Báo chí Châu Âu trong kỷ nguyên số và bài học cho Việt Nam

17/06/2021 14:59
Theo dõi ICTVietnam trên

Nhiều năm trở lại đây, những người làm báo chí truyền thống ở châu Âu đang phải "vật lộn" để tìm cách tồn tại trong cuộc cách mạng kỹ thuật số. Nhất là khi mà độc giả ngày càng dễ dàng tìm được những nội dung tương tự, thậm chí nhanh hơn trên các trạng mạng xã hội.

Cuộc cách mạng mới đầy khắc nghiệt này có thể được coi là một quá trình "tiến hóa" mà qua đó chỉ những tờ báo biết nhanh chóng kịp thời định hình lại mình thì mới có cơ hội để tồn tại. Một câu hỏi đặt ra là những tờ báo truyền thống ở châu Âu đã và đang làm gì để tồn tại, và đâu là bài học cho chúng ta - những người làm báo trong kỷ nguyên số này?

Nếu có một lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự bùng nổ của công nghệ kỹ thuật số, thì đó chính là báo chí truyền thống, đặc biệt là báo in. Ở châu Âu, câu chuyện này cũng không tốt hơn khi mà báo chí ở đây được đánh giá là đi sau vài năm trong cuộc cách mạng kỹ thuật số. Giới truyền thông của "lục địa già" chỉ thực sự bắt đầu tìm kiếm sự thay đổi khi họ "đau đớn" nhận ra rằng báo chí đang thực sự rơi tự do trong thời đại số, với doanh số bán các ấn phẩm in giảm mạnh và nhiều trong số đó bị ngừng sản xuất. 

Muộn màng tìm cách bước ra khỏi bầu không khí ảm đạm của báo chí châu Âu, nhiều tòa soạn đã cố gắng dung hòa bằng việc chuyển đổi nền tảng nội dung bản in sang bản kỹ thuật số nhưng nhiều trong số họ vẫn cố giữ mô hình kinh doanh dựa trên báo in hiện có. Sự khập khiễng này được ví như "râu ông nọ cắm cằm bà kia" đã dẫn đến những kết quả không như mong đợi, khi mà họ không những không cải thiện doanh số bán hàng mà còn khiến cho các tạp chí đứng trước nguy cơ đình bản. Trong khi nhiều tòa soạn vẫn đang loay hoay tìm các chiến lược kỹ thuật số những vẫn chưa có kết quả, hay nói cách khác họ chưa tìm ra được công thức để có thể giành lại bạn đọc và lấy lại được mức lợi nhuận như thời hoàng kim của báo in ở thế kỷ 20, thì nhiều tòa soạn đã nhanh chóng tìm được hướng đi cho mình trong hành trình chuyển đổi kỹ thuật số.

Công thức của sự thành công

Khách quan mà nói, trong việc cạnh tranh thông tin, thì câu chuyện kỹ thuật trong chuyển đổi số hầu như không phải là vấn đề lớn đối với báo chí châu Âu. Có chăng điều mà họ đang muốn hướng về đó là làm thế nào để thu hút bạn đọc quay về như thời vàng son của báo chí truyền thống. Giữa thời buổi chỉ cần một cú click chuột là mọi thông tin có thể đến với bạn đọc chỉ sau vài giây, thì điểm nhấn của một tờ báo đó chính là sự khác biệt, để người đọc tự ghim vào đầu cái tên của tờ báo mỗi khi họ cần tìm kiếm hay cập nhật thông tin. Việc làm thế nào để cạnh tranh được trong thị trường thông tin chính thống và phi chính thống trong thời đại số này là một bài toán khó.

Báo chí Châu Âu trong kỷ nguyên số và bài học cho Việt Nam - Ảnh 1.

Các nhà báo Việt Nam nghe thuyết trình về sự chuyển đổi công nghệ ở hãng tin DW của Đức, tháng 6/2017- Ảnh: Lê Ngọc Sơn

Để đối mặt với làn sóng công nghệ này, nhiều tòa soạn lớn nhỏ ở châu Âu đã chọn nhiều cách cho riêng mình để trụ vững. Axel Springer, một công ty truyền thông lớn nhất châu Âu khai sinh ra nhiều thương hiệu tin tức đa phương tiện như Bild, Die Welt, và Fakt, được coi là một trong những công ty truyền thông đã bứt phá thành công trong việc chuyển đổi hoạt động kinh doanh của mình để có thể phát triển và tồn tại trong thời đại số. Vào đầu những năm 2000, Springer cũng đối mặt với việc giảm lượng độc giả và doanh thu từ việc bán báo và quảng cáo. Tuy nhiên, chỉ trong hơn một thập kỷ, Axel Springer đã đi trước các đồng nghiệp của mình bằng cách nhanh chóng đón nhận làn sóng thay đổi kỹ thuật số. Với niềm tin về sự thoái trào của báo in và tạp chí, nhà xuất bản này đã thay đổi mô hình kinh doanh một cách rõ ràng với sự tập trung ưu tiên vào phương tiện kỹ thuật số thay vì phương tiện in như trước đây. Họ định hướng xây dựng các nội dung có trả phí và phát triển kinh doanh trực tuyến. Do đó, vào thời điểm mà các đối thủ của họ đang vật lộn với sự tụt dốc của các phương pháp phân phối nội dung truyền thống, công ty đã chứng kiến sự gia tăng ổn định về lượng độc giả trực tuyến cho các tờ báo lá cải hàng đầu của họ là Bild và Die Welt.

La Stampa, một tờ nhật báo của Ý, không chỉ phá bỏ bức tường giữa báo in và báo điện tử bằng việc xây dựng nên một hệ thống biên tập đa nền tảng, mà còn tăng mức độ tương tác của bạn đọc và biến họ thành những người có vai trò quan trọng trong các cuộc tranh luận về nội dung các bài viết của tạp chí. La Stampa để phần lớn các bài viết của miễn phí trên website, đồng thời giữ lại một số nội dung cao cấp để có thể cung cấp cho những độc giả muốn có thông tin chuyên sâu. Xung quanh nội dung cao cấp này, họ xây dựng một cấu trúc giống như câu lạc bộ, tập hợp những độc giả muốn quan tâm các vấn đề sâu hơn và cung cấp cho họ những công cụ độc quyền để hiểu về thế giới.

Chuyển đổi số đã buộc báo chí châu Âu phải thay đổi. Việc các tòa soạn xây dựng các phiên bản online miễn phí và trả phí trên các websites cùng như ứng dụng di động không còn xa lạ với bạn đọc. Không có một công thức chung nào cho sự thành công, mỗi tờ báo đều có một hướng đi riêng để bứt phá. Cũng không có một mô hình kinh doanh duy nhất phù hợp cho tòa soạn trong tất cả thời điểm, buộc họ phải luôn thay đổi và không ngừng sáng tạo để đáp ứng được nhu cầu của bạn đọc trong thời đại số.

Bài học cho Việt Nam

Một trong những tín hiệu chuyển đổi số tích cực của báo chí Việt Nam đó là các tờ báo đã bắt đầu chuyển mô hình hoạt động từ báo in sang báo điện tử. Tuy nhiên, thay vì định hình bản sắc cho tờ báo của mình, thì nhiều tòa soạn vẫn đang trong cơn sốt với việc rượt đuổi lượng views cho các bài viết. Họ làm mọi cách để có lượng views lớn từ việc viết những cái tựa đề bằng "đầu voi" để "dụ" người đọc click vào bài viết, thế nhưng nội dung của bài thì chẳng khác gì "đuôi chuột". Nhiều cơ quan báo chí lầm tưởng rằng nhiều views thì có nghĩa là làm báo thành công nhưng đó lại là sai lầm chết người. Bởi vì chúng ta chỉ dùng các "thủ thuật" để có thể tăng lượng views nhưng quên mất một điều là cách duy nhất có thể níu chân được người đọc là đáp ứng được đúng nhu cầu của chính họ.

Rõ ràng, độc giả ngày nay không hề thiếu thông tin, cái mà bạn đọc thiếu chính là giá trị của thông tin mang lại cho họ. Nhà tương lai học người Áo, John Naisbitt, đã có câu nói nổi tiếng rằng "Chúng ta chết đuối trong thông tin, nhưng chết đói về tri thức". Những người làm báo như chúng ta nếu không am hiểu môi trường số sẽ rất dễ dàng đi lạc hướng. Thực tế, đã xảy ra những câu chuyện tương tự trong báo chí Việt Nam. Báo Hoa Học Trò là một ví dụ điển hình về một tạp chí từng là một "đế chế" trong phân khúc tuổi teen. Từng có lúc khách hàng xếp hàng "xin" được quảng cáo, và tòa soạn phải từ chối bớt vì vượt quá chỉ tiêu được phép quảng cáo. Tuy nhiên, sau bao nhiêu thăng trầm tờ báo tuổi teen này vẫn không có những cải tiến để phù hợp với độc giả nhỏ tuổi và đi sau nhiều tạp chí khác về mặt chuyển đổi số. Khi chưa có Kênh 14 hay Zing, thì Hoa Học Trò đang độc chiếm thị trường trong phân khúc dành cho tuổi teen nhưng vì chậm thay đổi, ngủ trên hào quang nên đã bị tụt lại phía sau. Đó có thể là một trong các nguyên nhân tờ này bị sáp nhập vào báo Tiền Phong sau khi có Quy hoạch báo chí.

Việc thay đổi mô hình kinh doanh là cần thiết, tuy nhiên không có một mô hình kinh doanh nào phù hợp cho tất cả. Điều đó đòi hỏi các toàn soạn phải nỗ lực tạo nên bản sắc của mình so với tờ báo khác và nhất là khác biệt với các "công dân báo chí" trên mạng xã hội./.

(Bài viết được đăng trên ấn phẩm đặc biệt Tạp chí TT&TT chào mừng Ngày báo chí cách mạng Việt Nam 21/6/2021)

Bài liên quan
  • Thách thức của báo chí truyền thống trong thời đại công nghệ số
    Trước sự phát triển mạnh mẽ, đa dạng của các nền tảng công nghệ mới mà cốt lõi là công nghệ số như: trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big data), chuỗi khối, điện toán đám mây, Internet vạn vật (IoT),... và nhất là các loại hình mạng xã hội, báo chí truyền thống toàn cầu hiện nay đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Báo chí quốc tế viết gì về Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024?
    Sự kiện Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2024 thu hút sự chú ý trong - ngoài nước và cả nhiều cơ quan truyền thông quốc tế.
  • “AI như là một chiếc gương đen”
    Bài báo "AI is the Black Mirror" của Philip Ball cung cấp một cái nhìn chi tiết về trí tuệ nhân tạo (AI) và tác động của nó đến nhận thức con người.
  • Chất lượng thông tin báo chí về kinh tế - Vai trò, yêu cầu thước đo và giải pháp cần có
    Báo chí kinh tế cần là diễn đàn thực thụ cho doanh nghiệp, không chỉ cung cấp thông tin. Thông tin cần chính xác và kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp trong điều chỉnh chiến lược kinh doanh.
  • Những “ngọn đuốc” ở bản
    Ở Tuyên Quang, người có uy tín là những người đi đầu thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con dân tộc thiểu số (DTTS). Họ như những “ngọn đuốc” đi trước, thắp sáng, lan tỏa tinh thần trách nhiệm, nêu gương với cộng đồng. Gương mẫu, uy tín, những người có uy tín đã và đang góp sức xây dựng bản làng, thôn xóm ngày càng ấm no, giàu mạnh.
  • 5 lý do để tăng cường bảo mật mạng
    Các chương trình an ninh mạng đã phát triển đáng kể trong vài thập kỷ qua. Sự ra đời của điện toán đám mây đã phá vỡ ranh giới an ninh mạng thông thường của của các doanh nghiệp, buộc các tổ chức phải liên tục cập nhật những chiến lược phòng thủ của mình.
Đừng bỏ lỡ
Báo chí Châu Âu trong kỷ nguyên số và bài học cho Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO