Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 và các hội nghị cấp cao liên quan được tổ chức theo hình thức trực tuyến dưới dự chủ trì của Việt Nam, nước Chủ tịch ASEAN 2020, đã được các cơ quan truyền thông Thái Lan đưa tin đậm nét.
Ngày 26/6, tờ báo tiếng Anh hàng đầu của Thái Lan là Bangkok Post ra xã luận nhận định năm nay đánh dấu một nửa chặng đường của hành trình 10 năm của ASEAN hướng tới hiện thực hóa Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, trong đó vạch ra sự hội nhập sâu hơn sau khi có thỏa thuận thành lập Cộng đồng ASEAN vào năm 2015. Đây là thời điểm lý tưởng để ASEAN đánh giá công việc của mình trong việc đạt được những nguyện vọng đó.
Theo tờ báo, đại dịch COVID-19 cũng như suy thoái kinh tế có thể buộc các nhà lãnh đạo ASEAN phải hướng nội, tập trung vào cuộc khủng hoảng của chính nước họ hơn là sứ mạng của khối.
Nhưng đồng thời, một số người lạc quan tin rằng đại dịch mang lại cho ASEAN một cơ hội làm việc như một khối để nâng cao hợp tác trong khuôn khổ an ninh con người.
Hội nghị cấp cao lần này chứng kiến 10 nhà lãnh đạo ASEAN dưới sự chủ tọa của Việt Nam thúc đẩy hơn nữa các kế hoạch của họ đối với một quỹ ứng phó COVID-19, một đề xuất của Thái Lan đã được nhất trí tại hội nghị cấp cao trực tuyến giữa lãnh đạo các nước thành viên ASEAN với các đối tác Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc (ASEAN+3) hồi tháng Tư vừa qua.
Hãng thông tấn Thái Lan (TNA) cho biết Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan Prayut Chan-o-cha ngày 26/6 đã tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 và các hội nghị cấp cao liên quan thông qua hình thức trực tuyến dưới sự chủ trì của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc trên cương vị Nước Chủ tịch ASEAN 2020.
Theo TNA, Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ thứ 36 có mục tiêu là thúc đẩy hợp tác trong các nước thành viên ASEAN trong ứng phó với sự lây lan của COVID-19 và thảo luận việc soạn thảo một kế hoạch hồi phục hậu COVID-19.
Trong khi đó, trang web của Đài truyền hình PBS của Thái Lan đưa tin Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha đã đề xuất ba cách thức để tái khởi động các nền kinh tế ASEAN tại Hội nghị Cấp cao ASEAN trực tuyến ngày 26/6. Thông báo của Chính phủ Thái Lan cho biết ba đường hướng hành động mà Thủ tướng Prayut Chan-o-cha đề xuất nhằm thúc đẩy ASEAN trong giai đoạn hậu COVID-19 là ASEAN kết nối hơn, ASEAN mạnh mẽ hơn và ASEAN miễn dịch tốt hơn.
Ngoài ra, Trung tâm Thông tin ASEAN của Cục Quan hệ công chúng (PRD) của Chính phủ Thái Lan đã đăng toàn văn bài phát biểu của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tại phiên khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36, đồng thời cũng đăng tải lại nhiều tin bài của các nước ASEAN về hội nghị.
Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36 được tổ chức theo hình thức trực tuyến vào ngày 26/6 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã thu hút sự quan tâm của đông đảo các cơ quan truyền thông, báo chí Indonesia.
Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, chuyên san kinh tế Insider Stories dẫn lời phát biểu khai mạc của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trong đó nhấn mạnh rằng tăng cường hợp tác giữa các nước trong khu vực là điều quan trọng cần làm trong bối cảnh đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 nhằm thúc đẩy phục hồi kinh tế.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, giữ vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, cho biết dịch COVID-19 đã cuốn đi thành quả mà loài người đã tích lũy trong nhiều năm, cướp đi sinh mạng và đe dọa cuộc sống của hàng triệu người. Theo báo cáo ngày 8/6 của Ngân hàng Thế giới (WB), kinh tế toàn cầu năm 2020 sẽ suy giảm 5,2%; thu nhập bình quân đầu người giảm 3,6% và khiến cho 70-100 triệu người rơi vào nghèo đói cùng cực, gia tăng nguy cơ mất ổn định xã hội. Bên cạnh đó, hơn 40% các ngành sản xuất, kinh doanh của các quốc gia phải chịu tác động trực tiếp từ các biện pháp phong tỏa dịch bệnh.
Insider Stories cũng dẫn lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, trong khi cả thế giới đang phải gồng mình chống dịch, vẫn xuất hiện những hành động thiếu trách nhiệm, vi phạm luật pháp quốc tế, ảnh hưởng đến môi trường an ninh và ổn định ở một số khu vực, trong đó có khu vực Đông Nam Á.
Về phần mình, Tổng thư ký ASEAN Lim Jock Ho khẳng định diễn ra trong bối cảnh đại dịch COVID-19, Hội nghị cấp cao lần này là minh chứng cụ thể cho tình đoàn kết và vai trò lãnh đạo của ASEAN được thể hiện qua hợp tác khu vực mạnh mẽ. Theo ông, sự đoàn kết như vậy là cần thiết nhằm ứng phó với đại dịch.
Trang thông tin điện tử Tempo dẫn lời Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi cho hay, phát biểu tại Hội nghị, Tổng thống Joko Widodo đã nói về hai thách thức lớn mà ASEAN đang phải đối mặt, đó là xử lý COVID-19 và các tác động kinh tế-xã hội của đại dịch.
Theo tờ Kompas, Tổng thống Widodo thông báo với Hội nghị rằng ông đã giao cho các bộ trưởng liên quan bắt đầu thảo luận về khả năng mở cửa hành lang du lịch ASEAN, đồng thời nhấn mạnh rằng điều này rất quan trọng nhằm tăng tốc phục hồi kinh tế và thể hiện ý nghĩa chiến lược của Cộng đồng ASEAN.
Trong khi đó, báo Kontan và Republika cho biết Tổng thống Widodo đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác giữa các nước ASEAN.
Theo nhà lãnh đạo này, trong bối cảnh tâm trạng bi quan ngày càng tăng đối với chủ nghĩa đa phương, hợp tác khu vực càng trở nên quan trọng hơn, giúp các nước trong khu vực nhanh chóng phục hồi sau đại dịch
Về phần mình, mạng tin Tribunnews dẫn lời Ngoại trưởng Retno Marsudi cho hay các điều kiện kinh tế của ASEAN hiện đang trong tình trạng tồi tệ. Đây sẽ là lần đầu tiên sau 23 năm, ASEAN sẽ ghi nhận mức tăng trưởng kinh tế âm do đại dịch COVID-19.
Nhiều hãng thông tấn quốc tế ngày 26/6 cũng đưa tin Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã cùng các Nhà lãnh đạo ASEAN và các Đối tác đã tham dự Phiên khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 bằng hình thức trực tuyến.
Theo hãng tin AP của Mỹ, hội nghị nhằm thể hiện sự đoàn kết của các nước thành viên và thảo luận về việc thành lập một quỹ khẩn cấp trong khu vực để ứng phó cuộc khủng hoảng nghiêm trọng do đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 gây ra.
Tin cho biết do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, hàng chục cuộc họp bên lề cũng như các nghi thức bắt tay và chụp ảnh tập thể vốn là truyền thống của hội nghị thường niên khối ASEAN đã không thể diễn ra như thường lệ.
Mặc dù vậy, hội nghị lần này vẫn có một lễ khai mạc đầy màu sắc với những bài hát và điệu múa truyền thống diễn ra tại đầu cầu Hà Nội - thủ đô của Việt Nam, nước giữ vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020, nơi có sự tham dự của khoảng 200 quan chức Việt Nam và các nhà ngoại giao nước ngoài. Họ ngồi gần nhau, không cần đeo khẩu trang, trong khi các nguyên thủ quốc gia khác theo dõi sự kiện từ xa qua các màn hình lớn.
Theo AP, phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đại dịch COVID-19 là một phép thử đối với ASEAN. Dịch bệnh đang thổi bùng lên những thách thức trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế và xã hội, làm gia tăng bất đồng giữa các cường quốc.
Trong khi đó, hãng tin AFP của Pháp trích dẫn phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết dịch bệnh COVID-19 mới bùng phát, lan rộng từ đầu năm 2020 đã cuốn đi thành quả loài người đã tích lũy trong nhiều năm; cướp đi sinh mạng và đe dọa cuộc sống của hàng triệu người.
Các quốc gia Đông Nam Á đã bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 theo các mức độ khác nhau, trong đó Indonesia vật lộn với hơn 50.000 ca bệnh, trong đó hơn 2.600 người đã tử vong, còn nước Lào nhỏ bé chỉ báo cáo 19 trường hợp.
Tuy nhiên, khu vực gồm 650 triệu dân này vẫn là một điểm nóng COVID-19 tại châu Á, với hơn 138.000 bệnh nhân - vượt qua cả Trung Quốc, nơi khởi phát dịch bệnh này.
Dịch COVID-19 đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng và đẩy các nền kinh tế hàng đầu ASEAN, gồm Singapore, Indonesia, Thái Lan và Malaysia đứng trước bờ vực của cuộc suy thoái nghiêm trọng nhất trong nhiều thập kỷ qua.
Theo hãng tin AP, ASEAN sẽ thành lập Quỹ ứng phó đại địch COVID-19 nhằm hỗ trợ các quốc gia thành viên mua vật tư y tế và đồ bảo hộ y tế.
Hiện Thái Lan đã cam kết đóng góp 100.000 USD, trong khi các nước đối tác của ASEAN, gồm Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc cho biết sẽ công bố về khoản đóng góp sau khi các điều khoản liên quan quỹ này được hoàn tất. Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo khối ASEAN cũng đề xuất thành lập một kho dự trữ vật tư y tế trong khu vực./.