Bình Phước phát triển toàn diện vùng DTTS qua các chính sách hỗ trợ đa dạng
Trong những năm qua, tỉnh Bình Phước đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong việc phát triển toàn diện khu vực đồng bào dân tộc thiểu số thông qua một loạt chính sách và hoạt động hỗ trợ đa dạng, từ hỗ trợ kinh tế, bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể, đến phát triển du lịch cộng đồng, nâng cao chất lượng giáo dục và y tế.
Bình Phước là một tỉnh miền núi thuộc miền Đông Nam Bộ, với dân số 1.049.394 người, trong đó có 206.416 người thuộc 41 thành phần dân tộc thiểu số (DTTS), chiếm 19,67% dân số toàn tỉnh. Đồng bào DTTS sinh sống tại 111 xã, phường, thị trấn thuộc 11 huyện, thị xã và thành phố, chủ yếu làm nông nghiệp và cư trú ở các vùng sâu, vùng xa và khu vực biên giới, nơi có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng và an ninh. Toàn tỉnh có 58 xã thuộc vùng DTTS và miền núi, bao gồm 5 xã khu vực III, 3 xã khu vực II và 50 xã khu vực I; trong đó, 25 thôn nằm trong các khu vực đặc biệt khó khăn.
Trong giai đoạn 2016 - 2018, tỷ lệ giảm nghèo hàng năm trong cộng đồng DTTS ở Bình Phước đạt mức thấp, chỉ khoảng 1,15% mỗi năm, tương đương 57,5% so với mục tiêu đề ra (2%/năm). Tỷ lệ hộ nghèo là người DTTS trong tổng số hộ nghèo toàn tỉnh tăng từ 44,37% năm 2016 lên 52,76% vào cuối năm 2018.
Trước tình hình đó, tỉnh Bình Phước xác định cần huy động thêm nguồn lực riêng, ngoài các nguồn hỗ trợ giảm nghèo theo quy định, nhằm tác động trực tiếp đến các đối tượng hộ nghèo DTTS, tạo động lực giúp họ thoát nghèo bền vững.
Từ năm 2019, tỉnh đã ban hành Chương trình giảm 1.000 hộ nghèo DTTS, với các chính sách hỗ trợ giảm nghèo như: xây dựng và sửa chữa nhà ở, xây nhà vệ sinh, hỗ trợ nước sinh hoạt, hỗ trợ kéo điện, tiếp cận thông tin, hỗ trợ nông cụ phát triển sản xuất, hỗ trợ con giống, cây trồng,… nhằm tăng thu nhập và tạo động lực thoát nghèo bền vững cho đồng bào DTTS.
Với mục tiêu giảm 1.000 hộ nghèo DTTS mỗi năm, trong giai đoạn 5 năm (2019 - 2023), Bình Phước đặt kế hoạch giảm 5.000 hộ nghèo DTTS.
Theo kết quả khảo sát từ các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, trong giai đoạn này, Bình Phước đã giảm được 6.598 hộ nghèo DTTS, đạt 130% so với mục tiêu ban đầu của Tỉnh ủy và UBND tỉnh đề ra.
Bên cạnh với các chương trình mục tiêu quốc gia như Nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, và giảm nghèo bền vững, tỉnh Bình Phước đã triển khai hiệu quả các chương trình, chính sách và huy động nguồn lực khác, góp phần đạt được các chỉ tiêu giảm nghèo bền vững. Nhờ đó, kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS ngày càng khởi sắc; cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống của người dân được quan tâm đầu tư và nâng cấp đáng kể.
Ngoài ra, các chương trình y tế, giáo dục, và hệ thống thông tin, tuyên truyền cũng được quan tâm phát triển, đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân, đặc biệt là các hộ nghèo. Từ đó, hộ nghèo trong vùng DTTS không chỉ cải thiện chất lượng cuộc sống mà còn dần thay đổi nhận thức, chủ động đăng ký thoát nghèo bền vững, hướng đến một cuộc sống ổn định và phát triển.
Nỗ lực bảo tồn và phát triển văn hóa địa phương
Thực hiện theo chỉ đạo từ Trung ương, Bình Phước đã ban hành và triển khai nhiều chính sách nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của các DTTS. Các hoạt động văn hóa, thông tin và xây dựng thiết chế văn hóa tại vùng DTTS đã được thực hiện hiệu quả, đáp ứng tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương. Những chương trình văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao và tuyên truyền được tổ chức thường xuyên, không chỉ đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân mà còn chú trọng bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa của đồng bào các DTTS.
Tính đến nay, tỉnh Bình Phước đã công nhận 23/25 di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào DTTS, trong đó có 4 di sản được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch của tỉnh cũng đã phối hợp với các cơ quan Trung ương và địa phương thực hiện nhiều dự án nghiên cứu bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa DTTS.
Các dự án nổi bật bao gồm: tổng điều tra di sản văn hóa phi vật thể của người S’tiêng và người Khmer; dự án “Ứng xử đối với môi trường tự nhiên của người S’tiêng”; sưu tầm hiện vật về văn hóa truyền thống của người M’nông tại Bình Phước; dự án “Phục dựng lễ hội lập làng mới của người S’tiêng tại Bình Phước”; dự án “Phục dựng lễ hội Phá Bàu của người Khmer Bình Phước”; và dự án “Phục dựng lễ hội Xuống đồng của người Khmer Bình Phước”…
Hàng năm, các lễ hội truyền thống của đồng bào DTTS như Lễ cầu mưa, Mừng lúa mới của dân tộc S’tiêng, Lễ phá bàu của dân tộc Khmer tại xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh, Tết Chôl Chnăm Thmây của dân tộc Khmer, và Lễ Ramadhan của dân tộc Chăm… đều được tổ chức trang trọng và an toàn. Các lễ hội này không chỉ là dịp để duy trì văn hóa truyền thống mà còn góp phần tạo nên bản sắc văn hóa độc đáo cho cộng đồng các dân tộc trong tỉnh.
Đặc biệt, tỉnh Bình Phước đã triển khai hiệu quả Chỉ thị 27-CT/TW của Trung ương về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, tang và lễ hội. Công tác tuyên truyền và vận động người dân chấp hành nếp sống văn minh được chú trọng, gắn liền với các tiêu chí bình xét các danh hiệu “Gia đình văn hóa” và “Khu dân cư văn hóa”. Hương ước, quy ước tại các khu dân cư cũng được xây dựng phù hợp với điều kiện địa phương và tập quán của đồng bào DTTS, tạo sự đồng thuận và cam kết từ cộng đồng.
Nhờ những nỗ lực này, đến nay đồng bào DTTS trong tỉnh đã có sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động, dần loại bỏ các hủ tục lạc hậu như cúng bái khi ốm đau và ít tin vào các thế lực siêu nhiên. Thay vào đó, người dân ngày càng hướng đến cuộc sống, lao động và sinh hoạt khoa học, tiến bộ, góp phần xây dựng cộng đồng văn minh và phát triển bền vững.
Các chính sách phát triển du lịch tại vùng DTTS tạo điều kiện để người dân gia tăng thu nhập, chẳng hạn như thông qua kết nối với Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo, từ đó hình thành các mô hình du lịch kết hợp tham quan, trải nghiệm ẩm thực và tái hiện các lễ hội truyền thống. Các nghề thủ công truyền thống như dệt thổ cẩm, đan lát, chế biến rượu cần, cơm lam, canh bồi, canh thụt, chế biến lá nhíp, đọt mây... được khôi phục để tạo ra các sản phẩm du lịch độc đáo, góp phần tăng thu nhập cho người dân địa phương.
Ngoài ra, tỉnh còn thành lập Đội Nghệ thuật truyền thống sóc Bom Bo để phục vụ du khách và tham gia các liên hoan văn hóa cấp tỉnh, khu vực. Tại Vườn Quốc gia Bù Gia Mập, các hoạt động du lịch văn hóa như biểu diễn nghệ thuật và giới thiệu ẩm thực truyền thống của người Mnông và S’tiêng đã góp phần cải thiện đời sống của đồng bào và mang đến cho du khách những trải nghiệm văn hóa địa phương đặc sắc.
Những nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa địa phương của tỉnh đã thu hút được sự tham gia đông đảo của người dân, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng. Những hoạt động này không chỉ góp phần xây dựng một cộng đồng văn minh, đoàn kết và phát triển bền vững mà còn nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và cộng đồng về giá trị lịch sử, khơi dậy tinh thần trách nhiệm và thúc đẩy sự tham gia tích cực vào việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa đặc trưng của địa phương.
Công tác giáo dục và y tế đạt được nhiều kết quả nổi bật
Công tác giáo dục và y tế cho đồng bào vùng DTTS tại Bình Phước đã gặt hái nhiều thành quả đáng ghi nhận, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống và nâng cao tri thức trong cộng đồng DTTS.
Về giáo dục, tỉnh đã duy trì và đẩy mạnh các chương trình phổ cập giáo dục và xóa mù chữ cho con em DTTS ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Chính quyền các cấp cùng các tổ chức tài trợ đã tích cực vận động và hỗ trợ để khuyến khích con em DTTS đến trường. Đến nay, 197/390 trường trong tỉnh (50,51%) đạt chuẩn quốc gia, cùng với hệ thống 7 trường dân tộc nội trú (1 cấp tỉnh, 6 cấp huyện) đáp ứng nhu cầu học tập cho học sinh DTTS. Các trường này hầu hết được trang bị đầy đủ phòng học, phòng bộ môn và ký túc xá, đáp ứng cơ bản nhu cầu học tập và sinh hoạt của học sinh.
Đối với việc dạy tiếng DTTS, Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú - THCS Lộc Ninh tổ chức dạy tiếng Khmer cho học sinh khối 6 đến khối 8 với 1 tiết/tuần theo hình thức ngoại khóa. Các trường Phổ thông Dân tộc Nội trú còn lại chú trọng dạy ngôn ngữ giao tiếp cơ bản để hỗ trợ các em hòa nhập và trao đổi trong học tập hằng ngày.
Về y tế, công tác khám chữa bệnh cho đồng bào DTTS đã có những tiến bộ rõ rệt, với nhiều kỹ thuật y tế mới được chuyển giao và áp dụng hiệu quả. Các chương trình mục tiêu y tế - dân số được duy trì ổn định. Đồng bào DTTS thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) theo quy định, trong khi đó chương trình tiêm chủng, chăm sóc sức khỏe trẻ em cũng được triển khai đầy đủ. Các chương trình mục tiêu dân số - y tế như phòng chống suy dinh dưỡng, dân số và phát triển, phòng chống lao, phong, bướu cổ đều được thực hiện theo kế hoạch đề ra, mang lại hiệu quả thiết thực trong việc cải thiện sức khỏe cộng đồng.
Tính đến ngày 30/4/2024, tỷ lệ dân số tham gia BHYT đạt 90,7%. Tất cả các trạm y tế xã đều có bác sĩ (trừ các trạm thực hiện chức năng dự phòng), 100% trạm y tế xã có hộ sinh hoặc y sĩ phụ trách sức khỏe sinh sản. Tỷ lệ hộ DTTS sử dụng nước sạch đạt 98,8%, tỷ lệ hộ có hố xí hợp vệ sinh đạt 85,87%, và 100% trạm y tế được xây dựng kiên cố. Đặc biệt, 90% phụ nữ mang thai được khám thai định kỳ và sinh con tại cơ sở y tế hoặc có sự hỗ trợ của cán bộ y tế.
Tăng cường phối hợp thực hiện chính sách dân tộc, phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS
Trong công tác phối hợp thực hiện chính sách dân tộc và dân vận, Ban Dân tộc tỉnh Bình Phước đã phối hợp chặt chẽ với Sở Nội vụ và các cơ quan liên quan để nghiên cứu, đề xuất và tham mưu cho UBND tỉnh triển khai các chính sách thiết thực cho đồng bào DTTS. Những chính sách này bao gồm tuyển dụng, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bổ nhiệm và luân chuyển cán bộ, công chức, viên chức DTTS, thực hiện chế độ cử tuyển cho học sinh, sinh viên DTTS, từ đó góp phần nâng cao tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS trong các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Công tác tuyên truyền được thực hiện qua nhiều hình thức đa dạng như hội nghị, phổ biến pháp luật, hội thi, tập huấn chuyên môn và các kênh truyền thông như hệ thống loa phát thanh tại khu phố, ấp... Đội ngũ tuyên truyền viên và lực lượng đoàn viên tích cực tham gia, góp phần nâng cao nhận thức của hệ thống chính trị và quần chúng nhân dân về các vấn đề dân tộc, từ đó thúc đẩy các phong trào thi đua và các cuộc vận động tại địa phương.
Những hoạt động này không chỉ cải thiện đời sống văn hóa, tinh thần mà còn giúp xây dựng nếp sống văn minh, khuyến khích đồng bào từ bỏ các hủ tục lạc hậu và giữ gìn bản sắc văn hóa.
Ngoài ra, Ban Dân tộc tỉnh cũng chú trọng phát hiện các gương điển hình và đề xuất cấp ủy, chính quyền đào tạo, bồi dưỡng họ trở thành những cán bộ, hạt nhân nòng cốt ở thôn, ấp, xã, huyện vùng đồng bào DTTS. Các nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của đồng bào được quan tâm và giải quyết kịp thời, góp phần ngăn chặn các nguy cơ gây mất đoàn kết dân tộc. Đồng thời, Ban cũng tích cực vận động người dân tham gia bảo vệ biên giới, góp phần củng cố an ninh khu vực.
Nhằm đảm bảo quản lý công tác dân tộc và phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS, Ban Dân tộc đã ký kết các chương trình phối hợp với nhiều ban, ngành và đoàn thể địa phương. Nhờ đó, sức mạnh tổng hợp từ các cấp, ngành được phát huy, các chủ trương, chính sách và chương trình phát triển kinh tế - xã hội được chuyển tải đến với đồng bào DTTS một cách thiết thực, góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo và nâng cao đời sống cho nhân dân.
Nhằm thực hiện hiệu quả mục tiêu quản lý công tác dân tộc, giữ gìn an ninh trật tự và phát triển kinh tế - xã hội tại vùng DTTS và miền núi, Ban Dân tộc đã ký kết các chương trình phối hợp với nhiều ban, ngành và đoàn thể địa phương. Nhờ đó, sức mạnh tổng hợp từ các cấp, ngành và lực lượng địa phương được phát huy, các chủ trương, chính sách và chương trình phát triển kinh tế - xã hội được chuyển tải đến với đồng bào DTTS một cách thiết thực, góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo và nâng cao đời sống cho nhân dân./.