Các sản phẩm, dịch vụ, giải pháp khoa học và công nghệ đột phá phục vụ CĐS quốc gia
Tại Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia diễn ra sáng 13/1, Ban tổ chức đã trưng bày nhiều sản phẩm, dịch vụ, giải pháp khoa học, công nghệ do các nhà khoa học và doanh nghiệp trong nước nghiên cứu phát triển, được thương mại hóa ra thị trường nội địa và xuất khẩu sang nhiều thị trường lớn trên thế giới.
Khai mạc Hội nghị toàn quốc về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số
Sáng 13/1, tại Hà Nội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ (KH&CN), đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số (CĐS) quốc gia.
Hội nghị nhằm đánh giá tình hình thực hiện các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về phát triển KH&CN, quán triệt, triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển KH&CN, đổi mới sáng tạo và CĐS quốc gia, tạo sự chuyển biến mang tính đột phá về nhận thức và tổ chức thực hiện, góp phần đưa đất nước phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tiếp từ điểm cầu Trung ương ở Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội; kết hợp trực tuyến đến 15.345 điểm cầu, với 978.532 đại biểu tham dự ở các Đảng ủy trực thuộc Trung ương; các cơ quan tham mưu, giúp việc của Đảng ở Trung ương, Ban cán sự đảng các bộ, ngành, đơn vị, Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội; các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương… Hội nghị cũng được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam.
Trưng bày nhiều sản phẩm, dịch vụ, giải pháp KH&CN đột phá
Trước đó, tại Hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm và các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương đã tham quan các gian hàng trưng bày nhiều sản phẩm, dịch vụ, giải pháp KH&CN do các nhà khoa học và doanh nghiệp (DN) KH&CN trong nước nghiên cứu phát triển, được thương mại hóa ra thị trường nội địa và xuất khẩu sang nhiều thị trường lớn trên thế giới.
Gian hàng đầu tiên mà đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm và các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước ghé thăm là của Tập đoàn FPT. Để thúc đẩy CĐS quốc gia, Tập đoàn FPT đã đầu tư phát triển hệ sinh thái Made by FPT với hơn 200 sản phẩm, dịch vụ, giải pháp giúp các tổ chức ở các quy mô, các lĩnh vực đẩy nhanh quá trình CĐS, gia tăng năng suất, tiết kiệm chi phí.
Tại gian trưng bày, Tập đoàn FPT đã giới thiệu 2 hệ thống phục vụ CĐS quốc gia. Đó là hệ thống Tap & Go: Sử dụng căn cước hoặc căn cước công dân (CCCD) thay vé tàu; hệ thống dữ liệu lớn liên quan đến lịch sử đơn hàng đã phát sinh giao dịch tại Chuỗi bán lẻ dược phẩm FPT Long Châu và những phân tích thông minh với sự “góp sức” của công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI).
Hệ thống thống Tap & Go là mô phỏng của hệ thống mà FPT triển khai trên tuyến đường sắt đô thị số 1 từ Bến Thành đi Suối Tiên tại TP. HCM. Lần đầu tiên tại Việt Nam người dân có thể dùng căn cước hoặc CCCD đã tích hợp với ứng dụng trong điện thoại thông minh để quét trực tiếp trên hệ thống soát vé ra vào điện tử mà không phải xếp hàng mua vé cứng.
Tập đoàn MK (MK Group) trưng bày 2 sản phẩm, giải pháp công nghệ đáng chú ý: Sản phẩm Camera sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo; sản phẩm Thẻ căn cước điện tử với các tiện ích và ứng dụng cho Chính phủ, DN và người dân.
Trong đó, sản phẩm camera sử dụng AI đã được lắp đặt tại TP. Phú Quốc để giám sát an ninh trật tự. Đây là dự án thí điểm giữa UBND tỉnh Kiên Giang và Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (QLHC&TTXH) trực thuộc Bộ Công an do Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư trực tiếp triển khai thực hiện.
Sản phẩm camera AI có thế mạnh về công nghệ lõi, được nghiên cứu phát triển và sản xuất tại nhà máy tại Việt Nam. Sản phẩm có tính ứng dụng thực tế cao như: giúp định danh xác thực danh tính công dân; đảm bảo an toàn cho du khách tại các khu vực cảng hàng không, cảng biển; quản lý giao thông; quản lý lưu trú tại các khách sạn, nhà nghỉ. Một số lợi ích từ sản phẩm camera AI từ Tập đoàn MK gồm góp phần cập nhật và làm giàu CSDL dân cư, đảm bảo an ninh trật tự, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội
Tại gian hàng của Tập đoàn Công nghệ CMC, Tập đoàn đã giới thiệu 2 sản phẩm công nghệ chiến lược mà CMC đã và đang đầu tư toàn lực, đó là hệ sinh thái C.OPEN AI và CMC Cloud.
Trong đó, CMC Cloud là nền tảng điện toán đám mây Make in Viet Nam được thiết kế và vận hành hoàn toàn bởi đội ngũ kỹ sư Việt Nam. Giải pháp này đã tích hợp các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn,… đáp ứng mọi nhu cầu xử lý dữ liệu từ các DN vừa và nhỏ đến các tổ chức lớn. Bên cạnh đó, CMC Cloud cũng giúp DN và Chính phủ giảm bớt sự phụ thuộc vào các nền tảng nước ngoài, góp phần đảm bảo an ninh dữ liệu quốc gia.
Sản phẩm khác được giới thiệu tại gian hàng là hệ sinh thái C.OPEN AI, một nền tảng AI Make in Viet Nam. Hệ sinh thái này tập trung phát triển các công nghệ lõi nhằm giải quyết các bài toán trọng yếu trong quản lý, vận hành và phát triển kinh tế - xã hội. Hiện có 4 công nghệ lõi ứng dụng trong hệ sinh thái này, gồm: xử lý dữ liệu giọng nói, xử lý dữ liệu ngôn ngữ tự nhiên, phân tích dữ liệu, xử lý dữ liệu thị giác máy tính.
Gian hàng tiếp theo là của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT). VNPT mang đến sự kiện nền tảng VNPT Data Platform, hệ sinh thái VNPT Green, hệ thống cảnh báo thiên tai và hệ thống CSDL ngành Xây dựng.
Nền tảng VNPT Data Platform là sản phẩm do VNPT phát triển và làm chủ với công nghệ 100% Make in Viet Nam. Đây là hạ tầng dữ liệu rất quan trọng trong kỷ nguyên về dữ liệu nhằm cung cấp cho các tổ chức một nền tảng toàn diện để quản trị, quản lý, xử lý và phân tích dữ liệu để phát huy sức mạnh và giá trị mà dữ liệu mang lại. Nền tảng này đã được triển khai tại nhiều địa phương trên cả nước.
Hệ sinh thái VNPT Green giúp ảo hóa hàng triệu mảnh vườn, ao chuồng, nông dân dễ dàng hợp tác liên kết cùng sản xuất theo một quy trình kỹ thuật, cùng mua đầu vào cùng bán đầu ra, phát triển kinh tế tập thể mới.
Hệ thống cảnh báo thiên tai được phát triển từ việc Việt Nam là quốc gia dễ bị tổn thương và chịu nhiều thiệt hại bởi biến đổi khí hậu. VNPT đã hợp tác với các chuyên gia, nhà khoa học từ một số trường đại học, Tổng cục Khí hậu Thủy văn để xây dựng hệ thống này.
Hệ thống CSDL ngành Xây dựng nhằm hiện thực hóa các bài toán nghiệp vụ chuyên ngành xây dựng từ trung ương đến địa phương. Hệ thống áp dụng các công nghệ tiên tiến do VNPT làm chủ như GIS, 3D, 3D scanning, AI giúp quản lý dữ liệu quy hoạch xây dựng, hỗ trợ cảnh báo và ra quyết định cho quy hoạch xây dựng. Hiện hệ thống đã triển khai chính thức cho 6 tỉnh thành/phố và thử nghiệm cho 10 tỉnh,thành.
Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel) hiện cung cấp giải pháp toàn diện cho các cơ quan quản lý nhà nước tại Trung ương trên cả 3 lĩnh vực: Lập pháp (Quốc hội và các cơ quan trực thuộc), Hành pháp (Chính phủ, các bộ, ngành), Tư pháp (Tòa án nhân dân, Viện Kiểm soát nhân dân và các cơ quan hỗ trợ tư pháp). Dựa trên việc làm chủ công nghệ, các giải pháp của Viettel cung cấp đầy đủ, toàn diện trên từ hạ tầng kết nối, hạ tầng công nghệ đến các giải pháp ứng dụng CĐS…
Ở lĩnh vực viễn thông hiện Viettel đang sở hữu hạ tầng lớn nhất với hạ tầng viễn thông băng rộng, phủ sóng 5G 100% trung tâm hành chính của 63 tỉnh/thành, chip 5G DFE do Viettel làm chủ hoàn toàn thiết kế có năng lực tính toán 1 nghìn tỷ phép tính trên giây. Đây là thành phần phức tạp nhất trong khối vô tuyến điện của trạm 5G đóng góp vai trò xử lý thuật toán, điều khiển toàn bộ hoạt động của khối vô tuyến và giao tiếp tốc độ cao với các khối 5G khác.
Gian trưng bày của Văn phòng Trung ương Đảng
Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2025 của Văn phòng Trung ương Đảng mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm đã yêu cầu Văn phòng Trung ương Đảng đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án CĐS trong đảng, gắn với cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả chỉ đạo, điều hành trên môi trường số, đảm bảo các cơ quan đảng phải thực sự tiên phong trong lĩnh vực này.
Quán triệt những chỉ đạo này của Tổng Bí thư Tô Lâm, Văn phòng Trung ương Đảng đang nỗ lực đổi mới sáng tạo, đẩy nhanh tiến độ thực hiện CĐS.
Tại gian trưng bày tại Hội nghị, Văn phòng Trung ương Đảng đã giới thiệu nhiều sản phẩm nổi bật, trong đó có phần mềm phần mềm theo dõi tiến trình Đại hội Đảng bộ các cấp qua ứng dụng VneID với mục tiêu cung cấp công cụ theo dõi tiến độ và quản lý các hoạt động liên quan tới Đại hội Đảng các cấp; giúp cán bộ cơ sở và lãnh đạo đảng tạo các báo cáo tự động, giúp giảm thời gian và công sức xử lý dữ liệu, đồng thời đảm bảo tính chính xác và minh bạch, dễ dàng kiểm soát tiến trình, phát hiện các vấn đề, đưa ra các giải pháp kịp thời, nhằm hoàn thành các nhiệm vụ đúng hạn .
Văn phòng Trung ương Đảng cũng giới thiệu phần mềm góp ý Dự thảo văn kiện đại hội đảng, qua đó tạo nền tảng minh bạch, dễ tiếp cận và khuyến khích mọi tầng lớp nhân dân tham gia đóng góp ý kiến cho các dự thảo văn kiện.
Bên cạnh đó, phần mềm thể hiện sự công khai, minh bạch trong quá trình xây dựng và hoàn thiện các văn kiện quan trọng, giúp củng cố niềm tin của Nhân dân với Đảng và Chính quyền. Công cụ này cũng góp phần tạo kênh tương tác hai chiều giữa Đảng và nhân dân, từ đó nâng cao sự gắn kết và đồng thuận xã hội. Với giao diện đơn giản, trực quan, phù hợp với người dùng, người dân thông qua phần mềm có thể gửi ý kiến từ mọi nơi thông qua các thiết bị như máy tính, điện thoại thông minh, máy tính bảng,…
Gian trưng bày của Bộ Công an về kết quả của Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ CĐS quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06)
Nói về hành trình CĐS quốc gia phải nhắc đến dấu mốc năm 2020 khi Bộ Công an tiên phong xây dựng Dự án CSDL quốc gia về dân cư. Sau hơn 1 năm triển khai xây dựng Dự án, Bộ Công an đã hoàn thành 2 hệ thống, thu thập toàn bộ dữ liệu về dân cư, 104 triệu dữ liệu và thực hiện cấp 50 triệu hồ sơ cấp căn cước công dân gắn chip điện tử, đánh dấu sự trưởng thành của Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư. Đây cũng chính là nền tảng cơ sở quan trọng nhất tạo lập dữ liệu phục vụ triển khai Đề án 06 và tiền đề đột phá trong phát triển KH&CN, đổi mới sáng tạo và CĐS quốc gia./.