Các quốc gia cung cấp dịch vụ công trực tuyến như thế nào trong đại dịch Covid-19

Bảo Bình| 29/04/2021 09:59
Theo dõi ICTVietnam trên

Digital Planet phối hợp với The Fletcher School - Tufts University đã nghiên cứu về việc cung cấp dịch vụ công (DVC) trực tuyến (DVCTTT) của các quốc gia trong thời kỳ giãn cách xã hội vì đại dịch, để đánh giá về khả năng cung cấp các DVCTT khi phong tỏa.

Theo đó, các tổ chức đã nghiên cứu về cuộc khủng hoảng kinh tế, xem xét những nền kinh tế nào sẵn sàng khi người dân và doanh nghiệp (DN) phải làm việc ở nhà. Theo Digital Planet, phân tích này giúp các nhà hoạch định chính sách hiểu được vị trí của họ khi chuẩn bị cho các tình huống giãn cách xã hội, đặc biệt khi dịch bệnh có nhiều diễn biến phức tạp với những biến chủng mới của virus, và cả khi đối mặt với các quyết định mở cửa trở lại nền kinh tế và tiếp tục các hoạt động bình thường.

Nếu cần quay trở lại thời kỳ có các chính sách chặt chẽ hơn nhằm chống lại làn sóng đại dịch mới, các quốc gia sẽ hiểu rõ năng lực của mình và điều chỉnh kịp thời. 

Cung cấp các dịch vụ công trực tuyến đòi hỏi hai điều kiện cần thiết: cơ sở hạ tầng - là phần cứng và phần mềm - để các chính phủ có thể cung cấp các dịch vụ công theo phương thức kỹ thuật số. Và thứ hai là sự sẵn sàng của mạng internet với giá cả phải chăng

Cung cấp các DVCTT đòi hỏi hai điều kiện cần thiết: cơ sở hạ tầng - là phần cứng và phần mềm - để các chính phủ có thể cung cấp các dịch vụ công theo phương thức kỹ thuật số. Và thứ hai là sự sẵn sàng của mạng Internet với giá cả phải chăng. (Ảnh minh họa)

Cung cấp các DVCTT đòi hỏi hai điều kiện cần thiết: cơ sở hạ tầng - là phần cứng và phần mềm - để các chính phủ có thể cung cấp các DVC theo phương thức kỹ thuật số. Và thứ hai là sự sẵn sàng của mạng Internet với giá cả phải chăng. 

Digital Planet đã tiến hành chấm điểm và phân loại 42 quốc gia về hai khía cạnh này: (1) DVC kỹ thuật số và (2) Internet toàn diện và giá cả phải chăng. Ngoài ra, Digital Planet đưa ra cái nhìn nhanh về mức độ nghiêm ngặt của các chính phủ trong những chính sách phong tỏa và nhiệm vụ giãn cách xã hội vào phân tích. 

Các nhà nghiên cứu đã chọn ngày 8/4/2020 - một thời điểm không lâu sau khi các trường hợp COVID-19 được xác nhận trên toàn cầu đạt 1 triệu người và 2 ngày sau khi Thủ tướng Anh Boris Johnson phải tiến hành chăm sóc đặc biệt do dương tính với virus corona. Đây là thời điểm tình huống dịch bệnh đạt mức độ nghiêm trọng, khiến các quốc gia phải đưa ra những biện pháp giãn cách nghiêm ngặt và cũng vì vậy, nó mang lại bước ngoặt quan trọng đối với nhiều quốc gia. 

Biểu đồ sau đây cho thấy mối tương quan tích cực mạnh mẽ giữa khả năng cung cấp DVC kỹ thuật số và năng lực Internet với giá cả phải chăng. Chúng tôi kiểm tra một số quốc gia được lựa chọn theo đường chéo từ tệ nhất đến tốt nhất bên dưới.

Các quốc gia cung cấp dịch vụ công trực tuyến như thế nào trong đại dịch Covid-19 - Ảnh 2.

Biểu đồ mức độ sẵn sàng cung cấp các dịch vụ hành chính công trong thời gian giãn cách xã hội vì COVID-19 và phản ứng của các chính phủ vào đợt dịch bệnh lên đỉnh điểm năm 2020 (8/4/2020). Nguồn: sites.tuts.edu

Philippines: trì trệ

Mặc dù Philippines đặt mục tiêu nỗ lực cung cấp các dịch vụ của chính phủ thông qua cổng thông tin một cửa trực tuyến vào năm 2023, các báo cáo cho thấy nước này đang bị chậm tiến độ trong việc triển khai cơ sở hạ tầng số cần thiết. 

Ngoài ra, năng lực Internet toàn diện và giá cả phải chăng của Philippines cũng bị thiếu trước hụt sau, vì vậy công dân của quốc gia này khó có thể tiếp cận các DVC chính trong thời gian bị giãn cách xã hội. 

Số lượng DVC được đưa lên trực tuyến tại Philippines khá ít và trong trạng thái bình thường thì vẫn hoạt động. Tuy nhiên, trong thời gian giãn cách xã hội lại bị gián đoạn. Chẳng hạn đối với dịch vụ yêu cầu giấy khai sinh và khai tử trực tuyến, các văn phòng xử lý đã đóng cửa trong thời gian kiểm dịch cộng đồng tăng cường 48 ngày, khiến công dân không có quyền truy cập vào các tài liệu quan trọng. 

Tình trạng này đặt Philippines trước thách thức khó hoàn thành mục tiêu cung cấp các dịch vụ của chính phủ thông qua cổng thông tin một cửa trực tuyến vào năm 2023, đặc biệt làm thế nào để DVC đến với người nghèo.

Ấn Độ: thẻ Aadhaar - Hệ thống ID quốc gia đầy hứa hẹn 

Chính phủ Ấn Độ đã triển khai thẻ Aadhaar vào năm 2009, một ID sinh trắc học kỹ thuật số, có vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo rằng 1,2 tỷ công dân sẽ được tiếp cận với các lợi ích DVCTT trong thời gian bị phong tỏa. 

Bộ JAM - chính là sự kết hợp của các tài khoản ngân hàng chi phí thấp với thẻ ID Aadhaar và số điện thoại di động, đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc cung cấp các DVC như thực phẩm, trợ cấp và chuyển lợi ích trực tiếp đến tận tay những người cần nó. 

Cổng dịch vụ chính phủ quốc gia tập trung cho phép người dân khai thuế trực tuyến và lấy giấy phép lái xe online, trong khi ứng dụng di động UMANG cung cấp một nền tảng duy nhất để truy cập các dịch vụ e-Gov của Ấn Độ. 

Tuy nhiên, Ấn Độ vẫn còn nhiều việc phải làm khi mới chỉ 40% dân số đăng ký Internet. Do đó, giảm khoảng cách kỹ thuật số, kết hợp nâng cấp giao diện người dùng, sẽ đưa Ấn Độ đi đúng hướng trong việc số hóa DVC.

New Zealand: Chính phủ số phát huy tác dụng mạnh mẽ trong đại dịch

New Zealand đã loại bỏ virus COVID-19 một cách hiệu quả nhờ ban hành các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt, đồng thời dựa vào một chính phủ kỹ thuật số tích hợp, cung cấp các DVC một cách nhất quán. 

Người dân New Zealand có một trang web tập trung để truy cập mọi thứ, từ làm giấy chứng tử, đăng ký các chương trình thực phẩm, truy cập các dịch vụ y tế và nhận các khoản tín dụng thuế bằng cách sử dụng danh tính kỹ thuật số an toàn của họ. Trong thời gian bị phong tỏa, mọi người có thể nộp đơn đăng ký trực tuyến để nhận trợ cấp khủng hoảng và truy cập thông tin chính thức thông qua WhatsApp. 

Các dịch vụ ngày càng được thiết kế đầy đủ và khoa học xung quanh cả hành trình của cuộc đời, như SmartStart dành cho cha mẹ mới và dịch vụ hộ chiếu trực tuyến từ đầu đến cuối đầu tiên trên thế giới. 

Các nhà nghiên cứu cho rằng mặc dù quốc gia này đã xây dựng nền tảng số vững chắc, nhưng nước này cũng nên tập trung vào giải quyết các mối quan ngại kỹ thuật số của một số bộ phận người dân chưa tiếp cận được.

Thụy Điển: sẵn sàng cung cấp DVCTT

Chính phủ Thụy Điển sẵn sàng cung cấp các DVC quan trọng trên môi trường trực tuyến, nhưng Thụy Điển là quốc gia áp dụng các biện pháp chống dịch ít nghiêm ngặt nhất. 

Từ việc lấy giấy khai sinh và khai tử trực tuyến, nhận thư kỹ thuật số an toàn, đến đặt lịch khám bệnh, nộp thuế và yêu cầu trợ cấp thất nghiệp, chính phủ điện tử của Thụy Điển đã được số hóa chặt chẽ. Những nỗ lực kỹ thuật số của Thụy Điển nhằm thúc đẩy hiệu quả dịch vụ khu vực công đã phần lớn thành công với 8 triệu người dùng BankID và 95% dân số sử dụng Internet.

Tuy nhiên, quốc gia gây tranh cãi khi từ chối thiết lập một cuộc đóng cửa hoàn toàn, thay vào đó chính phủ vẫn cho phép cuộc sống hàng ngày tiếp tục như bình thường. 

Singapore: dẫn đầu trong việc số hóa các DVC

Singapore tự hào có điểm số xã hội và DVC kỹ thuật số cao nhất, mặc dù Singapore vẫn duy trì các chính sách phòng dịch khá nới lỏng do thành công sớm trong việc ngăn chặn dịch bệnh. 

Chính quyền thành phố dẫn đầu trong việc số hóa các DVC, với mục tiêu hầu hết các dịch vụ của chính phủ đều có thể truy cập trực tuyến vào năm 2023. Sử dụng chương trình SingPass, người dân có thể truy cập các các phúc lợi an sinh xã hội, thuế, chương trình hưu trí và bảo hiểm y tế - đây chỉ là một phần nhỏ trong số hơn 1.600 dịch vụ trực tuyến và 300 dịch vụ di động. 

Các bậc cha mẹ ở Singapore có thể đăng ký khai sinh, truy cập hồ sơ tiêm chủng và sức khỏe, điều hướng các lựa chọn chăm sóc trẻ em, và nộp đơn xin trợ cấp thuế tất cả ở một nơi. Cư dân thậm chí có thể trả tiền đậu xe trên đường phố và đặt mua thuốc theo toa trực tuyến. Hơn 93% cá nhân và gần 100% DN ở Singapore đã sử dụng các dịch vụ của chính phủ số vào năm 2019.

Với khả năng kỹ thuật và cơ sở hạ tầng số hiện có của Singapore, quốc gia này được trang bị cực kỳ tốt trong tình trạng giãn cách xã hội, đồng thời liên tục thu hút người dân sử dụng DVCTT thông qua các chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng. Các công cụ kỹ thuật số chính để quản lý cuộc khủng hoảng ở Singapore bao gồm các ứng dụng theo dõi liên lạc, hệ thống khai báo sức khỏe và du lịch, giàn kiểm tra nhiệt độ tự động và các quy trình giám sát kiểm dịch nghiêm ngặt.

Theo các nhà nghiên cứu, đại dịch đã đẩy nhanh quá trình ứng dụng các dịch vụ kỹ thuật số và điều quan trọng là các quốc gia phải tiếp tục đầu tư vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật số như hệ thống thanh toán giữa chính phủ với người dân (G2P), để thúc đẩy một cộng đồng công dân gắn bó, đoàn kết và kiên cường.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Các quốc gia cung cấp dịch vụ công trực tuyến như thế nào trong đại dịch Covid-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO