Truyền thông

Các biện pháp hỗ trợ DN Việt Nam xuất khẩu: Đẩy mạnh tiềm năng xuất khẩu của đất nước

Anh Minh 10:05 21/09/2023

Từ các chương trình giao lưu, kết nối doanh nghiệp (DN) và tạo cơ hội giới thiệu sản phẩm mới, tuyên truyền các ưu đãi của những hiệp định thương mại tự do, nắm bắt xu thế xanh của thời đại, các cơ quan ban ngành đang nỗ lực hỗ trợ và đẩy mạnh tiềm năng xuất khẩu của đất nước.

Xuất khẩu đóng vai trò quan trọng trong công cuộc phát triển kinh tế của Việt Nam, đó là một cánh cửa mở ra thị trường quốc tế và tạo điều kiện thuận lợi cho DN trong việc tiếp cận nguồn lực, công nghệ và khách hàng mới. Nhằm hỗ trợ DN Việt Nam tăng cường hoạt động xuất khẩu và vượt qua các thách thức, Chính phủ đã đưa ra một số biện pháp hỗ trợ quan trọng.

Hỗ trợ thương mại và thông tin thị trường cho DN

Nhiều chương trình cung cấp các dịch vụ hỗ trợ thương mại và thông tin thị trường đã được các cơ quan chức năng tổ chức để giúp DN Việt Nam nắm bắt thông tin về nhu cầu thị trường, xu hướng và tiềm năng xuất khẩu. Điều này giúp DN tìm kiếm cơ hội mới, nắm bắt xu hướng mới và phát triển sản phẩm và dịch vụ phù hợp với yêu cầu của thị trường quốc tế.

Mới đây, Diễn đàn xuất khẩu 2023 với chủ đề “Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế” đã diễn ra. Sự kiện đã tạo cơ hội để các DN gặp gỡ, giao lưu và trao đổi, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, đặc biệt là thúc đẩy kết nối giữa các DN, kênh phân phối, các nhà nhập khẩu nước ngoài với các DN sản xuất, xuất khẩu trong nước. Ngoài ra, chuỗi chương trình tại Diễn đàn xuất khẩu 2023 cũng góp phần mạnh mẽ thúc đẩy xuất khẩu, phát triển thị trường cho các DN trong nước.

trienlam1(1).jpg
Các hoạt động kết nối cung cầu, hỗ trợ thương mại cho các DN thường xuyên được tổ chức, tạo cơ hội cho các DN giới thiệu sản phẩm, dịch vụ đến đối tác trong và ngoài nước

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết lãnh đạo thành phố nhận thức rõ để kinh tế đất nước tăng trưởng và phát triển bền vững, các hoạt động hỗ trợ cộng đồng DN cần được tổ chức, thành phố sẽ tạo điều kiện để các DN sản xuất có cơ hội giới thiệu sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao và có tính cạnh tranh đến bạn hàng và đối tác.

Ông Võ Văn Hoan cho biết trong thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục tìm hiểu khó khăn thực tế mà các DN gặp phải, nghiên cứu về các yêu cầu tiêu chuẩn xuất khẩu, khả năng đáp ứng của DN, từ đó có giải pháp hỗ trợ cho DN khi tham gia vào chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ toàn cầu, mở rộng phạm vi, thị trường xuất khẩu.

Tuyên truyền, phổ biến mạnh mẽ những ưu đãi của các hiệp định thương mại

Vấn đề hợp tác quốc tế và các thỏa thuận thương mại cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy và hỗ trợ DN xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ ra nước ngoài. Việt Nam đã ký kết nhiều thỏa thuận thương mại tự do và hiệp định hợp tác với các đối tác quốc tế. Điều này giúp DN Việt Nam có lợi thế về thuế và quyền truy cập vào các thị trường quốc tế. Chính phủ cũng thúc đẩy DN tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu và hợp tác với các đối tác quốc tế để tận dụng lợi ích từ các thỏa thuận thương mại và mở rộng khả năng xuất khẩu.

Tháo gỡ khó khăn cho các DN sau đại dịch COVID-19, Bộ Công thương cũng đã có nhiều hoạt động đổi mới công tác về xúc tiến thương mại, tìm kiếm và hướng đến các thị trường mới, nhiều tiềm năng. Những thế mạnh, ưu đãi trong các hiệp định thương mại tự do như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hay Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu-Việt Nam (EVFTA) được tuyên truyền, phổ biến rộng rãi đến các DN.

Thường xuyên theo dõi sát diễn biến của kinh tế thế giới, cập nhật các điều chỉnh chính sách thị trường, đặc biệt những thị trường lớn mà các DN Việt Nam đã và đang hướng tới xuất khẩu, nhờ đó Bộ Công thương có thể kịp thời thông tin đến DN, tham mưu cho Chính phủ để có các phản ứng chính sách phù hợp.

5361336396469397.jpg
Hoạt động xuất khẩu của các DN Việt đang có dấu hiệu phục hồi

Ngoài ra, hiện nay xu hướng tiêu dùng toàn cầu đang hướng đến những sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường, vì vậy DN Việt Nam cần lưu ý nắm bắt và điều chỉnh hoạt động. Xu hướng này đặt ra những tiêu chuẩn, yêu cầu mới, song nó cũng mang lại những cơ hội mở rộng và tăng trưởng cho những DN nhanh nhạy, hướng tới tương lai bằng các mô hình phát triển bền vững. Nhiều chuyên gia cũng nhận định, các DN có thể thích ứng với xu thế phát triển mới sẽ có được những cơ hội lớn. Ngược lại, nếu chỉ làm theo cách cũ và không đáp ứng tiêu chí mới, sẽ không theo kịp với dòng chảy thị trường chung.

Hoạt động xuất khẩu của các DN Việt đã có dấu hiệu phục hồi

Vừa qua, Bộ Công thương cũng đã chủ trì tổ chức Triển Lãm kết nối chuỗi cung ứng quốc tế (Vietnam International Sourcing 2023). Triển lãm nhằm kết nối các DN sản xuất và các nhà xuất khẩu trong nước với các nhà nhập khẩu và mạng lưới phân phối bán lẻ quốc tế. Sự kiện kéo dài 3 ngày và đã có 300 gian hàng trưng bày hơn 5.000 sản phẩm xuất khẩu thuộc nhiều lĩnh vực ngành hàng tham gia, như các sản phẩm điện tử, vật liệu công nghiệp, thực phẩm chế biến, hàng may mặc, dệt may, phụ kiện thời trang ….

Khách tham quan và các nhà triển lãm đã có cơ hội gặp gỡ, kết nối trực tiếp, trao đổi kiến thức và khám phá cơ hội hợp tác kinh doanh với các nhà phân phối và khách mua trong nước và toàn cầu. Trong khuôn khổ sự kiện cũng diễn ra các hội thảo, workshop và diễn đàn phác họa bối cảnh năng động của nền kinh tế thương mại điện tử tại Việt Nam, nhằm cung cấp thông tin và tập huấn, hướng dẫn các DN Việt Nam, nhất là DN vừa và nhỏ, về xu hướng xuất khẩu trực tuyến.

Báo cáo của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam về những diễn biến kinh tế tháng 8/2023 cho thấy hoạt động xuất khẩu của các DN Việt đã có dấu hiệu phục hồi, các chỉ số ghi nhận sự tăng trưởng liên tiếp trong 3 tháng gần đây.

Số liệu của Tổng cục Hải quan công bố tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong nửa cuối tháng 8 đạt hơn 18 tỷ USD, tăng hơn 26% so với 2 tuần đầu của tháng 8.

Tính chung cả tháng 8/2023, hoạt động xuất khẩu đã có nhiều khởi sắc, kim ngạch đạt 32,76 tỷ USD, tăng 9% so với tháng trước. Các nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng là điện thoại các loại và linh kiện tăng 697 triệu USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 222 triệu USD; gạo tăng 184 triệu USD; hàng dệt may tăng 181 triệu USD…

Đặc biệt, xuất khẩu gạo đã đạt hơn 5,8 triệu tấn trong 8 tháng năm nay. Đây là mức xuất khẩu cao nhất từ trước tới nay, đạt trị giá khoảng 3,1 tỷ USD, tăng 36% so với cùng kỳ.

Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhận định tình hình xuất khẩu và tiêu dùng nội địa cải thiện sẽ là các trụ cột quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong nửa cuối năm của đất nước.

Bài liên quan
  • Xuất khẩu nông sản Việt tiếp đà tăng trưởng kinh tế đất nước
    Xuất khẩu nông sản có vai trò quan trọng trong nền kinh tế mỗi quốc gia. Xuất khẩu nông sản đáp ứng nhu cầu ngày càng cao, phong phú và đa dạng của người tiêu dùng, giúp giải quyết công ăn việc làm, nâng cao đời sống của người dân và thúc đẩy phát triển kinh tế của đất nước.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Các biện pháp hỗ trợ DN Việt Nam xuất khẩu: Đẩy mạnh tiềm năng xuất khẩu của đất nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO