Các nhà xuất bản tin tức có thể học được gì từ kinh nghiệm chuyển đổi số của Amazon?

Ánh Dương| 13/01/2021 14:00
Theo dõi ICTVietnam trên

Mới đây, Jeff Bezos - tỷ phú công nghệ, được cho là đang đàm phán để mua CNN. Có vẻ như, sau khi mua The Washington Post vào năm 2013 và chuyển đổi số (CĐS) thành công giúp tờ báo này ngày càng phát triển mạnh mẽ, nhà sáng lập Amazon đang có tham vọng mở rộng đế chế truyền thông của mình.

Câu chuyện CĐS thành công tại Amazon cũng như tại The Washington Post liệu có đem lại kinh nghiệm cho các nhà xuất bản tin tức truyền thống đang muốn thay đổi mình?

Các tổ chức tin tức có thể học được gì từ bài học chuyển đổi số của Amazon? - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa)

Ưu tiên chuyển đổi kỹ thuật số

Lần đầu tiên khi được đề nghị mua lại tờ The Washington Post, Jeff Bezos đã trả lời với truyền thông rằng ông không biết gì về báo chí. Tuy nhiên, Donald Graham, con trai của Katharine Graham - nhà xuất bản (NXB) huyền thoại của The Washington Post, giải thích rằng ông có một thứ còn quan trọng hơn rất nhiều đó là kiến thức thông thạo về Internet.

Khi gia đình Graham nhìn về tương lai của tờ The Washington Post, họ đã nhận thấy rằng việc thiếu những bí quyết công nghệ chính là một bất lợi lớn. Họ đã tham khảo ý kiến của các nhà lãnh đạo công nghệ lớn như Steve Jobs, Bill Gates và Mark Zuckerberg về việc làm thế nào để một tờ báo có thể thích ứng hiệu quả với thời đại kỹ thuật số. Và cuối cùng, chính cuộc nói chuyện với Jeff Bezos đã thuyết phục hoàn toàn gia đình Graham, chủ sở hữu lâu năm của The Washington Post, bán nó.

Trong 3 năm đầu tiên sở hữu, Jeff Bezos đã có thể giúp tờ báo này tăng gấp đôi lưu lượng truy cập trang web và có lãi. Jeff Bezos đã tuyển dụng hàng loạt tài năng công nghệ và đảm bảo tờ báo hoạt động hiệu quả trên các nền tảng mới nổi như Reddit và Tiktok. Jarrod Dicker, Phó Chủ tịch Phụ trách công nghệ và phát triển thương mại của The Post, thậm chí còn gọi tổ chức này giờ đây là "công ty công nghệ 100%".

Là một doanh nhân công nghệ, Jeff Bezos đã có nhiều năm kinh nghiệm và kiến thức khổng lồ trong lĩnh vực công nghệ. Điều đó đã mang đến cho The Washington Post rất nhiều lợi thế trong quá trình chuyển đổi và phát triển. Tại Amazon, mọi thứ đều được đo lường và tối ưu hóa, tập trung vào việc tận dụng công nghệ để tạo ra hiệu suất cao.

Trong những năm gần đây, một số tổ chức tin tức truyền thống lâu đời trên thế giới cũng đã bắt đầu áp dụng cách tiếp cận tương tự. Các NXB có thể thành công từ năm 2020 trở đi sẽ là những NXB thể hiện tốt việc chuyển đổi kỹ thuật số trong mọi việc họ làm.

Duy trì tinh thần của "ngày đầu tiên"

Trong những ngày đầu của bất kỳ công ty khởi nghiệp nào, những người sáng lập luôn điều hành mọi thứ. Khi tổ chức phát triển, sự phức tạp cũng sẽ bắt đầu tăng và khi đó nếu các nhà lãnh đạo không đủ sáng suốt thì tổ chức sẽ có nguy cơ trở thành một tổ chức chậm chạp và cứng nhắc. Đây là điều mà chúng ta có thể dễ dàng thấy trong một số tổ chức tin tức truyền thống lâu đời chậm thích ứng với môi trường kỹ thuật số. Để tránh tình trạng này xảy ra, Jeff Bezos đã đặt ra mô hình "Ngày 1 so với Ngày 2", và để Amazon thành công, nó phải luôn duy trì được tinh thần "Ngày đầu tiên".

Những tờ báo thành công sớm trong quá trình chuyển đổi kỹ thuật số là những tờ báo giữ được tâm lý "Ngày đầu tiên". Ngay cả khi thực hiện các nghĩa vụ kế thừa truyền thống, họ vẫn có thể đổi mới và dẫn đầu xu hướng.

Các tổ chức tin tức có thể học được gì từ bài học chuyển đổi số của Amazon? - Ảnh 2.

(Ảnh minh họa)

Và, New York Times là một trong những tờ báo nổi bật. Với tiềm lực tài chính mạnh và một thương hiệu lớn thôi thì không giải thích được sự thành công của tờ báo này. Vào năm 2012, khi gia nhập New York Times với tư cách là Giám đốc điều hành, Mark Thompson đã được bật đèn xanh để thực hiện một loạt những thay đổi cơ bản và triệt để.

Thay vì tạo ra một tờ báo in và sau đó cập nhật lại những bài báo in đó lên trang web để làm báo trực tuyến thì ông đã làm ngược lại. Thay vì định vị tờ báo của mình qua phương thức phát hành, ông đã cố gắng để định vị The New York Times thông qua các giá trị và sứ mệnh của tờ báo đó.

Điều này tương tự như cách thức hoạt động của The Telegraph: cốt lõi của báo chí phải là nội dung, như những gì họ đã làm và thành công trong hơn 160 năm qua.

Độc giả hài lòng họ sẽ sẵn sàng trả phí tin tức

Tại Amazon, mục tiêu của Jeff Bezos không đơn giản là hài lòng với việc đáp ứng kỳ vọng của khách hàng. Thay vào đó, ông muốn nhiều hơn thế và yêu cầu làm sao để có thể đáp ứng vượt trên cả sự mong đợi của khách hàng.

Tập trung vào độc giả đã không còn là nguyên tắc mới đối với các nhà xuất bản tin tức hiện nay, nhưng Jeff Bezos đã đưa điều này lên một tầm cao mới tại Amazon. Ông ấy thậm chí còn chia sẻ địa chỉ email của mình, mời khách hàng viết thư trực tiếp cho ông ấy về những mối quan tâm của họ. Sau khi đọc những email này, ông ấy sẽ chuyển tiếp tin nhắn đến thành viên trong nhóm làm việc có liên quan cùng với một dấu "?". Tại Amazon, mọi nhân viên đều hiểu rằng nếu bạn nhận được dấu "?" từ Jeff Bezos, có nghĩa là bạn phải tạm dừng tất cả mọi việc khác để tập trung đưa ra được giải pháp khắc phục vấn đề.

Đây cũng là một bài học mà Jeff Bezos đã áp dụng cho The Washington Post. Để làm độc giả thích thú, điều quan trọng là phải hiểu họ đang dành thời gian cho điều gì và phù hợp với những trải nghiệm sản phẩm kỹ thuật số nào. Nhiều độc giả đã quá quen thuộc với các nền tảng kỹ thuật số, vì vậy, họ cũng sẽ mong muốn việc đọc tin tức của họ sẽ không có độ trễ, có thể truy cập tin tức một cách thuận tiện và không gặp bất kỳ vấn đề kỹ thuật nào.

Xem phim trên Netflix, nghe nhạc trực tuyến trên Spotify, cập nhật thông tin bạn bè trên mạng xã hội là những hoạt động trực tuyến phổ biến nhất của giới trẻ hiện nay và không có lý do gì họ lại phải đọc tin tức với trải nghiệm khác biệt theo những cách không thuận tiện. Một trải nghiệm sản phẩm kỹ thuật số chất lượng sẽ mang lại cho độc giả sự hài lòng, và Jeff Bezos tin rằng điều này sẽ giúp tăng lượng độc giả đăng ký trả tiền. Đặc biệt, ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc trực tiếp đề nghị độc giả đăng ký trả phí cho việc đọc tin tức.

"Với 20 năm hoạt động trực tuyến, ngành công nghiệp này đã khiến mọi người trên thế giới quen với việc rằng tin tức là miễn phí. Tuy nhiên, độc giả cũng đủ thông minh để hiểu rằng báo chí chất lượng cao phải rất tốn kém để sản xuất và họ sẵn sàng trả tiền để đọc nó, nhưng bạn phải đề xuất với họ. Chúng tôi đã thắt chặt tường phí của mình và mỗi khi chúng tôi thắt chặt tường phí, số lượng đăng ký lại tăng lên", Jeff Bezos chia sẻ.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Các nhà xuất bản tin tức có thể học được gì từ kinh nghiệm chuyển đổi số của Amazon?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO