Diễn đàn

Nhà mạng cứ giảm cước sẽ sụp đổ

Hoàng Linh 09:38 07/09/2023

Theo Bộ TT&TT, các nhà mạng có thể khai trương dịch vụ 5G vào đầu năm 2024 sau khi Bộ TT&TT thực hiện triển khai đấu giá tần số cho 5G vào cuối năm 2023.

Để triển khai 5G, các nhà mạng rất cần nguồn lực để tái đầu tư cho mạng lưới. Trong khi đó, một thực tế là nguồn lực của các nhà mạng hiện nay trên thế giới và Việt Nam ngày càng hạn chế do các dịch vụ viễn thông truyền thống như thoại, nhắn tin (SMS) đều đang bị thu hẹp mạnh do sự phát triển của các dịch vụ OTT, dịch vụ số mới.

Đồng thời, giá cước dịch vụ viễn thông di động của Việt Nam luôn giảm và thuộc nhóm rẻ nhất so với thế giới.

hop-bao-thuong-ky-thang-9-2023.jpg
Bộ TT&TT họp báo thường kỳ tháng 9/2023

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ TT&TT tháng 9/2023 cho biết: “Giá cước di động của Việt Nam luôn luôn giảm và giảm đến mức không giảm được nữa. Cước dữ liệu di động (data) của Việt Nam là rẻ nhất. Trung bình cước dữ liệu của thế giới là 0,36 USD, Việt Nam là 0,16 USD 1 Gigabyte (GB) dữ liệu”.

Theo Thứ trưởng, mức cước này quá thấp để các nhà mạng có nguồn lực tái đầu tư mạng lưới và đến một lúc nào đó mạng không được tái đầu tư thì sẽ phải trả giá về chất lượng. Trong bối cảnh các nhà mạng đều đang cần đầu tư cho 5G mà không có nguồn lực sẽ rất khó khăn.

Tại Hội nghị di động thế giới MWC 2023 tại Barcelona, Tây Ban Nha hồi tháng 2/2023, 42% nhà mạng châu Âu đã khẳng định trong 10 năm tới nếu không thay đổi thì sẽ phá sản.

Thứ trưởng Phạm Đức Long cho biết quan điểm của Bộ TT&TT là các nhà mạng kinh doanh phải đảm bảo hiệu quả. Bộ sẽ xem xét và đồng hành với sự phát triển của nhà mạng.

Để thúc đẩy tăng trưởng trong lĩnh vực viễn thông, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp (DN) viễn thông có các cơ hội mới để phát triển, tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận, Bộ TT&TT đã triển khai và đề ra một số chính sách lớn:

Mở rộng không gian dịch vụ viễn thông

Tại dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) đã đưa vào quản lý các dịch vụ mới (trung tâm dữ liệu (TTDL), đám mây (Cloud), OTT), tạo cơ sở pháp lý để DN cung cấp và phát triển các dịch vụ này, mở rộng không gian cho lĩnh vực viễn thông; tạo điều kiện cho DN tận dụng các cơ hội mới trong xu hướng hội tụ công nghệ. Dự thảo Chiến lược hạ tầng số đưa ra mục tiêu và các giải pháp phát triển, đưa dịch vụ TTDL/điện toán đám mây Việt Nam trong nhóm 30 nước dẫn đầu thế giới về quy mô và chất lượng.

Xây dựng hạ tầng viễn thông băng rộng, phổ cập, bền vững, an toàn

Theo đó, xây dựng hạ tầng viễn thông băng rộng, phổ cập, bền vững, an toàn với hạ tầng số là hạ tầng phục vụ tất cả các nhu cầu sử dụng các nền tảng số, công nghệ số, dịch vụ số của mọi người dân, của tất cả ngành, lĩnh vực trong kinh tế số, xã hội số do vậy cần bảo đảm băng thông rộng, phổ cập, bền vững và an toàn.

Theo Thứ trưởng Phạm Đức Long, dự thảo Luật Viễn thông sửa đổi đã đưa TTDL, đám mây đây là thành tố của hạ tầng viễn thông để triển khai. Hiện, doanh thu của các dịch vụ TTDL, đám mây có tốc độ tăng trưởng gấp 3 dịch vụ viễn thông truyền thống và đang tăng nhanh. Cùng với đó là phát triển các hệ thống cảm biến, thu thập dữ liệu.

Về xây dựng hạ tầng viễn thông băng rộng bền vững và an toàn là xây dựng hạ tầng viễn thông cáp quang, 5G là hạ tầng băng rộng phổ cập. Theo đó, mọi người dân được hưởng lợi. Vừa qua, Quỹ dịch vụ viễn thông công ích - Bộ TT&TT đã triển khai phổ cập sóng 4G cho hơn 1000 thôn.

“Việc phát triển hạ tầng viễn thông hiện nay đòi hỏi bền vững và an toàn. Theo đó, phải quy hoạch lại các hệ thống viễn thông, cân đối giữa cáp đất và cáp biển, giữa các tuyến hướng phía Bắc và Nam. Đồng thời phải phát triển TTDL liệu bền vững và phải xanh bởi TTDL, đám mây tiêu tốn nhiều năng lượng”, Thứ trưởng cho biết./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Nhà mạng cứ giảm cước sẽ sụp đổ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO