Vào ngày 5/10, trang ThaiPublica.org của Thái Lan đăng bài viết Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu ngăn chặn, răn đe và loại bỏ đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) để sớm được gỡ bỏ "thẻ vàng" mà Ủy ban châu Âu (EC) áp dụng năm 2017 đối với xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.
Sau gần 5 năm, Việt Nam đã tập trung, chủ động thực hiện các hành động phù hợp với các khuyến nghị và quy định của EC về IUU để "thẻ vàng" được dỡ bỏ càng sớm càng tốt. Việt Nam đã rà soát, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật và tăng cường các chế tài trong Luật Thủy sản sửa đổi, các văn bản và kế hoạch hành động của chính phủ.
Tại cuộc họp trực tuyến gần đây nhất giữa Việt Nam và EC vào tháng 11/2021, các quan chức EC đã đánh giá cao những thay đổi trong luật Thủy sản. Đây là một trong 4 khuyến nghị chính của EC đối với Việt Nam nhằm giải quyết vấn đề đánh bắt IUU.
Ngoài ra, Việt Nam đã áp dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số để truy xuất nguồn gốc, hướng tới đảm bảo số hóa quy trình giám sát và điều tiết sản phẩm thủy sản theo chuỗi giá trị phù hợp với nhu cầu tiêu dùng trong nước và quốc tế.
Tuy nhiên, để được xóa tên khỏi nhóm "các quốc gia bị cảnh báo", Việt Nam đang đối mặt rất nhiều khó khăn, trong số đó có việc theo dõi hoạt động của tàu đánh cá và số lượng tàu đánh cá vẫn ở mức cao.
Trang Thai Publica cho rằng Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm của Thái Lan, quốc gia láng giềng đã được gỡ "thẻ vàng" năm 2019 sau 4 năm. Việt Nam có thể tiến hành cải cách hệ thống pháp luật, đầu tư vào Hệ thống Kiểm tra, Kiểm soát và Giám sát (MCS), hợp tác hơn nữa với các tổ chức quản lý ngư nghiệp khu vực cũng như các nước láng giềng./.