Cà Mau: xây dựng CQĐT làm nền tảng hướng tới chính quyền số

Đỗ Thêu| 02/08/2022 08:57
Theo dõi ICTVietnam trên

Cà Mau xác định phát triển chính quyền điện tử (CQĐT) làm nền tảng hướng tới chính quyền số (CQS) là nhiệm vụ quan trọng nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp (DN), góp phần cải cách hành chính (CCHC), cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

CaMau-G tích hợp nhiều ứng dụng, thuận lợi cho cả người dân và cơ quan quản lý

CaMau-G là một ứng dụng đại diện cho hệ thống phần mềm CQĐT của tỉnh Cà Mau. Hiện nay, Cà Màu đang tích cực triển khai ứng dụng, từng bước tích hợp các ứng dụng công nghệ thông tin của tỉnh đã triển khai, sẽ triển khai quy về một đầu mối truy cập nhằm hướng tới phục vụ đa dạng người sử dụng dịch vụ công của cơ quan quản lý nhà nước (QLNN). Ứng dụng CaMau-G là kênh kết nối thông tin, tương tác trực tuyến giữa chính quyền với người dân, doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh.

Các ứng dụng, hệ thống thông tin dùng chung triển khai tích hợp lên ứng dụng CaMau-G đều được phân quyền phù hợp với từng đối tượng sử dụng và đảm bảo an toàn thông tin theo cấp độ quy định hiện hành.

Hiện tại, CaMau-G đã tích hợp ứng dụng phản ánh hiện trường nhằm cung cấp giao diện chức năng dành cho người dân, doanh nghiệp trong tỉnh gửi phản ánh, kiến nghị các vấn đề trong xã hội, có thể đính kèm hình ảnh, video, vị trí, thông tin người phản ánh giúp cơ quan xử lý có đủ thông tin để thực hiện nghiệp vụ.

Cà Mau: phát triển chính quyền điện tử làm nền tảng hướng tới chính quyền số - Ảnh 1.

Cà Mau xác định phát triển CQĐT làm nền tảng hướng tới CQS là nhiệm vụ quan trọng

Hệ thống cơ sở dữ liệu ngành nông nghiệp cũng được tích hợp lên CaMau-G để cung cấp các thông tin kiến thức hữu ích, như các chương trình tư vấn trực tuyến, giá cả thị trường nông sản, mô hình sản xuất có hiệu quả, kỹ thuật sản xuất,... phục vụ cho hoạt động sản xuất nông nghiệp (SXNN) của bà con nông dân trong tỉnh và cán bộ lãnh đạo quản lý ngành.

Ứng dụng du lịch Mũi Cà Mau cung cấp thông tin về các điểm đến nổi bật của Cà Mau, thông tin về ẩm thực, khách sạn, các dịch vụ du lịch,...các tiện ích khác cho khách du lịch trong và ngoài nước khi quan tâm đến du lịch miền sông nước Cà Mau.

CaMau-G cũng tích hợp dữ liệu quan trắc môi trường từ các thiết bị quan trắc môi trường nước tự động dưới sự quản lý của Sở Tài nguyên và Môi trường và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cung cấp đến người dân các chỉ số quan trắc môi trường nước để tham khảo, phục vụ nhu cầu SXNN trong tỉnh.

Các tin tức nổi bật từ cổng thông tin điện tử của tỉnh, hệ thống quản lý văn bản và điều hành của tỉnh (iOffice), dữ liệu thống kê về tình hình kinh tế - xã hội, hệ thống Thư viện điện tử, hệ thống tra cứu thông tin về quy hoạch sử dụng đất, giá đất phục vụ nhu cầu tiếp cận thông tin của người dân và DN … đều được tích hợp trên CaMau-G. Thông qua ứng dụng CaMau-G, người dân có thể gửi thông tin phản ánh, kiến nghị đến các cơ quan QLNN về các vấn đề như an ninh trật tự, hạ tầng đô thị, vệ sinh môi trường, y tế - sức khỏe, điện - chiếu sáng, cấp thoát nước, thực hiện dịch vụ công trực tuyến (DVCTT)... góp phần phát triển kinh tế - xã hội ngày càng tốt hơn.

Trong khi đó, cơ quan QLNN có thể nhận được các thông tin phản ánh, kiến nghị tức thời từ người dân, chỉ đạo xử lý kịp thời các vấn đề, đặc biệt là các vấn đề bức xúc tồn tại trong xã hội ảnh hưởng đến đời sống người dân. Ngoài ra, các cơ quan QLNN cũng có thể gửi các thông báo khẩn cấp đến trực tiếp người dân thông qua ứng dụng, khắc phục được tình trạng đối với những thông tin phát hành nhanh nhưng phải mất nhiều thời gian để đến người dân vì thông qua nhiều cấp quản lý (từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã, sau đó mới đến người dân).

Phổ cập kỹ năng số toàn diện cho người dân

Xây dựng, phát triển CQS, Cà Mau đặt trọng tâm thúc đẩy sử dụng DVCTT mức độ 3, 4, thực hiện số hóa hồ sơ, đẩy mạnh ứng dụng chữ ký số chuyên dùng trong văn bản điện tử, chỉ đạo điều hành và xử lý công việc trên môi trường mạng...

Tỉnh chú trọng các hoạt động kết nối, chia sẻ dữ liệu sao cho hiệu quả, thông suốt giữa các cơ quan QLNN, tránh chồng chéo, lãng phí. Danh mục cơ sở dữ liệu dùng chung, danh mục các dịch vụ chia sẻ dữ liệu được công khai, hạn chế cung cấp thông tin qua hình thức văn bản đối với thông tin đã được khai thác qua hình thức kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin của tỉnh.

Cà Mau: phát triển chính quyền điện tử làm nền tảng hướng tới chính quyền số - Ảnh 2.

Xây dựng, phát triển CQS, Cà Mau đặt trọng tâm thúc đẩy sử dụng DVCTT mức độ 3, 4, thực hiện số hóa hồ sơ

Để xây dựng CQĐT thành công, Cà Mau tiến hành phổ cập kỹ năng số toàn diện cho người dân, hình thành một xã hội số công bằng, khai thác tốt tiềm năng, hình thành văn hóa số bằng chính việc sử dụng các nền tảng số quốc gia được ứng dụng rộng rãi trên không gian số.

Trung tâm giải quyết TTHC tỉnh thực hiện tuyên truyền về dịch vụ công trực tuyến bằng hình ảnh trực quan tại trung tâm, tuyên truyền qua Zalo, Facebook hướng dẫn sử dụng DVCTT mức độ 3, 4 cho người dân, DN…

Mới đây, Sở TT&TT Cà Mau đã tổ chức triển khai tập huấn trực tuyến nhằm trang bị kỹ năng ứng dụng số cho các thành viên của Tổ công nghệ số cộng đồng (CNSCĐ) để hướng dẫn lại cho người dân, từ đó lan tỏa trong cộng đồng, dẫn dắt, thúc đẩy người dân quen dần với môi trường số.

"Đây là cuộc tập huấn rất quan trọng và cần thiết, giúp giới thiệu chủ trương chuyển đổi số, chuyển giao kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, thành viên của Tổ CNSCĐ, nhất là cấp xã", ông Trần Quốc Chính, Giám đốc Sở TT&TT Cà Mau nhấn mạnh.

Các thành viên Tổ CNSCĐ được tập huấn về các nhóm nội dung, ứng dụng được tích hợp trên Cà Mau-G và dịch vụ công trực tuyến trên mạng xã hội Zalo. Các nội dung tập huấn bao gồm việc gửi, xem, đánh giá phản ánh hiện trường; thực hiện DVCTT trên thiết bị di động, thay cho máy vi tính, máy quét; hướng dẫn thao tác trên sàn thương mại điện tử như cách đăng ảnh, quảng bá sản phẩm, tạo gian hàng, nhận đơn, đóng gói sản phẩm…

Ngoài ra, Cà Mau triển khai nền tảng học trực tuyến mở về kỹ năng số phù hợp với chuẩn kỹ năng số và khung kỹ năng số quốc gia; Triển khai các chương trình thúc đẩy phát triển công dân số; phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử; hướng tới mỗi người dân trong độ tuổi trưởng thành đều có danh tính số, tài khoản số, phương tiện số để học tập, lao động và giao dịch trên môi trường mạng.

Ông Trần Quốc Chính, Giám đốc Sở TT&TT Cà Mau, cho biết việc triển khai CQĐT sẽ thực hiện tốt hơn vai trò của chính quyền đối với công dân, đồng thời hướng đến CQS, đổi mới mô hình hoạt động, thay đổi quy trình làm việc, thay đổi cách thức cung cấp dịch vụ, cung cấp các dịch vụ mới theo nhu cầu của người dân và DN./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Cà Mau: xây dựng CQĐT làm nền tảng hướng tới chính quyền số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO