Truyền thông

Đẩy mạnh số hóa, chuyển đổi số các cơ quan báo chí

QA 19/11/2024 14:53

Trả lời chất vấn tại nghị trường mới đây, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết thời gian tới cần đẩy mạnh số hóa, chuyển đổi số các cơ quan báo chí.

Nhiều cơ quan nỗ lực chuyển đổi số báo chí

Trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) trong Chương trình Kỳ họp thứ 8 về sự sức ép của mạng xã hội (MXH) đối với báo chí chính thống, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định báo chí cách mạng Việt Nam đã có những bước phát triển về nội dung và đội ngũ những người làm báo, đáp ứng nhu cầu thông tin của công chúng.

bt-nguyen-manh-hung.jpg
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng: Nhiều cơ quan báo chí đã nỗ lực nghiên cứu, xây dựng đề án CĐS với mục tiêu xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại.

“Thông tin, tuyên truyền đã phát huy vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội, tạo sự đồng thuận và niềm tin xã hội, khơi dậy khát vọng Việt Nam và biến đó thành sức mạnh tinh thần to lớn, góp phần quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chiến lược chuyển đổi số (CĐS) báo chí, coi không gian mạng là mặt trận chính của báo chí và thành hay bại là ở đây. Theo đó, Bộ trưởng cho biết, nhiều cơ quan báo chí đã nỗ lực nghiên cứu, xây dựng đề án CĐS với mục tiêu xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại, tiếp cận được với đông đảo công chúng.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh cho rằng, thời gian tới, chúng ta phải đẩy mạnh số hóa, CĐS các cơ quan báo chí. Bộ TT&TT cũng đã ban hành một chương trình để thực hiện chiến lược này, trong đó, có điểm quan trọng là đưa ra tiêu chí đo lường, đánh giá mức độ trưởng thành của các cơ quan báo chí trong CĐS.

Bộ TT&TT cũng đã thành lập Trung tâm Hỗ trợ CĐS báo chí, ban hành cẩm nang, xây dựng chương trình tập huấn cho các Tổng biên tập trong vấn đề CĐS để tạo chuyển biến trong vấn đề này.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh báo chí chính thống muốn giữ vững trận địa của mình thì phải làm khác MXH, quay về với những giá trị cốt lõi của báo chí. Đó là tin xác thực, chính xác, khách quan, có trách nhiệm giải trình, đạo đức nghề nghiệp, thay vì đưa tin, kể câu chuyện, dẫn dắt, định hướng xã hội thì phân tích, đánh giá và thay vì bình luận thì đưa ra giải pháp.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng đang hoàn thiện thể chế để xử lý các cá nhân sử dụng MXH khi đưa thông tin sai sự thật, tin giả; xử lý các nền tảng xã hội khi vi phạm luật pháp hiện nay.

Đối với vấn đề được ĐBQH quan tâm tại sao báo chí lại kém về công nghệ số, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết hàng trăm năm nay báo chí vốn dĩ vũ khí chính là trang giấy, cây bút, đến thời công nghệ số thì công nghệ số lại trở thành vũ khí và chưa quen với công nghệ. Các nền tảng MXH lấn át được một phần, nhất là giai đoạn đầu cũng là vấn đề công nghệ.

"Vừa qua, khi đánh giá mức độ trưởng thành về CĐS báo chí thì mới thấy một việc là các đài phát thanh và truyền hình (PTTH) CĐS tốt hơn rất nhiều so với cơ quan báo chí. Lý do vì sao, vì hơn 10 năm gần đây, chúng ta có chương trình về số hóa truyền hình, số hóa đài phát thanh và vì thế năng lực tăng lên. Cho nên sắp tới, sẽ phải đẩy mạnh công cuộc số hóa, CĐS các cơ quan báo chí", Bộ trưởng nêu rõ.

Bộ trưởng cũng cho biết Bộ TT&TT chỉ đạo một số doanh nghiệp công nghệ số trong ngành hỗ trợ CĐS một số cơ quan báo chí để làm mẫu và sau đó phổ cập ra các cơ quan báo chí còn lại.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ TT&TT, sắp tới, mỗi một quý Cục Báo chí của Bộ TT&TT sẽ có một tài liệu cung cấp các thông tin về các kinh nghiệm hay, cách làm hay trong CĐS các cơ quan báo chí, tổ chức các đoàn đến tham quan một số cơ quan báo chí đã CĐS tốt.

Sẽ có nền tảng số dùng chung để CĐS các cơ quan báo chí nhỏ

Trả lời quan tâm của ĐBQH về việc nhiều cơ quan báo chí gặp khó khăn về kinh phí CĐS báo chí, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết cơ quan báo chí tự làm công nghệ thay vì tự làm thì thuê, nhất là những cơ quan báo chí nhỏ, còn những cơ quan báo chí lớn có nguồn lực thì có thể tự làm, nhưng cơ bản các cơ quan báo chí nên thuê thì chi phí nhỏ hơn và không mất người để vận hành các hệ thống đó.

vbf-2023619975o63.jpg
Ảnh minh họa: VCCI news.

"Bộ TT&TT đang cho phát triển và cố gắng đầu năm tới sẽ xong về nền tảng số dùng chung để CĐS các cơ quan báo chí nhỏ, đặc biệt là các tạp chí giai đoạn đầu được miễn phí để hỗ trợ cho các các cơ quan báo chí", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.

Về vấn đề tài chính, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, hiện nay nguồn lực của Nhà nước sẽ tập trung vào 6 cơ quan báo chí chủ lực, còn đối với những cơ quan báo chí khác thì các cơ quan chủ quản phải có trách nhiệm đầu tư nguồn lực để đảm bảo cho cơ quan báo chí của mình có đủ năng lực cạnh tranh.

Sẽ công bố kết quả CĐS cơ quan báo chí năm 2024 vào tháng 12

Thực hiện Chiến lược CĐS báo chí, năm 2023, Bộ TT&TT đã ban hành Bộ Chỉ số đánh giá, đo lường mức độ trưởng thành CĐS báo chí làm công cụ, thước đo đánh giá mức độ sẵn sàng, mức độ trưởng thành CĐS báo chí của các cơ quan báo chí trên phạm vi cả nước.

Đồng thời, việc đo lường, đánh giá giúp từng cơ quan báo chí xác định được mình đang ở giai đoạn nào trong quá trình CĐS từ đó có lộ trình, kế hoạch, giải pháp CĐS phù hợp, giúp cơ quan báo chí phát triển nhanh hơn, mạnh hơn.

Mức độ trưởng thành CĐS báo chí của các cơ quan báo chí được xác định căn cứ vào tổng điểm đạt được của 5 trụ cột và được xếp theo 5 mức.

Kết quả đo lường mức độ trưởng thành CĐS báo chí năm 2023 cho thấy Top 10 cơ quan báo chí CĐS đạt mức xuất sắc gồm có: Đài Truyền hình Việt Nam (VTV); Báo VNExpress (Bộ Khoa học và Công nghệ); Báo Lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam); Đài Tiếng nói Việt Nam; Báo Điện tử Vietnamplus (TTXVN); Báo Vietnamnet (Bộ TT&TT); Báo Điện tử VTC News Đài Tiếng nói Việt Nam); Đài PTTH tỉnh Vĩnh Long; Đài PTTH Hà Nội; Báo Người Lao động (Thành ủy TP. Hồ Chí Minh).

Top 5 cơ quan báo chí dẫn đầu khối Báo chí Trung ương đạt mức xuất sắc là: Báo VNExpress; Báo Lao động; Báo Điện tử Vietnamplus; Báo VietnamNet; Báo Điện tử VTC News.

Top 5 cơ quan báo chí dẫn đầu khối báo chí địa phương là: Báo Người Lao động (mức xuất sắc); Báo Nghệ An, Báo Khánh Hòa, Báo Hà Nội Mới, Báo Sài Gòn giải phóng (mức tốt).

bao-nghe-an.jpg
Lãnh đạo Báo Nghệ An giới thiệu với đoàn công tác Hội Nhà báo Việt Nam các nội dung của Báo Nghệ An được đăng tải trên các nền tảng số. (Ảnh: Thành Duy/Báo Nghệ An).

Top 5 cơ quan báo chí dẫn đầu khối đài là: Đài Truyền hình Việt Nam (VTV); Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), Đài PTTH tỉnh Vĩnh Long, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội (mức xuất sắc); Đài PTTH tỉnh Bắc Giang (mức tốt).

Top 5 cơ quan báo chí dẫn đầu khối tạp chí khoa học là: Tạp chí khoa học Đại học Cần Thơ (Đại học Đại học Cần Thơ) (mức tốt); Tạp chí khoa học Đại học Quốc tế Hồng Bàng (Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng); Tạp chí khoa học Đại học Mở TP Hồ Chí Minh (Trường Đại học Mở TP Hồ Chí Minh), Tạp chí Khoa học xã hội - TP Hồ Chí Minh(Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ), Tạp chí Lý luận Chính trị (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh (mức khá).

Theo thông tin từ Trung tâm Hỗ trợ CĐS báo chí (Cục Báo chí) năm 2024 đã có 351 cơ quan báo chí hoàn thành chương trình tập huấn CĐS báo chí và gần 300 cơ quan báo chí tham gia thực hiện đánh giá, đo lường mức độ trưởng thành CĐS báo chí năm 2024. Kết quả sẽ được công bố vào trung tuần tháng 12/2024./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • AI sẽ tác động như thế nào đến an ninh mạng vào năm 2025?
    Từ các hệ thống phòng thủ dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI) đến các chiến thuật tấn công bằng phần mềm tống tiền (ransomware) ngày càng tinh vi, năm 2025 đang đặt ra nhiều thách thức và cơ hội mới cho ngành an ninh mạng.
  • TikTok và câu chuyện cung cấp dịch vụ tại Mỹ
    TikTok thông báo rằng họ đang "trong quá trình" khôi phục dịch vụ cho người dùng tại Mỹ. Động thái diễn ra chỉ hơn 12 giờ sau khi TikTok ngừng cung cấp dịch vụ để chuẩn bị đối phó với lệnh cấm.
  • 5 startup công nghệ Việt Nam đang được chú ý
    Trong những năm qua, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể, tạo được môi trường thuận lợi, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quốc gia.
  • Hội nghị WEF lần thứ 55: Hợp tác trong kỷ nguyên thông minh
    Nhận lời mời của Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) Klaus Schwab, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 55 Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tại Davos, Thụy Sĩ và làm việc song phương tại Thụy Sĩ trong hai ngày 21 và 22/1/2025.
  • Thủ tướng làm việc với Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam tại châu Âu
    Nhân chuyến thăm chính thức Cộng hòa Séc, chiều 19/1/2025, giờ địa phương (tối cùng ngày, giờ Hà Nội), Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam tại châu Âu (VINEU).
Đừng bỏ lỡ
Đẩy mạnh số hóa, chuyển đổi số các cơ quan báo chí
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO