Truyền thông

Báo chí tiên phong ứng dụng công nghệ mới để “kể chuyện” hấp dẫn hơn

Nhật Minh 14:16 26/11/2024

Nhiều cơ quan báo chí Việt Nam hiện nay đã nhanh chóng, liên tục đổi mới sáng tạo để thể hiện những câu chuyện hấp dẫn thu hút độc giả, bạn xem truyền hình nhờ tiên phong ứng dụng công nghệ mới.

Sáng tạo để đáp ứng nhu càu thay đổi của độc giả

Chia sẻ câu chuyện về đổi mới sáng tạo (ĐMST) của báo Nhân dân mới đây, mà cụ thể từ ý tưởng đến cách triển khai, nhà báo Ngô Việt Anh, Phó Trưởng ban Nhân dân điện tử, Báo Nhân Dân cho rằng, giờ đây cần một sợ thay đổi, phát triển căn bản, bởi lẽ, nhu cầu hành vi của độc giả trên môi trường mạng đã có sự thay đổi. Do đó, báo chí nên tìm cách giải quyết các vấn đề tin tức một cách tốt hơn và khi cung cấp tin tức cần kèm theo những giải pháp phát triển.

Báo chí sáng tạo cần đổi mới trên môi trường số, ứng dụng tích cực các công nghệ số mới nhưng phải đảm bảo có tính tương tác giữa độc giả và người viết. Hơn nữa, cần tăng cường các công cụ số hữu ích để độc giả có thể dễ dàng kiểm chứng thông tin chính thống, đúng đắn, chính xác.

“Sáng tạo trong nội dung, cách viết chưa đủ, mà cần sáng tạo trong việc sử dụng công nghệ, kỹ thuật trong tác nghiệp, tạo ra các tác phẩm, sản phẩm báo chí”, nhà báo Ngô Việt Anh nhấn mạnh.

Hơn nữa, báo chí cũng cần cách tư duy mới để truyền tải nội dung và khéo léo “kể chuyện” theo hướng mới, khác biệt và đừng quên dùng chính trang báo giấy truyền thống của mình để quảng bá cho bá cho trang mạng, báo điện tử của mình.

dmst-bao-nhan-dan.png
Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, Báo Nhân Dân ra mắt phụ san Báo Nhân Dân hằng ngày 10/10/2024 với chủ đề Cột cờ Hà Nội, gồm một trang nội dung về Cột cờ Hà Nội và một trang cắt dán mô hình. Đồng thời, triển lãm tương tác Cột cờ Hà Nội được tổ chức giúp người xem có cơ hội hòa mình vào đoàn quân kéo về Hà Nội bằng công nghệ thực tế hỗn hợp (mixed reality).

Điểm quan trọng nữa mà nhà báo Ngô Việt Anh nhấn mạnh chính là, sáng tạo báo chí cần hướng phát triển, được đảm bảo bởi các mô hình, hệ thống kênh đa nền tảng. Đặc biệt, ĐMST báo chí muốn hiệu quả nhanh, các cơ quan báo chí cần đẩy mạnh đầu tư nguồn lực công nghệ. Đồng thời, các cơ quan báo chí cần có sự hợp tác tích cực với các công ty công nghệ để hỗ trợ, thúc đẩy sử dụng các nền tảng số, công nghệ số ứng dụng, sử dụng trong các quy trình quản trị, quản lý, sản xuất, xuất bản tin, bài.

Đặc biệt, muốn tạo ra các tác phẩm, sản phẩm báo chí có tính mới mẻ, sáng tạo, nhà báo Ngô Việt Anh chia sẻ phương thức, cách làm chính là người viết phải xây dựng ý tưởng, bám sát vào chủ đề, lĩnh vực, mục tiêu hướng đến sau đó lập kế hoạch và từng bước thực hiện.

"Có thể là ý tưởng từ một cá nhân hoặc từ nhóm đông, dự án, phương án mở rộng và khi có tác phẩm, sản phẩm, cần tổ chức truyền thông qua kênh, mô hình, hệ thống kênh số đa nền tảng".

ĐMST giúp báo chí tạo ra những giá trị mới

Chia sẻ về đổi mới sáng tạo của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), nhà báo Tạ Bích Loan, Trưởng ban Sản xuất các chương trình Giải trí (VTV3) - Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) chia sẻ: ĐMST trong báo chí chính là việc sử dụng trí tưởng tượng hoặc ý tưởng độc đáo để tạo ra những sản phẩm báo chí mới mẻ, mang lại những giá trị mới, có khả năng tương tác giữa nhà báo và độc giả.

Trong phương thức ĐMST, các sản phẩm báo chí thường tập trung việc ĐMST về nội dung và hình thức thể hiện. Đối với sản phẩm báo chí (báo nói, truyền hình…), ĐMST chính là tạo ra những giá trị mới, điều mới mẻ để “kể chuyện” hấp dẫn hơn, cung cấp thông tin đầy đủ, toàn diện các yếu tố cốt lõi (bối cảnh, nhân vật, mục tiêu, mâu thuẫn, nỗ lực).

Trên quan điểm nói về việc ĐMST nội dung trên, nhà báo Tạ Bích Loan lấy ví dụ cụ thể như ở chương trình "Đường lên đỉnh Olympia", ê-kíp chương trình đã lấy nhân vật trọng tâm là câu chuyện của một học sinh nhưng phát triển câu chuyện theo quy mô đến cả một vùng.

“Chính những điều sáng tạo này đã góp phần giúp chương trình tăng lượt truy cập. Fanpgae Cafe sáng với VTV3 trong tuần diễn ra trận chung kết Đường lên đỉnh Olympia năm 2024, với 124,3 nghìn lượt truy cập, tăng 241,9%. Đặc biệt hơn, kênh Tiktok VTV3 đạt 309 nghìn lượt thích (tăng 633,1%) trong tuần diễn ra chương trình chung kết”, nhà báo Tạ Bích Loan cho biết.

cafe-sang.png

Thành công của sự ĐMST nội dung của VTV còn có thể kể đến như chương trình cầu truyền hình "Dưới lá cờ quyết thắng kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ".

Sự thành công đạt được ngoài cả sự mong đợi, bởi lẽ, khi câu chuyện kể về lịch sử chứa đựng những khát vọng giành độc lập tự do được trình diễn hoành tráng thông qua hệ thống ánh sáng bằng phương tiện bay không người lái (drone) mang nhiều ý nghĩa nghệ thuật, chính trị, giáo dục và góp phần lan tỏa ý nghĩa sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân.

Còn ở chương trình "Tuần phim Tài liệu về Hà Nội" trên VTVGo, nhà báo Tạ Bích Loan cho biết ĐMST đã tiếp tục được phát huy. "Đây là một mô hình phân phối nội dung mới, khác biệt so với cách thức trước đây của VTV. VTV đã thực hiện việc khai thác, làm sống dậy kho tài nguyên sẵn có trong hệ thống lưu trữ của VTV và của Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương, tạo sức sống mới, được chiếu rộng rãi trên nền tảng số và chiếu trực tiếp cho khán giả. Chính sự ĐMST nội dung đã giúp độc giả có góc nhìn đa chiều về Hà Nội, về văn hoá, về con người suốt chiều dài lịch sử".

"Để làm đạt được này là nhờ tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm, tiên phong sử dụng, ứng dụng các công nghệ số mới, các công nghệ truyền tải đa phương tiện, đa nền tảng hiện đại, hiệu quả hiện nay", nhà báo Tạ Bích Loan nhấn mạnh.

Và nói đến điều ưu việt của những công nghệ số mới mà VTV đã ứng dụng, không thể không kể đến công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI). Cụ thể, trong chương trình Café sáng với VTV3, VTV đã sử dụng nhân vật trợ lý ảo để đồng hành lên sóng.

screenshot-1858-(1).png
AI đã giúp tái tạo hình ảnh của các liệt sĩ hy sinh.

Ở chương trình này, sự ĐMST về nội dung, phương thức mới đạt được nhờ sự hỗ trợ của trợ lý ảo với sức mạnh “bách khoa” có thể trả lời bất kỳ câu hỏi, thắc mắc nào của khán giả được gửi đến. Điều này đã tạo ra sự tương tác thông tin hai chiều, đồng thời thu hút, gia tăng giá trị trải nghiệm cho độc giả, người xem.

Cũng nói về giá trị công nghệ AI mang lại, ở ví dụ khác, nhà báo Tạ Bích Loan cho biết, trong chương trình "Vẽ lại chân dung liệt sĩ và Mẹ Việt Nam anh hùng", nhờ có AI, chương trình đã giúp tái tạo hình ảnh của các liệt sĩ hy sinh chân thực, mang đến ý nghĩa thiêng liêng cho các gia đình, quê hương.

Chính điều này đã chạm đến cảm xúc trái tim của triệu khán giả và chính những giá trị đó là động lực để các nhà báo luôn tích cực góp sức nhỏ bé của mình tạo ra những tác phẩm phát sóng có ý nghĩa, giúp cho những chương trình truyền hình ngày một ý nghĩa, chất lượng cao./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Báo chí tiên phong ứng dụng công nghệ mới để “kể chuyện” hấp dẫn hơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO