Ứng dụng CNTT để phục vụ người dân
Theo công bố về Chỉ số Cải cách hành chính (CCHC) PAR Index - năm 2020 của Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ tháng 6 vừa qua, Bộ LĐ-TBXH đứng thứ 7/17 Bộ, ngành, trong đó chỉ số Cải cách thủ tục hành chính xếp 13/17, Cải cách tài chính công xếp 5/17 và Hiện đại hóa hành chính xếp 14/17. So với năm 2019, chỉ số có tăng lên 2 bậc, nhưng thực tế việc thay đổi rất chậm này đã và đang là mối quan tâm của lãnh đạo Bộ LĐ-TBXH, nhất là trong bối cảnh phức tạp của đại dịch COVID-19 suốt từ năm 2020 đến nay.
Nhận thức rõ vấn đề này, quán triệt một cách sâu sắc và đầy đủ tinh thần chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia, Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH Đào Ngọc Dung đã trực tiếp chủ trì các cuộc họp trực tuyến với nhiều điểm cầu là các Sở, ban trực thuộc, trong đó đặc biệt kêu gọi việc ứng dụng CNTT trong các thủ tục CCHC cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho người dân.
Bộ trưởng cho rằng, đại dịch COVID-19 cũng mở ra một cơ hội để đổi mới, sáng tạo, ứng dụng một cách hiệu quả thành quả của cuộc cách mạng công nghệ, tạo ra nhiều sáng kiến vì cộng đồng, vì lợi ích của người dân, trong đó đặc biệt là việc ứng dụng CNTT. Ông khẳng định: "Bộ LĐ-TBXH là Bộ an sinh, đồng hành với người dân, lo cho người dân. Với bối cảnh hạn chế tiếp xúc, tránh tối đa di chuyển, thì làm thế nào vừa phòng chống dịch, vừa phát triển sản xuất, vừa đảm bảo an sinh là vấn đề cần quan tâm. Vì vậy, việc phát triển các ứng dụng để đẩy mạnh việc mua sắm, giao tiếp, trao đổi trực tuyến trên mạng cần được ưu tiên".
Bộ trưởng cũng đề xuất làm sao để thực hiện tốt những chủ đề như: "Việt Nam thông minh", "Việt Nam sáng tạo", làm sao để thúc đẩy những vấn đề xã hội nhằm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng và Ban Chỉ đạo mới là vấn đề cần được thực hiện ở thời điểm hiện nay, nhất là đối với chức năng, nhiệm vụ của Bộ.
Ứng dụng phục vụ việc tìm kiếm việc làm cho người dân cũng là vấn đề được đặt ra với Bộ LĐ-TBXH trong tình hình hiện nay. Từ năm 2020, Việt Nam đã bắt đầu phát triển thị trường lao động qua trục thông tin điện tử kết nối các thị trường lao động trên toàn thế giới, nhưng để làm được điều đó, ứng dụng CNTT là điều tiên quyết.
Với một số các ứng dụng hiện nay do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp thực hiện như ứng dụng "Chọn nghề, chọn trường", hoạt động tuyển sinh được thực hiện một cách hiệu quả. Vì vậy, để tiến thêm một bước nữa, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, Bộ LĐ-TBXH nên xây dựng một ứng dụng về việc làm quốc gia, trở thành ứng dụng quy tụ tất cả các nhánh, tạo thành sàn giao dịch điện tử, bảo hiểm thất nghiệp, chi phí học nghề, học ở đâu, hướng mạnh vào lao động việc làm… Với xu thế hiện nay của giới trẻ là thông minh, nhạy bén, sử dụng máy tính, Internet tốt, việc ngồi ở nhà tìm việc trong và ngoài nước là hoàn toàn có thể.
Dịch vụ công trực tuyến: Hiệu quả từ số hóa
Không chỉ dừng lại ở việc xây dựng các ứng dụng nhằm đồng hành cùng người dân, các thủ tục hành chính là dịch vụ công của Bộ LĐ-TBXH cũng từng bước mang lại hiệu quả. Cổng dịch vụ công trực tuyến của Bộ - http://dvc.molisa.gov.vn - khai trương từ năm 2017, từng bước được nâng cấp và đơn giản hóa. Hiện nay, ngành LĐ-TBXH đang cung cấp hơn 240 thủ tục hành chính. Với Cổng dịch vụ công trực tuyến, người dân, doanh nghiệp chỉ cần truy cập 1 địa chỉ, sử dụng 1 tài khoản duy nhất khi làm thủ tục hành chính, giảm số lượng chứng từ, tiết kiệm nhiều thời gian, công sức. Bên cạnh đó, dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực lao động, xã hội và người có công, doanh nghiệp xuất khẩu lao động, an sinh, an toàn lao động, người nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam cũng mang lại hiệu quả không nhỏ cho xã hội.
Tính đến thời điểm hiện nay đã có tới 52. 267 hồ sơ đồng bộ lên cổng DVCQG, 11 Dịch vụ công cấp độ 4 trong số 20 dịch vụ công như: Cấp Chứng chỉ kiểm định viên (Cục An toàn lao động), Cấp lại giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam (Cục Việc làm)… Nổi bật trong số này là lĩnh vực quản lý lao động ngoài nước, đạt tới hơn 90% tổng hồ sơ tiếp nhận; Dịch vụ công trực tuyến cấp phép cho lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam đã xử lý hơn 90% hồ sơ điện tử và được triển khai đến hơn 40 Sở LĐ-TBXH.
Ông Đỗ Chí Dũng, Giám đốc Trung tâm Thông tin - Bộ LĐ-TBXH, cho biết: "Cổng Dịch vụ công trực tuyến của Bộ đã và đang triển khai việc chia sẻ dữ liệu liên thông với các Bộ, ngành và sẵn sàng liên thông với Cổng Dịch vụ công quốc gia theo chỉ đạo của Chính phủ".
Đánh giá cao nỗ lực của ngành LĐ-TBXH, Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: "Những gì Bộ LĐ-TBXH làm được là một ví dụ rất tốt cho các Bộ, ngành. Hãy bắt đầu từ những thứ chi tiết nhưng không vụn vặt, rút kinh nghiệm rồi thì phải triển khai nhanh. Hãy bắt đầu từ những dịch vụ nhiều người dân quan tâm nhất và những dịch vụ có liên quan đến thanh toán".
Còn Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng đây cũng là cơ hội để đổi mới sáng tạo, đưa ra những sáng kiến xuất phát vì cộng đồng, xuất phát vì lợi ích cho người dân. Nhằm thực hiện "mục tiêu kép" vừa phòng, chống dịch, vừa phục hồi phát triển phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội và đời sống nhân dân, Bộ LĐ-TB&XH xác định phải lấy an toàn cho người dân là trên hết và không được để ai bị thiếu, đói; đảm bảo người nghèo, người yếu thế, người có hoàn cảnh khó khăn có cuộc sống ổn định.