Cà Mau tích cực thực hiện Đề án 06, phục vụ chuyển đổi số quốc gia
Tỉnh Cà Mau đang trong quá trình chuẩn hóa, phát triển, xây dựng dữ liệu số, phục vụ cho chuyển đổi số (CĐS). Trong năm 2023, Cà Mau dự kiến sẽ hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) một số ngành đồng thời thúc đẩy kết nối, chia sẻ dữ liệu, cung cấp dữ liệu mở...
Triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ người dân, tổ chức sử dụng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT)
Ðề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Ðề án 06) đang được Cà Mau tích cực thực hiện. Chủ đề của Ðề án 06 trong năm 2023 là “Năm dữ liệu số, tạo lập và khai thác để tạo ra giá trị mới”, vì vậy, tỉnh đang đặt ra các nhóm mục tiêu có liên quan, như mục tiêu về tỷ lệ người dân sử dụng DVCTT; tỷ lệ thanh toán trực tuyến trên Cổng DVC quốc gia; tỷ lệ thanh toán trực tuyến đối với các thủ tục hành chính (TTHC) có yêu cầu nghĩa vụ tài chính; tỷ lệ thanh toán dịch vụ công (DVC) các cơ sở y tế, giáo dục hạng II thanh toán viện phí, học phí hay tỷ lệ hồ sơ đồng bộ lên Cổng DVC quốc gia đạt 100%.
Theo ông Hồ Chí Linh, Giám đốc Trung tâm Giải quyết TTHC tỉnh Cà Mau, nhằm tạo chuyển biến trong thực hiện Ðề án 06 vào giải quyết TTHC, Trung tâm sẽ hỗ trợ các đơn vị, địa phương khi thực hiện TTHC trực tuyến. Các hoạt động hỗ trợ bao gồm hỗ trợ trực tiếp và trực tuyến, tuyên truyền tờ rơi, tập trung nguồn lực hướng dẫn sử dụng 25 DVC thiết yếu của Ðề án 06, đặc biệt là các TTHC gắn liền với khai thác CSDL quốc gia về dân cư như đăng ký xe, hộ chiếu, đất đai…. Trung tâm cũng sẽ thiết kế các clip hướng dẫn toàn bộ giao dịch của 25 DVC này, trong đó nhấn mạnh các lỗi dễ mắc phải trong thực tiễn giao dịch.
Ngoài ra, các lực lượng đoàn viên, thanh niên, tuổi trẻ Cà Mau cũng đã có nhiều hành động hướng dẫn người dân sử dụng DVCTT và thanh toán điện tử, hỗ trợ người dân tải, cài đặt ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt, in ấn mã QR cho các cơ sở kinh doanh, tiệm tạp hoá, tiểu thương…. Người dân cũng được được tuyên truyền và hỗ trợ cài đặt, hướng dẫn sử dụng các ứng dụng như “Công dân số”, “Sổ sức khỏe điện tử”....
Chiến dịch cao điểm 69 ngày đêm “Nâng cao hiệu quả sử dụng DVCTT trên địa bàn tỉnh Cà Mau” vừa kết thúc cũng đã mang lại nhiều kết quả tích cực trong công tác CĐS của tỉnh. Việc triển khai Chiến dịch cao điểm 69 ngày đêm “Nâng cao hiệu quả sử dụng DVCTT trên địa bàn tỉnh Cà Mau” nhằm tập trung nâng cao hiệu quả sử dụng DVCTT trên địa bàn tỉnh, nhất là đối với các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà tỉnh thực hiện chưa đạt yêu cầu hoặc còn thấp so với quy định. Chiến dịch này đã tạo sự chuyển biến đáng kể về việc sử dụng DVCTT trên địa bàn. Không những thế, các hoạt động vừa qua đã giúp tăng cường tính chủ động, sáng tạo, mạnh dạn áp dụng những sáng kiến, giải pháp mới để cải cách hành chính trở thành khâu đột phá trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động quản lý của tỉnh.
Dự kiến công bố danh mục CSDL dùng chung, danh mục dữ liệu mở trong năm 2023
Theo báo cáo thực hiện chính sách, pháp luật về CĐS, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử cho biết CĐS là một xu hướng toàn cầu và cũng là yêu cầu bắt buộc, nên các tổ chức, cá nhân cần nâng cao năng lực quản lý điều hành, phát triển bền vững trong thời đại 4.0. Nhận thức về CĐS của lãnh đạo các cấp trong tỉnh xác định CĐS phải thực hiện đồng bộ trong cả hệ thống chính trị, cần có sự tham gia chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp. Đối với cán bộ, công chức, viên chức, nhận thức về CĐS đã có chuyển biến tích cực theo thời gian. Tuy vậy, CĐS còn phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức, vì vậy cần thực hiện quyết liệt mới đạt hiệu quả cao.
Tỉnh đã triển khai Hệ thống thông tin giải quyết TTHC và cung cấp DVCTT theo Nghị quyết số 42/2022/NĐ-CP của Chính phủ. Đồng thời tỉnh đã ban hành các quyết định công bố danh mục DVCTT toàn trình và một phần với 1.812/1.812 DVCTT, trong đó, có 801 DVCTT toàn trình, chiếm 44,20%, vượt chỉ tiêu giao theo Nghị quyết số 01/NQ-CP là 4,20% và 1.011 DVCTT một phần.
Tỉnh Cà Mau đang trong quá trình chuẩn hóa, phát triển, xây dựng dữ liệu số, phục vụ cho CĐS. Hiện nay, dữ liệu số đang sử dụng và chuẩn hóa gồm có các dữ liệu dân cư, dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức; hệ thống CSDL chuyên ngành phục vụ quản lý, điều hành và phát triển ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn; dữ liệu đất đai; dữ liệu bản đồ quy hoạch sử dụng đất; dữ liệu cơ sở giáo dục đào tạo; dữ liệu về y tế, hồ sơ sức khỏe điện tử công dân….
Trong năm 2023, Cà Mau dự kiến sẽ hoàn thành xây dựng CSDL ngành công thương, ngành xây dựng, ngành giao thông, và dữ liệu về hộ tịch ngành tư pháp. Thời gian tới, nhằm thúc đẩy kết nối, chia sẻ dữ liệu, cung cấp dữ liệu mở, phục vụ CĐS, tỉnh dự kiến sẽ công bố danh mục CSDL dùng chung, danh mục dữ liệu mở trong năm 2023.
Thực hiện Chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế số, xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh đã ban hành Đề án CĐS tỉnh Cà Mau đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ của chiến lược thực hiện tại địa phương đảm bảo thống nhất, đồng bộ trong triển khai thực hiện./.