Chính sách và chiến lược

Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số cần thể chế hóa đầy đủ Nghị quyết 57-NQ/TW

Văn Toản 06/01/2025 15:42

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị tiếp tục rà soát để thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, vào trong dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số, bảo đảm chất lượng dự án Luật khi trình Quốc hội thể hiện tính chất đột phá trong lĩnh vực công nghệ số.

a1.png
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy báo cáo một số vấn đề về giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số.

Sáng 6/1, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số.

Đề cập về tài sản số, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, có ý kiến đề nghị cần đầu tư nghiên cứu, rà soát kỹ hơn do tài sản số là vấn đề mới, thay đổi nhanh, và nên giao Chính phủ quy định chi tiết. Ý kiến khác cho rằng, cần nghiên cứu để bổ sung quy định về các loại tài sản số trong dự thảo Luật.

Để có thêm cơ sở lý luận và thực tiễn hoàn thiện nội dung này, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã phối hợp tổ chức làm việc với các cơ quan chuyên môn có liên quan. Qua nghiên cứu, trao đổi, thảo luận, Thường trực Ủy ban nhận thấy, tài sản số là vấn đề mới, phức tạp, phát triển, thay đổi nhanh chóng; hiện nay trên thế giới cũng chưa có khung pháp lý quy định đầy đủ về vấn đề này và vẫn còn có quan điểm khác nhau.

Do đó, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, thống nhất quy định khung về vấn đề này (Điều 13 và Điều 14) như khái niệm, phân loại tài sản số dựa trên mục đích sử dụng, công nghệ và các tiêu chí khác; giao Chính phủ quy định phân loại, thẩm quyền, nội dung quản lý tài sản số, cung ứng dịch vụ tài sản số phù hợp với điều kiện thực tiễn.

Về trí tuệ nhân tạo, có ý kiến đề nghị xác định rõ các tiêu chí hệ thống trí tuệ nhân tạo có rủi ro cao, phạm vi tác động lớn, bổ sung quy định về hạn chế rủi ro và các nguyên tắc quản lý rủi ro; ý kiến khác đề nghị bổ sung quy định giao Chính phủ hướng dẫn về vấn đề quản lý rủi ro.

Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thống nhất quan điểm xây dựng quy định quản lý về trí tuệ nhân tạo trong dự thảo Luật dựa trên nguyên tắc quản lý rủi ro đồng thời khuyến khích phát triển, lấy con người làm trung tâm. Nguyên tắc quản lý này được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế.

Về tiêu chí xác định hệ thống trí tuệ nhân tạo rủi ro cao, phạm vi tác động lớn, cơ quan thẩm tra cho rằng, theo Đạo luật Trí tuệ nhân tạo của Liên minh châu Âu, danh mục hệ thống trí tuệ nhân tạo rủi ro cao được xác định trên cơ sở mức độ ảnh hưởng sức khỏe, sự an toàn, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã bổ sung nội dung này, quy định những tiêu chí cơ bản và giao Chính phủ quy định cụ thể về phân loại, thẩm quyền, nội dung quản lý hệ thống trí nhân tạo có tác động, rủi ro cao, trách nhiệm, miễn trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan để bảo đảm linh hoạt trong quản lý, điều hành.

a2.png
Quang cảnh phiên họp.

Về quy định dán nhãn đối với sản phẩm công nghệ số tạo ra bởi hệ thống trí tuệ nhân tạo, theo Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, mục tiêu chính của quy định này là tạo ra dấu hiệu nhận biết (không phải là dán nhãn trên các sản phẩm thông thường) nhằm giúp người dùng nhận biết sản phẩm của hệ thống trí tuệ nhân tạo để có ứng xử phù hợp.

Dự thảo Luật đã chỉnh lý khoản 1 Điều 55 quy định sản phẩm được tạo ra bởi hệ thống trí tuệ nhân tạo phải có dấu hiệu nhận dạng rõ ràng và giao Bộ quản lý chuyên ngành quy định về dấu hiệu nhận dạng; bổ sung điểm d khoản 2 Điều 56 quy định trách nhiệm của nhà cung cấp phải thể hiện rõ ràng dấu hiệu nhận dạng trên sản phẩm được tạo ra bởi hệ thống trí tuệ nhân tạo; lược bỏ quy định tại khoản 2 Điều 55 liên quan đến quy trình, thủ tục dán nhãn để bảo đảm không phát sinh thủ tục hành chính, giảm gánh nặng cho doanh nghiệp, người dân, phù hợp với pháp luật của nhiều quốc gia.

Tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với các nội dung được đề cập trong dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số và đề nghị Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục rà soát để bảo đảm ý kiến của đại biểu Quốc hội, ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp và tại Thông báo Kết luận số 4388 ngày 14/10/2024 được tiếp thu hoặc giải trình đầy đủ, thuyết phục.

Đồng thời, tiếp tục rà soát để thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, bảo đảm chất lượng dự án Luật khi trình Quốc hội thể hiện tính chất đột phá trong lĩnh vực công nghệ số.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng yêu cầu tiếp thu, hoàn thiện chính sách phát triển công nghiệp công nghệ số, quy định tài sản số, cơ chế thử nghiệm có kiểm soát, quy định về công nghiệp bán dẫn, quy định về trí tuệ nhân tạo để đảm bảo tính khả thi, kiểm soát rủi ro và phát triển các lĩnh vực này đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước theo đúng chủ trương của Đảng, phù hợp với điều kiện của Việt Nam.

Theo nhandan.vn
Copy Link
Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số cần thể chế hóa đầy đủ Nghị quyết 57-NQ/TW
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO