Chuyển đổi số

Bệnh viện vẫn e dè với bệnh án điện tử

An Như 04/08/2024 22:00

Giai đoạn từ năm 2024-2028, Bộ Y tế yêu cầu tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh (KCB) trên toàn quốc phải triển khai hồ sơ bệnh án điện tử. Nhưng đến nay, mới chỉ có 90/1.400 bệnh viện (BV) công bố thực hiện. Các BV gặp khó khi kinh phí vận hành, đồng bộ trong trang, thiết bị vẫn còn chậm và nhiều vướng mắc.

benh-an-dien-tu.png
Bệnh án điện tử giúp thuận lợi trong việc thăm khám của các y, bác sĩ và người bệnh. Ảnh: HẢI NAM

“Mắt xích” chuyển đổi số

Nhà ở Yên Bái, anh Nguyễn Văn Khang phải đưa bố là ông Nguyễn Văn Tố (72 tuổi) đi chuyến xe khách đêm xuống Hà Nội sáng sớm để kịp lấy số khám bệnh tại BV Nội tiết T.Ư cơ sở 1 ở đường Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì. Vì ông Tố mắc cả bệnh mất trí nhớ nên lần nào xuống tái khám bệnh tiểu đường, cũng phải có con cháu đi kèm để mang theo các loại giấy tờ, xét nghiệm ở các lần khám trước. Lần nào xuống Hà Nội, ông Tố và con cháu cũng có mặt ở BV từ lúc 6 giờ sáng để kịp làm các xét nghiệm.

Trong khi đó, cũng mắc bệnh mạn tính, tháng nào bà Nguyễn Thị Lanh, 65 tuổi (Sóc Sơn, Hà Nội) cũng tự bắt xe bus đến BV Đại học Y Hà Nội để khám và lấy thuốc. “Từ ngày BV sử dụng bệnh án điện tử, tôi không cần phải có con cái đi kèm vì giấy tờ mang theo chỉ là căn cước công dân chứ không phải hồ sơ theo dõi bệnh dày cộp”, bà Lanh cho biết.

“Đã khám gì, vào thời gian nào, kết quả các xét nghiệm, đơn thuốc ra sao… tất cả đều được lưu chi tiết trong hồ sơ bệnh án điện tử của mỗi bệnh nhân. Thuận tiện, không xếp hàng chờ đợi lấy số, giảm gánh nặng giấy tờ nhất là với người bệnh cao tuổi, bệnh án điện tử cũng mở đường nhiều thuận lợi trong việc thăm khám của các y, bác sĩ”, Ths, bác sĩ Kim Ngọc Thanh, Khoa Tim mạch, BV Đại học Y Hà Nội nói.

Tiện ích khi triển khai bệnh án điện tử thì đã rõ, ở những cơ sở KCB đã hoàn tất thì thông tin về sức khỏe của người bệnh khi được phép chia sẻ sẽ giúp các cơ sở hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình điều trị cho người bệnh. Hiện nay ở Việt Nam, rất nhiều cơ sở y tế vẫn lưu trữ hồ sơ KCB bằng giấy. Do đó, chi phí để duy trì kho để lưu bệnh án giấy cũng rất lớn. Chưa kể, theo quy định của Luật Khám, chữa bệnh, công tác lưu trữ hồ sơ bằng bản cứng từ 10-20 năm nên dễ gây hư hại, giấy bị mục. Lợi ích nữa là khi sử dụng bệnh án điện tử, công tác KCB được xuyên suốt và minh bạch, giúp nâng cao hình ảnh của đơn vị cũng như tăng độ hài lòng của người bệnh. Trong công tác quản lý, đối với lãnh đạo BV, khi bệnh án điện tử được triển khai thì lãnh đạo BV điều hành hoàn toàn qua máy tính, trong mạng nội bộ BV có thể theo dõi được toàn bộ quá trình điều trị của một bệnh nhân…

Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, số lượng BV triển khai bệnh án điện tử trên cả nước còn ít, tính đến sáng 8/7, chỉ 90/1.400 BV công bố bệnh án điện tử trên cổng thông tin của Bộ Y tế. Mặc dù, theo Thông tư 46 của Bộ Y tế thì đến hết năm 2023, tất cả các BV hạng 1 trên cả nước đã phải chuyển đổi từ bệnh án giấy sang bệnh án điện tử. Đặc biệt, trong số 90 BV này, số lượng BV hạng 1 chiếm tỷ lệ không cao, số lượng BV tuyến T.Ư rất ít và chưa có BV hạng đặc biệt nào.

Ông Nguyễn Trường Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin y tế quốc gia (Bộ Y tế) cho biết, bệnh án điện tử là mắt xích cốt lõi trong chuyển đổi số, từ đó giúp BV quản lý minh bạch, hiệu quả hơn, nâng cao chất lượng KCB. Để triển khai được bệnh án điện tử cần tiến hành ba lộ trình cơ bản, gồm: Số hóa, quản lý dữ liệu và tích hợp liên thông. Phần lớn các đơn vị triển khai được lộ trình số hóa và tạo lập quản lý dữ liệu. Thế nhưng, phần liên thông đòi hỏi nhiều yếu tố về hạ tầng, chữ ký số, phần mềm bổ trợ và nhiều vấn đề khác với nguồn kinh phí đầu tư lớn. Trung bình, để triển khai bệnh án điện tử, cần đầu tư số tiền hơn 10 tỷ đồng/BV. Với những BV quy mô lớn như: BV Bạch Mai, BV Hữu nghị Việt-Đức…, số tiền đầu tư còn lớn hơn rất nhiều. Đây chính là trở ngại khiến cho việc triển khai bệnh án điện tử ở các đơn vị còn chậm.

Áp lực vận hành, thanh toán

Tại Khoa Hồi sức tích cực và chống độc, BV đa khoa khu vực Phúc Yên (TP Phúc Yên, Vĩnh Phúc), kiểm tra trực tiếp các thông tin bệnh của người bệnh với máy tính bảng ngay khi đi buồng là lợi ích thấy được với các bác sĩ trong gần 1 năm BV triển khai bệnh án điện tử. Bác sĩ Nguyễn Đăng Tuấn, Trưởng khoa Can thiệp tim mạch, Bệnh viện đa khoa khu vực Phúc Yên, cho biết: “X-quang, cắt lớp, vi tính, cộng hưởng từ… bệnh nhân chụp xong là xem được ngay. Xét nghiệm máu các khoa xét nghiệm trả là chúng tôi xem được ngay, không như ngày xưa phải cử người đi lấy”. Cắt giảm thời gian khi đợi chuyển kết quả giữa các khoa phòng, tăng hiệu suất khám, chữa cho người bệnh, công việc giấy tờ của y, bác sĩ cũng được giảm tải lớn khi bệnh án giấy chỉ còn rất ít các mặt giấy buộc phải lưu do cần chữ ký “tươi” của người bệnh.

Thuận lợi là vậy, nhưng áp lực vận hành bệnh án điện tử cũng không hề nhỏ. Hỏng mạng đồng nghĩa, xe đi buồng, máy tính đi buồng có cài đặt bệnh án điện tử đều đứng im và mất tác dụng. “Vướng nhất là hệ thống rất lớn, mình chỉ có thể xem kết quả với chỉ định trên laptop, còn trên điện thoại và iPad chưa thể xem được. Có một số kết quả chỉ có thể chụp và tải bằng máy tính chứ không tải điện thoại được”, bác sĩ Nguyễn Thị Hoa, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết.

Lỗi xảy ra từ cơ sở hạ tầng, lỗi cũng xảy ra từ người sử dụng… Việc bảo đảm vận hành trơn tru, hiệu quả cho bệnh án điện tử còn đòi hỏi thiết bị đúng, đủ và đồng bộ. Nhưng vấn đề thiếu thiết bị (bao gồm cả máy tính kết nối bệnh án điện tử hay các thiết bị khám, chữa bệnh không kết nối, không tương thích với phần mềm bệnh án điện tử buộc phải cập nhật dữ liệu thủ công) là thực tế đang diễn ra tại nhiều BV triển khai bệnh án điện tử.

Theo anh Đỗ Trọng Quỳnh, Phòng Công nghệ thông tin, BV đa khoa khu vực Phúc Yên: “Để đáp ứng được cần rất nhiều máy tính, khoảng 200 máy, anh em cũng rất khó khăn, phải chia giờ ra để có thể thực hiện”. Máy móc không có cổng kết nối, không tương thích, nhiều hệ thống đấu nối vào, thường xuyên phải nâng cấp dung lượng lên. Trung bình mỗi năm, năm nào cũng phải nâng cấp cơ sở hạ tầng... Tuy nhiên, triển khai bệnh án điện tử là xu hướng tất yếu không thể không làm được.

Để giải quyết bài toán về áp lực trong vận hành và nâng cao hiệu quả của bệnh án điện tử, chi phí đầu tư cơ sở vật chất hạ tầng, thiết bị vẫn là một trong những yếu tố quan trọng. Thế nhưng, hiện nay, ngoài nỗ lực đầu tư chi phí ban đầu để đưa được bệnh án điện tử vào thực hiện, các BV lại gặp vướng trong hoạt động thanh toán chi phí khám, chữa bệnh theo hình thức hồ sơ bệnh án điện tử.

Khi BV triển khai bệnh án điện tử, toàn bộ kết quả chẩn đoán hình ảnh đều được kết nối, lưu trữ trên hệ thống phần mềm chẩn đoán hình ảnh không in phim. Bác sĩ xem bệnh, bệnh nhân theo dõi bệnh đều không cần phim. Nhưng phim thì vẫn phải in không thể thiếu một tấm… Bác sĩ Bùi Văn Hậu, Phó trưởng Khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: “Lượng phim in ra rất nhiều. Mặc dù là bệnh án điện tử nhưng Bảo hiểm xã hội quy định phải có phim thì mới được thanh toán các dịch vụ chẩn đoán hình ảnh”. Theo số liệu của Khoa Chẩn đoán hình ảnh BV Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc, trung bình mỗi ngày có từ 800 - 1.000 lượt bệnh nhân thực hiện các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh. Việc phải in phim để thực hiện thanh toán BHYT đã tạo ra chi phí kép cho một dịch vụ…

Các vấn đề khó khăn trong triển khai bệnh án điện tử đang được ngành y tế bóc tách và tháo gỡ. Tuy nhiên, để bảo đảm hiệu quả và tính bền vững của bệnh án điện tử trong hoạt động KCB thì những khó khăn ngay cả khi cơ sở y tế đã đưa bệnh án điện tử vào hoạt động cũng cần tìm giải pháp.

Mới đây, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan đã yêu cầu toàn ngành y tế phải đẩy mạnh chuyển đổi số: Thúc đẩy thanh toán chi phí dịch vụ y tế không dùng tiền mặt; khẩn trương triển khai hồ sơ bệnh án điện tử, không sử dụng bệnh án giấy; triển khai đơn thuốc điện tử; đặt lịch khám, chữa bệnh trực tuyến; chú trọng các giải pháp hỗ trợ người dân, người bệnh, sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chip, nhận dạng sinh trắc học khi đăng ký và trong quá trình khám, chữa bệnh. Đến hết năm 2025, tất cả BV trên cả nước phải áp dụng hồ sơ bệnh án điện tử.

Theo nhân dân.vn
Copy Link
Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
  • Chìa khóa giải quyết thách thức trong bảo vệ trẻ em trên không gian mạng
    Trẻ em - đối tượng dễ bị tổn thương nhất, đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ. Đây không chỉ là bài toán của riêng Việt Nam mà còn là thách thức toàn cầu đòi hỏi sự chung tay hợp tác từ nhiều phía.
  • Việt Nam đang đối mặt 3 thách thức an toàn thông tin
    Các cuộc tấn công mạng hiện nay ngày càng tinh vi và phức tạp hơn, đặc biệt khi có sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo. Tuy nhiên, việc kết hợp công nghệ này với trí tuệ của con người đã giúp phát hiện và phòng, chống tấn công mạng hiệu quả hơn.
  • Bốn giải pháp trọng tâm để giải bài toán an toàn dữ liệu quốc gia
    Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Bùi Hoàng Phương, năm 2024 đánh dấu bước tiến vượt bậc của Việt Nam trong lĩnh vực an toàn thông tin. Tuy nhiên, còn rất nhiều thách thức cần vượt qua để đảm bảo an toàn dữ liệu quốc gia.
  • Robot Delta hữu dụng trong nhiều ngành
    Nhờ vào thiết kế độc đáo và khả năng hoạt động với tốc độ và độ chính xác cao, robot Delta là một giải pháp tối ưu trong nhiều ngành công nghiệp hiện đại.
  • Cà Mau ứng dụng các phần mềm chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp
    Ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau đã không ngừng triển khai các giải pháp chuyển đổi số thông qua việc sử dụng các phần mềm, xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ quản lý, điều hành. Trong tương lai không xa, các phần mềm này sẽ hoàn thiện và bắt kịp xu hướng công nghệ để hỗ trợ người nông dân nhiều hơn trong việc tăng gia sản xuất.
  • Chính thức ra mắt Nền tảng hỗ trợ diễn tập thực chiến an toàn thông tin
    Nền tảng hướng tới nâng cao chất lượng và điều phối hiệu quả các hoạt động diễn tập trên toàn quốc thông qua nền tảng hỗ trợ diễn tập thực chiến an toàn thông tin.
  • Bảo vệ các hệ thống mạng trọng yếu là cấp thiết
    Song song với tiến trình chuyển đổi số, các chiến dịch tấn công mạng, gián điệp và khủng bố mạng nhằm vào hệ thống công nghệ thông tin (IT) và công nghệ vận hành (OT) trọng yếu ngày càng gia tăng, việc đảm bảo an ninh mạng trở thành ưu tiên hàng đầu của các quốc gia.
  • ‏OPPO Find X8 Series sẽ chính thức lên kệ ngày 7/12‏
    Ngày 21/11, OPPO chính thức ra mắt Find X8 Series‏‏ tại Việt Nam và sẽ lên kệ ngày 7/12 tới. Đây là lần đầu tiên người dùng Việt Nam được trải nghiệm dòng flagship cao cấp nhất của OPPO cùng lúc với toàn cầu. ‏
  • Chuyển đổi số từ thực tiễn Báo Hải Dương
    Báo Hải Dương có nhiều thuận lợi khi thực hiện chuyển đổi số. Đó là Ban Biên tập có quyết tâm cao. Đội ngũ cán bộ, phóng viên, nhân viên của báo nhanh nhạy với cái mới, ham học hỏi...
  • Đưa siêu ứng dụng "Công dân Thủ đô số - iHanoi" vào cuộc sống
    “Công dân Thủ đô số” - iHaNoi là kênh tương tác trực tuyến trên môi trường số giữa người dân, doanh nghiệp với các cấp chính quyền thành phố Hà Nội. Qua ứng dụng này, người dân và doanh nghiệp có thể phản ánh các vấn đề đời sống, từ đó giúp chính quyền tiếp nhận và giải quyết kịp thời.
Bệnh viện vẫn e dè với bệnh án điện tử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO