Doanh nghiệp số

BigTech xâm lấn lĩnh vực đám mây viễn thông và một số giải pháp của các telco

TS. Nguyễn Văn Yên 10/08/2023 13:55

Sự tham gia của các doanh nghiệp (DN) Big-Tech với vai trò của những DN siêu quy mô (hyperscaler) trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ điện toán đám mây (ĐTĐM) (Cloud) là một trong những thách thức với ngành viễn thông truyền thống bên cạnh nhiều thách thức khác.

Tóm tắt
- Các đám mây siêu quy mô dần xâm nhập ngành viễn thông.
- Sự thay đổi này đã mở đường cho các nhà khai thác viễn thông xem xét khả năng đưa những chức năng mạng được ảo hóa vào môi trường ĐTĐM.
- 3 giải pháp chính của các nhà mạng viễn thông: (1) Tự làm chủ hạ tầng đám mây; (2) Sử dụng một nền tảng đám mây trung gian; (3) Hợp tác phát triển cùng xây dựng hệ sinh thái trên cơ sở nền tảng chuẩn hóa API mở.

Thực tế, các telco đang phải đối mặt với nhiệm vụ khó khăn và tốn kém trong việc tự xây dựng, duy trì và mở rộng hạ tầng đám mây khi lưu lượng truy cập ngày càng tăng, đặc biệt là trong bối cảnh sụt giảm ARPU và doanh thu của hạ tầng kết nối.

Thách thức từ Big-Tech siêu quy mô (hyperscaler) tiến vào thị trường viễn thông nhờ chi phí thấp, linh hoạt và khả năng mở rộng của hạ tầng đám mây siêu quy mô tạo ra xu thế chuyển dịch khách hàng tiếp cận sử dụng dịch vụ đám mây của họ. Tổ chức Synergy Research Group cho biết tính tới Quý 3 năm 2022: “Amazon, Microsoft và Google cộng lại chiếm 66% thị phần đám mây toàn thế giới, tăng từ 61% của một năm trước đó trong khi thị phần của tất cả các bên khác cộng lại đã giảm mạnh từ 50% xuống 34% kể từ năm 2017”.

Các đám mây siêu quy mô dần xâm nhập ngành viễn thông khi có một tỷ lệ nhất định các chức năng mạng của các nhà khai thác viễn thông sẽ chạy trên một số loại đám mây. Google Cloud, Microsoft và Amazon Web Services (AWS) đang tiến bước mạnh mẽ vào ngành viễn thông với tiềm năng tiết kiệm và khả năng mở rộng, cung cấp dịch vụ đồng thời cho hàng nghìn khách hàng DN khác nhau.

big-tech-dam-may.png

Trong cuộc thảo luận với tạp chí RCR Wireless, Ishwar Parulkar, Giám đốc công nghệ biên và viễn thông tại AWS, xác nhận rằng AWS sẽ cung cấp dịch vụ mạng riêng 5G khi mô hình CBRS (mô hình cho phép doanh nghiệp xây dựng và vận hành mạng riêng 5G tại Mỹ) cung cấp cho các doanh nghiệp cơ hội sở hữu, thậm chí quản lý các mạng di động riêng trên nền tảng điện toán đám mây.

Bên cạnh đó, đại diện của AWS còn nhấn mạnh rằng AWS đang trên một hành trình theo hai hướng. Một mặt là: Giúp cộng đồng công nghệ đám mây hiểu về các nhà mạng viễn thông với các giao thức, hệ sinh thái và tiếp cận cung cấp dịch ra thị trường khác nhau. Và mặt khác: Giúp nhà mạng viễn thông biết cách tiếp cận và thu hẹp khoảng cách tiến tới công nghệ đám mây.

AWS đã xây dựng các chức năng để vận hành và giải quyết các trường hợp sử dụng của nhà mạng viễn thông trên đám mây trên cơ sở hợp tác với các nhà cung cấp và các nhà khai thác viễn thông để xây dựng và triển khai các thành phần, chức năng mạng lưới hoạt động trên đám mây.

Triển lãm thương mại MWC 2023 diễn ra cách đây vài tuần tại Barcelona - cuộc tụ họp viễn thông quốc tế đầu tiên kể từ khi đại dịch COVID-19 - cũng đã chứng kiến sự ra mắt của các nhà cung cấp điện toán đám mây khổng lồ: MWC 2023 là lần đầu tiên Google Cloud tham dự hội nghị thường niên này.

Cách tiếp cận của các đám mây siêu quy mô

Dennis Hoffman, người đứng đầu Bộ phận Kinh doanh Hệ thống Viễn thông (TBS) của Dell, giải thích rằng BigTech siêu quy mô đang tiếp cận thị trường đám mây viễn thông với những lợi thế riêng về sức mạnh DN.

Với đặc thù của Google là một công ty dựa trên việc khai thác và phân tích dữ liệu số từ nội dung tìm kiếm trên Internet hay quảng cáo mục tiêu, Google đưa ra thông báo tại MWC 2023 về sản phẩm “Thông tin chi tiết về thuê bao viễn thông”. Theo Google Cloud, sản phẩm này “giúp các các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông truyền thống trích xuất thông tin chi tiết bằng cách sử dụng các nguồn dữ liệu hiện có của riêng họ theo cách an toàn”.

Gabriele Di Piazza, một giám đốc điều hành của Google Cloud, giải thích rằng sản phẩm Insights mới của công ty về cơ bản kết hợp tất cả dữ liệu phân tích khách hàng của Google từ tìm kiếm trên Internet, điện thoại, ... với kho thông tin khách hàng của nhà mạng viễn thông để mở đường cho các nhà mạng đưa ra “các ưu đãi theo ngữ cảnh và siêu cá nhân hóa” cho khách hàng của họ.

Còn với AWS và Microsoft, Hoffman của Dell cho biết các DN này đang tận dụng thế mạnh doanh nghiệp riêng để theo đuổi đám mây viễn thông. Trong trường hợp của AWS - dịch vụ ĐTĐM của gã khổng lồ thương mại điện tử (TMĐT) Amazon - đang tìm cách giảm chi phí cho các nhà khai thác cho mỗi giao dịch điện toán đám mây.

Trong khi Microsoft với thế mạnh đến từ thế giới các nền tảng và ứng dụng - cung cấp dịch vụ đám mây Azure cho các nhà khai thác như một nền tảng hoàn chỉnh với các chức năng mạng cốt lõi mà Microsoft đã mua lại từ Affirmed Networks và Metaswitch Networks.

Sự xâm lấn của Bigtech siêu quy mô vào lĩnh vực đám mây viễn thông không phải là mới bởi các nhà mạng và các nhà cung cấp đã làm việc với nhau trong hơn một thập kỷ qua để thay thế các phần cứng độc quyền bằng các phần mềm ảo hóa có thể chạy trên các máy tính thông thường được tiêu chuẩn hóa.

Sự thay đổi này đã mở đường cho các nhà khai thác viễn thông xem xét khả năng đưa những chức năng mạng được ảo hóa vào môi trường ĐTĐM. Tuy nhiên, câu hỏi cần đặt ra là: Các nhà mạng viễn thông nên sử dụng giải pháp đám mây nào?

Giải pháp của các nhà mạng viễn thông

1- Tự làm chủ hạ tầng đám mây

Có một thực tế rõ ràng rằng Google, Microsoft và AWS không phải là lựa chọn duy nhất của các nhà mạng viễn thông. Sự bành trướng của Big Tech siêu quy mô tạo ra nỗi lo hiện hữu về một tương lai trong đó nhà mạng viễn thông sẽ ngày càng mất vị thế nếu họ chuyển ngày càng nhiều hoạt động khai thác lên đám mây của các doanh nghiệp siêu quy mô. Để đương đầu với thách thức đó, làm chủ hạ tầng đám mây viễn thông là một trong những lựa chọn của một số nhà mạng viễn thông.

verizon.png

Verizon là một ví dụ về việc nhà mạng có kế hoạch giữ các chức năng mạng của mình bên trong môi trường đám mây của riêng họ: “Tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng các công ty viễn thông lớn nên sở hữu số phận của riêng họ - vì vậy, chúng tôi sẽ không bao giờ đặt mạng lưới của mình lên một đám mây siêu quy mô,” Sowmyanarayan Sampath - Giám đốc điều hành của đơn vị tiêu dùng của Verizon cho biết. Neville Ray - một giám đốc của T-Mobile - cũng cho biết tại MWC 2023 rằng ông cũng có quan điểm tương tự.

Theo Tom Craig, một giám đốc điều hành của nhà cung cấp máy tính HPE, đã nhấn mạnh về về lợi thế của các nhà mạng viễn thông và tầm quan trọng của biên mạng (edge): Các nhà khai thác phải duy trì quyền kiểm soát đối với biên mạng để đảm bảo vai trò hàng đầu trong ngành viễn thông trong tương lai thuộc về các nhà mạng viễn thông.

Hoffman của Dell cũng đồng ý với quan điểm này: Việc kiểm soát như vậy chủ yếu để đảm bảo rằng lưu lượng truy cập được tạo ra ở một vị trí được nhà mạng định tuyến đúng đến tài nguyên tính toán máy tính gần nhất và đám mây tham gia với vai trò sẵn sàng nhận lưu lượng truy cập đó.

Một số nhà mạng viễn thông đã tự xây dựng hạ tầng đám mây cho riêng họ như một cách để tận dụng lợi thế của việc tiết kiệm chi phí và tính linh hoạt liên quan đến việc chuyển sang ảo hóa chức năng mạng, đồng thời có thể đáp ứng nhanh chóng và dễ dàng các mong muốn và nhu cầu của khách hàng DN.

Tuy nhiên, với bối cảnh lưu lượng truy cập mạng tăng lên nhanh chóng trong khi doanh thu hạ tầng kết nối thì đi ngang: Các nhà mạng viễn thông đang và sẽ phải đối mặt với nhiệm vụ khó khăn và tốn kém trong việc duy trì và mở rộng đám mây của mình.

microsoft-meta.png

2- Sử dụng một nền tảng đám mây trung gian

Ở một chiều hướng khác, một lựa chọn với một nền tảng trung gian được Matt Beal, Phó chủ tịch cấp cao về phát triển phần mềm của Oracle Communications, nhắc tới như một ví dụ về giải pháp cho nỗi sợ của các nhà khai thác về việc bị khóa trong môi trường đám mây của một nhà cung cấp dịch vụ đám mây duy nhất: Oracle không thu thêm phí khi các nhà mạng di chuyển dữ liệu của họ ra ngoài đám mây của Oracle.

Hơn nữa, Oracle đang quản lý các hoạt động đám mây ở hàng chục khu vực trên thế giới, điều này rất quan trọng đối với các nhà khai thác mạng viễn thông đang tìm kiếm các tùy chọn đám mây biên gần với khu vực phủ sóng của họ về mặt địa lý, với ví dụ về thông tin nhà mạng AT&T tại Mexico đang chuyển cơ sở dữ liệu (CSDL) OSS/BSS của mình sang đám mây của Oracle.

3- Hợp tác phát triển cùng xây dựng hệ sinh thái trên cơ sở nền tảng chuẩn hóa API mở

Trong bối cảnh doanh thu từ các dịch vụ kết nối đang trong xu thế suy giảm cùng với tình trạng phân mảnh của ngành công nghiệp di động toàn cầu, chuyển mình thành 1 nền tảng mở, hợp tác với các doanh nghiệp, start-up trong hệ sinh thái số được nhận định là chìa khóa cho phép các nhà khai thác thúc đẩy đổi mới và mở ra các cơ hội, khai phá sức mạnh của hạ tầng kết nối trong thời đại Công nghiệp 4.0.

Là một phần trong xu thế hợp tác cung cấp các giải pháp đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số hướng tới xã hội số, chính quyền số, kinh tế số: Tại MWC 2023, nhà mạng Hàn Quốc SK Telecom giới thiệu những ý tưởng chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo hợp tác với 14 công ty khởi nghiệp về các sản phẩm trí tuệ nhân tạo (AI) được thiết kế để giúp đỡ những đối tượng người già/yếu trong xã hội như AI Care - dịch vụ chăm sóc dựa trên AI dành cho người cao niên sống một mình, G-EYE PLUS với VLAM - dịch vụ điều hướng dành cho người khiếm thị (sản phẩm hợp tác của SKT & LBStech & SAPEON), Sullivan Plus - dịch vụ hỗ trợ trực quan dựa trên AI (sản phẩm hợp tác của SKT & Tuat) và Goyohan M - một nền tảng di động dựa trên ICT dành cho tài xế taxi khiếm thính (sản phẩm hợp tác của SKT & Coactus).

Cũng trong xu thế hợp tác giữa các nhà khai thác và các doanh nghiệp ngành công nghiệp sáng tạo, Telefonica là một trong những nhà mạng tiên phong trong xu thế nền tảng mạng lưới mở, với quan điểm: các công ty viễn thông, ngành công nghiệp, các công ty công nghệ lớn (big tech) và các nhà phát triển cùng nhau tạo ra một tương lai kỹ thuật số.

dam-may-google.png

Kỷ nguyên kỹ thuật số mới này sẽ đòi hỏi một nền tảng mở để mang tới sự đơn giản trên bản chất phức tạp của các doanh nghiệp. Telefonica hợp tác với Microsoft, AWS và Google Cloud, mang tới triển lãm MWC 2023 các sản phẩm thuộc hệ sinh thái chuyển đổi số như nông nghiệp thông minh (smart Agro), công nghiệp thông minh (smart industry), nhận thực và hiện diện ảo (holographic telepresence), ...

Bên cạnh đó, các nhà cung cấp thiết bị viễn thông lớn trên thế giới như Nokia, Ericsson cũng đã có những hợp tác đáng chú ý với nhà cung cấp nền tảng đám mây hàng đầu thế giới - Amazon AWS - cho phép Nokia, Ericsson tận dụng các dịch vụ AWS và các dịch vụ liên quan khác để tự động hóa chức năng mạng hoặc triển khai, thay đổi quy mô và quản lý ứng dụng của khách hàng cuối.

Hợp tác này sẽ cho phép các nhà mạng cung cấp dịch vụ truyền thống và các doanh nghiệp có kết nối 5G sử dụng dịch vụ AWS trên toàn bộ cấu trúc liên kết của mạng di động, đơn giản hóa các nền tảng và ảo hóa mạng cho các chức năng mạng lõi và mạng vô tuyến bằng cách tận dụng sự linh hoạt và khả năng mở rộng của đám mây, đồng thời hướng đến những kết quả kinh doanh mong muốn với các use case của 5G.

Sự chuyển mình từ nhà khai thác truyền thống thành nhà khai thác theo mô hình nền tảng (telco- as-a-platform) cũng không phải là một khái niệm mới mẻ với các dẫn chứng trước đó với các nhà mạng như Jio của Ấn Độ với mô hình nền tảng Jio Platforms để kết nối các nhà cung cấp dịch vụ (Connectivity, Chat, Cloud, Phone, Security, Money, Media...) với khách hàng sử dụng dịch vụ; hay nhà mạng China Mobile thực hiện chiến lược “Big Connection” thông qua việc xây dựng nền tảng CM IoT Platform kết nối các giải pháp trong các lĩnh vực ngành dọc: smart cities, vận tải, năng lượng, ....

Trong mô hình nền tảng đó, API mở là một thành phần quan trọng, mở ra cơ hội hợp tác linh hoạt mà từ đó các nhà khai thác có thể sử dụng dữ liệu khách hàng như một loại tài sản để đồng sáng tạo với các doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới để mở rộng phạm vi và quy mô của hệ sinh thái số.

Chủ tịch của nhà mạng Dish Network tại Mỹ - Charlie Ergen - cũng cho biết: Mạng lưới của họ được thiết kế cho DN, phần lớn sự phát triển của công ty phụ thuộc vào việc cung cấp kết nối 5G linh hoạt cho khách hàng DN. Để theo đuổi mục tiêu DN đó, Dish đã đưa ra một số giao diện lập trình ứng dụng (API) trong mạng của mình để cung cấp cho các nhà phát triển quyền kiểm soát đối với các kết nối không dây của họ. Dish Network không phải là nhà cung cấp 5G duy nhất muốn làm như vậy.

Tại triển lãm thương mại MWC 2023 vừa qua, các nhà khai thác trên toàn thế giới - mà khởi xướng là GSMA đồng hành bởi 21 nhà mạng lớn trên thế giới - đã cam kết đưa ra API mở (Open API) cho các dịch vụ tương tự.

Thay lời kết

Để hướng tới giải pháp giải quyết các vấn đề tới từ các BigTech siêu quy mô, cách tiếp cận của các nhà khai thác viễn thông với công nghệ - dịch vụ cloud cũng cần có sự thay đổi, linh hoạt. Hạ tầng Clouds mà trong đó hạt nhân là hạ tầng CSDL, hạ tầng IDC, sản phẩm dịch vụ mới cần có cách làm theo xu thế của các start up, mua bán - sáp nhập hay hợp tác - liên kết hệ sinh thái để nhanh chóng có công nghệ - hạ tầng sản phẩm dịch vụ mới, làm cơ sở để đón đầu nhu cầu của DN và khách hàng cá nhân.

Hạ tầng đám mây, hạ tầng dữ liệu cần đi trước tạo lợi thế cạnh tranh cho các telco: Nhanh chóng triển khai các giải pháp doanh nghiệp có tính tùy biến cao; dễ dàng hợp tác, đồng sáng tạo với các đối tác DN, khởi nghiệp; nhanh chóng điều chỉnh các mô hình kinh doanh để thử nghiệm các đổi mới như sản phẩm, dịch vụ và kế hoạch giá mới; tập trung CSDL khách hàng, phân tích 360o về khách hàng và mang lại trải nghiệm./.

Tài liệu tham khảo:
1. https://wire19.com/amazon-micr...
infrastructure-market/
2. https://www.lightreading.com/s...getting-to-know-how---and-why---of-telecom-cloud/a/d-id/783771
3. https://www.rcrwireless.com/20...more-than-just-connectivity-aws-rises-above-private-5g-
battle-lines

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 7 tháng 7/2023)

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
BigTech xâm lấn lĩnh vực đám mây viễn thông và một số giải pháp của các telco
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO