Các doanh nghiệp Trung ương là đầu tàu CĐS quốc gia

Lan Phương| 20/04/2021 08:49
Theo dõi ICTVietnam trên

Đây là mong muốn mà các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp (DN) công nghệ đóng góp cho Đề án thực hiện chuyển đổi số (CĐS) tại các doanh nghiệp Trung ương (DN TW) đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Xây dựng Nghị quyết CĐS tại các DN Trung ương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030

Triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ khối cơ quan DN Trung ương lần thứ III, Bí thư Đảng ủy khối DN Trung ương Y Thanh Hà Nie Kđăm cho biết Ban Thường vụ Đảng ủy khối đã ban hành Nghị quyết số 05 ngày 8/3/2021 về xây dựng Nghị quyết chuyên đề của BCH Đảng ủy khối về thực hiện CĐS các DN, đơn vị trong Khối DN TW đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Các doanh nghiệp Trung ương là đầu tàu CĐS quốc gia - Ảnh 1.

Bí thư Y Thanh Hà Nie Kđăm: Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã chỉ ra định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030, trong đó khẳng định đẩy mạnh CĐS quốc gia, phát triển kinh tế số

Bí thư Y Thanh Hà Nie Kđăm nhấn mạnh: "Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã chỉ ra định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030, trong đó khẳng định đẩy mạnh CĐS quốc gia, phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, gắn kết hài hoà, hiệu quả thị trường trong nước và quốc tế".

Trong 6 nhiệm vụ trọng tâm và 3 đột phá của đất nước, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII của Đảng cũng nhấn mạnh đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo nhất là những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0, thực hiện CĐS quốc gia, kinh tế số, nâng cao năng suất chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

"CĐS là vấn đề mới, nội hàm phức tạp và có tầm quan trọng đặc biệt đối với các DN, ngân hàng trong Khối. Vì vậy, Nghị quyết của Ban chấp hành Đảng bộ Khối về "Thực hiện CĐS tại các DN, đơn vị trong Khối DN Trung ương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" phải phù hợp với xu thế quốc tế, đáp ứng mục tiêu, sứ mệnh, khẳng định vai trò dẫn dắt nòng cốt của các DN, ngân hàng trong Khối", Bí thư Y Thanh Hà Nie Kđăm nêu rõ.

CĐS là nhu cầu tự thân, mang tính sống còn của DN

Ông Phạm Tấn Công, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Khối DN Trung ương, Tổ trưởng Tổ Biên tập Đề án cho biết: CĐS là khái niệm mở, ra đời và là bước nối tiếp của quá trình phát triển ứng dụng CNTT sâu rộng trong xã hội loài người, bắt đầu từ tin học hoá, rồi số hoá, ứng dụng số hóa và nay là CĐS.

Với các DN, theo ông Phạm Tấn Công, CĐS đem lại các cơ hội phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động, tính cạnh tranh với nhiều lợi ích thiết thực như cắt giảm chi phí vận hành, tiếp cận được nhiều khách hàng hơn trong thời gian dài hơn, lãnh đạo ra quyết định nhanh chóng và chính xác hơn nhờ hệ thống báo cáo thông suốt kịp thời, tối ưu hóa được năng suất làm việc của nhân viên…

"CĐS không phải là mục tiêu, nhưng là công cụ để thay đổi căn bản cách thức vận hành, mô hình kinh doanh và cung cấp các giá trị mới cho khách hàng của DN, tạo nền tảng để DN phát triển bền vững. Với một số lĩnh vực kinh doanh như tài chính - ngân hàng, vận tải hàng không, viễn thông và CNTT, năng lượng, sản xuất công nghiệp… CĐS hiện nay là nhu cầu tự thân và là yêu cầu mang tính sống còn đối với DN".

Đảng bộ Khối DN Trung ương là cấp ủy trực thuộc Ban chấp hành Trung ương, bao gồm 33 đảng bộ các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng và 2 đảng bộ cơ quan. Các DN trong Khối là những tập đoàn, Tổng công ty, ngân hàng có quy mô lớn, là lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước, là công cụ quan trọng để bảo đảm thực hiện có hiệu quả các chính sách ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát, ứng phó với những biến động thị trường, đảm bảo an ninh lương thực, an ninh năng lượng quốc gia; tạo nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước; góp phần bảo đảm quốc phòng – an ninh, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta.

Theo phân tích của Phó Bí thư thường trực Đảng ủy Khối DN Trung ương, mỗi tập đoàn, mỗi ngân hàng trong Khối đều có tập khách hàng là hàng triệu, hàng chục triệu tổ chức và cá nhân. Do đó, khi thực hiện CĐS các đơn vị sẽ tạo ra một hệ sinh thái số, vừa phục vụ nhu cầu phát triển của DN, vừa phục vụ nhiệm vụ dẫn dắt ngành, vừa góp phần quan trọng xây dựng kinh tế số và xã hội số của đất nước.

Nhận thức được tầm quan trọng của CĐS, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Khối lần thứ III, nhiệm kỳ 2020 – 2025 xác định nhiệm vụ "Phấn đấu mỗi tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng thực sự là một trung tâm đổi mới sáng tạo. Chủ động dẫn dắt, tích cực tham gia và đi đầu chuyển đổi nền kinh tế số, tập trung phát triển những ngành công nghiệp nền tảng, nâng cao tính tự chủ của DN trong nền kinh tế".

Chương trình công tác nhiệm kỳ 2020 - 2025 của Ban chấp hành Đảng bộ Khối cũng đã đề ra nhiệm vụ trong năm 2021 là ban hành Nghị quyết chuyên đề của Đảng ủy Khối về "Thực hiện CĐS tại các DN, đơn vị trong Khối DN Trung ương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Để thực hiện, Ban Thường vụ Đảng ủy Khối đã ban hành Kế hoạch và thành lập Tổ biên tập, Tổ giúp việc xây dựng Đề án, xây dựng dự thảo Nghị quyết chuyên đề về CĐS. Tất cả 35 đơn vị trong Khối đã xây dựng báo cáo đánh giá về tình hình ứng dụng CNTT và mức độ trưởng thành CĐS của DN, đồng thời Tổ biên tập đã tiến hành khảo sát sâu, trực tiếp tại 09 đơn vị là: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCB), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Bảo Việt, Tập đoàn Cao su, Petrolimex, VNPT, Vietnam Airlines (VNA), Tập đoàn dầu khí (PVN).

Các doanh nghiệp Trung ương là đầu tàu CĐS quốc gia - Ảnh 2.

Toàn cảnh Hội thảo

Theo ông Phạm Đức Long, Bí thư, Chủ tịch Tập đoàn VNPT, Tổ phó Tổ biên tập Đề án, Đề án nhằm cung cấp các luận cứ khoa học và thực tiễn để trình Ban chấp hành Đảng bộ Khối ban hành Nghị quyết "Thực hiện CĐS tại các DN, đơn vị trong Khối DN Trung ương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030". Trên cơ sở Nghị quyết, các đảng ủy trực thuộc lãnh đạo, chỉ đạo các DN, đơn vị trong Khối cụ thể hóa thành các chiến lược, chương trình, kế hoạch hành động cụ thể để triển khai thực hiện.

Nghị quyết chuyên đề cần bám sát Nghị quyết 52 và Chương trình CĐS quốc gia

Tham luận ý kiến cho Đề án, TS. Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết: Nghị quyết phải bám sát Nghị quyết 52 và Chương trình CĐS quốc gia và căn cứ vào thực trạng, vai trò của các DN trong Khối cũng như các yêu cầu phát triển trong thời gian tới để cụ thể hóa và đặc trưng hóa thành các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu CĐS của các DN trong Khối.

Nghị quyết cũng cần thể hiện đúng tính chất của Nghị quyết của một Đảng ủy Trung ương, phải có tính chính trị và định hướng cho các DN trong Đảng ủy Khối. Trên cơ sở Nghị quyết này, các Đảng ủy DN sẽ cụ thể thành các Nghị quyết, chương trình hành động riêng. Cần xác định được các ưu tiên trong CĐS của của từng ngành/lĩnh vực. Nghị quyết không thể và không nên là 1 bản hướng dẫn hay 1 mẫu, công thức chung cho các DN trong Khối vì từng DN, lĩnh vực sẽ khác nhau.

Đồng quan điểm, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch HĐTV Agribank Phạm Đức Ấn cho biết CĐS là nhu cầu sống còn của DN, đặc biệt đối với ngân hàng. Từ cuối năm 2020, Agribank đã có nghị quyết về việc CĐS.

"Nghị quyết của của Ban chấp hành Đảng bộ Khối DN Trung ương phải mang tính chính trị và giao nhiệm vụ cho người đứng đầu. Công nghệ số hiện nay thay đổi rất nhanh. Ngân hàng nhà nước như Agribank rất muốn dám làm, dám đầu tư công nghệ mới để đáp ứng sự phát triển nhanh chóng nhưng hiện các quy định vẫn chưa thể đáp ứng.

Quyết tâm chính trị lớn nhưng để thực hiện được cần cơ chế, quy định pháp lý rõ ràng mới thực hiện được. Theo đó, DNNN mới dẫn dắt đầu tàu được. Agribank đã nhận thức sâu sắc và nỗ lực để thực hiện CĐS", Chủ tịch Agribank cho biết.

Theo ông Nguyễn Trọng Đường, Cục Tin học hoá, Bộ TT&TT, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã nhấn mạnh phát triển kinh tế số, trong đó lực lượng đóng góp phát triển kinh tế số đầu tiên là DN, rồi mới đến các lực lượng khác nên Nghị quyết của một khối DN TW cần cần đề cập đến phát triển kinh tế số của Khối DN. Theo đó, cần các mục tiêu có thể cụ thể về đóng góp cho kinh tế, GDP. Các DN trong Khối DN TW là các DN đầu ngành cần cụ thể chiếm bao nhiêu phần trăm của ngành đó.

"DN Trung ương CĐS có hai vai trò là CĐS chính mình và dẫn dắt. Với vai trò DN CĐS chính mình cần nêu rõ trải nghiệm khách hàng và văn hóa số. Với vai trò dẫn dắt, DN trong Khối DN TW cần dẫn dắt các DN nhỏ và vừa (SME) CĐS bởi SME đang chiếm 98% DN Việt Nam, 70% lực lượng lao động, đóng góp 50% GDP cho đất nước. Vậy các DN lớn, đầu ngành nên "sắn tay" hỗ trợ các DN SME. Việc hỗ trợ SME cũng chính là hỗ trợ DN mình vì SME cũng chính là khách hàng của DN lớn" ông Đường cho hay.

Cũng theo ông Đường, DN thuộc Khối DN Trung ương cũng cần đầu tư nghiên cứu công nghệ, sản xuất các nền tảng số phục vụ cho các ngành, lĩnh vực, sau đó có thể dùng các nền tảng, thương mại hóa để thúc đẩy CĐS, ngành, lĩnh vực. Các DN trong Khối cũng cần dẫn dắt, đóng góp phát triển kinh tế nông thôn và đào tạo người dân kỹ năng số cũng để người dân trở thành khách hàng của các DN.

Đề án thực hiện CĐS tại các DN, đơn vị trong Khối DN TW có một số mục tiêu cụ thể:

Đến năm 2025:

- Các DN trong Khối đạt mức độ trưởng thành CĐS trung bình của khu vực ASEAN, có 1/3 số DN thuộc nhóm dẫn đầu CĐS của ASEAN, có 2/3 số DN thuộc nhóm 05 DN dẫn đầu CĐS của cả nước đối với từng nhóm ngành, trong đó có 1 DN công nghệ số có năng lực đi ra khu vực và dẫn dắt quá trình CĐS quốc gia;

- 100% các đảng ủy trực thuộc có nghị quyết chuyên đề lãnh đạo triển khai CĐS và Có Ban chỉ đạo CĐS; đến hết năm 2022 có 100% các DN, đơn vị trong Khối có chiến lược, kế hoạch, chương trình thực hiện CĐS, có đội ngũ nhân lực CNTT đủ năng lực và cơ quan chuyên trách, triển khai CĐS;

- 100% các DN thực hiện ứng dụng công nghệ số trong quản trị thực hiện số hóa dữ liệu và các quy trình nghiệp vụ, quy trình sản xuất kinh doanh cơ bản, năng suất lao động tăng bình quân 7%/năm.

- Tỷ lệ tăng trưởng hàng năm kép (CAGR) đối với chi phí đầu tư cho quá trình CDS của DN đạt tối thiểu 20% trong iai đoạn 2021 - 2025.

- Có 10 DN cơ bản hoàn thành quá trình CĐS, hình thành hệ sinh thái số của DN có khả năng dẫn dắt ngành; Ít nhất 70% các nghiệp vụ có liên quan đến khách hàng của DN có thể thực hiện hoàn toàn trên môi trường số.

- 100% các DN ứng dụng TMĐT trong kinh doanh; các DN bán lẻ phát triển các nền tảng thương mại riêng phục vụ cả chuỗi cung ứng và phân phối không chỉ dừng ở người tiêu dùng.

- Các ngân hàng trong Khối có trên 80% các tài khoản thanh toán thực hiện các giao dịch thanh toán điện tử. Có 1 ngân hàng số nằm trong nhóm 10 ngân hàng số quy mô lớn nhất ASEAN.

- 100% DN sản xuất nông, lâm nghiệp triển khai ứng dụng công nghệ số để tự động hóa quy trình sản xuất, quản lý, giám sát nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm, bảo đảm nhanh chóng, minh bạch, chính xác, an toàn.

Các mục tiêu đến năm 2030:

- 100% các DN, đơn vị trong Khối hoàn thành CĐS, được quản trị và vận hành trên nền tảng công nghệ số. Có ít nhất 2 DN công nghệ số đủ năng lực vươn ra toàn cầu và dẫn dắt quá trình CĐS quốc gia.

- Tỷ lệ CAGR đối với chi phí đầu tư cho quá trình CĐS của DN đạt tối thiểu 20%/năm. Năng suất lao động bình quân 8%/năm.

- Có 15 DN hình thành hệ sinh thái số có khả năng dẫn dắt ngành. Ít nhất 90% nghiệp vụ có liên quan đến khách hàng của DN có thể thực hiện hoàn toàn trên môi trường số./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Các doanh nghiệp Trung ương là đầu tàu CĐS quốc gia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO