Diễn đàn

Bộ TT&TT tiên phong triển khai định danh số điện thoại gọi cho người dân, DN ngăn chặn lừa đảo

Hoàng Linh 03/10/2023 14:50

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long nhấn mạnh Bộ TT&TT sẽ tập trung cho việc định danh số điện thoại của Bộ khi liên lạc với người dân, doanh nghiệp (DN).

tt-pham-duc-long.jpg
Thứ trưởng Phạm Đức Long chủ trì Hội nghị

Trước tình trạng lừa đảo, mạo danh các cơ quan nhà nước trong thời gian qua, vừa qua có cả cuộc gọi mạo danh Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) để lừa đảo, theo đó, vào ngày 3/10, tại Hội nghị giao ban quản lý nhà nước tháng 9/2023, Thứ trưởng Phạm Đức Long chủ trì Hội nghị đã tập trung chỉ đạo công tác này.

Theo Thứ trưởng, Bộ TT&TT cần tiên phong triển khai định danh số điện thoại hay còn gọi là voice brandname các cuộc gọi của Bộ khi tiếp xúc, tương tác với người dân, DN. Bộ TT&TT sẽ cùng các nhà mạng công bố việc định danh số điện thoại hiện chữ Bộ TT&TT.

“Việc này để chống tình trạng các cuộc gọi mạo danh, lừa đảo đang diễn ra nhiều như hiện nay. Bộ TT&TT tiên phong triển khai thí điểm sau đó sẽ làm việc với các Bộ, ngành khác triển khai như Công an, viện Kiểm sát, toà án rồi đến ngân hàng”, Thứ trưởng cho biết.

Dịch vụ định danh số điện thoại (voice brandname) là dịch vụ hiển thị tên thương hiệu lên trên điện thoại của người dùng khi có cuộc gọi đến thay vì số điện thoại. Qua đó, người dùng không còn e dè trước các cuộc gọi lạ làm phiền, nặc danh.

Không chỉ Cục Viễn thông, Thứ trưởng cũng yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ quan tâm đến tình trạng lừa đảo trên mạng. Năm 2022, Trung Quốc ban hành luật chống lừa đảo trên mạng viễn thông. Cục Viễn thông chuyển các đơn vị tham khảo luật này để các đơn vị nghiên cứu và có các đề xuất để phối hợp với Bộ Công an xử lý vấn nạn này.

Thứ trưởng cũng yêu cầu Cục An toàn thông tin (ATTT), khối báo chí của Bộ, Báo Vietnamnet tổng hợp, dành không gian để đăng tải các thủ đoạn lừa đảo và cách phòng tránh bởi có hiện tượng một người bị lừa đảo hình thức này người khác vẫn bị lừa như thế. “Cần phải phổ biến các kiến thức, kỹ năng để người dân nắm bắt các loại hình thức lừa đảo. Các đơn vị cần có có nghiên cứu triển khai hướng dẫn cho người dân khi xảy ra vụ việc thì xử lý thế nào”.

Thứ trưởng cũng chỉ đạo lĩnh vực viễn thông rà soát việc ngừng bán SIM di động tại đại lý, điểm bán. Báo chí vào cuộc truyền thông. “Các đơn vị làm quyết liệt để xử lý rốt ráo việc này, không dung túng, lấp lửng và Bộ sẽ xử lý. Đừng để người dân sợ sử dụng điện thoại”.

Trước đó, từ ngày 10/9, nhằm hạn chế tình trạng SIM rác tràn lan, Bộ TT&TT đã yêu cầu các nhà mạng chính thức ngừng bán SIM di động tại đại lý, điểm bán trên toàn quốc với nỗ lực hạn chế tình trạng SIM không chính chủ (hay SIM rác) tràn lan trên thị trường.

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Phạm Đức Long yêu cầu Cục Chuyển đổi số Quốc gia cùng các đơn vị phối hợp tuyên truyền các hoạt động Ngày Chuyển đổi số quốc gia tạo “cú hích” cho phát triển các lĩnh vực.

Thứ trưởng cũng lưu ý hai lĩnh vực kinh tế số (KTS) và báo chí là hai lĩnh vực trọng tâm cần tập trung. Lĩnh vực KTS cần phải xem xét lại các báo cáo cũng như phải có đánh giá xem xét kỹ tình hình phát triển KTS. Các hoạt động, chương trình thúc đẩy KTS phải được cụ thể hoá.

Lĩnh vực thứ hai cần được tập trung là báo chí, phát thanh truyền hình (PTTH) - truyền thông. Lĩnh vực cần tập trung đôn đốc các đơn vị làm truyền thông chính sách. Việc chặn lọc thông tin xấu độc đã làm tốt.

Cục công nghiệp Công nghệ thông tin và truyền thông cần tập trung xây dựng chiến lược phát triển ngành bán dẫn Việt Nam vì đây là lĩnh vực “nóng” sau chuyến thăm của Tổng thống Hoa Kỳ và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Lĩnh vực này phát triển sẽ kéo theo nhiều sự dịch chuyển sắp tới.

toan-canh-03102023.jpg
Toàn cảnh Hội nghị

Tập trung giải quyết các văn bản chậm, muộn

Cũng tại hội nghị, Thứ trưởng Phạm Đức Long tập trung phần lớn thời gian cho việc chỉ đạo xử lý các văn bản chậm, muộn của các đơn vị và tiến độ thực hiện các nhiệm vụ cần hoàn thành trong tháng 10/2023.

Thứ trưởng nhấn mạnh những nhiệm vụ Chính phủ, cấp trên giao, các đơn vị phải tập trung hoàn thành. Những nhiệm vụ Lãnh đạo Bộ giao, các đơn vị cũng cần có kế hoạch thực hiện. Trường hợp có thể chậm, cần có báo cáo sớm. Thời gian còn lại của năm, các đơn vị có hơn 300 nhiệm vụ. Ước tính mỗi đơn vị, đơn vị ít cũng hơn 10 nhiệm vụ và đơn vị nhiều cũng hơn 20. Đó là chưa kể những nhiệm vụ phát sinh trong thời gian tới, theo các Nghị quyết họp của Chính phủ, Quốc hội.

Các trưởng đơn vị trong Bộ rà soát lại các nhiệm vụ từ nay đến cuối năm, phân công và giao việc rõ ràng, đeo đuổi để đảm bảo tiến độ và chất lượng. Nhiệm vụ rất nhiều, các trưởng đơn vị phải luôn luôn chăm chú theo dõi tiến độ thực hiện các nhiệm vụ, và có cách để thực hiện nhiệm vụ”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

thu-truong-phan-tam.jpg
Thứ trưởng Phan Tâm: cho biết khối lượng công việc của Bộ nhiều gấp 3, 4 lần so với trước.

Cũng có ý kiến về nội dung này, tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm nêu rõ việc đánh giá tình hình thực tiễn công tác, phân tích nguyên nhân chậm muộn đã nhiều lần được bàn thảo.

Về cách làm, Thứ trưởng Pham Tâm đề nghị Văn phòng Bộ TT&TT chủ trì xem xét xây dựng văn bản hướng dẫn xử lý công việc để tránh sảy ra chậm, muộn.

Thứ trưởng cũng cho biết khối lượng công việc của Bộ nhiều gấp 3, 4 lần so với trước. Trong số các nhiệm vụ, Văn phòng Bộ có thể thống kê lại theo quý, theo năm, đưa ra mức độ thứ tự ưu tiên để lãnh đạo Bộ và đơn vị nắm bắt, dành sự bố trí nguồn lực, thời gian ưu tiên để xử lý, từ đó có sự thông cảm, chia sẻ trên dưới với nhau. Đồng thời, nhiều nhiệm vụ giao gần như bất khả thi ngay từ đầu thì bản thân lãnh đạo các đơn vị phải có phản hồi lại để điều chỉnh, tháo gỡ kịp thời.

Theo Bộ TT&TT doanh thu từ lĩnh vực công nghiệp phần cứng, điện tử trong 09 tháng đầu năm 2023 ước đạt gần 2,3 triệu tỷ đồng (~95,8 tỷ USD) giảm 2% so với cùng kỳ năm 2022. Giá trị xuất khẩu sản phẩm phần cứng, điện tử ước đạt gần 85,4 tỷ USD, giảm 5% so với cùng kỳ năm 2022, chiếm khoảng 31% giá trị xuất khẩu của cả nước. Trong đó, xuất khẩu 02 nhóm hàng hóa "Máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện" và "Điện thoại và linh kiện các loại" giữ vững 02 nhóm hàng đứng hàng đầu trong 12 nhóm hàng có giá trị xuất khẩu cao của cả nước song sản lượng xuất khẩu bị sụt giảm so với cùng kỳ.

Số lượng doanh nghiệp công nghệ số đăng ký thành lập vẫn tăng ổn định. Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Cục Quản lý đăng ký kinh doanh), 09/2023 ước đạt 73.500 DN, tăng 700 DN so với tháng 08/2023 với tỷ lệ DN công nghệ số/1.000 dân ước đạt 0,739./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Bộ TT&TT tiên phong triển khai định danh số điện thoại gọi cho người dân, DN ngăn chặn lừa đảo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO