Báo chí phát thanh, truyền hình trong kỷ nguyên số

17/06/2021 15:33
Theo dõi ICTVietnam trên

Những năm gần đây, chúng ta thường xuyên nghe báo chí nhắc đến những khái niệm lạ tai như "chuyển đổi số", "cách mạng số" hay "4.0"...

Thử làm một phép tìm kiếm trực tuyến trên công cụ Google không ít người giật mình bởi từ khóa "chuyển đổi số" trả về cho chúng ta hơn 204 triệu kết quả. Trong khi đó, từ khóa "cách mạng số" trả về 189 triệu kết quả. Riêng từ khóa "4.0" trả về cho chúng ta hơn 1 tỷ kết quả. Điều này nghe có vẻ phức tạp nhưng thực ra không quá phức tạp. Hãy hiểu đơn giản là thế giới loài người đã bước sang một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên mà công nghệ số bao phủ lên toàn bộ các mảng, lĩnh vực của đời sống hàng ngày.

Vài nét tổng quan

Tại Việt Nam, sự xuất hiện từ rất sớm và phổ cập rất nhanh của Internet khiến ngành Báo chí không ít lần phải thay đổi. Một loạt các tờ báo điện tử ra đời ở cuối thập niên trước và đầu thập niên này là minh chứng rõ nét nhất cho trào lưu số hóa truyền thông ở giai đoạn đầu tiên. Nhưng, sự phát triển của công nghệ số luôn không có điểm dừng. Vì vậy, mà báo điện tử cũng nhanh chóng trở nên "cũ kỹ" khi một loạt các hệ thống mạng xã hội, một loạt thế hệ các ứng dụng OTT (Over The Top App) trên điện thoại thông minh, tivi thông minh ra đời,…

Báo chí phát thanh, truyền hình trong kỷ nguyên số - Ảnh 1.

Nguồn: Digital 2020 - We are Social

Theo số liệu của "We are social" - một doanh nghiệp toàn cầu chuyên nghiên cứu về truyền thông kỹ thuật số, đến năm 2019, số người dùng Internet tại Việt Nam đã lên tới 68 triệu người (chiếm 70% dân số). Việt Nam cũng là quốc gia có số lượng người dùng các mạng xã hội lớn với 65 triệu người dùng (chiếm 67% dân số). Có tới 93% người dùng Internet tại Việt Nam ở độ tuổi từ 16-64 sử dụng điện thoại thông minh; 32% dùng máy tính bảng và 65% dùng máy vi tính.

Những số liệu này cho thấy, công nghệ số đã len lỏi và hiện diện mọi lúc, mọi nơi. Thậm chí, đó là một phần không thể thiếu, như "cơm ăn, nước uống" hàng ngày. Đây cũng là một trong những đòn bẩy quan trọng tạo ra sự thay đổi trong nhu cầu, sở thích, hành vi và thói quen của công chúng truyền thông.

Nếu như trước đây, người Việt dành nhiều thời gian để xem tivi, nghe Đài và đọc báo theo cách truyền thống thì giờ đây họ đã thay đổi. We are social cho biết, một ngày, người Việt ở độ tuổi từ 16 - 64 dành tới 6 giờ 30 phút để truy cập Internet, hơn 2 giờ để truy cập mạng xã hội và hơn 2 giờ để xem truyền hình.

Không chỉ thay đổi thói quen, người Việt cũng dần thay đổi cả sở thích và hành vi theo dõi nội dung trên các phương tiện truyền thông. Cụ thể, có tới 95% người Việt ở độ tuổi 16-64 theo dõi video trực tuyến mỗi tháng; 73% nghe nhạc trực tuyến; 46% nghe phát thanh trực tuyến và 33% nghe Podcast (loại nội dung audio trên các nền tảng số). Điều này có nghĩa là công chúng truyền thông cũng đã vận động nhanh tới mức bất ngờ.

Với các nhà quảng cáo, những điều nêu trên là tín hiệu cho thấy họ cũng phải thay đổi thật nhanh để thích ứng với xu hướng thị trường. Theo eMarketer, thị trường quảng cáo tại Việt Nam vẫn đang được phủ bóng bởi các kênh quảng cáo truyền thống mà chủ yếu là trên truyền hình và phát thanh truyền thống. Tuy nhiên, quảng cáo trên các phương tiện truyền thông kỹ thuật số dự báo sẽ tăng trưởng và chiếm tới 24,7% tổng chi tiêu quảng cáo vào năm 2022. Điều này là một xu thế mà các nhà quảng cáo đều nhìn thấy là không thể cưỡng lại.

Như vậy, công nghệ số đã tác động làm thay đổi cả thị trường; thay đổi cách nghĩ, cách xem, cách nghe, cách đọc của công chúng Việt. Phản ứng dây chuyền kéo theo việc các nhà quảng cáo cũng đã thay đổi. Có nghĩa là, các vệ tinh cần thiết nhất của báo chí nói chung và phát thanh, truyền hình nói riêng đều đã "xoay trục". Vậy, các tòa soạn, các Đài Phát thanh, Truyền hình ở Việt Nam sẽ phải ứng xử thế nào với câu chuyện này?

Sự "xoay trục" của các Đài Phát thanh, Truyền hình trong xu hướng chuyển đổi số

Cách đây 10 năm, khái niệm "chuyển đổi số" dường như vẫn xa lạ với hầu hết các Đài Phát thanh, Truyền hình tại Việt Nam. Nhưng, 5 năm trở lại đây, chủ đề này bất ngờ trở nên "sôi sục" trên nhiều diễn đàn, cả ở các hội nghị, hội thảo, sự kiện ngành... cũng như trong cả các cuộc họp, cuộc bàn luận nội bộ của các Đài.

Báo chí phát thanh, truyền hình trong kỷ nguyên số - Ảnh 2.

Nguồn: Digital 2020 - We are Social

Với 2 Đài Quốc gia là Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam, câu chuyện này quan trọng hơn bao giờ hết. Quan trọng bởi việc "xoay trục" sang kỹ thuật số là xu hướng tất yếu. Nhưng, quan trọng hơn là các Đài Quốc gia cũng sẽ mang một nhiệm vụ rất lớn về sự dẫn dắt trong quá trình chuyển đổi này. Vì vậy, cả 2 Đài đều đã có những bước chuẩn bị sớm, khởi động sớm và chứng minh sự hiện diện trên các nền tảng số phổ biến tại Việt Nam. Các Đài Phát thanh, Truyền hình còn lại và hệ thống phát thanh, truyền hình trả tiền cũng từng bước có sự điều chỉnh để thích nghi.

Báo chí phát thanh, truyền hình trong kỷ nguyên số - Ảnh 3.

Nguồn: eMarketer

Tuy nhiên, có một thực tế là tất cả mới chỉ đang ở giai đoạn đầu của một chặng đường dài gian khó. Một thực tế nữa, câu hỏi xác định mô hình chuyển đổi số như thế nào luôn gây đau đầu với tất cả các đơn vị. Khi xây dựng các đề án phát triển nội dung số, hầu hết các Đài Phát thanh và Truyền hình tại Việt Nam đều có sự tham khảo, quy chiếu với những mô hình phát thanh, truyền hình trên thế giới. Nhưng, với chuyển đổi số, không ít Đài nhận ra rằng chẳng có mô hình nào hoàn hảo để sao chép, mà chỉ có thể vừa nghiên cứu, tự mày mò tìm một lối đi hợp lý nhất với đặc thù và nguồn lực của từng Đài.

Đài Tiếng nói Việt Nam với lợi thế bề dày hơn 75 năm truyền thống lịch sử, cơ quan báo chí duy nhất hội đủ các loại hình gồm: phát thanh, truyền hình, báo in/tạp chí và báo điện tử đã xây dựng một loạt ứng dụng như VOV - Tiếng nói Việt Nam, VOV Media, VOV Live. Đây là giải pháp cho phép cung cấp các chương trình phát thanh, truyền hình thuộc sở hữu bản quyền của VOV tới các thính giả, khán giả số thông qua các phần mềm được phát hành trên điện thoại thông minh.

Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC (đơn vị trực thuộc Đài Tiếng nói Việt Nam) cũng xây dựng thành công hệ thống phân phối nội dung đa phương tiện VTC Now. Điểm khác biệt của hệ thống này là sự hiện diện đầy đủ và hiệu quả trên tất cả các nền tảng số gồm: ứng dụng điện thoại, máy tính bảng, tivi thông minh; các nền tảng mạng xã hội; các hệ thống dịch vụ viễn thông di động... VTC Now lựa chọn tin tức là giá trị nội dung cốt lõi và xác định quảng cáo số là hướng kinh doanh bền vững lâu dài.

Đến nay, VTC Now có gần 10 triệu người dùng đăng ký theo dõi thường xuyên trên tất cả các nền tảng. Ứng dụng VTC Now được We are Social xếp thứ 7 trong danh sách các ứng dụng có người dùng thường xuyên hàng tháng lớn nhất Việt Nam năm 2019.

Ngoài hệ thống ứng dụng, VTC Now hiện cũng có lượng người theo dõi khá đông đảo trên các mạng xã hội lớn như YouTube, Facebook, Zalo... Đơn vị này cũng từng được Quỹ sáng chế của Google giới thiệu như một mô hình chuyển đổi số đáng chú ý ở 1 trong 87 quốc gia mà Google lựa chọn nghiên cứu, phân tích.

Một điểm thú vị là VTC Now còn chứng minh sự hiện diện của mình trên cả nền tảng thiết bị số với việc hợp tác ra mắt dòng TV thông minh thương hiệu VTC Now hồi cuối năm 2020.

Đài Truyền hình Việt Nam ra mắt hệ thống VTV Go với lượng người cài đặt ứng dụng lớn và kho nội dung phong phú hấp dẫn. Đến nay, VTV Go đã hiện diện trên đủ các chợ ứng dụng cho điện thoại và tivi thông minh với hàng triệu lượt cài đặt. Các đặc sản nội dung của Đài Truyền hình Việt Nam được phát lại trên hệ thống VTV Go, tạo cơ hội cho khán giả có thêm kênh tiếp cận mới phù hợp với các thói quen, hành vi và nhu cầu mới.

Ngoài các Đài Phát thanh, Truyền hình nêu trên, cũng có nhiều Đài Phát thanh - Truyền hình khác đã tham gia góp phần tạo những nét phác thảo đầu tiên cho bức tranh báo chí phát thanh truyền hình trong giai đoạn chuyển đổi số. Cụ thể như Đài Truyền hình TP.HCM, Đài Tiếng nói nhân dân TP.HCM, Đài PTTH Vĩnh Long, Tổng Công ty Truyền hình cáp Việt Nam (VTV Cab), Công ty TNHH Truyền hình cáp Sài Gòn Tourist (SCTV)...

Một đặc điểm chung của nhiều Đài Phát thanh, Truyền hình trong giai này là nhu cầu hiện diện trên tất cả các nền tảng số phổ biến. Nhưng, cũng có một đặc điểm chung nữa là sự bối rối nhất định với mô hình phát triển, cách thức tiếp cận công chúng số, cách thức sản xuất nội dung phù hợp với các nền tảng số và cách thức khai thác giá trị tạo nguồn thu từ sản phẩm báo chí số. Nhưng, vạn sự khởi đầu nan. Nhu cầu phát triển là điều hiển nhiên và sự bối rối ban đầu cũng là điều dễ hiểu. Vấn đề quan trọng là các Đài lớn đều đã thực sự nhập cuộc và đang từng bước lĩnh xướng vai trò dẫn dắt của mình.

Cơ hội và thách thức của các Đài PTTH trong giai đoạn đầu chuyển đổi số

Trong phạm vi chuyên đề này, tác giả không đặt tham vọng bao quát toàn bộ quá trình chuyển động của các Đài Phát thanh, Truyền hình tại Việt Nam trong kỷ nguyên số mà chỉ đặt ra những vấn đề mang tính thực tiễn nhất đã, đang và có thể sẽ đến ở giai đoạn đầu của cuộc chuyển đổi. Những vấn đề đó bao gồm cả cơ hội và các thách thức với báo chí phát thanh, truyền hình.

Về cơ hội:

• Sự thay đổi về nhiều mặt của báo chí/truyền thông dưới tác động của công nghệ số là cơ hội để các Đài Phát thanh, Truyền hình làm mới mình trước thính giả, khán giả. Khi công chúng thay đổi, thị trường thay đổi, các nhà quảng cáo thay đổi thì cơ hội để thay đổi sẽ chia đều cho tất cả các Đài.

• Sự xuất hiện của một lớp công chúng mới, những người luôn sẵn sàng với Internet và các công nghệ hiện đại là cơ hội để các Đài Phát thanh, Truyền hình có một tập thính giả, khán giả mục tiêu mới.

• Sự thay đổi về hành vi, thói quen tiếp cận thông tin của thính giả, khán giả tạo cơ hội cho các Đài tạo sáng tạo những thể loại nội dung mới lạ, phù hợp không chỉ với radio hay truyền hình truyền thống nữa mà là cả với các nền tảng chia sẻ trực tuyến.

• Sự ra đời của nhiều dòng thiết bị thông minh mang đến cơ hội để các Đài tiếp cận với cách sản xuất mới, bằng những công cụ và giải pháp đơn giả, gọn nhẹ, tiết kiệm, hiện đại...

• Cuối cùng, đó là một cơ hội lớn để các Đài Phát thanh, Truyền hình tạo ra nguồn thu mới bên cạnh nguồn thu quảng cáo truyền thống vốn dĩ đang ngày càng trở nên chông chênh, gian khó.

Về thách thức:

• Thách thức lớn nhất phải kể đến là công tác quản lý báo chí, quản lý thông tin trong thời đại mới, thời đại mà bất kỳ cá nhân nào cũng có thể trở thành một "nhà báo", một "nhà quay phim" hay một "nhà nhiếp ảnh"...

• Tiếp đó là thách thức về kiểm soát và làm chủ công nghệ. Có kiểm soát và làm chủ công nghệ, các Đài phát thanh, truyền hình mới có thể giải quyết được bài toán phát triển và chuyển đổi số một cách bền vững, an toàn.

• Thách thức về kỹ năng, trình độ của các nhà báo, các kỹ thuật viên phát thanh, truyền hình... cũng là một vấn đề gai góc. Ở đây không chỉ đơn thuần là câu chuyện đào tạo chuyên môn mà còn là câu chuyện về thay đổi tư duy của một thế hệ làm báo trước sự tác động mạnh mẽ, nhanh chóng và thậm chí ào ạt của công nghệ số.

• Một thách thức nữa phải kể đến, đó là thách thức về việc làm thế nào để khai thác tốt nhất các giá trị kinh tế từ những sản phẩm báo chí số. Đặc biệt, trong lộ trình các Đài Phát thanh, Truyền hình Việt Nam vươn lên tự chủ về tài chính thì đây sẽ là một câu chuyện mang tính then chốt và dài lâu.

• Cuối cùng, phải kể đến thách thức về việc làm thế nào để tiếp cận và xây dựng một cộng đồng tiêu thụ nội dung số của các Đài một cách văn minh, lành mạnh và lan tỏa các giá trị văn hóa và các giá trị tốt đẹp của dân tộc.

(Bài viết được đăng trên ấn phẩm đặc biệt Tạp chí TT&TT chào mừng Ngày báo chí cách mạng Việt Nam 21/6/2021)

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Báo chí phát thanh, truyền hình trong kỷ nguyên số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO