Thứ trưởng Lê Nam Thắng phát biểu tại Hội nghị
Bộ luật Dân sự năm 2005 được Quốc hội thông qua ngày 14/6/2005. Sau hơn 9 năm thi hành, Bộ luật Dân sự có tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng như đối với việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, góp phần đẩy mạnh sự hình thành, phát triển các giao dịch dân sự, thương mại và thiết lập các quan hệ thị trường. Tuy nhiên, bước sang giai đoạn phát triển mới, cần phải thể chế hóa các quy định mới về quyền dân sự, kinh tế được ghi nhận trong Hiến pháp 2013 thì việc sửa đổi Bộ luật Dân sự là cần thiết.
Phát biểu tại Hội nghị, thay mặt lãnh đạo Bộ TT&TT, Thứ trưởng Lê Nam Thắng nhấn mạnh: Do phạm vi bao trùm lên các hoạt động của đời sống xã hội của pháp luật dân sự nói chung và Bộ luật Dân sự nói riêng nên Bộ TT&TT đã xây dựng chương trình lấy ý kiến, theo đó, dự thảo được lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân, cán bộ, công chức, người lao động trong Bộ thông qua hiều hình thức như: Góp ý trực tiếp bằng văn bản; tổ chức hội nghị, hội thảo; đăng công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ….
Và cho đến nay, việc lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi trong toàn ngành Thông tin và Truyền thông với gần 100 lượt văn bản góp ý của các tổ chức trong ngành, Bộ TT&TT đã xây dựng dự thảo góp ý của ngành gửi các cơ quan chức năng tổng hợp và trình Thủ tướng Chính phủ.
Để đóng góp có hiệu quả vào dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi, Thứ trưởng Lê Nam Thắng yêu cầu đại diện các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thuộc Bộ phát huy tinh thần trách nhiệm, trao đổi, góp ý thẳng thắn, cụ thể vào dự thảo Bộ luật Dân sự, trong đó đặc biệt chú trọng đến các vấn đề liên quan đến quyền nhân thân, quyền bí mật đời tư, quyền cá nhân đối với hình ảnh; Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả và các quyền liên quan; Hợp đồng và các hình thức của hợp đồng, bồi thường thiệt hại trong Hợp đồng dân sự…
Cũng tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận 10 vấn đề trọng tâm được xác định theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ và các vấn đề liên quan đến Bộ TT&TT như: Về trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền trong việc bảo vệ quyền dân sự; Quyền nhân thân; Về chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự; Về hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự không tuân thủ quy định về hình thức; Về bảo vệ người thứ ba ngay tình trong trường hợp giao dịch dân sự bị vô hiệu; Về hình thức sở hữu; Về thời điểm xác lập quyền sở hữu và các vật quyền khác; Về điều chỉnh hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi; Về lãi suất trong hợp đồng vay tài sản; Về thời hiệu./.