"Bùng nổ" các nền tảng trực tuyến tại Việt Nam: Từ nhu cầu thực tế đến điều chỉnh chính sách

Ngọc Diệp| 14/09/2021 13:12
Theo dõi ICTVietnam trên

Trong giai đoạn giãn cách xã hội vì dịch COVID-19, các nền tảng trực tuyến tại Việt Nam liên tục tăng tốc và cập nhật các nội dung, tính năng mới. Trước bối cảnh đó, chính sách của Việt Nam cũng có những thay đổi nhất định để thích nghi.

Từ phát triển các nền tảng mới để đáp ứng nhu cầu thực tế

Cuối tháng 8 vừa qua, nền tảng dạy thêm trực tuyến của Việt Nam, Marathon, đã gọi vốn thành công 1,5 triệu USD cho vòng tiền hạt giống (pre-seed) từ các quỹ Forge Ventures, Venturra Discovery, iSeed cùng với sự tham gia các nhà đầu tư thiên thần. Marathon được ra đời vào đầu năm 2021 bởi hai nhà sáng lập là Phạm Đức và Trần Việt Tùng.

Với nguồn vốn này, Marathon sẽ thí điểm dạy các môn toán, lý, hóa cho khối lớp 6-12 trong Chương trình quốc gia của Bộ Giáo dục và Đào tạo với 1-2 nhóm giáo viên và học sinh vào quý IV/2021. Sau đó, startup này sẽ mở rộng ra các môn học chính khóa và ngoại khóa như lập trình, mỹ thuật...

Theo Marathon, hiện phần lớn 18 triệu học sinh, sinh viên Việt Nam vẫn dựa vào việc học thêm để bổ sung kiến thức, cải thiện điểm số trong kỳ và đạt điểm cao trong các kỳ thi chuyển cấp và tuyển sinh đại học. Đặc biệt, khoảng 50% - 70% học sinh khối lớp 12 tham gia các lớp học thêm sau giờ học nhưng thị trường vẫn rất phân mảnh khi hầu hết cũng là các trung tâm quy mô nhỏ và các lớp nhỏ lẻ giáo viên tự mở tại gia.

Trong năm 2020 và 2021, giãn cách xã hội do đại dịch COVID-19 khiến các lớp học thêm trực tiếp phải đóng cửa, làm ảnh hưởng nặng nề tới việc học thêm của học sinh, và thu nhập của những giáo viên tập trung dạy thêm.

Những thực trạng đã tồn tại nhiều năm trên trở thành lý do khiến Phạm Đức và Trần Việt Tùng tìm kiếm một giải pháp học ưu việt hơn cho học sinh Việt Nam. Và Marathon ra đời, nền tảng không chỉ giúp duy trì việc học tập trong giai đoạn thực hiện giãn cách xã hội mà còn giúp học sinh ở các vùng sâu, vùng xa của đất nước được tiếp cận giáo dục bằng đẳng hơn.

Sự trỗi dậy của công nghệ trong lĩnh vực giáo dục (Edtech) ở trong khu vực, cùng nhu cầu học trực tuyến tăng cao đã trở thành động lực chính khiến Phạm Đức tin vào tương lai của doanh nghiệp hoạt động trong giáo dục công nghệ ở Việt Nam. Chỉ riêng tại Việt Nam, trước Marathon đã có 6 công ty Edtech gọi vốn thành công ít nhất 22 triệu USD trong năm 2021. Trước đó, tổng tài trợ vốn cho các edtech Việt trong hai năm 2019 và 2020 đã lên tới 40 triệu USD.

Theo Marathon, tại các trung tâm dạy thêm trực tiếp, một số thách thức đối với người học và người dạy là các lớp thường quá đông, thời khóa biểu không linh hoạt. Các giáo viên thì phải mất nhiều thời gian cho khâu kinh doanh như tuyển sinh, tiếp thị, thu chi và liên lạc với phụ huynh. Những công việc này sẽ ảnh hưởng đến chất lượng khóa đào tạo.

Tuy nhiên, khi giáo viên tham gia Marathon, công việc hành chính sẽ do startup này đảm nhận. Mô hình trực tuyến Edtech này cũng giúp giáo viên tập trung vào nâng cao chất lượng hoạt động giảng dạy và có thể tiếp cận nhiều học sinh hơn, ngay cả ở các thành phố khác. Những giáo viên chuyển từ các trung tâm dạy thêm sang Marathon được cho là có thể tăng thu nhập lên gấp 2-3 lần.

Các quỹ đầu tư vào Marathon trong vòng gọi vốn lần này nhận định, những giáo viên dạy thêm tốt nhất thường đã chứng minh được khả năng mang lại kết quả học tập tốt cho học viên nhưng họ chỉ dạy được quy mô nhỏ ở lớp offline. Thế nên, cơ hội sẽ nằm ở khả năng "chạm" tới hàng ngàn học sinh mọi miền mà không ảnh hưởng tới chất lượng học thông qua công nghệ.

"Tuy chất lượng giáo dục ở Việt Nam đang cao hơn các nước khác tại Đông Nam Á song đa phần học sinh Việt Nam vẫn không có cơ hội được học thêm với các giáo viên tốt nhất cả nước. Chúng tôi tin vào tầm nhìn của Marathon rằng, bằng cách dùng công nghệ để kết nối giáo viên và học sinh, chúng ta có thể đưa các sản phẩm giáo dục với chi phí vừa phải tới mọi miền", ông Raditya Pramana, đại diện quỹ Venturra cho biết.

... Đến những điều chỉnh chính sách kịp thời

Không chỉ trong dạy học, các nền tảng trực tuyến còn đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp các dịch vụ cho người dân trong đại dịch. Trong thời gian qua, Bộ TT&TT đã huy động các nguồn lực khác nhau để xây dựng các nền tảng công nghệ phục vụ công tác phòng, chống và kiểm soát COVID-19. Các nền tảng đã được triển khai bao gồm: Nền tảng khai báo y tế điện tử và quản lý thông tin người ra vào địa điểm công cộng bằng mã QR code, nền tảng quản lý tiêm chủng COVID-19, nền tảng hỗ trợ lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm theo hình thức điện tử trực tuyến, nền tảng hỗ trợ truy vết, kiểm soát dịch...

Bộ TT&TT cũng đã phê duyệt kế hoạch hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử (TMĐT) Postmart và Voso, từ đó thúc đẩy kinh tế số nông nghiệp, nông thôn. Kế hoạch được kỳ vọng cùng với các Bộ chuyên ngành thông qua các sàn TMĐT và nền tảng số cung cấp các thông tin hữu ích cho các hộ sản xuất nông nghiệp như thông tin thị trường nông sản, dự báo nhu cầu và năng lực sản xuất nông sản, thông tin thời tiết, mùa vụ, giống, phân bón...

Cũng trong tháng 8, Bộ TT&TT còn ban hành Chỉ thị 49/CT-BTTTT ngày 18/8/2021 về việc về thúc đẩy phát triển và sử dụng nền tảng số an toàn, lành mạnh. Chỉ thị được kỳ vọng sẽ góp phần tạo dựng niềm tin số và đảm bảo an toàn không gian mạng Việt Nam. 

Trong khi các nền tảng số đã đóng góp quan trọng cho quá trình chuyển đổi số quốc gia, phát triển nền kinh tế số và xã hội số thì việc lộ lọt thông tin, dữ liệu trên các nền tảng số vẫn diễn ra với quy mô ngày càng lớn. Hiện tượng phát tán tin giả, thông tin vi phạm pháp luật, đặc biệt là trên các nền tảng số xuyên biên giới vẫn diễn ra nhiều, gây ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế, văn hóa và hoang mang, lo lắng trong xã hội. Vì vậy, chính phủ yêu cầu các doanh nghiệp chủ quản nền tảng số phát triển các nền tảng có khả năng tự bảo vệ; có các công cụ xử lý, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật trên nền tảng số và tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn thông tin./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
"Bùng nổ" các nền tảng trực tuyến tại Việt Nam: Từ nhu cầu thực tế đến điều chỉnh chính sách
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO