Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước, giao dịch thanh toán qua điện tử liên ngân hàng tăng 41,4% về giá trị và qua hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử tăng 99% về số lượng và 139,8% về giá trị trong 9 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm ngoái.
Thanh toán di động "bùng nổ", Mobile Money nhập cuộc
Thống kê cũng cho thấy, thanh toán trên thiết bị di động tại Việt Nam tăng trưởng mạnh hàng năm, 90% về số lượng và 150% về giá trị, nhiều ngân hàng đạt trên 90% giá trị giao dịch thực hiện trên kênh số.
Chỉ từ tháng 3/2021 đến nay đã có thêm hơn 1,8 triệu tài khoản thanh toán được mở trực tuyến theo phương thức mới eKYC trong số hơn 100 triệu tài khoản thanh toán đang hoạt động tại Việt Nam.
Còn theo khảo sát gần đây của hãng tư vấn McKinsey, người dùng VN được đánh giá có mức độ chấp nhận ngân hàng số, thanh toán số với tốc độ nhanh nhất trong khu vực, tăng 41 điểm phần trăm và đạt 82% trong năm 2021.
Những kết quả trên có được là nhờ các dịch vụ ngân hàng điện tử, ngân hàng số, ví điện tử, thẻ ngân hàng,… phát triển mạnh mẽ.
Các ngân hàng và trung gian thanh toán khác không ngừng đua nhau ứng dụng các công nghệ hiện đại, nâng cao chất lượng dịch vụ, sản phẩm giúp người dân ngày càng ưa chuộng giao dịch thanh toán điện tử hơn.
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có quyết định chấp thuận cấp phép thử nghiệm Mobile Money cho hai nhà mạng lớn tại Việt Nam là VNPT và MobiFone, đưa Việt Nam chính thức trở thành quốc gia có nền tảng thanh toán Mobile Money.
Việc cấp phép triển khai Mobile Money được xem là bước tiến quan trọng trong việc hoàn thiện thị trường thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam, nhất là trong giai đoạn triển khai Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021-2025 của Chính phủ và nghị định thay thế nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt.
Điều đáng nói, với Mobile Money, thuận tiện nhất là người dân chỉ cần thao tác trên điện thoại di động hoặc đến các đại lý, điểm giao dịch gần nhất để thanh toán. Tại những vùng không có Internet, hạ tầng về thanh toán ngân hàng không đáp ứng được nhu cầu của người dân, thì rõ ràng với người dùng điện thoại phổ thông, họ có thể sử dụng tài khoản Mobile Money của mình để thanh toán thông qua tin nhắn SMS.
"Sự tham gia ngày càng nhiều của ngân hàng, các công ty công nghệ và đến nay là các nhà mạng di động làm nóng thị trường thanh toán. Rõ ràng, sự cạnh tranh là không thể tránh khỏi, nhưng sự xuất hiện của những hình thức thanh toán hiện đại sẽ khiến ngành ngân hàng phải thay đổi", luật sư Trương Thanh Đức chia sẻ với Dân Việt.
Thẻ ngân hàng có 'thất sủng'?
Trước làn sóng phát triển mạnh các hình thức thanh toán online, và "miếng bánh" trên thị trường thanh toán sẽ bị cạnh tranh khốc liệt, câu hỏi đặt ra là, vai trò của thẻ ngân hàng trong thanh toán đang dần bị lu mờ, và thậm chí là bước vào thời kỳ "thất sủng"?
Tại Hội thảo về thanh toán không dùng tiền mặt vừa tổ chức, các chuyên gia đều có chung một nhận định cho rằng, Internet Banking, Mobile banking, ví điện tử và tới đâu là Mobile Money sẽ được người dùng ưa chuộng hơn vì sự tiện dụng. Tuy nhiên, thẻ ngân hàng vẫn còn đóng góp một vai trò quan trọng và vẫn chiếm tỷ trọng đáng kể trong các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.
Lãnh đạo một ngân hàng thương mại cũng nói với Dân Việt, người dùng vẫn có xu hướng sử dụng thẻ ngân hàng song hành cùng các ví điện tử, Mobile Money… trong những trường hợp cần thiết như khi đi ra nước ngoài, hay mua hàng hóa bằng thẻ tín dụng.
Dù thích "thích" thanh toán qua Mobile Banking hơn, song chị Vũ Bích Hồng (Hà Nội) cho biết, chưa thể bỏ được thẻ ngân hàng vì vẫn có những trường hợp phải dùng đến thẻ, song đó tần suất sử dụng thẻ đã giảm đi đáng kể so với trước đây.
Còn theo ông Nguyễn Minh Tâm, Phó Tổng Giám đốc Sacombank, thẻ ngân hàng cũng đang dần thay đổi tích cực để phù hợp với xu hướng, chẳng hạn thẻ từ được thay thế bởi thẻ chip, ứng dụng công nghệ không tiếp xúc (contactless), nâng cao khả năng bảo mật, an toàn thông tin.
"Sacombank tập trung phát triển thẻ tín dụng nội địa nhiều nhất là khách hàng ở các tỉnh và nông thôn. Riêng ở thành thị, Sacombank tập trung phát triển cho khách hàng là công nhân khu công nghiệp, những người có thu nhập trung bình và đã được hưởng ứng rất nhiệt tình, góp phần giảm tín dụng đen", ông Tâm cho hay.