Các cơ quan nhà nước cần tăng cường ứng dụng IPv6 trên mạng lưới, dịch vụ

Lan Phương| 28/05/2019 11:01
Theo dõi ICTVietnam trên

Tăng cường triển khai ứng dụng IPv6 trên mạng lưới, dịch vụ của cơ quan nhà nước (CQNN) là nhiệm vụ trọng tâm của Kế hoạch thúc đẩy triển khai IPv6 năm 2019.

Triển khai ứng dụng IPv6 là xu thế bắt buộc

Trước sự bùng nổ của chuyển đổi Internet thế hệ mới IPv6, Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) đã có văn bản gửi đến các Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân (UBND) các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Sở TTTT các tỉnh trên cả nước về tăng cường triển khai ứng dụng IPv6 trên mạng lưới, dịch vụ của CQNN.

Đây cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Kế hoạch thúc đẩy triển khai IPv6 năm 2019 đã được Bộ trưởng Bộ TTTT ban hành theo Quyết định số 733/QĐ-BTTTT ngày 17/5/2019.

Ảnh minh họa

Với tốc độ tăng trưởng trung bình 200% một năm, tỉ lệ truy cập Internet qua IPv6 toàn cầu đã đạt 26% vào cuối tháng 4/2019. Dự báo, đến năm 2020, tỉ lệ ứng dụng IPv6 toàn cầu sẽ đạt khoảng 50% và giao thức IPv4 sẽ dần ngừng hoạt động.

Sau hơn 11 năm thúc đẩy triển khai IPv6, bám sát thực hiện lộ trình Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6, Việt Nam được đánh giá là một trong những nước có kết quả tốt trong triển khai chuyển đổi IPv6. Mạng Internet Việt Nam cũng được ghi nhận chính thức cung cấp trên diện rộng các dịch vụ ứng dụng công nghệ thế hệ mới trên nền tảng IPv6 qua sự kiện Lễ khai trương triển khai cung cấp dịch vụ IPv6 do Ban Ban Công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia tổ chức nhân Ngày IPv6 Việt Nam 2019 vào đầu tháng 5/2019.

Tính đến ngày 20/5/2019, tỉ lệ ứng dụng IPv6 của Việt Nam đạt 35,32% với hơn 8,6 triệu thuê bao cáp quang và 8,5 triệu thuê bao di động sử dụng IPv6. Với kết quả này, Việt Nam đứng thứ 7 trên toàn thế giới, thứ 4 khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đứng thứ 2 khu vực ASEAN về tỉ lệ ứng dụng IPv6.

Để hoàn thành Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6 (thực hiện từ năm 2011 đến năm 2019) với mục tiêu tổng thể “Internet Việt Nam hoạt động an toàn, tin cậy với IPv6 kể từ năm 2019”, ngày 17/5/2019, Bộ trưởng Bộ TTTT đã ban hành Kế hoạch thúc đẩy triển khai IPv6 năm 2019 theo Quyết định số 733/QĐ-BTTTT, trong đó có các mục tiêu chính:

- Thúc đẩy ứng dụng IPv6 trong CQNN và doanh nghiệp (DN) nội dung số;

- Mở rộng triển khai IPv6 trên mạng dịch vụ di động 4G LTE/5G;

- Thúc đẩy triển khai IPv6 cho hệ thống máy chủ tên miền (DNS) của các DN cung cấp dịch vụ Internet; triển khai hỗ trợ IPv6 trong hệ thống máy chủ tên miền và hệ thống cung cấp dịch vụ đăng ký, duy trì tên miền “.VN” của các Nhà đăng ký;

- Tiếp tục thúc đẩy DN chuyển đổi hoàn toàn IPv6 cho thuê bao FTTH; dịch vụ kết nối của ISP; tăng cường lưu lượng kết nối IPv6 qua Trạm trung chuyển lưu lượng Internet quốc gia (VNIX);

- Tăng cường vị thế, hình ảnh, xếp hạng của Việt Nam trong khu vực và thế giới về công tác triển khai ứng dụng IPv6.

Mới có 61/6000 website CQNN hoạt động tốt với IPv6

Trong kế hoạch thúc đẩy chuyển đổi IPv6 năm 2019, tăng cường ứng dụng triển khai IPv6 trong CQNN được coi là nhiệm vụ trọng tâm.

Mặc dù dịch vụ IPv6 đã được các DN triển khai rộng rãi, mức độ ứng dụng triển khai IPv6 trong khối CQNN còn hạn chế. Trong khi người sử dụng Internet tại Việt Nam đã chuyển sang kết nối Internet qua IPv6, phần lớn các cổng thông tin điện tử, dịch vụ công trực tuyến của các CQNN vẫn duy trì sử dụng IPv4.

Theo khảo sát của Ban Công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia vào tháng 5/2019, trong số khoảng 6.000 Website dưới tên miền “.vn” đang hoạt động tốt với IPv6, mới có 61 website của khối CQNN.

Theo Ban công tác, đây là điều chưa phù hợp với xu thế quốc tế khi các quốc gia khác đều đưa công tác chuyển đổi IPv6 trong mạng lưới, dịch vụ của CQNN lên làm nhiệm vụ trọng tâm. Tại Mỹ, tiêu chuẩn về triển khai IPv6 trong mạng lưới và ứng dụng CNTT của CQNN được công bố từ năm 2008. Tại Trung Quốc, tỉ lệ website CQNN hoạt động với IPv6 là trên 67,7%; còn ở Malaysia là trên 50%.

Tăng cường ứng dụng IPv6 trong CQNN

Nhằm đảm bảo kết nối Internet thông suốt, an toàn cho hệ thống mạng lưới, dịch vụ của CQNN, trong văn bản gửi tới các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ TTTT đã đề nghị tăng cường hoạt động triển khai ứng dụng IPv6 trên mạng lưới, dịch vụ của đơn vị, thông qua các hoạt động:

- Xây dựng đề án chuyển đổi IPv6 trong hạ tầng mạng lưới, dịch vụ phù hợp với Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6 và phù hợp với kế hoạch phát triển chính phủ điện tử (CPĐT), thành phố thông minh tại địa bàn: bổ sung hạng mục về IPv6 trong các đề án ứng dụng CNTT; đầu tư, mua sắm các thiết bị mới có hỗ trợ công nghệ IPv6; yêu cầu hỗ trợ IPv6 đối với các dịch vụ ứng dụng CNTT thuê ngoài,…

- Kích hoạt hỗ trợ IPv6 trên Website chính và cổng thông tin điện tử của đơn vị;

- Triển khai chuyển đổi mạng lưới và dịch vụ sang hỗ trợ IPv4/IPv6, đặc biệt là triển khai IPv6 trong hệ thống chính phủ điện tử và mạng lưới cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4.

Việc thúc đẩy ứng dụng triển khai IPv6 trên mạng lưới, dịch vụ của các CQNN là yêu cầu tất yếu cho việc xây dựng và phát triển CPĐT và thành phố thông minh.

Để trang bị và hỗ trợ các CQNN về nhân lực, kiến thức, trong thời gian vừa qua, Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) - Thường trực Ban Công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia đã tổ chức các khóa tập huấn, đào tạo về IPv6, gần đây nhất là chương trình đào tạo về IPv6 cho các tổ chức, CQNN khu vực phía Bắc trong hai ngày 07/5 và 08/5/2019.

Trong thời gian tới, VNNIC sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động trong chương trình tổng thể về Hỗ trợ triển khai IPv6 cho CQNN (https://vnnic.vn/IPv6ForGov). Chương trình hỗ trợ về kiến thức, kế hoạch, triển khai các hoạt động cần thiết để ứng dụng IPv6 cho hệ thống, mạng lưới, dịch vụ, đảm bảo yêu cầu về bảo mật và đáp ứng công nghệ Internet thế hệ mới.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Bộ KH&CN ban hành Thông tư đầu tiên sau sau hợp nhất
    Ngày 31/3/2025, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã ban hành Thông tư số 01/2025/TT-BKHCN về việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư số 08/2021/TT-BTTTT ngày 14/10/2021 quy định Danh mục thiết bị vô tuyến điện được miễn giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện, điều kiện kỹ thuật và khai thác kèm theo.
  • Bảo đảm an toàn dữ liệu người sử dụng dịch vụ bưu chính là ưu tiên hàng đầu
    Mới đây, Bộ KH&CN vừa phát hành văn bản số 509/KHCN-BC gửi các doanh nghiệp bưu chính về việc tăng cường công tác bảo đảm an toàn dữ liệu người sử dụng dịch vụ bưu chính.
  • Tăng cường huy động nguồn lực KOLs trong hoạt động thông tin đối ngoại
    Năm 2024, Cục Thông tin đối ngoại (TTĐN) đã thành công việc đưa TTĐN lên không gian mới - không gian mạng - với nhiều kết quả đáng ghi nhận. Trong đó, có việc thí điểm thành công trong huy động những người có ảnh hưởng lớn trên mạng xã hội (MXH) cùng chung tay trong thực hiện nhiệm vụ cơ bản thứ hai của TTĐN đó là quảng bá hình ảnh quốc gia.
  • Tác giả Nhật Bản với những ý tưởng lôi cuốn trẻ đọc sách
    Với máy ảnh bằng bìa giấy, các món đồ chơi hết sức đơn giản bằng kẹp quần áo và giấy màu…, tác giả Yuichi Kimura với mái đầu bạc phơ đã khiến cho khoảng 20 em nhỏ ở nhiều lứa tuổi quên hẳn đi những thiết bị điện tử, game hay những trò giải trí cuốn hút khác từ công nghệ.
  • Microsoft và 15 cột mốc định hình tầm nhìn về AI
    Gã khổng lồ công nghệ Microsoft sắp bước qua cột mốc 50 năm thành lập với nhiều thách thức trong thời đại trí tuệ nhân tạo (AI). Hãy cùng khám phá cách Microsoft sẽ phát triển nền tảng, công cụ và cơ sở hạ tầng AI cho tương lai.
Đừng bỏ lỡ
Các cơ quan nhà nước cần tăng cường ứng dụng IPv6 trên mạng lưới, dịch vụ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO