Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến đánh giá tác động của Dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị đầu cuối TTDĐ mặt đất ngày 27/8/2020, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm cho biết: Việt Nam đã triển khai công nghệ tương tự từ mấy chục năm trước, sau đó chúng ta chuyển sang sử dụng công nghệ số từ 2G lên 3G, 4G. Trên thế giới mới có một số nước triển khai 5G, Việt Nam đã bắt đầu. Như vậy, trong vòng 30 năm qua, thế giới đã đi qua 4 - 5 vòng đời công nghệ. Vòng đời công nghệ ngày càng ngắn lại, đòi hỏi chúng ta phải thích ứng nhanh, không thể theo mãi một công nghệ được.
"Đây là nhu cầu tất yếu của cuộc sống, của sự phát triển, hướng tới những gì hiệu quả hơn, tính năng ngày càng cao hơn để phục vụ tốt hơn tất cả nhu cầu cuộc sống của con người, và sự phát triển kinh tế - xã hội", Thứ trưởng nhấn mạnh.
Với xu hướng này, Thứ trưởng nhận định, các bên liên quan tham gia khai thác mạng di động không thể đứng ngoài tiến trình phát triển chung. Việc ứng dụng công nghệ di động thế hệ cao hơn, mở ra các mô hình kinh doanh và loại hình dịch vụ mới. Chính phủ đã đặt ra mục tiêu chuyển đổi số quốc gia nên xu thế tắt sóng 2G gần như là không thể tránh khỏi.
Thứ trưởng cũng cho biết, theo số liệu thống kê, số lượng người sử dụng thiết bị 2G tại Việt Nam cũng không còn nhiều nên cần đẩy nhanh hơn tiến trình chuyển đổi sử dụng điện thoại thường (feature phone) sang sử dụng điện thoại smartphone.
Giải pháp để phổ cập smartphone toàn dân, hướng tới tắt sóng 2G
Ngày 03/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030". Để chuyển đổi số thành công, smartphone là công cụ, là phương tiện để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam.
Smartphone cũng đã chứng minh hiệu quả trong đại dịch Covid-19 khi các ứng dụng trên smartphone hỗ trợ thiết thực cuộc sống và công việc của người dân.
Để phổ cập điện thoại di động thông minh tại Việt Nam, từ đầu năm 2020, Bộ TT&TT đã triển khai một số giải pháp nhằm thúc đẩy việc phổ cập smartphone 4G tại Việt Nam thông qua việc Bộ TT&TT điều phối sự hợp tác giữa các nhà mạng viễn thông, nhà sản xuất thiết bị và nhà cung cấp ứng dụng để đưa ra các chương trình smartphone giá rẻ, giúp người dân có thể tiếp cập dễ dàng hơn. Chương trình này bước đầu đã đạt được những hiệu quả nhất định với hơn 10.000 smartphone giá rẻ đến tay người dân (tính đến tháng 6/2020). Dự kiến chương trình sẽ tiếp tục triển khai 50.000 máy đến hết năm 2020.
Theo Vụ CNTT, Bộ TT&TT, để đẩy mạnh tiến trình phổ cập smartphone toàn dân, Bộ TT&TT đề ra 2 giải pháp là: thúc đẩy sản xuất trong nước bằng Chương trình smartphone giá rẻ và hạn chế nhập khẩu điện thoại thuần 2G bằng cách ban hành quy chuẩn bắt buộc tích hợp 4G đối với thiết bị đầu cuối di động đầu cuối.
Để ban hành quy chuẩn mới, Cục Viễn thông đã nghiên cứu và đề xuất phương án xây dựng quy chuẩn mới dựa trên các quy chuẩn hiện hành là quy chuẩn RF (gồm các QCVN 12, QCVN 15, QCVN 117 quản lý các thiết bị đầu cuối TTDĐ, bao gồm các thiết bị 2G, 3G, 4G); Quy chuẩn EMC đối với các thiết bị đầu cuối và phụ trợ trong hệ thống TTDĐ (QCVN 86) và dựa trên các tiêu chuẩn tham chiếu của Viện tiêu chuẩn Viễn thông châu Âu.
Theo đó, khi quy chuẩn có hiệu lực áp dụng, thiết bị đầu cuối TTDĐ mặt đất (trừ thiết bị thuê bao máy NB-IoT và thiết bị đầu cuối 5G) nhập khẩu, sản xuất trong nước phải tích hợp công nghệ 4G. Các thiết bị đã được chứng nhận, công bố hợp quy và đưa ra thị trường vẫn tiếp tục được kinh doanh. Các thiết bị đang hoạt động trên mạng vẫn tiếp tục hoạt động bình thường cho đến khi nhà mạng tắt sóng.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 8 tháng đầu năm (từ 01/1/2020 đến 15/8/2020) thì nhóm hàng điện thoại và linh kiện luôn nằm trong những mặt hàng có giá trị xuất khẩu và nhập khẩu lớn nhất, cụ thể, xuất khẩu đứng top 1 với 28,83 tỷ USD, nhập khẩu đứng top 3 với giá trị 7,91 tỷ USD. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp sản xuất thiết bị trong nước có công suất sản xuất hàng chục triệu sản phẩm mỗi năm đáp ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu.
Do đó, việc ban hành QCVN sẽ có tác động không nhỏ đến chiến lược kinh doanh và mô hình sản xuất của các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu và phân phối thiết bị. Ngoài ra, chính sách này sẽ tác động đến những người sử dụng các thiết bị thuần 2G (2G only) như những người dân sử dụng điện thoại thường, các đơn vị vận tải, tàu cá sử dụng các thiết bị hành trình dùng sóng 2G, các nhà cung cấp điện sử dụng SIM 2G… đây cũng là một số lượng không nhỏ.
Theo Thứ trưởng, khi ban hành một chính sách mới, dù ít hay nhiều sẽ có những tác động đến đến các đối tượng như DN, người dân trong xã hội.
Tuy nhiên, Thứ trưởng cho biết sẽ không có giải pháp mà tất cả các bên cùng hài lòng, do đó các bên phải cùng chia sẻ, phải đứng trên bình diện của quốc gia để tiến kịp xu thế của thời đại nhằm tránh bị tụt lại phía sau.
Bộ TT&TT sẽ tiếp tục tham vấn các DN liên quan để tiến tới ban hành quy chuẩn mới, giúp các bên sẵn sàng điều chỉnh kế hoạch kinh doanh cho các năm 2021, 2022 với mục tiêu chung là tắt sóng 2G sớm nhất có thể. Theo đó, tất cả các bên kinh doanh, sản xuất, người dùng cùng trên một nền tảng công nghệ chung tiên tiến, hiện đại, đồng hành cùng với cả thế giới.