Các cửa hàng ở Italy sau cách ly: Không biết bán cho ai, không có lợi nhuận nhưng vẫn phải trả tiền mặt bằng, hoạt động kinh doanh 'lơ lửng' trong thời gian dài

Lục Lam| 25/04/2020 11:24
Theo dõi ICTVietnam trên

Tại Italy, các chủ tiệm sách, nhân viên văn phòng và các thợ làm nghề thủ công đã bắt đầu quay lại làm việc sau một thời gian phong toả. Trong bối cảnh đó, cảm giác chung của những người này là vừa lo lắng, vừa có chút hy vọng rằng hoạt động kinh doanh sẽ quay trở lại bình thường.

Lệnh hạn chế được áp dụng trên cả nước đã gây ảnh hưởng đáng kể đối với nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), nhiều trong số đó là các công ty gia đình và được truyền nghề từ thế hệ này qua thế hệ khác. Họ đã nhiều lần chứng kiến những giai đoạn biến động của nền kinh tế. Nhưng sau Covid-19, các chủ doanh nghiệp đều biết rằng phải mất nhiều thời gian để hoạt động kinh doanh của họ, cũng như thói quen mua sắm của người tiêu dùng, mới hồi phục như trước đây. 

Paola – đồng sở hữu tiệm sách Open Door tại Rome cùng chị gái, chia sẻ: "Dù tình hình sẽ rất khó khăn, nhưngtôi  rất vui khi có thể mở cửa trở lại. Không có ai đến quanh đây, khi các biện pháp hạn chế đang gây ảnh hưởng đến những cửa hàng nhỏ như chúng tôi. Chắc chắn, mọi thứ sẽ không như trước đây." Paola cho biết họ không có thu nhập dù vẫn phải chi trả tiền thuê mặt bằng trong thời gian này. 

Ngoài ra, các doanh nghiệp gia đình cũng đóng vai trò quan trọng, khi các SME được nhiều người coi là "xương sống" đối với nền kinh tế Italy. SME tạo ra 66,9% tổng giá trị gia tăng trong "nền kinh tế kinh doanh phi tài chính" của nước này, cao hơn so với mức trung bình của EU là 56,4%, theo số liệu của năm ngoái. Trong khi đó, tỷ lệ việc làm mà SME tạo ra vào năm ngoái là 78,1%, trong khi EU là 66,6%. Các công ty siêu nhỏ (với khoảng 9 nhân sự) cũng đặc biệt quan trọng khi tạo ra 44,9% việc làm, cao hơn EU là 29,7%.

Tuy nhiên, các SME của Italy đang đối mặt với một thách thức lớn, khi tăng trưởng kinh tế nước này được dự doán sẽ giảm 9,1% trong năm 2020 do ảnh hưởng từ dịch bệnh, theo dự báo mới nhất của IMF.

Francesca Anichini chia sẻ, chỉ có những doanh nghiệp và chủ doanh nghiệp có tiềm lực mạnh nhất mới có thể vượt qua giai đoạn khó khăn trước mắt. Francesca và chị gái cùng kinh doanh cửa hàng may đo trang phục cho trẻ em A.Anichini tại trung tâm Florence. Cửa hàng này thuộc sở hữu của gia đình chị trong 4 thế hệ kể từ năm 1912. Francesca cho biết chị và chị gái khá may mắn khi có đủ năng lực để vượt qua khó khăn này, nhưng những doanh nghiệp nhỏ khác đang bất chấp rủi ro khi cân nhắc mở cửa trở lại. 

Giống như nhiều cửa hàng khác ở trung tâm Florence, A.Anichini có rất nhiều khách hàng là khách du lịch, cũng như những người tìm kiếm trang phục mặc vào dịp lễ cho trẻ em. Các hoạt động không thiết yếu, gồm lễ hội hay sự kiện đặc biệt, đang bị cấm trong thời gian này, đồng nghĩa với việc nhu cầu đối với các trang phục may đo của cửa hàng Francesca sẽ sụt giảm.

Chị chia sẻ: "Đây là những điều mà các nhà chức trách, dịch tễ học đã nhắc đi nhắc lại, rằng chúng tôi sẽ phải làm quen với cuộc sống ‘lơ lửng’ như vậy trong một thời gian dài, phải chờ đợi đến khi tìm ra vắc-xin. Chúng tôi rất lo lắng, nhưng cố gắng không nghĩ về nó và những vấn đề phát sinh mỗi ngày."

Rất nhiều SME của Italy phụ thuộc vào khách du lịch. Tuy nhiên, việc di chuyển bằng đường hàng không hiện vẫn bị đình chỉ và người dân trên khắp thế giới lo ngại về đại dịch, rất ít khả năng khách du lịch sẽ sớm quay trở lại những điểm đến nổi tiếng như Rome, Venice hay Frolence.

Không có khách du lịch thực sự là một nỗi lo lớn đối với Il Papiro – một công ty kinh doanh đồ thủ công tại Florence được sáng lập năm 1976. Il Papiro sử dụng các kỹ thuật truyền thống từ Tuscan để sản xuất giấy trang trí thủ công, nhật ký và đồ lưu niệm. Hiện tại, công ty này đang chuẩn bị mở cửa một số cửa hàng ở các trung tâm du lịch Florence, Rome, Venice, Siena và Cortona.

Maria Rottoli – giám đốc marketing và bán buôn của công ty, cho biết: "Khách hàng của Il Papiro hầu hết là khách du lịch, do đó chúng tôi cho rằng công việc kinh doanh sẽ rất chậm chạp khi mở cửa trở lại. Chúng tôi hy vọng mọi việc có thể trở lại bình thường sớm nhất có thể để đón tiếp, quảng bá hình ảnh văn hoá của chúng tôi đến du khách." 

Tham khảo CNBC


Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Các cửa hàng ở Italy sau cách ly: Không biết bán cho ai, không có lợi nhuận nhưng vẫn phải trả tiền mặt bằng, hoạt động kinh doanh 'lơ lửng' trong thời gian dài
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO