Chuyển đổi số

Bình Thuận nâng cao năng suất cây trồng với giải pháp chiếu sáng thông minh

Tâm An - Ngọc Dũng 11/09/2023 06:07

Nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm cây trồng thanh long, ngành nông nghiệp tỉnh Bình Thuận đã và đang áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, góp phần làm giảm giá thành và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Đồng thời, xác định chuyển đổi số (CĐS) là cốt lõi trong đổi mới các mô hình tăng trưởng và phát triển bền vững.

CĐS nông nghiệp góp phần chuyển đổi hệ thống nông sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, giúp giải quyết bài toán về năng suất, chất lượng, với chi phí thấp nhất, qua đó giúp cho ngành nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững.

Mục tiêu này cũng đang được các ngành, địa phương và các doanh nghiệp, người dân đẩy mạnh, với kỳ vọng tạo được sự đột phá về năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh cho nông sản. Và tỉnh Bình Thuận cũng không đứng ngoài xu hướng chuyển đổi này.

Tiềm lực nông nghiệp tỉnh Bình Thuận

Bình Thuận là tỉnh duyên hải cực Nam Trung Bộ, nằm trong khu vực chịu ảnh hưởng của địa bàn kinh tế trọng điểm phía Nam, với tổng diện tích đất nông nghiệp là 71.000ha; trong đó đất sản xuất nông nghiệp 357.000ha, với các loại cây trồng chính như: lúa (42.000ha), thanh long (28.000ha), cao su (40.000ha), điều (17.000ha) và cây ăn trái các loại (sầu riêng 2.300ha, xoài 3.700ha, chuối 1.900ha, mít 1.200ha...).

Trong giai đoạn 2016 - 2020, GRDP nhóm ngành nông - lâm - thủy sản của tỉnh tăng bình quân 2,88%/năm; trong 2 năm (2021 - 2022) đạt 5,05%/năm; trong đó, GRDP bình quân nhóm ngành nông - lâm - thủy sản tăng 3,38%.

Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ngày càng tăng, thị trường tiêu thụ được mở rộng, góp phần thúc đẩy ngành nông nghiệp của tỉnh phát triển.

Với những lợi thế nhất định, tỉnh Bình Thuận đã đặt mục tiêu phát triển ngành nông nghiệp hiện đại, bền vững, có giá trị gia tăng cao để triển khai tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

55.jpg
Với khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp, tỉnh Bình Thuận đã phát triển, trở thành “thủ phủ” thanh long của cả nước. (Ảnh: Internet)

Đặc biệt, với khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp, tỉnh Bình Thuận đã phát triển, trở thành “thủ phủ” thanh long của cả nước và được xác định là cây trồng có nhiều lợi thế để phát triển, là 1 trong 9 cây trồng chủ lực có lợi thế cạnh tranh trên trường quốc tế.

Hiện nay, diện tích thanh long toàn tỉnh là gần 27.000ha, với sản lượng 500.000 tấn/năm; giá trị thanh long mang lại cho nền kinh tế tỉnh bình quân khoảng 350 - 400 triệu USD/năm.

Chia sẻ tại Phiên họp chuyên đề lần thứ 2 của Ủy ban Quốc gia về CĐS với chủ đề “Giải pháp đột phá để phát triển kinh tế số ngành, lĩnh vực” mới đây, ông Lê Thanh Sơn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Bình Thuận khẳng định: “Những kết quả đạt được từ việc sản xuất thanh long trong thời gian qua có được là nhờ sự hỗ trợ của các nhà khoa học và sự cần cù chịu khó của bà con nông dân trong việc tìm tòi và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất; trong đó, đáng chú ý là sử dụng ánh sáng đèn để chiếu sáng xử lý thanh long ra hoa trái vụ và sản xuất theo GAP”.

Ứng dụng giải pháp chiếu sáng thông minh vào sản xuất nông nghiệp

Chia sẻ kinh nghiệm của địa phương trong việc ứng dụng đèn LED trong sản xuất nông nghiệp, ông Lê Thanh Sơn cho biết, để sản xuất bền vững và nâng cao giá trị của quả thanh long, tỉnh Bình Thuận đã tăng cường tuyên truyền, khuyến khích người sản xuất thay thế bóng đèn sợi đốt có công suất tiêu thụ cao (60-75W) bằng các loại bóng đèn có công suất tiêu thụ thấp hơn như đèn compact (18-20W), đèn LED (14-15W), đèn LED (6-12W) để chong đèn cho thanh long ra hoa trái vụ.

Quang phổ được tạo ra từ ánh sáng LED gần với quang phổ được tạo ra từ ánh sáng mặt trời, nên cây thanh long có thể hấp thụ được tối đa để phân hoá mầm hoa, giúp cây phát triển tốt trong điều kiện ngày ngắn hơn đêm.

4-1.jpg
Việc ứng dụng đèn LED trong sản xuất thanh long mang lại hiệu quả tích cực, giúp cây phát triển tốt trong điều kiện ngày ngắn hơn đêm, góp phần tăng hiệu quả sản xuất. (Ảnh: Internet)

Đến nay, 100% diện tích thanh long trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đã áp dụng xử lý ra hoa trái vụ, trong đó có khoảng 24.545 ha/27.000 ha thanh long sử dụng bóng đèn tiết kiệm điện (như đèn compact 18-20W, đèn LED 14-15W, đèn LED 6- 12W) để chong đèn cho thanh long ra hoa trái vụ.

Theo đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Bình Thuận, qua tính toán sử dụng đèn compact, đèn LED cho toàn bộ diện tích thanh long trên địa bàn tỉnh, mỗi năm sẽ tiết kiệm 170,2 triệu kWh điện, tương đương 230 tỷ đồng/năm, chi phí đầu tư giảm 679 tỷ; đồng thời, giúp tăng thu nhập và đặc biệt là giảm lượng phát thải từ sử dụng điện năng, giúp sản xuất thanh long đạt hiệu quả hơn, góp phần bảo vệ môi trường.

Đặc biệt, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Thuận cũng cho biết, ngoài thanh long, giải pháp chiếu sáng thông minh với đèn LED tiết kiệm điện còn được tỉnh ứng dụng trong lĩnh vực thủy sản.

6.jpg
Giải pháp chiếu sáng thông minh với đèn led tiết kiệm điện còn được tỉnh ứng dụng trong lĩnh vực thủy sản.

Trong lĩnh vực thủy sản, đèn LED sử dụng công nghệ được ứng dụng trên tàu khai thác thủy sản xa bờ (máy chụp mực, ánh sáng led giúp dẫn dụ…) giúp nâng cao hiệu quả đánh bắt, quang thông, độ rọi, hiệu suất chiếu sáng, tuổi thọ… đều vượt trội so với đèn cao áp, huỳnh quang, sợi đốt.

Ngoài ra, đèn LED còn tiết kiệm nhiên liệu chạy máy phát điện trên tàu, giảm chi phí, tăng hiệu quả đánh bắt và tăng thu nhập.

“Việc ứng dụng đèn LED trong sản xuất thanh long và khai thác hải sản mang lại hiệu quả tích cực, góp phần tăng hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân; đồng thời, giúp giảm lượng tiêu thụ điện, giảm chi phí sản xuất, giảm lượng phát thải từ sử dụng điện năng, góp phần bảo vệ môi trường, hướng tới hướng tới nông nghiệp xanh và phát triển bền vững”, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Thuận khẳng định.

Với những kết quả đạt được, giải pháp chiếu sáng thông minh này của tỉnh Bình Thuận được nhận định là một trong những bài học kinh nghiệm hữu ích cho các địa phương trong việc thúc đẩy CĐS trong nông nghiệp./.

Bài liên quan
  • Nông nghiệp Việt Nam ảnh hưởng lớn do El Nino
    Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia Việt Nam cho biết, xác suất 70 - 80% El Nino phát triển từ giữa hè 2023 và kéo dài sang năm 2024. Theo đó,  gạo, dầu cọ, cà phê là những sản phẩm nông nghiệp có nguy cơ bị tác động lớn nhất bởi hiện tượng El Nino.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Báo chí quốc tế viết gì về Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024?
    Sự kiện Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2024 thu hút sự chú ý trong - ngoài nước và cả nhiều cơ quan truyền thông quốc tế.
  • “AI như là một chiếc gương đen”
    Bài báo "AI is the Black Mirror" của Philip Ball cung cấp một cái nhìn chi tiết về trí tuệ nhân tạo (AI) và tác động của nó đến nhận thức con người.
  • Chất lượng thông tin báo chí về kinh tế - Vai trò, yêu cầu thước đo và giải pháp cần có
    Báo chí kinh tế cần là diễn đàn thực thụ cho doanh nghiệp, không chỉ cung cấp thông tin. Thông tin cần chính xác và kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp trong điều chỉnh chiến lược kinh doanh.
  • Những “ngọn đuốc” ở bản
    Ở Tuyên Quang, người có uy tín là những người đi đầu thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con dân tộc thiểu số (DTTS). Họ như những “ngọn đuốc” đi trước, thắp sáng, lan tỏa tinh thần trách nhiệm, nêu gương với cộng đồng. Gương mẫu, uy tín, những người có uy tín đã và đang góp sức xây dựng bản làng, thôn xóm ngày càng ấm no, giàu mạnh.
  • 5 lý do để tăng cường bảo mật mạng
    Các chương trình an ninh mạng đã phát triển đáng kể trong vài thập kỷ qua. Sự ra đời của điện toán đám mây đã phá vỡ ranh giới an ninh mạng thông thường của của các doanh nghiệp, buộc các tổ chức phải liên tục cập nhật những chiến lược phòng thủ của mình.
Đừng bỏ lỡ
Bình Thuận nâng cao năng suất cây trồng với giải pháp chiếu sáng thông minh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO