Báo chí chủ động đổi mới trước xu hướng đa phương tiện

Lan Phương| 19/04/2019 14:42
Theo dõi ICTVietnam trên

Các cơ quan báo chí phải nhận thức rõ những xu hướng báo chí đa phương tiện, báo chí công nghệ và nguy cơ bị truyền thông xã hội chi phối, phụ thuộc và bị dẫn dắt bởi các tin tức giả mạo để chủ động đổi mới.

Đây là nhấn mạnh của Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam Trần Thanh Mẫn tại Hội nghị tổng kết công tác Hội năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Hội nhà báo Việt Nam tổ chức ngày 19/4/2019, tại Cần Thơ.

Tham dự Hội nghị có các đồng chí: Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam; Lê Mạnh Hùng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Hoàng Vĩnh Bảo, Thứ trưởng Bộ TTTT; Thuận Hữu, Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Nhân dân; Võ Thành Thống, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ và đại diện các Ban, bộ ngành Trung ương và địa phương. Ngoài ra còn có hơn 500 cán bộ các cấp hội thuộc Hội nhà báo Việt Nam.

Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn phát biểu

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh: Trong năm qua, Hội nhà báo Việt Nam đã có nhiều cố gắng trong công tác tập hợp, bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ làm báo có bản lĩnh chính trị vững vàng, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, gương mẫu về đạo đức nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới. Nhiều nhà báo đã trở thành những tấm gương sáng, nỗ lực quên mình vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tuy nhiên, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cũng thẳng thắn nhìn nhận hoạt động báo chí và Hội nhà báo vẫn còn hạn chế như: Một số cơ quan báo chí hoạt động, thông tin không đúng với tôn chỉ, mục đích, không đúng đối tượng phục vụ; thông tin không phù hợp với lợi ích của đất nước, của nhân dân; tình trạng chạy theo yếu tố thương mại, lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân, đưa tin một chiều, giật gân, câu khách.

Một số nhà báo viết bài thiếu tính xây dựng, thể hiện quan điểm tiêu cực trên mạng xã hội; một số văn phòng đại diện, phóng viên, hội viên thường trú và đội ngũ cộng tác viên hoạt động không đúng chức năng, nhiệm vụ, gây tác động xấu đến dư luận.

Toàn cảnh Hội nghị

Trước tình hình thế giới và khu vực đang diễn biến nhanh và phức tạp, cùng với đó, CNTT tác động sâu rộng đến mọi mặt của đời sống xã hội, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn yêu cầu: “Các cơ quan báo chí phải nhận thức rõ những xu hướng báo chí đa phương tiện, báo chí công nghệ và nguy cơ bị truyền thông xã hội chi phối, phụ thuộc và bị dẫn dắt bởi các tin tức giả mạo. Vì vậy, báo chí phải chủ động đổi mới và người làm báo cần tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa chức năng, nhiệm cụ của mình”.

Cụ thể, các cơ quan báo chí và người làm báo cần tiếp tục thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ của mình, trong đó lưu ý một số nội dung trọng điểm như giữ vững định hướng chính trị, tôn chỉ, mục đích, đối tượng phục vụ, nêu cao tinh thần cách mạng, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân.

Báo chí cần chú trọng tuyên truyền về mặt tốt, mặt tích cực, gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến, nhân rộng các phong trào thi đua yêu nước gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, hướng người dân vào những giá trị chân, thiện, mỹ xây dựng môi trường thông tin lành mạnh…

Hội nhà báo Việt Nam cần phát huy hơn nữa vai trò là tổ chức chính trị - xã hội – nghề nghiệp của những người làm báo, không ngừng đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, động viên, cổ vũ người làm báo hoàn thành tốt trọng trách của mình.

Công tác chăm lo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ người làm báo có phẩm chất chính trị vững vàng và năng lực chuyên môn nghiệp vụ giỏi, không ngừng học tập, rèn luyện về tư tưởng chính trị, đạo đức cách mạng, nâng cao trình độ nghiệp vụ, cập nhật công nghệ làm báo hiện đại để sáng tạo nên những tác phẩm báo chí mang tính chuyên nghiệp, tính nhân văn, tính chiến đấu.

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cũng mong muốn báo chí tiếp tục phản ánh sâu rộng hơn nữa công tác vận động, tập hợp, củng cố xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, kịp thời thông tin về tình hình đời sống nhân dân, nhất là đối với đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng biên cương, hải đảo, vùng bị thiệt hại do thiên tai.

Báo chí cần đồng hành cùng Mặt trận trong việc thực hành, phát huy dân chủ, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; tham gia xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh…

Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam Thuận Hữu

Tại Hội nghị, Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Nhân dân Thuận Hữu cho biết: Phát huy những thành quả năm 2018, các cấp Hội năm 2019 tiếp tục thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội X Hội Nhà báo Việt Nam với nhiệm vụ trọng tâm là thực hiện tốt Luật Báo chí, 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, chủ động đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, kiện toàn tổ chức Hội và đội ngũ người làm báo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới; tổ chức Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị 37 của Ban Bí thư.

Những kết quả nổi bật năm 2018

Thông tin về các hoạt động nổi bật của Hội nhà báo Việt Nam trong năm 2018, Phó Chủ tịch thường trực Hội nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi cho biết, trong năm 2018 và quý I năm 2019 có 1922 hội viên gia nhập Hội, thành lập mới 01 Liên chi hội và 13 Chi hội, tiến hành xoá tên 312 hội viên. Tính đến hết tháng 3/2019, Hội nhà báo Việt Nam có 297 đơn vị cấp Hội trực thuộc Trung ương Hội, bao gồm, 63 Hội nhà báo tỉnh, thành phố, 19 Liên chi hội và 215 Chi hội với gần 24.000 hội viên. 

Năm 2018, số lượng nhà báo, hội viên vi phạm Luật Báo chí, 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp của Hội nhà báo Việt Nam cũng như nội quy, quy chế của cơ quan chủ quản đã có dấu hiệu giảm rõ rệt.

Về công tác nghiệp vụ, Hội nhà báo đã chủ trì và tham gia với các Bộ, Ban, ngành Trung ương và các tổ chức quốc tế tổ chức 10 cuộc hội thảo, tọa đàm nghiệp vụ cấp quốc gia và địa phương: Tọa đàm “Nhà báo Trần Công Mân với báo chí cách mạng Việt Nam”; “Quang Đạm – Nhà báo, nhà trí thức cách mạng”; Tổ chức tọa đàm, Hội thảo và 02 Diễn đàn tại Hội báo toàn quốc 2019: Tọa đàm về nhà báo Huỳnh Văn Tiểng; Hội thảo “Vai trò của báo chí trong truyền thông về chuẩn mực văn hoá ứng xử”; Diễn đàn “Báo chí – Cầu nối Doanh nghiệp và Chính phủ”, Diễn đàn “Nhà báo trẻ và đào tạo, bồi dưỡng nhà báo trẻ…

Giải báo chí quốc gia lần thứ XII – năm 2017 có quy mô lớn so với các năm trước, thu hút 1734 tác phẩm báo chí tiêu biểu thuộc tất cả các loại hình báo chí tham gia. Việc tổ chức Lễ trao giải vào dịp Kỷ niệm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam (21/6) thành công tốt đẹp, có sức lan toả sâu rộng, uy tín của Giải ngày càng được khẳng định và nâng cao.

Hội còn phối hợp và tham gia với các ban, bộ, ngành trung ương tổ chức thành công 11 giải báo chí chuyên ngành của Hội nhà báo Việt Nam và liên ngành.

Thực hiện Đề án hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao giai đoạn 2016 – 2020, Trung ương Hội đã thẩm định hơn 2424 tác phẩm báo chí chất lượng cao Trung ương và địa phương.

Năm 2018, Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ tổ chức được 106 lớp học cho 2.890 hội viên Hội nhà báo trong nước. Trung tâm đã tích cực tìm kiếm nguồn tài trợ từ các tổ chức quốc tế, tổ chức 06 lớp học chuyên sâu cho các hội viên, nhà báo do tổ chức nước ngoài hỗ trợ (chiếm 6%).

Với chủ đề “Báo chí Việt Nam đổi mới, sáng tạo, trách nhiệm vì lợi ích của đất nước và nhân dân”, Hội báo toàn quốc 2019 do Hội nhà báo Việt Nam, UBND TP. Hà Nội đồng chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ TTTT, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch phối hợp tổ chức có quy mô và tầm vóc lớn hơn những năm trước; trưng bày các sản phẩm báo chí tiêu biểu, thiết bị công nghệ kỹ thuật báo chí hiện đại, công tác đào tạo báo chí. Hội báo đã có 76 gian trưng bày với sự tham gia của gần 200 đơn vị.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Báo chí chủ động đổi mới trước xu hướng đa phương tiện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO