Bình Dương đã làm gì để lọt vào TOP 7 Cộng đồng thông minh 2021?

Hiền Thục| 10/07/2021 20:56
Theo dõi ICTVietnam trên

"Thành phố thông minh Bình Dương" - nơi vừa được Diễn đàn Cộng đồng thông minh bình chọn vào TOP 7 Cộng đồng thông minh toàn cầu năm 2021.

Bình Dương đã làm gì để lọt vào TOP 7 Cộng đồng Thông minh 2021? - Ảnh 1.

Thành phố thông minh Bình Dương đã lọt vào Top 7 Cộng đồng thông minh 2021.

Diễn đàn Cộng đồng thông minh (Intelligent Community Forum - ICF) có trụ sở tại New York, Mỹ - một phong trào toàn cầu bao gồm 180 thành phố, với sứ mệnh biến các thành phố trở thành những nơi đáng sống hơn cho biết, thành phố thông minh (TPTM) Bình Dương đã lọt vào Top 7 Cộng đồng thông minh (Intelligent Communities) 2021. 

Cộng đồng Thông minh là những mô hình phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội trong thời đại số. TOP 7 thành phố này sẽ được giới thiệu trong suốt Hội nghị thượng đỉnh ICF sẽ diễn ra vào tháng 10/2021.

Ông Lou Zacharilla, đồng sáng lập ICF, cho biết: "Top7 là những 'anh hùng nổi tiếng', và hàng trăm địa phương khác là những 'anh hùng thầm lặng'. Đây là trụ cột của phong trào Cộng đồng thông minh". TPTM Bình Dương là cộng đồng đầu tiên đến từ Việt Nam xuất hiện trong danh sách Top 7.

TPTM Bình Dương/vùng Thông minh Bình Dương được hình thành từ năm 2016, trên cơ sở đề án TPTM (Smart City Project), theo Quyết định số 3206 của UBND tỉnh Bình Dương. Đề án này do Văn phòng TPTM, và tổng công ty Becamex IDC điều hành. TPTM Bình Dương hoạt động dựa trên mô hình 3 nhà (nhà nước - viện/trường - doanh nghiệp - DN).

Theo Becamex IDC, Đề án TPTM là cơ sở để tỉnh Bình Dương xây dựng mối liên kết sâu sắc hơn và huy động các nguồn lực trong nước và quốc tế. Từ đó, Đề án  nâng cao giá trị sản xuất, phát triển kinh tế, công nghiệp, giáo dục, đào tạo, dịch vụ, nâng cao chất lượng lao động, đời sống và môi trường làm việc cho người dân, nhằm mục đích tạo ra những giá trị mới và thực sự lớn hơn theo kế hoạch định hướng trong 5 và 10 năm tới.

Wi-Fi cho tất cả

Top7 Intelligent Communities 2021 (theo thứ tự alphabe):

- Binh Duong Smart City, Việt Nam

- Curitiba, Paraná, Brazil

- Langley Township, British Columbia, Canada

- Mississauga, Ontario, Canada

- Moscow, Nga

- Townsville, Queensland, Úc

- Winnipeg, Manitoba, Canada

Tỉnh Bình Dương trước đây chỉ có đường truyền Internet cố định, điều này đã làm hạn chế khả năng truy cập Internet băng thông rộng, và chi phí đầu tư để mở rộng cao. 

Bình Dương đã đối mặt với thách thức này bằng cách tập trung vào phát triển các hệ thống Wi-Fi công cộng, miễn phí.

Tất cả các tòa nhà hành chính tại TPTM Bình Dương, cũng như hầu hết các tòa nhà của trường đại học (ĐH), cao đẳng và trung học đều được cung cấp mạng Internet không dây mở cho nhân viên, sinh viên và du khách...

Ngoài việc cung cấp Wi-Fi trong các tòa nhà hành chính và giáo dục, TPTM Bình Dương còn triển khai Wi-Fi công cộng miễn phí trên xe buýt của hệ thống Becamex Tokyu. Dịch vụ này đã được sử dụng rộng rãi, với tối đa 50 hành khách trên mỗi xe được kết nối Wi-Fi. Các không gian công cộng trong Thành phố như siêu thị, nhà hàng, quán cà phê và công viên... cũng đã có Wi-Fi miễn phí.

Trong khi tiếp tục mở rộng mạng Wi-Fi công cộng, Bình Dương đã xây dựng mạng cáp quang để kết nối nhiều khu công nghiệp của thành phố. Thành phố đã lắp đặt đường trục cáp quang vào năm 2019. Với sự hợp tác giữa VNTT (một công ty được thành lập giữa Becamex IDC, VNPT và ngân hàng BIDV), và nhà cung cấp NTT Nhật Bản, đã cho phép Bình Dương thiết kế cấu trúc cáp quang theo tiêu chuẩn của Nhật, giúp nâng cao tốc độ băng thông rộng cho toàn thành phố sau khi dự án hoàn thành.

Xây dựng hệ sinh thái đổi mới

Cũng như nhiều quốc gia đang phát triển, TPTM Bình Dương gặp khó khăn trong việc thu hút các ngành dịch vụ ngoài sản xuất. Để giải quyết những rắc rối này, tỉnh Bình Dương và Becamex IDC đã tìm đến thành phố Eindhoven (Hà Lan) để nhận được sự tư vấn. Qua đó, dự án Vùng Thông minh Bình Dương đã ra đời, giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Bình Dương bền vững bằng cách thực hiện mô hình 3 nhà như đã nói ở trên. 

TPTM Bình Dương hiện đang là nơi tập trung ngày càng nhiều Techlab và Fablab (phòng thí nghiệm chế tạo) đặt tại các trường ĐH và cao đẳng nghề quanh khu vực. Các phòng thí nghiệm này hợp tác chặt chẽ với các đối tác công nghiệp và Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Bình Dương. Techlab là địa điểm đào tạo thực hành theo công nghệ mới, bao gồm các thiết bị hiện đại do các đối tác trong ngành cung cấp. 

Các đối tác cũng cung cấp không gian cho các dự án nghiên cứu chung giữa các trường ĐH và các nhà tuyển dụng tại địa phương. Techlab của Bình Dương bao gồm phòng thí nghiệm chiếu sáng tại ĐH Quốc tế Miền Đông, phòng thí nghiệm cơ điện tại trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Singapore, và phòng thí nghiệm CNTT-TT tại ĐH Thủ Dầu Một, phòng thí nghiệm robot và hệ thống thông minh, phòng thí nghiệm hệ thống điện tử và phân tích dữ liệu, và phòng thí nghiệm trí tuệ nhân tạo...

Fablab có các hội thảo quy mô nhỏ cung cấp khả năng tiếp cận các thiết bị và công nghệ chế tạo kỹ thuật số. Fablab mở cửa cho tất cả mọi người trong cộng đồng, bao gồm sinh viên, DN nhỏ và các tổ chức. Những không gian này cung cấp môi trường để mọi người có thể thử nghiệm các ý tưởng, nguyên mẫu mới với quyền truy cập vào tất cả các thiết bị cần thiết. 

Trường ĐH Quốc tế Miền Đông tại TPTM Bình Dương hiện là nơi đặt trụ sở của Becamex Fablab (hợp tác giữa trường và Becamex IDC) là nơi có không gian làm việc và thiết bị in 3D, quét 3D, cắt laser, khắc laser, CNC và nhiều máy móc phần cứng khác, thiết bị cơ khí và dụng cụ. Các Fablab khác cũng đang được lên kế hoạch xây dựng tại các trường học và trung tâm cộng đồng.

Bình Dương cũng là nơi tổ chức vườn ươm DN trưởng thành đầu tiên của khu vực tại ĐH Quốc tế Miền Đông. Vườn ươm bắt đầu hoạt động vào đầu năm 2018, cung cấp không gian làm việc, các chương trình đào tạo và hỗ trợ cũng như cơ sở kết nối cho các doanh nhân và các DN nhỏ mới khởi nghiệp. Vườn ươm hợp tác chặt chẽ với Becamex Fablab để cấp quyền tiếp cận các cơ sở thử nghiệm sản phẩm. Các DN địa phương cũng làm việc trực tiếp với ĐH Quốc tế Miền Đông về chương trình giảng dạy, để đảm bảo rằng sinh viên học được các kỹ năng cần thiết để tìm việc làm tại địa phương.

Sở KH&CN Bình Dương hiện đang trong quá trình xây dựng Trung tâm Đổi mới Sáng tạo. Trung tâm sẽ được đặt ở Thủ Dầu Một, tại đây sẽ có một vườn ươm tạo khởi nghiệp mới, một Fablab và sân chơi công nghệ, một cơ sở giáo dục STEM...

Đào tạo CNTT để cải thiện đời sống của người nông dân

Bình Dương vốn trước đây là tỉnh nông nghiệp, người nông dân sống rải rác khắp các vùng sâu vùng xa. Để xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống tại những nơi này, năm 2011, Bình Dương đã bắt đầu dự án thiết lập các điểm truy cập thông tin tại các xã, phường, thị trấn, giúp đào tạo về KH&CN cho nông dân địa phương. Nhóm dự án đã phối hợp với Hội Nông dân Tân Bình, Hội Nông dân thị trấn Lái Thiêu, Hội Nông dân xã Tân Hiệp, Hội Nông dân xã Lai Hưng, Hội Nông dân xã Minh Hòa và Hội Nông dân xã Chánh Mỹ để thành lập 87 cơ sở tiếp cận KH&CN. 

Các điểm này được cung cấp một cổng thông tin điện tử để truy cập thông tin KH&CN, thị trường công nghệ và thiết bị của địa phương qua Internet, và cả các nguồn thông tin trong nước và quốc tế. Cổng thông tin cho phép người nông dân dễ dàng định vị các thông tin phù hợp nhất. Các lớp tập huấn cho nông dân địa phương, tập trung vào việc truy cập và khai thác các trang web liên quan đến giá cả, hàng hóa, thị trường tiêu thụ, mô hình chăn nuôi, cây trồng và các nguồn thông tin hữu ích khác đã được tổ chức. Đến nay đã có 45 khóa đào tạo được hoàn thành, với 900 nông dân trong toàn Tỉnh tham gia.

Hội nghị thượng đỉnh về TPTM Bình Dương

Trong khi phát triển cơ sở hạ tầng và các chương trình đào tạo, TPTM Bình Dương cũng tập trung vào nguồn lực quan trọng nhất là con người. Tỉnh Bình Dương đã tiến hành quảng bá thông tin về các dự án TPTM đến toàn khu vực châu Á - Thái Bình Dương thông qua báo chí, trang web, và các kênh truyền hình... 

Bắt đầu từ năm 2016, Bình Dương đã tổ chức và đăng cai tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh TPTM Bình Dương, một sự kiện quốc tế nhằm nâng cao nhận thức về khái niệm TPTM cho các cấp chính quyền, doanh nhân, sinh viên và người dân trong khu vực, đồng thời thể hiện giá trị kinh tế và xã hội của tỉnh Bình Dương đối với khu vực, và trên trường quốc tế.

Hội nghị thượng đỉnh diễn ra vào các năm 2016 và 2017 đã có bài phát biểu quan trọng của các nhà lãnh đạo ở Bình Dương, các nhà lãnh đạo của ngành giáo dục, và quốc tế, một triển lãm, và cuộc thi hackathon kéo dài 24 giờ với 50 đội sinh viên tham gia.

Trong khi đó. hội nghị Thượng đỉnh TPTM Bình Dương 2018 đã được mở rộng, và được đồng tổ chức bởi thành phố Daejon của Hàn Quốc, vì Hàn Quốc là một trong những nhà đầu tư lớn vào sự phát triển công nghiệp của Bình Dương, các công ty Hàn Quốc là một trong số những nhà tuyển dụng lớn nhất tại đây. 

Sự kiện Hackathon hàng năm đã trở thành cuộc thi "Ý tưởng sáng tạo cho TPTM", Ban tổ chức mời các đội sinh viên trình bày các ý tưởng thúc đẩy đổi mới và cải thiện xã hội. 96 đội đến từ 22 trường ĐH tại Việt Nam, cùng 26 đội đến từ các quốc gia châu Á khác đã tham gia vào cuộc thi năm 2018. 

Hiệp hội Đô thị Khoa học công nghệ thế giới (WTA), cùng UNESCO, và thành phố Daejeon cũng đã tổ chức thành công sự kiện 20 năm thành lập WTA kết hợp Diễn đàn đổi mới sáng tạo toàn cầu tại TPTM Bình Dương./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Bình Dương đã làm gì để lọt vào TOP 7 Cộng đồng thông minh 2021?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO