Các hạng mục Giải thưởng "Make in Viet Nam” 2024 được đánh giá theo tiêu chí nào?
Theo Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin và Truyền thông, Bộ TT&TT, qua rà soát, tổng số hồ sơ tham gia Giải thưởng “Sản phẩm Công nghệ số Make in Viet Nam” 2024 đạt tiêu chí là 183 hồ sơ.
Giải thưởng “Sản phẩm Công nghệ số Make in Viet Nam” là giải thưởng uy tín, chính thức trong lĩnh vực CNTT-TT của Bộ TT&TT để trao tặng hàng năm cho các tổ chức, doanh nghiệp (DN) Việt Nam có sản phẩm công nghệ số xuất sắc được nghiên cứu, thiết kế, sáng tạo, sản xuất tại Việt Nam nhằm giải các bài toán Việt Nam và đi ra quốc tế.
Giải thưởng năm 2024 sẽ tôn vinh các sản phẩm công nghệ số xuất sắc, mang tự hào trí tuệ Việt Nam, tạo ra động lực mới để tăng trưởng kinh tế, tạo lợi thế cạnh tranh quốc gia và tăng năng suất lao động, tạo ra kết quả thiết thực hơn và toàn diện hơn mang lại giá trị cho người dân và DN trong chuyển đổi số, phát triển kinh tế số cho các ngành, lĩnh vực kinh tế xã hội và các sản phẩm công nghệ số mới.
Giải thưởng cũng tiếp tục tôn vinh các sản phẩm công nghệ số Việt Nam chinh phục thế giới, đóng góp cho sự phát triển của nhân loại và làm thịnh vượng Việt Nam.
Giải thưởng có mục tiêu thúc đẩy, khuyến khích các DN công nghệ số Việt Nam nghiên cứu, thiết kế, sáng tạo và sản xuất các sản phẩm công nghệ số mới; Tuyên truyền, phổ biến, thúc đẩy chủ trương phát triển DN công nghệ số Việt Nam, sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam đáp ứng mục tiêu, nhiệm vụ đề ra tại Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 14/1/2020 của Thủ tướng Chính phủ.
Cùng với đó, quảng bá các sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam tới thị trường trong nước và ra thị trường nước ngoài; góp phần xây dựng thương hiệu quốc gia, sản phẩm chất lượng quốc gia cho các sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam.
8 hạng mục giải thưởng
Giải thưởng “Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam 2024" bước vào năm thứ 5 tổ chức, có 8 hạng mục, gồm: Sản phẩm công nghệ số xuất sắc trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng; Sản phẩm công nghệ số xuất sắc trong lĩnh vực nông nghiệp, tài nguyên và môi trường (TN&MT); Sản phẩm công nghệ số xuất sắc trong lĩnh vực giao thông vận tải (GTVT), bưu chính và logistics; Sản phẩm công nghệ số xuất sắc trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hoá, xã hội; Sản phẩm công nghệ số xuất sắc trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, thương mại, dịch vụ; Sản phẩm công nghệ số xuất sắc cho thị trường nước ngoài; Sản phẩm công nghệ số mới xuất sắc; Sản phẩm công nghệ số tiềm năng.
Trong đó, phạm vi của lĩnh vực công nghiệp và xây dựng gồm: công nghiệp công nghệ thông tin (CNTT); công nghiệp khai thác; công nghiệp năng lượng, chế biến, chế tạo; công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng; xây dựng.
Phạm vi của lĩnh vực nông nghiệp, TN&MT gồm: nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, TN&MT.
Phạm vi của lĩnh vực tài chính, ngân hàng, thương mại, dịch vụ gồm: tài chính, ngân hàng, thương mại, bảo hiểm, du lịch.
Phạm vi của sản phẩm công nghệ số cho thị trường nước ngoài gồm: Các sản phẩm, dịch vụ, giải pháp công nghệ số cung cấp cho thị trường nước ngoài.
Phạm vi của sản phẩm công nghệ số mới gồm: các sản phẩm ứng dụng các công nghệ mới như: 5G, trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (big data), Internet vạn vật (IoT), bán dẫn.
Tiêu chí đánh giá đối các Hạng mục Giải thưởng
Theo Quy chế của Giải thưởng, hạng mục Giải thưởng Sản phẩm công nghệ số xuất sắc trong 5 lĩnh vực: công nghiệp và xây dựng; nông nghiệp, tài nguyên và môi trường; giao thông vận tải, bưu chính và logistics; giáo dục, y tế, văn hoá, xã hội; tài chính, ngân hàng, thương mại, dịch vụ, có các tiêu chí đánh giá là:
Thiết kế, sáng tạo tại Việt Nam, gồm các tiêu chí đánh giá: Tính sáng tạo và độc đáo của sản phẩm, Công nghệ, chất lượng sản phẩm, Công đoạn cốt lõi của sản phẩm do người Việt Nam thực hiện, Tính năng sản phẩm (dễ sử dụng, tương thích, tùy biến, mở rộng,...);
Tác động, ảnh hưởng tới phát triển lĩnh vực, gồm các tiêu chí: Kết quả sản xuất, kinh doanh trong nước; Tác động, ảnh hưởng tới phát triển lĩnh vực)
Trong khi đó, hạng mục Sản phẩm công nghệ số xuất sắc cho thị trường nước ngoài được đánh giá dựa trên tiêu chí:
Thiết kế, sáng tạo, gồm: Tính sáng tạo và độc đáo của sản phẩm; Công nghệ, chất lượng sản phẩm; Công đoạn cốt lõi của nền tảng do người Việt Nam thực hiện; Tính năng sản phẩm (dễ sử dụng, tương thích, tùy biến, mở rộng, đa ngôn ngữ...);
Giá trị đem lại từ thị trường nước ngoài: Bài toán giải quyết; Kết quả sản xuất, kinh doanh; Thị trường khách hàng; Mức độ hài lòng của khách hàng; Khả năng cạnh tranh với các sản phẩm tương đương trên thế giới.
Hạng mục Giải thưởng Sản phẩm công nghệ số mới xuất sắc, có các tiêu chí đánh giá là: Tính an toàn, Tính sáng tạo và độc đáo của sản phẩm, Công nghệ, chất lượng, sản phẩm; Công đoạn cốt lõi của sản phẩm do người Việt Nam thực hiện; Tính cấp thiết của bài toán mà sản phẩm đang giải quyết tại Việt Nam; Mô hình, chiến lược và quy mô thị trường; Tác động kinh tế xã hội.
Hạng mục Giải thưởng Sản phẩm công nghệ số tiềm năng có các tiêu chí đánh giá:
Thiết kế, sáng tạo tại Việt Nam, có các tiêu chí đánh giá, gồm: Tính sáng tạo và độc đáo của sản phẩm; Công nghệ, chất lượng sản phẩm; Công đoạn cốt lõi của sản phẩm do người Việt Nam thực hiện; Tính năng sản phẩm (dễ sử dụng, tương thích, tùy biến, mở rộng,...);
Tác động, ảnh hưởng, có các tiêu chí đánh giá, gồm: Tính cấp thiết của bài toán mà sản phẩm đang giải quyết tại Việt Nam; Mô hình, chiến lược và quy mô thị trường; Tác động kinh tế xã hội; Khả năng mở rộng ra thị trường quốc tế; Khả năng kêu gọi được vốn./.