời.
Ba là, chữ ký số chuyên dùng Chính phủ chưa được sử dụng thường xuyên, liên tục; thời gian cung cấp chữ ký số chuyên dùng có lúc chưa kịp thời; việc áp dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ trên các thiết bị di động thông minh, các hệ điều hành khác nhau chưa được triển khai rộng rãi.
Bốn là, nguồn nhân lực cho việc ứng dụng CNTT trong các cơ quan, đơn vị còn thiếu về số lượng, hạn chế về chất lượng nên việc ứng dụng các hệ thống CNTT dùng chung tại một số cơ quan, đơn vị còn hạn chế và không thường xuyên.
Năm là, chưa thực hiện được một số chỉ tiêu của Nghị Quyết 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 do các hệ thống Cổng dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia, Hệ thống xác thực định danh điện tử, các cơ sở dữ liệu quốc gia,...
Một số giải pháp đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong thời gian tới
Một là, nhóm giải pháp môi trường chính sách: Tỉnh cần tiêp tục ban hành một số văn bản bảo đảm môi trường pháp lý để thúc đẩy, triển khai ứng dụng CNTT, ưu tiên các văn bản, chính sách như: Duy trì, cập nhật Kiến trúc chính quyền điện tử cấp tỉnh theo Khung kiến trúc 2.0 về Chính phủ điện tử. Hoàn thiện các cơ chế, chính sách thúc đẩy người dân, doanh nghiệp sử dụng các dịch vụ do cơ quan nhà nước cung cấp qua môi trường mạng; chính sách khuyến khích hỗ trợ cán bộ chuyên trách CNTT trong các cơ quan nhà nước, tập trung xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ quản trị, vận hành, khai thác các hệ thống thông tin đã được đầu tư.
Hai là, nhóm giải pháp tài chính: Tỉnh cần bảo đảm nguồn kinh phí cho ứng dụng CNTT trong kế hoạch ngân sách hàng năm của tỉnh, địa phương. Đồng thời ưu tiên sử dụng nguồn kinh phí khoa học công nghệ cấp tỉnh, cấp huyện cho việc triển khai ứng dụng CNTT trong nhiệm vụ khoa học công nghệ và đầu tư hạ tầng thông tin khoa học - công nghệ theo quy định. Huy động kinh phí từ nhiều nguồn khác nhau: ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, huy động nguồn lực từ xã hội, thuê dịch vụ, vốn đầu tư nước ngoài,… để thực hiện Kế hoạch; tăng cường thực hiện đầu tư theo hình thức đối tác công tư.
Ba là, nhóm giải pháp gắn kết ứng dụng CNTT với cải cách hành chính: Tỉnh nên thực hiện lồng ghép các nhiệm vụ ứng dụng CNTT với cải cách quy trình, thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả sử dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp; đẩy mạnh việc xây dựng và sử dụng các phần mềm dùng chung, cơ sở dữ liệu, bảo đảm tính tương thích, đồng bộ và thông suốt để nâng cao hiệu quả chỉ đạo, điều hành của người đứng đầu cơ quan HCNN các cấp. Thường xuyên rà soát, nâng cao chất lượng và hiệu quả cung cấp DVC trực tuyến mức độ 3 và 4 theo các danh mục đã được phê duyệt tại Quyết định số 846/QĐ-TTg ngày 09/6/2017 và Quyết định số 877/QĐ-TTg ngày 18/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ.
Trung tâm hành chính công Thành phố Bắc Ninh. Ảnh: K.V. Thắng
Bốn là, nhóm giải pháp tổ chức, triển khai: Tỉnh cần kiện toàn hoạt động của Ban chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố phù hợp với Ủy ban quốc gia về chính phủ điện tử; phát huy tối đa vai trò quản lý nhà nước, tổ chức triển khai ứng dụng CNTT, xây dựng Chính quyền điện tử của các đơn vị chuyên trách CNTT. Bảo đảm tuân thủ và cập nhật Kiến trúc Chính quyền điện tử phù hợp với chỉ đạo của Trung ương và phù hợp với thực tế của tỉnh.
Năm là, nhóm giải pháp kỹ thuật công nghệ: Tỉnh nên nghiên cứu, thí điểm ứng dụng các công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực CNTT như điện toán đám mây (Cloud Computing), trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence – AI), Internet kết nối vạn vật (Internet of Things –IoT), dữ liệu lớn (Big data), chuỗi khối (blockchain), thực tế tăng cường (AR - Augmented Reality), thực tại ảo (VR - Virtual Reality ), SMAC (Social, Mobile, Analytics, Cloud),…để xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh nhằm tạo ra các kết quả mới, có tính đột phá.
Sáu là, nhóm giải pháp nâng cao nhận thức về ứng dụng CNTT: Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền trên Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Bắc Ninh, Đài Phát thanh các huyện, thị xã, thành phố, Cổng thông tin điện tử tỉnh (bacninh.gov.vn) và các cổng thông tin điện tử thành phần….và thông qua các hội nghị, hội thảo, nâng cao hiểu biết, nhận thức của cán bộ, công chức, người dân và doanh nghiệp về lợi ích của việc ứng dụng CNTT, về an toàn an ninh thông tin, về kiến trúc chính quyền điện tử, về chính quyền điện tử tỉnh Bắc Ninh và hướng tới thành phố thông minh. Đồng thời, cần tổ chức đào tạo, tập huấn, khai thác sử dụng các hệ thống thông tin, sử dụng DVC trực tuyến mức độ 3, 4 cho người dân, doanh nghiệp.