Các cơ quan xác định vướng mắc để đẩy nhanh thanh toán điện tử

PV| 29/04/2020 14:31
Theo dõi ICTVietnam trên

Trong thời gian qua dịch COVID-19 đã mang đến thách thức lớn nhưng cũng là cơ hội để đẩy mạnh chuyển đổi số, thương mại điện tử (TMĐT) và xử lý văn bản trên môi trường điện tử.

Số lượng hồ sơ trực tuyến tăng trong thời điểm dịch COVID-19

Sáng 29/4, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng chủ trì cuộc họp với Bộ Giao thông vận tải (GTVT) và các cơ quan liên quan về việc triển khai thực hiện thanh toán trực tuyến đối với nộp phạt xử lý vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông đường bộ, thuế, lệ phí trước bạ và cấp, đổi, giấy phép lái xe do ngành GTVT.

Các cơ quan xác định vướng mắc để đẩy nhanh thanh toán điện tử - Ảnh 1.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng phát biểu tại cuộc họp.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, trong thời gian qua dịch COVID-19 đã mang đến thách thức lớn nhưng cũng là cơ hội để chúng ta đẩy mạnh chuyển đổi số, TMĐT, đẩy mạnh xử lý văn bản trên môi trường điện tử. Trong đó, từ khi khai trương đến 12h ngày 28/4/2020 đã có trên 130.850 tài khoản đăng ký trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia (DVCQG); hơn 32,8 triệu lượt truy cập tìm hiểu thông tin, dịch vụ; tiếp nhận, xử lý trên 9.800 cuộc gọi tới Tổng đài và trên 5.200 phản ánh, kiến nghị.

Trong hơn một tháng (tính từ Hội nghị sơ kết vào 13/3/2020), số lượng hồ sơ trực tuyến được thực hiện từ Cổng DVCQG tăng gần 32.000 hồ sơ, gấp 3,3 lần so với số lượng hồ sơ đã tiếp nhận từ khi khai trương đến 13/3/2020 (trung bình mỗi ngày Cổng DVCQG tiếp nhận, xử lý khoảng gần 1.400 hồ sơ trực tuyến).

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP, số lượng hồ sơ trực tuyến trong thời gian diễn ra dịch COVID-19 tăng rất mạnh cho thấy sự phối hợp, cố gắng của tất cả các ngành, địa phương trong việc đẩy mạnh dịch vụ công trên Cổng DVCQG.

Tuy nhiên, thực tế đến nay tỷ lệ thanh toán trực tuyến đối với các lĩnh vực nêu trên còn thấp. Vì vậy, theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP, các cơ quan cần xác định vướng mắc gì để đẩy nhanh thực hiện thanh toán điện tử theo hướng Bộ nào, cơ quan nào chủ trì nội dung nào thì phải nỗ lực từ ngay chính từ đơn vị, không làm thay chức năng của đơn vị khác.

Mới có 5 trường hợp nộp phạt trực truyến

Tại cuộc họp, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC) - VPCP Ngô Hải Phan nêu ý kiến, dư luận xã hội hiện rất quan tâm đến tình hình, kết quả thực hiện thanh toán trực tuyến đối với nộp phạt xử lý vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông đường bộ.

Các cơ quan xác định vướng mắc để đẩy nhanh thanh toán điện tử - Ảnh 2.

Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC - VPCP Ngô Hải Phan nêu ý kiến

Đến ngày 13/3/2020, việc thanh toán trực tuyến đối với thu tiền xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông đường bộ thuộc thẩm quyền xử phạt của cảnh sát giao thông đã được đưa vào triển khai thực hiện thí điểm tại 5 địa phương: TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, TP. Hải Phòng, TP. Đà Nẵng và Bình Thuận.

Đến ngày 27/4/2020, đã có trên 6.100 lượt truy cập Cổng DVCQG để tìm kiếm về thông tin quyết định xử phạt phục vụ thực hiện thanh toán trực tuyến. Tuy nhiên, số lượng tìm kiếm không ra kết quả là trên 6.000 trường hợp (chiếm 97,2%), chỉ có 170 trường hợp có kết quả từ dữ liệu của cảnh sát giao thông (chiếm 2,8%).

"Vì vậy, số lượng thực hiện thanh toán trực tuyến trên DVCQG rất thấp, chỉ có 5 trường hợp (05/170, chiếm 3%)", ông Ngô Hải Phan cho biết.

Nguyên nhân chính dẫn đến kết quả thực hiện còn hạn chế được ông Ngô Hải Phan nêu là phạm vi thực hiện thí điểm tại 5 địa phương có số lượng xử phạt lớn nhưng chỉ thực hiện đối với quyết định xử phạt từ cấp phòng trở lên nên số lượng đối tượng thuộc trường hợp này còn ít. Hơn nữa, cá nhân, tổ chức cũng khó phân biệt được trường hợp của họ thuộc thẩm quyền xử phạt của ai nên gây khó khăn trong tra cứu, thực hiện.

Ngoài ra, việc tổ chức thực hiện ở 5 địa phương thí điểm còn chưa theo đúng quy định, nhất là việc cập nhật biên bản và quyết định xử phạt trên phần mềm xử lý vi phạm của cảnh sát giao thông.

Đối với kết quả thực hiện thanh toán trực tuyến lệ phí trước bạ, ngày 13/3/2020, việc thanh toán trực tuyến lệ phí trước bạ xe ô tô, xe gắn máy đã được tích hợp, cung cấp trên Cổng DVCQG với phạm vi thí điểm tại TP. Hồ Chí Minh và TP. Hà Nội. Đến nay, mới phát sinh 5 trường hợp thực hiện thanh toán trực tuyến lệ phí trước bạ.

Nguyên nhân là trong giai đoạn đầu, một số trường hợp đã thanh toán trực tuyến trên Cổng và đã được cấp chứng từ ký số điện tử của ngân hàng thương mại nhưng một số cơ quan cảnh sát giao thông khi đăng ký xe không chấp nhận chứng từ điện tử, còn yêu cầu người dân đi xin xác nhận hoặc có chứng từ dấu đỏ của ngân hàng. 

Bên cạnh đó, số lượng ngân hàng thương mại tích hợp để cung cấp dịch vụ này còn ít. Khi đưa vào triển khai chỉ có Vietcombank; đến ngày 20/4/2020, mới có thêm Vietinbank; hiện nay Agribank đang trong giai đoạn kiểm thử.

Thống nhất mẫu khai dùng trong khi thanh toán

Theo ông Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Bộ GTVT, qua theo dõi mấy tháng qua, Bộ nhận thấy tỷ lệ sử dụng dịch vụ trực tuyến trong lĩnh vực GTVT tăng, chiếm trên 68% trong khi những năm trước chỉ 35%. Kết quả này là do thời điểm dịch COVID-19 người dân tăng cường sử dụng dịch vụ trực tuyến.

Về việc triển khai xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ đã được Bộ xây dựng xong hệ thống kết nối với Cổng DVCQG. Theo ông Nguyễn Ngọc Đông, thống kê Cục Kiểm soát TTHC nêu có 170 quyết định xử phạt trên hệ thống cũng là do thời gian qua một phần do dịch COVID-19 nên việc đi lại giảm. Tuy nhiên tỷ lệ nộp phạt trực tuyến vẫn thấp, người vi phạm vẫn đến kho bạc nộp phạt.

Giải pháp đặt ra là Bộ GTVT sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, truyền thông đến người dân; gắn trách nhiệm đối với người xử phạt; tiếp tục theo dõi, đánh giá để đến 30/6 cơ bản vận hành hệ thống này.

Các cơ quan xác định vướng mắc để đẩy nhanh thanh toán điện tử - Ảnh 3.

Toàn cảnh cuộc họp

Cục Cảnh sát Giao thông đường bộ cho biết, đến nay đơn vị đã đưa 1.903 quyết định xử phạt lên Cổng DVCQG, số người dân đóng tiền xử phạt trực tuyến có 5 trường hợp, có 441 người dân trực tiếp nộp tại Kho bạc Nhà nước và mang biên lai đến cảnh sát giao thông, còn lại trên 1.000 trường hợp chưa nộp phạt.

Hiện đơn vị đang hoàn thiện dữ liệu thông tin đến 30/6 triển khai đồng bộ để hoàn thiện phần mềm xử phạt, thực hiện đồng bộ đến các phòng cảnh sát giao thông của 63 tỉnh/thành phố.

Tổng cục Thuế cho biết, đơn vị nhận thức được để đẩy mạnh thanh toán trực tuyến thì cần hỗ trợ người dân. Đơn vị đã có công văn gửi Cục Cảnh sát giao thông để cử đầu mối nghiệp vụ, kỹ thuật, phối hợp xử lý vướng mắc trong quá trình triển khai; đề xuất giữa 2 bên có phối hợp để xử lý kịp thời vướng mắc ngay trong ngày. Đơn vị cũng sẽ tăng cường tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế bằng cách đặt máy tính tại các điểm hồ sơ khai và yêu cầu cán bộ hướng dẫn người dân ngay tại điểm nộp.

Đại điện Vietcombank, Vietinbank, Agribank cho rằng vấn đề lớn nhất là phối hợp truyền thông cho người dân để người dân thấy rằng thanh toán trực tuyến qua Cổng DVCQG là an toàn, thông tin bảo mật. Cụ thể là phối hợp giữa các ngân hàng và các đơn vị triển khai cụ thể như Tổng cục Thuế, Cục Cảnh sát giao thông đường bộ... Như vậy, các ngân hàng có thể đồng hành tuyên truyền về DVC theo phương thức của mỗi đơn vị, thống nhất, chuẩn hóa thông tin để có lộ trình truyền thông tại mỗi chi nhánh.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng trân trọng cảm ơn Bộ GTVT cùng các cơ quan liên quan, các ngân hàng thương mại, các trung gian thanh toán trực tuyến như ví điện tử MOMO, VNPay đã tích cực phối hợp triển khai nhiệm vụ trong thời gian qua.

Để việc nộp phạt trực tuyến triển khai thực hiện toàn quốc trước 30/6/2020 đúng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP nhấn mạnh VPCP và các Bộ, cơ quan cần quyết tâm thực hiện theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tiếp tục đẩy mạnh dịch vụ công trên Cổng DVCQG, đẩy mạnh thanh toán trực tuyến, hạn chế dùng tiền mặt.

Bên cạnh đó, các đơn vị cần tập trung xây dựng dữ liệu dùng chung; các dữ liệu dùng chung này phải kết nối, chia sẻ giữa các cơ quan liên quan; việc kết nối này phải theo nguyên tắc người dân chỉ cần kê khai một lần khi làm thủ tục thanh toán. 

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP cho rằng việc triển khai vẫn vướng về quy trình TTHC, vì vậy cần rà soát để chuẩn hóa dịch vụ công tại các Bộ, địa phương; chuẩn hóa thống nhất mẫu khai, đặc biệt là form điện tử dùng chung và giao Cục Kiểm soát TTHC (VPCP) chủ trì phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan để có mẫu khai dùng chung trước ngày 10/5.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Báo chí quốc tế viết gì về Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024?
    Sự kiện Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2024 thu hút sự chú ý trong - ngoài nước và cả nhiều cơ quan truyền thông quốc tế.
  • “AI như là một chiếc gương đen”
    Bài báo "AI is the Black Mirror" của Philip Ball cung cấp một cái nhìn chi tiết về trí tuệ nhân tạo (AI) và tác động của nó đến nhận thức con người.
  • Chất lượng thông tin báo chí về kinh tế - Vai trò, yêu cầu thước đo và giải pháp cần có
    Báo chí kinh tế cần là diễn đàn thực thụ cho doanh nghiệp, không chỉ cung cấp thông tin. Thông tin cần chính xác và kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp trong điều chỉnh chiến lược kinh doanh.
  • Những “ngọn đuốc” ở bản
    Ở Tuyên Quang, người có uy tín là những người đi đầu thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con dân tộc thiểu số (DTTS). Họ như những “ngọn đuốc” đi trước, thắp sáng, lan tỏa tinh thần trách nhiệm, nêu gương với cộng đồng. Gương mẫu, uy tín, những người có uy tín đã và đang góp sức xây dựng bản làng, thôn xóm ngày càng ấm no, giàu mạnh.
  • 5 lý do để tăng cường bảo mật mạng
    Các chương trình an ninh mạng đã phát triển đáng kể trong vài thập kỷ qua. Sự ra đời của điện toán đám mây đã phá vỡ ranh giới an ninh mạng thông thường của của các doanh nghiệp, buộc các tổ chức phải liên tục cập nhật những chiến lược phòng thủ của mình.
Đừng bỏ lỡ
Các cơ quan xác định vướng mắc để đẩy nhanh thanh toán điện tử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO