Xây dựng mới và nâng cấp các khu công nghiệp hiện hữu thành các khu công nghiệp xanh, thông minh
Tại Diễn đàn phát triển bền vững đô thị Việt Nam 2022 mới đây, ông Nguyễn Văn Dành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết sau 25 năm hình thành và phát triển, quy mô kinh tế, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh Bình Dương năm 2021 đạt 408.861 tỷ đồng, gấp 104,3 lần so với năm 1997, trong đó nông nghiệp tăng 14,2 lần, dịch vụ tăng 112,2 lần và đặc biệt công nghiệp tăng 140,6 lần.
"Thành quả trên đã đưa Bình Dương trở thành một trong những địa phương đầu tiên trên cả nước đạt mức thu nhập trung bình cao, với GRDP bình quân đầu người 7.000 USD/người/năm, trong đó có đóng góp rất lớn của lĩnh vực phát triển công nghiệp và thu hút đầu tư công nghiệp, đặc biệt vai trò của dự án khu liên hợp công nghiệp đô thị - dịch vụ của tỉnh Bình Dương rất lớn", Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Dành khẳng định.
Đối với tỉnh Bình Dương, Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Dành cho biết khu liên hợp công nghiệp - đô thị - dịch vụ không chỉ là một dự án đầu tư về công nghiệp hay đô thị mà còn là một dự án động lực chiến lược, nhằm nâng cấp hệ thống quy hoạch đô thị và hệ thống công nghiệp của tỉnh, cải tạo các đô thị hiện hữu, cải tạo toàn diện hệ thống giao thông, tạo ra bước đệm để di chuyển công nghiệp thâm dụng lao động và thâm dụng đất đai lên các huyện phía Bắc của tỉnh, tạo ra dư địa phát triển thương mại, dịch vụ và khoa học công nghệ (KHCN) ở các huyện phía Nam.
"Với mô hình khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ, phát triển công nghiệp và thu hút đầu tư có thể trở thành đòn bẩy để củng cố, phát triển toàn diện về đô thị, kinh tế đô thị và đời sống văn hóa - xã hội cho người dân", Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết.
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, thế giới đang đứng trước giai đoạn đầy biến động, các yếu tố địa chính trị và cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0, tạo ra những biến số khó lường, yêu cầu và chuỗi cung ứng và hàm lượng công nghệ trong sản xuất ngày càng cao, để phù hợp những yêu cầu mới, Bình Dương đã và đang phát triển một hệ sinh thái kiểu mới, bổ sung cho mô hình công nghiệp đô thị, dịch vụ.
"Đó là hệ sinh thái đổi mới sáng tạo (ĐMST) và KHCN, xây dựng các khu công nghiệp thông minh, ĐTTM, xanh, bền vững, tiến tới xây dựng các khu công nghiệp gắn liền với KHCN, thu hút các ngành có giá trị gia tăng cao, đưa nền công nghiệp Bình Dương đi lên phân khúc cao hơn, trong chuỗi giá trị toàn cầu, từng bước xây dựng động lực phát triển kinh tế mới, thay thế cho thâm dụng lao động và thâm dụng đất đai".
Cụ thể, Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Dành cho biết Giai đoạn 1, Bình Dương xây dựng mới và nâng cấp các khu công nghiệp hiện hữu trở thành các khu công nghiệp xanh, thông minh, với khả năng cung cấp nền tảng công nghệ 4.0 như IoT, dữ liệu lớn để giúp cho nhà đầu tư dễ dàng triển khai mô hình nhà máy thông minh, sản xuất thông minh, nhanh chóng và có hiệu quả.
Giai đoạn 2, Bình Dương phát triển các khu công nghiệp, gắn liền với KHCN để thu hút các viện, trường, các hoạt động nghiên cứu phát triển (R&D) và ĐMST các ngành dịch vụ, dịch vụ số. Hiện nay, tại khu công nghiệp đô thị dịch vụ tại Bình Dương đã hình thành hệ thống các phòng nghiên cứu matlab, app lab, vườn ươm doanh nghiệp, trường ĐH quốc tế, trung tâm thương mại thế giới (WTC), làm nền tảng để nghiên cứu và phát triển những phương tiện sản xuất mới, đồng thời ươm mầm mới, làm việc khoa học, tạo điều kiện thu hút nguồn nhân lực tri thức, dần chuyển đổi hệ sinh thái công nghiệp - đô thị - dịch vụ sang hệ sinh thái mới công nghiệp - đô thị - dịch vụ - thương mại - tài chính - nghiên cứu - phát triển - KHCN và ĐMST.
Hơn 25 năm phát triển mô hình công nghiệp - đô thị - dịch vụ, Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Dành cho biết Bình Dương đã đúc kết và lan tỏa mô hình này ra nhiều tỉnh/thành trên cả nước. Từ thực tế và kinh nghiệm phát triển của tỉnh, Bình Dương nhận thấy Nghị quyết số 06-NQ/TW về "Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" thể hiện tầm nhìn chiến lược về quy hoạch xây dựng và phát triển bền vững đô thị Việt Nam.
Để tìm kiếm động lực phát triển kinh tế mới, bên cạnh việc tiếp tục phát huy sự thành công của mô hình công nghiệp đô thị - dịch vụ, Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Dành cho biết: "Bình Dương đã và đang phát triển hệ sinh thái kiểu mới, hệ sinh thái công nghiệp thông minh, lấy ĐMST và KHCN làm động lực. Việc lấy phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao làm trọng tâm trên nền tảng quan điểm phát triển, môi trường đầu tư hiệu quả, xã hội nhân văn hài hoà, chính quyền năng động, kiến tạo".
Bình Dương triệt để chuyển đổi số và ĐMST để trở thành TPTM
Mới đây, ngày 21/6, Bình Dương đã được vinh danh tại sự kiện Vinh danh top 7 Cộng đồng thông minh thế giới năm 2022 do Cộng đồng thông minh thế giới (ICF) tổ chức, sự kiện quốc tế đầu tiên được tổ chức tại Bình Dương sau thời gian đại dịch COVID-19 với chủ đề "Phục hồi sau đại dịch, chuyển đổi số và ĐMST thúc đẩy sự tăng trưởng trong cộng đồng".
Theo ông Louis Zacharilla, nhà đồng sáng lập ICF tổ chức ICF là diễn đàn gồm gần 200 ĐTTM thịnh vượng trên thế giới. ICF đã tiến hành nghiên cứu và đánh giá hàng trăm thành phố trên thế giới để lựa chọn ra top 21 (Smart 21) của năm 2022 có chiến lược phát triển thành phố thông minh (TPTM) dựa theo bộ 6 tiêu chí của ICF đưa ra bao gồm: kết nối - băng thông rộng; lực lượng lao động; ĐMST; bình đẳng tiếp cận kỹ thuật số; ủng hộ khích lệ và bền vững. Hội đồng giám khảo của ICF tiếp tục đánh giá những dự án cụ thể của 21 cộng đồng để lựa chọn ra Top 7 cộng đồng tiêu biểu nhất của năm và thực hiện vinh danh.
Bình Dương đã thực hiện Đề án TPTM Bình Dương từ năm 2016 và luôn bám sát theo khái niệm chuyển đổi kinh tế theo hướng ĐMST và số hóa. Được hỗ trợ và truyền cảm hứng từ Cộng đồng Thông minh ICF của năm (2011) - Brainport Eindhoven (Hà Lan), sự nỗ lực và tiếp sức từ Tổng công ty Becamex IDC, Bình Dương đã bắt đầu một chặng đường phát triển kinh tế - xã hội đầy ấn tượng, ứng dụng triệt để CĐS và ĐMST trong những dự án cụ thể, nhằm xây dựng và phát triển Bình Dương ngày càng hiện đại hơn, tốt đẹp hơn và đáng sống hơn.
Một hệ sinh thái số và ĐMST đang được phát triển mạnh mẽ tại Bình Dương như Trung tâm điều hành thông minh, EIU Campus với Vườn ươm Doanh nghiệp Becamex, Fablab, Trung tâm sản xuất tiên tiến; Trung tâm thương mại thế giới… mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho cộng đồng Bình Dương.
Với chiến lược đúng đắn và những bước phát triển kiên định, vững chắc của của Bình Dương trong thời gian qua, Bình Dương đã 4 lần liên tiếp nằm trong Smart 21 (Smart 21) và lọt vào top 7 lần đầu tiên vào năm 2021, cùng các thành phố của các quốc gia như Canada, Brazil, Australia…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Mai Hùng Dũng cho biết top 7 không phải là đích cuối cùng Bình Dương vươn tới mà cần cố gắng hơn nữa để Bình Dương luôn là nơi đáng đến đầu tư, đáng học tập và đáng sống. Với những chiến lược đúng đắn và những bước phát triển kiên định, vững chắc của của Bình Dương trong thời gian qua, việc triển khai những chiến lược đột phá lớn, tiêu biểu là Đề án Vùng ĐMST Bình Dương - trọng tâm của Đề án TPTM Bình Dương trong giai đoạn phát triển sắp tới, Bình Dương đã được ICF vinh danh vào top 7 cộng đồng có chiến lược phát triển TPTM tiêu biểu trên thế giới năm 2022.
Sự kiện vinh danh top 7 cộng đồng thông minh thế giới 2022 là cơ hội để các tổ chức tại Bình Dương tiếp cận những tri thức, tầm nhìn mới, nắm bắt sự phát triển chung về TPTM của Bình Dương cũng như các cộng đồng khác trên thế giới, tìm hiểu và học hỏi xu thế của thời đại, những công nghệ tiên tiến và ĐMST để xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội.
Đồng thời, đây là cơ hội thuận lợi để tỉnh Bình Dương, các doanh nghiệp, viện - trường được giao lưu và kết nối với mạng lưới những Cộng đồng thông minh toàn cầu, nâng cao khả năng tìm kiếm cơ hội và đối tác mới, cùng phát triển năng lực quản trị, trình độ KHCN, thúc đẩy thương mại, thu hút đầu tư, mở rộng hợp tác giữa Việt Nam và thế giới. Từ đó tạo nền tảng quan trọng, tiếp tục góp phần vào chương trình đột phá kinh tế - xã hội Bình Dương, phát triển "Đề án TPTM Bình Dương"./.