Phát biểu khai mạc khóa học, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng cho biết Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án "Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030". Đề án đặt ra các mục tiêu rất lớn trong nội dung phát triển nguồn nhân lực CĐS, cụ thể đến năm 2025: 100% cán bộ lãnh đạo, cán bộ công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan nhà nước (CQNN), các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hàng năm được tham gia đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, cập nhật kiến thức về CĐS, kỹ năng số, công nghệ số; 100% cán bộ chuyên trách CĐS, CNTT hàng năm được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về công nghệ số và được đánh giá trực tuyến kết quả đào tạo qua Hệ thống đánh giá, sát hạch chuẩn kỹ năng số quốc gia.
Đồng thời 100% các bộ, ngành, địa phương xây dựng được mạng lưới CĐS đến tận cấp cơ sở với đội ngũ thành viên được thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng cập nhật kiến thức, kỹ năng làm nòng cốt cho tiến trình CĐS trong các ngành, các cấp.
Đề án cũng đặt mục tiêu bồi dưỡng, tập huấn được tối thiểu 1.000 chuyên gia CĐS trong các ngành, lĩnh vực, địa phương để trở thành lực lượng nòng cốt dẫn dắt, tổ chức và lan tỏa tiến trình CĐS quốc gia.
Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho biết Bộ TT&TT được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì tổ chức triển khai Đề án này. Tại các phiên họp của Ủy ban quốc gia về CĐS, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban CĐS quốc gia đã nhấn mạnh sự cần thiết phải chú trọng tới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong CQNN để tạo nguồn lực tổ chức triển khai CĐS.
Để tổ chức triển khai thành công Chương trình đào tạo lần này, Thứ trưởng đề nghị cần có sự phối hợp, tham gia tích cực của đội ngũ cán bộ tại địa phương. "Việc tham gia Chương trình bồi dưỡng của đội ngũ nòng cốt có ý nghĩa hết sức quan trọng, giúp đội ngũ nắm bắt được thông tin, sau đó tham gia hỗ trợ đồng hành triển khai các nội dung tiếp theo".
Với khối lượng công việc và mục tiêu đặt ra lớn, Thứ trưởng cho biết nếu làm theo cách làm cũ trong bối cảnh hiện nay thì sẽ rất khó đạt được mục tiêu đề ra. "Vì vậy, chúng ta muốn có những gì chúng ta đang có thì chúng ta phải thay đổi cách chúng ta làm. Khóa bồi dưỡng này cũng là một trong những thay đổi".
Theo đó, Bộ TT&TT đã thiết kế chương trình học trực tuyến thông qua nền tảng khóa học trực tuyến mở (www.onetouch.mic.vn). Nền tảng này đã được sử dụng cho khóa bồi dưỡng, huấn luyện lãnh đạo Sở TT&TT và các đơn vị chuyên trách CNTT các bộ, ngành với khoảng 1.000 người tham gia. Việc học trực tuyến qua nền tảng nên Bộ TT&TT sẽ theo dõi được toàn bộ quá trình học tập của từng học viên.
Thứ trưởng cũng đề nghị lãnh đạo các Sở TT&TT quan tâm, tạo điều kiện để các cán bộ của Sở đã đăng ký tham gia đội ngũ nòng cốt CĐS có thời gian để tham dự lớp bồi dưỡng đầy đủ, trọn vẹn.
Tham dự khai giảng khóa học, theo Ban tổ chức Chương trình, có 600 cán bộ thuộc các Sở TT&TT trên cả nước. Ngoài đội ngũ nòng cốt về CĐS tại địa phương còn có sự tham gia của các cán bộ trong Mạng lưới truyền thông khối công nghệ tại các bộ, ngành, địa phương, các đơn vị khối công nghệ số của Bộ TT&TT.
Theo đó khóa bồi dưỡng lần này là bước chuẩn bị cuối cùng Chương trình bồi dưỡng, tập huấn cho 22.000 cán bộ lãnh đạo cấp xã, trong đó có 11.000 chủ tịch và 11.000 phó chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn. Trên cơ sở nội dung khóa học này và phản hồi của đội ngũ nòng cốt, Bộ TT&TT sẽ hoàn thiện Chương trình để triển khai chính thức khóa đào tạo cho cán bộ lãnh đạo cấp xã về CĐS vào tháng 6/2022.
Tham gia vào tiến trình CĐS quốc gia không thể thiếu vai trò của các doanh nghiệp (DN) công nghệ số, theo đó, chương trình có sự tham dự của đại diện các DN công nghệ số của Việt Nam cùng đồng hành với Bộ TT&TT trong chương trình bồi dưỡng, tập huấn về CĐS trong năm 2022.
Thứ trưởng cho biết: "Mỗi người tham gia khóa học cũng là một người đóng góp cho chương trình để Ban tổ chức hoàn thiện chương trình, để chúng ta có một chương trình tốt nhất, chuẩn mực nhất để bồi dưỡng cho Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND cấp xã, triển khai diện rộng trên toàn quốc".
Theo Thứ trưởng, Bộ TT&TT đã sớm nghiên cứu và ban hành Chương trình mẫu về bồi dưỡng CĐS cho đối tượng là lãnh đạo UBND cấp xã, đây là cấp chính quyền sát với người dân, gần với người dân nhất, trực tiếp giải quyết các công việc thường ngày của người dân.
"CĐS tốt ở cấp xã sẽ giúp người dân nâng cao kỹ năng số, giúp đưa hoạt động của người dân lên môi trường số an toàn", Thứ trưởng nhấn mạnh.
Thông tin thêm về lớp bồi dưỡng đội ngũ nòng cốt CĐS tại địa phương lần này, bà Trần Quốc Hiền, Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa - Bộ TT&TT, đơn vị chủ trì việc triển khai chương trình đào tạo cho biết chương trình gồm có 5 chuyên đề giảng dạy và kiểm tra cuối khoá, bao gồm có 3 phần: kiến thức chung về CĐS, kinh tế số, xã hội số.
Thời gian bồi dưỡng cho lãnh đạo UBND cấp xã sẽ được mở trong thời gian từ ngày 6/5 đến hết ngày 22/5/2022 để các học viên hoàn thành các bài kiểm tra đầy đủ điều kiện và cấp giấy chứng nhận./.