KTSG: Chỉ vài giờ sau khi ông cảnh báo tại buổi tọa đàm nói trên, một nhân viên y tế ở An Giang tử vong sau khi tiêm vaccine AstraZeneca, được cho do sốc phản vệ trên nền cơ địa dị ứng thuốc giảm đau kháng viêm (non steroid). Theo ông, trường hợp đáng tiếc này nên được báo chí tường thuật như thế nào?
- PGS.TS. Nguyễn Đức An: Tôi nghĩ nhà báo Việt Nam có thể rút ra vài bài học từ cách thức họ đưa các tin bài dày đặc và đầy cảm tính, đôi lúc giật gân về vài ca tử vong liên quan đến vaccin Quinvaxem “5 trong 1” nhiều năm trước.
Hồi đó, dù Quinvaxem đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phổ biến an toàn ở gần 100 quốc gia, các báo đưa tin tứ tung, thổi phồng phản ứng phụ, nhập nhằng giữa bản chất an toàn của vaccine với lỗi kỹ thuật/quy trình do nhân viên và thiết bị y tế gây nên.
Dân đọc báo, sợ quá, nhiều người đâu dám đưa con đi chích ngừa định kỳ. Hậu quả là các đợt bùng phát dịch sởi và viêm gan siêu vi gần đây.
Những trường hợp như ca tử vong sau khi tiêm vaccine AstraZeneca nói trên, nhà báo rất cần tỉnh táo, cẩn trọng để làm tin bài có trách nhiệm. Đau lòng, cảm thông sâu sắc với nạn nhân nhưng đừng vì thế mà gieo thêm nỗi sợ vaccine.
Đừng giật tít hoang mang, lấy một hai sự cố cực hiếm mà gieo rắc hoài nghi về một phương thuốc an toàn, hữu hiệu và cấp thiết hơn bao giờ hết.
Điều này rất quan trọng trong bối cảnh một bộ phận công chúng Việt Nam không nhỏ đã suy giảm niềm tin vào vaccine. Theo một nghiên cứu của Wellcome Trust và Viện Gallup năm 2018, chỉ có 71% người Việt tin rằng vaccine là an toàn và 73% tin nó có hiệu quả - khá thấp so với Đông Nam Á và thế giới nói chung.
Trong một môi trường nhạy cảm về vaccine như thế, chỉ cần một hai tựa bài giật gân hay vài bài báo không đúng bản chất vaccine là có thể gây phản ứng dây chuyền, nhất là trong thế giới thông tin hỗn loạn trên không gian số, đặc biệt là mạng xã hội.
KTSG: Ông có nói mạng xã hội là một trong những nguyên nhân dẫn đến trào lưu chống vaccine, vì hàng ngày người dân tiếp nhận vô số thông tin thượng vàng hạ cám mà không được báo chí chính thống trang bị bộ lọc hữu hiệu?
- Trước hết, trào lưu bài vaccine không chỉ có ở Việt Nam. Năm 2019, WHO liệt nó vào một trong 10 mối đe dọa sức khỏe toàn cầu. Ở bên này (nước Anh), có gia đình vợ thì hớn hở đi chích vaccine ngừa Covid-19 còn chồng thì nhất định không. Cả hai cùng gặp nhau ở nỗi sợ - một người sợ Covid-19, một người sợ vaccine. Một người sợ trên cơ sở duy lý, dựa vào bằng chứng thực tế và quan điểm khoa học; một người sợ trên cảm tính và định kiến, được bồi đắp từ các thông tin sai lệch và bịa đặt trên mạng xã hội.
Nói vậy cũng để thấy mạng xã hội là một nhân tố xúc tác giúp xu hướng bài vaccine, cũng như cơn đại dịch thông tin (infodemic) Covid-19, diễn ra mạnh mẽ trong thời gian qua. Tôi theo dõi Facebook và một số trang web bài vaccine tiếng Việt, thấy mọi thứ đáng lo!
Những sự cố hy hữu từ chích ngừa thường được phóng đại hết cỡ, với những hình ảnh rùng rợn, những chi tiết hư hư thật thật, để chứng minh vaccine không an toàn, không hiệu quả. Một số luận điểm đã bị bác bỏ từ lâu - như vaccine chứa nhiều chất độc hại (thủy ngân chẳng hạn), vaccine gây bệnh tự kỷ - vẫn cứ tiếp tục lưu truyền rộng rãi qua những câu chuyện thương tâm được chắp vá từ những nguồn không ai biết. Nhiều người yếu bóng vía, không hiểu đầu đuôi, không kiểm chứng, hùa theo. Rất nguy hiểm!
Đó là chưa kể hàng loạt câu chuyện bịa đặt, các thuyết âm mưu nhằm hạ niềm tin vào vaccine, chủ yếu dịch từ các trang chống vaccine bên ngoài Việt Nam, đại loại như vaccine là công cụ để bọn tinh hoa thượng tầng kiểm soát con người, Bill Gates tài trợ vaccine nhằm gắn vi mạch vào cơ thể con người cả thế giới, dịch bệnh là do các hãng dược to béo tạo ra để kiếm chác.
Hơn bao giờ hết, người dân cần báo chí định hướng bằng những thông tin được chắt lọc chuyên nghiệp, dựa trên chứng lý khoa học, chứ không phải bài báo đổ dầu vào lửa. Rất tiếc, ngay cả trước ca tử vong ở An Giang nói trên, tôi đã thấy rất nhiều bài dịch từ nước ngoài theo hướng kích động đó. Ngay bài vở về vaccine ngừa Covid-19 trên vài tờ báo chính thống lớn cũng sập bẫy tin vịt, thậm chí còn trích dẫn tác giả “ma” từ một vài trang thông tin bậy bạ từng bị các nền tảng như Google, Facebook và Twitter tẩy chay (Zero Hedge chẳng hạn).
KTSG: Nhưng chẳng phải là các vaccine ngừa Covid-19 thời gian qua đã bộc lộ nhiều sự cố khiến ngay cả một vài nước châu Âu cũng phải nghi ngại, thưa ông? Chẳng hạn, sự cố nhân viên y tế An Giang ở trên chỉ là một trong hàng chục ca tử vong sau khi chích vaccine AstraZeneca trên thế giới. Báo chí dĩ nhiên không thể làm ngơ những việc đó được…
- Các vaccine ngừa Covid-19 được phát triển và phê chuẩn nhanh chưa từng thấy, nhờ công nghệ hiện đại và sự toàn tâm, dốc sức mà cả thế giới, nhất là các cường quốc khoa học, dành cho nó. Nhưng cũng chính tốc độ như vậy, trong bối cảnh làn sóng phản vaccine trên toàn cầu, cũng như cơn đại dịch thông tin chung quanh Covid-19, đó lại trở thành lý do để nhiều người hoài nghi, lo ngại về độ an toàn và tính hiệu quả của vaccin ngừa Covid-19.
Thêm muối vào vết thương là việc chính phủ một số nước châu Âu đưa ra những quyết định tiền hậu bất nhất, chẳng hạn như việc vội vã tạm ngưng rồi lại cho phép chích vaccine AstraZeneca và John & Johnson khi thấy một vài ca đông máu sau khi chích ngừa.
Tôi hoàn toàn đồng ý rằng báo chí mà làm ngơ những điều đó thì chẳng còn là báo chí. Nó chỉ làm trầm trọng thêm vấn đề, càng dễ xói mòn niềm tin. Điều tôi muốn nói là truyền thông điệp thế nào cho thích hợp, đúng bản chất vấn đề.
KTSG: Vậy thì báo chí cần truyền đạt những thông điệp nào đến công chúng và truyền như thế nào để họ có thể tự tin tham gia chích ngừa?
- Nói một cách nghiêm ngặt từ góc độ chuyên nghiệp, công việc của báo chí không phải là cổ xúy, kêu gọi, hô hào dân đi chích vaccine ngừa Covid-19. Công việc của báo chí là thông tin, giải thích giúp dân hiểu quy trình khoa học, cũng như những đặc điểm về tính an toàn và hiệu quả đằng sau liều vaccine, để họ đủ thông tin để tự quyết định cho riêng mình. Tôi thấy có bốn yếu tố cần nhắc đến.
Thứ nhất, các vaccine của Âu Mỹ như AstraZeneca và John & Johnson được chuẩn thuận nhanh không phải là vì “đốt cháy giai đoạn”. Thực ra, không ai dám làm việc đó cả. Toàn bộ quy trình phát triển, với ba giai đoạn thử nghiệm, đều rất minh bạch về dữ liệu và được giám sát độc lập, đặt tiêu chí an toàn trước hiệu quả sau. Chính quy trình giám định minh bạch và độc lập là lý do để thế giới tin vào vaccin Pfizer, Moderna, AstraZeneca, John & Johnson hơn là Spunik V của Nga hay Sinovac của Trung Quốc, vốn bị che khuất không ít thì nhiều sau bức tường chính trị.
Thứ hai, vaccine không bao giờ hiệu quả 100% và cũng không cần như vậy. Đôi khi vaccine chỉ đạt hiệu quả 50-60% cũng được cho lưu hành vì nó giúp tạo miễn dịch cộng đồng. Cho nên, báo chí cần tránh xoáy sâu vào vài ca không hiệu quả để làm lung lay niềm tin, thậm chí giật những cái tít “kinh hoàng” như “Đã tiêm hai liều vaccine, một giáo sư về bệnh truyền nhiễm của Mỹ tử vong ở Ấn Độ do mắc Covid-19”.
Thứ ba, cần giúp người dân hiểu tác dụng phụ từ vaccine, kể cả vaccine ngừa Covid-19, là một điều rất bình thường. Sốc phản vệ là biểu hiện cho thấy vaccine bắt đầu có hiệu nghiệm trong cơ thể. Đừng lấy đó để lo vaccine không an toàn.
Thứ tư, có lẽ là quan trọng nhất, ngay cả khi có sự cố nghiêm trọng hơn, như các ca đông máu sau khi tiêm AstraZeneca gần đây, báo chí cần hiểu thấu và giúp công chúng hiểu thấu rằng chúng nằm trong các trường hợp rủi ro cực hiếm có thể tiên liệu. Và rằng mức rủi ro đó rất nhỏ so với lợi ích mà vaccine ngừa Covid-19 đem lại.
Trên thực tế, bất cứ điều gì chúng ta làm đều kèm theo một xác suất rủi ro, quan trọng là rủi ro có nằm trong tầm chấp nhận được và rất nhỏ so với lợi ích từ hoạt động đó.
Ví dụ, mỗi ngày ra đường, chúng ta đều chịu rủi ro bị tai nạn giao thông. Năm 2019, Việt Nam có trên 7.600 người qua đời vì tai nạn giao thông. Tôi tính nôm na ra thì cứ 700.000 người Việt, có chừng 56 người qua đời vì tham gia giao thông - một xác suất rủi ro cao hơn rất nhiều so với việc chích vaccine ngừa Covid-19. Nhưng không ai khóa cửa, ru rú trong nhà mãi, cũng không ai đóng đường, cấm đi lại cả, đơn giản vì cuộc sống không thể tiếp diễn nếu không ai đi lại.
Tôi lấy con số trên vì tới thời điểm xảy ra ca tử vong ở An Giang, Việt Nam đã thực hiện chích ngừa cho 700.000 người. Buồn chứ, xót chứ nhưng phải hiểu rõ đó là một xác suất rủi ro cực nhỏ, nhỏ hơn rất nhiều so với việc đi ra đường hàng ngày.
Trong khi đó, lợi ích từ vaccine ngừa Covid-19 thì rất lớn, không chỉ cho bản thân người chích mà cho bao nhiêu người xung quanh. Bởi, không chích ngừa đại trà thì không có miễn dịch cộng đồng. Không có miễn dịch cộng đồng thì đừng bao giờ mơ thoát dịch để trở lại cuộc sống bình thường.
Đất nước sẽ sớm rơi vào tình trạng khó khăn chồng chất, bởi vì phong tỏa, đóng cửa để kiểm soát dịch, nhưng mà cũng chỉ tới giới hạn nào đó thôi, không thể kéo dài mãi. Bao nhiêu người đã mất việc, lâm cảnh nghèo túng vì Covid-19?
Đặt ca tử vong vì sốc phản vệ với vaccine ngừa Covid-19 trên trong bối cảnh như thế, nhà báo sẽ giúp người dân hiểu rằng nếu hàng ngày họ thản nhiên ra đường được thì họ cũng có thể ung dung đi chích vaccine ngừa Covid-19.